Băn khoăn

Phần 3

III

Liên nằm đườn trên ghế mây dài, hút thuốc lá thơm và uể oải đọc một tờ tuần báo mới xuất bản. Bỗng nàng bảo mọi người:

- Ồ chiếu lại phim Chicago! Em phải đi mới được.

Phim ấy Cảnh đã coi rồi, và cũng không thích lắm. Nhưng đương tìm cách để đi chơi với Liên đêm nay, chàng liền hưởng ứng cái "ý hay" của nàng!

- Thế à! Phim ấy đẹp lắm kia đấy, tôi cũng phải đi xem mới được. Vậy tối nay tôi lại đón anh chị cùng đi nhé?

- Xi-nê nào thế?

Liên đọc lại quảng cáo và cười nói:

- Xin lỗi anh, đây là mục chiếu bóng ở Hải Phòng.

Cảnh nghiễm nhiên đáp:

- Ở Hải Phòng thì đi Hải Phòng chứ sao?

- Ừ phải đây, đi Hải Phòng ăn cơm chiều, rồi xem xi-nê. Đi cả nhé?

Chí đáp:

- Tôi xin kiếu, vì bận.

Liên cười:

- Về phần em thì cố nhiên là em nhận lời.

- Còn anh Đoan, anh Thứ cũng cố nhiên nhận lời nốt chứ?

Thứ trả lời vắn tắt:

- Cố nhiên.

Còn Đoan thì nhe hàm răng trắng và đều ra cười một cách rất ngây thơ. Đó là câu trả lời lặng lẽ của chàng. Không bao giờ chàng có can đảm từ chối Liên được, dù những điều Liên yêu cầu ngộ nghĩnh đến đâu mặc lòng. Chẳng thế mà một dạo chàng đã để Liên dựa vào diễn kịch để sống chung lẫn lộn với một bọn thiếu niên kịch sĩ, dù trong thâm tâm chàng rất ghét kịch. Chàng chỉ sợ làm phật lòng Liên và hễ Liên hơi buồn phiền là chàng đã lo rằng con chim xanh sắp sửa xổ lồng bay đi lang thang một vài tuần lễ.

Trong đám đi lại chơi bời, Cảnh và Đoan là đôi bạn thân nhất có lẽ vì hợp tính, cái tính nhẹ dạ, chỉ biết có hiện tại, và nghĩ tới thỏa lòng vật dục, nhưng nhất là vì hai người cùng ở trong một giai cấp xã hội, cái giai cấp trưởng giả mới của buổi giao thời.

Ông Quản, sinh ra Đoan, xuất thân làm thư ký cho một hãng buôn, sau dần dần thạo việc, đứng quản lý cho một cửa hàng sắt.

Bỗng xảy ra trận Âu chiến năm 1914. Giá sắt cao vọt lên. Tức thì nhờ lưng vốn người, và nhận được lòng tín nhiệm của khắp nơi quen biết, ông Quản ra kinh doanh, tự mở một cửa hiệu bán sắt. Và chỉ trong vòng một năm đã gây nên một tư sản lớn.

Chiến tranh kéo dài. Và trong thời kỳ chiến tranh, hàng gì, vật liệu gì giá cũng lên rầm rầm. Ông Quản liền mở rộng phạm vi thương mại, và không buôn bán một thứ sắt nữa. Bất cứ buôn gì, quý hồ có lãi. Bất cứ buôn bằng cách nào quý hồ trôi chảy. Bất cứ với thứ khí giới nào, quý hồ công hiệu. Đó cũng là một cuộc chiến tranh mà ông hăng hái lăn sả vào, nguy hiểm chẳng kém cuộc bắn giết bằng súng đạn tàu bè, máy bay mà kẻ khác đang liều mạng, xông pha. Chăm chỉ khôn khéo, can đảm, táo bạo, lừa lọc, gian trá, đó hoàn toàn là những đức tính cần cho bọn chiến sĩ trên thương mại nhất thời ấy, và chiến lược của họ chỉ có một: Đầu cơ.

Chiến tranh kết thúc. Ông Quản thầm reo: "Thắng trận!" Sau bốn năm gian lao, vào sinh ra tử, ông ta đã kiếm được món lời gần trăm vạn.

Ông Quản có bốn con trai. Người nào cũng theo học bực trung đẳng, và hai người lại được sang Pháp nữa. Nhưng trừ một mình Đoan, ai nấy đều phá ngang ra kinh doanh thương mại, mặc dù ông Quản bắt buộc phải đi theo cho tới tận đích. Đích nghĩa là cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay kỹ sư, bác sĩ.

Đoan là con út, người con không phải thông minh nhất. Ông Quản cho con học không có mục đích gì khác là để con tóm được mảnh bằng cao. Nếu nhờ được được mảnh bằng ấy con ông xuất chính được càng hay, càng danh giá cho ông, bằng không thì nhà ông cũng đủ đẹp đẽ trong phạm vi gia đình, trong thế giới học vấn mà ông khao khát thèm muốn, tuy đã hoàn toàn nhờ về những cái rất xa nền học vấn, trái ngược hẳn với nền học vấn mà ông có cái cơ nghiệp vĩ đại kia. Như thế, ông còn có mục đích khi bỏ tiền nghìn bạc vạn ra cho con đi học. Đến như Đoan thật không có mục đích gì. Không nói thời ít tuổi, lúc được cha vận động xin cho học trường trung học Albert Sarraut, trường cao quý nhất, theo ý nghĩ ông Quản. Một nhà tai mắt như ông mà không cho được con vào học trường ấy thì đó là một sự hổ thẹn, một sự mất danh giá đối với bọn trưởng giả. Mãi lúc con đậu tú tài văn chương và triết học, ông mới biết rằng con ông đã theo đuổi riêng về văn khoa. Mà Đoan cũng không hiểu tại sao mình đã bỏ khoa học và chọn văn chương. Sự thực thì chàng chẳng kén chọn gì cả. Ngẫu nhiên mà chàng lần lần theo học tới bực tú tài. Tới đây, Đoan đã lớn tuổi và đã biết chọn lấy môn mình thích hay hợp với tương lai của mình.

Chàng chọn trường thuốc. Không phải vì chàng sính làm bác sĩ, nhưng vì thấy vào trường ấy được học lâu năm nhất: "Đỗ ra cũng chả làm trò trống gì, học đấy được mỗi điều sung sướng là chưa cần phải vội nghĩ đến lúc ra, sáu bảy năm còn chán".

Nhưng sáu bảy năm cũng qua, dù qua một cách chậm chạp, và Đoan có lòng tự ái hơn Cảnh, nên không thể chịu được cái nhục hỏng thi và chàng muốn thi cho xong để còn sang Pháp trình bày luận đề bác sĩ.

Rồi sau hai năm thỏa mãn ở Paris chàng trở về