Bản Sonata Kreutzer

Chương 23

Docsach24.com
tôi là kẻ rất háo danh: trong xã hội chúng ta nếu như không háo danh thì chẳng còn biết sống để làm gì nữa. Và chủ nhật hôm đó tôi lo chuẩn bị bữa ăn chiều và buổi hòa nhạc sao cho thật đàng hoàng, thanh nhã. Tôi tự mình mua các thức ăn cho bữa chiều và mời khách.

Gần sáu giờ thì khách khứa đến, hắn xuất hiện trong bộ lễ phục với những khuy cài bằng kim cương không hợp màu. Hắn xử sự rất suồng sã, đáp lại mọi câu hỏi một cách hấp tấp bằng nụ cười tỏ ra đồng tình và hiểu biết, ngài biết không, hắn xử sự với cái vẻ làm như tất cả những gì anh làm và nói đều đúng như hắn trông đợi. Mọi thứ ở hắn đều không nghiêm chỉnh, khiến tôi rất hài lòng, bởi tất cả mọi thứ đều cần phải trấn an tôi và chứng tỏ rằng hắn thấp kém so với vợ tôi đến độ, như chính nàng cũng đã nói, nàng không thể hạ thấp xuống như vậy. Tôi không cho phép mình được ghen tuông nữa. Thứ nhất bởi tôi đã quá đau khổ vì điều đó rồi và tôi cần phải nghỉ ngơi, thứ hai tôi muốn tin và cũng đã tin vào những lời quả quyết của vợ tôi. Tuy nhiên, mặc dù không ghen, tôi vẫn không thể tự nhiên với hắn và với vợ trong suốt bữa ăn và phần đầu của buổi dạ hội, khi mà nhạc chưa nổi lên. Tôi vẫn theo dõi từng cử chỉ và ánh mắt của họ.

Bữa ăn chiều, cũng giống như mọi bữa ăn, thật tẻ nhạt và giả tạo. Phần chơi nhạc bắt đầu khá sớm. Ôi, tôi nhớ hết tất cả mọi chi tiết của buổi dạ hội ấy, tôi nhớ hắn mang ra cây vĩ cầm, mở hộp đàn, tháo bao bọc ngoài mà một người đàn bà nào đó đã may cho hắn, lấy cây đàn ra và bắt đầu so dây. Tôi nhớ vợ tôi ngồi xuống với vẻ thờ ơ giả tạo như thế nào, tôi biết nàng cố giấu dưới lớp vỏ thờ ơ đó cảm giác sợ sệt - chủ yếu sợ sệt vì khả năng đàn của mình, nàng ngồi xuống bên cây dương cầm, dạo mấy nốt nhạc quen thuộc để thử đàn. Tôi nhớ sau đó họ nhìn nhau, rồi nhìn xuống khán giả, nói với nhau cái gì đó và bắt đầu chơi. Nàng dạo khúc hòa âm đầu tiên. Khuôn mặt hắn trở nên nghiêm trang và khả ái. Lắng nghe các âm thanh, hắn lướt những ngón tay thận trọng trên các dây đàn và đáp lại tiếng dương cầm. Và thế là bắt đầu.

Pozdnyshev ngừng lại và mấy lần liên tục phát ra những âm thanh của mình. Anh ta muốn nói tiếp, song sụt sịt mũi và lại phải dừng lại.

- Họ chơi bản Sonata Kreutzer của Beethoven. Ngài có biết khúc presto(13) mở đầu bản nhạc đó không? Ngài biết à?! - Anh ra reo lên. - Ôi! Bản nhạc đó thật là ghê gớm. Nhất là phần đầu. Mà nói chung âm nhạc là cái thật ghê gớm. Nó là cái gì? Tôi không hiểu. Âm nhạc là cái gì? Nó tạo nên cái gì? Tại sao nó lại tạo nên cái đó? Người ta bảo âm nhạc nâng cao tâm hồn - đó là điều nhảm nhí, không đúng. Âm nhạc có gây tác động, đó là tôi nói tác động đến tôi, nhưng không phải là làm tâm hồn thanh cao hơn. Âm nhạc không nâng cao, cũng chẳng hạ thấp tâm hồn, mà nó kích thích người ta. Nói thế nào cho ngài hiểu nhỉ? Âm nhạc buộc tôi quên bản thân, quên đi tình cảnh thực sự của mình, nó mang tôi đến một tình trạng khác không phải của mình: dưới tác động của âm nhạc, dường như tôi cảm thấy được cái mà bình thường tôi không cảm thấy, tôi hiểu đươc cái mà bình thường tôi không hiểu, tôi có thể làm được cái mà bình thường tôi không thể. Tác động của âm nhạc cũng giống như người ta ngáp hay cười vậy: tôi không buồn ngủ, nhưng khi nhìn người khác ngáp tôi cũng ngáp theo; không có gì để cười, nhưng nghe người khác cười tôi cũng phải cười theo. Âm nhạc cũng vậy, ngay lập tức, nó đưa tôi vào trạng thái tinh thần của người nhạc sĩ khi viết bản nhạc. Tâm hồn tôi hòa vào tâm hồn ông ta, cùng ông ta đi từ trạng thái tình cảm này sang trạng thái tình cảm khác, nhưng vì sao lại như vậy thì tôi cũng không biết nữa. Cái ông nhạc sĩ Beethoven đã viết nên bản Sonata ấy, ông ta thì biết vì sao ông ta ở trong trạng thái tình cảm đó, trạng thái đó đưa ông ta đến hành động viết nên những nốt nhạc, có nghĩa là đối với ông ta trạng thái đó mang ý nghĩa nào đó, còn đối với tôi thì nó chẳng có ý nghĩa nào cả. Bởi vậy âm nhạc chỉ kích thích và không ngừng lại. Khi người ta dạo khúc quân hành, những người lính bước đều chân trong hàng ngũ, rồi sau đó kết thúc; khi nghe điệu nhạc nhảy, người ta cũng nhảy theo, và điệu nhạc đó đưa đến kết quả; khi nghe hát trong lễ mi-sa, người ta chịu lễ ban thánh thể, âm nhạc lúc đó cũng đạt đến đích. Nhưng ở đây thì khác, ở đây chỉ có sự kích thích và không biết phải làm gì với trạng thái kích thích đó. Vì điều đó mà âm nhạc đôi khi có tác động hết sức khủng khiếp. Ở Trung Hoa âm nhạc là công việc của nhà nước. Mà cần phải như thế mới được. Chẳng lẽ có thể để cho bất cứ ai hễ thích là được thôi miên kẻ khác và sau đó tha hồ làm gì người ta thì làm hay sao. Nhất là nếu như kẻ hành nghề thôi miên đó lại là một kẻ vô đạo đức thì sẽ ra sao?

Âm nhạc là vũ khí khủng khiếp trong tay kẻ biết nắm giữ nó. Như bản Sonata Kreutzer này chẳng hạn, nhất là đoạn presto đó. Có thể nào chơi đoạn nhạc đó trong phòng khách trước các bà mặc áo hở vai được chăng? Nghe xong, các bà vỗ tay, rồi sau đó ăn kem và nói những lời đàm tiếu. Loại nhạc như vậy chỉ có thể biểu diễn trong những khung cảnh trang nghiêm, long trọng, đồng thời đòi hỏi những người nghe phải có những hành vi cũng trang nghiêm xứng với nó. Phải trình diễn và làm theo những điều mà khúc nhạc đó thôi thúc. Còn nếu như diễn không đúng chỗ đúng lúc và có những ý muốn và tình cảm không phù hợp thì khúc nhạc đó không thể làm nên được gì ngoài sự hủy hoại. Ít nhất là đối với tôi, khúc nhạc đó có tác động thật khủng khiếp; dường như trong tôi mở ra những cảm xúc mới mẻ, những khả năng mới mẻ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Cụ thể đó là những tình cảm gì, khả năng gì, tôi còn chưa rõ, nhưng ý thức về trạng thái mới mẻ đó làm tôi vui sướng. Vẫn những khuôn mặt đó, trong đó có vợ tôi và hắn, nhưng tất cả đối với tôi hiện ra dưới ánh sáng hoàn toàn khác hẳn.

Hết đoạn presto đến khúc andante hay nhưng không có gì mới mẻ, với những biến tấu tầm thường, và chương cuối thì hoàn toàn dở. Sau đó họ chơi theo yêu cầu của khách bản bi ca của Ernst và vài bản nhạc nhẹ nhàng khác. Tất cả đều rất hay, song chỉ gây ấn tượng bằng một phần trăm ấn tượng mà khúc dạo đầu presto của bản Sonata gây nên. Chúng chỉ là dư âm của ấn tượng ban đầu. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui vẻ suốt buổi tối đó. Còn vợ tôi thì, tôi chưa từng thấy nàng như thế bao giờ: đôi mắt sáng ngời, bộ điệu nghiêm trang, trịnh trọng khi nàng chơi đàn, và vẻ xúc động với nụ cười yếu ớt, tội nghiệp nhưng hạnh phúc sau khi họ chơi xong. Tôi trông thấy tất cả, nhưng không hề gán cho chúng ý nghĩa nào khác ngoài việc cho rằng nàng cũng trải qua những cảm xúc như tôi, rằng nàng cũng phát hiện ra trong mình những tình cảm mới chưa từng biết đến. Buổi dạ hội kết thúc mỹ mãn, và tất cả ra về.

Biết tôi hai ngày sau sẽ phải về quê dự đại hội của hội đồng tự quản địa phương, khi chia tay, Trukhachevsky nói rằng hắn hy vọng lần đến sau lại có cơ hội làm vui cho chúng tôi như tối hôm nay. Lời hắn khiến tôi kết luận là hắn không cho rằng có thể có mặt ở nhà tôi khi tôi đi vắng, và tôi cảm thấy dễ chịu vì điều đó. Thì ra, vì tôi sẽ không trở về nhà trước khi hắn rời Moskva, nên tôi sẽ không còn gặp hắn nữa.

Lần đầu tiên tôi thành thực vui vẻ khi bắt tay hắn và cảm ơn hắn đã cho chúng tôi một tối thú vị. Hắn cũng chia tay từ biệt vợ tôi. Tôi thấy cuộc chia tay của họ hoàn toàn tự nhiên và đứng đắn. Mọi thứ đều tuyệt diệu. Cả tôi và vợ đều rất hài lòng vì buổi dạ hội.

Chú thích


13. Rodolphe Kreutzer (1766 -1831) nhạc sĩ, nghệ sĩ vĩ cầm và nhạc trưởng người Pháp, là một trong những người sáng lập ra trường phái vĩ cầm Pháp thế kỷ 19. Beethoven đã viết tặng ông bản Sonata dành cho vĩ cầm và dương cầm (Bản Sonata Kreutzer). (ND)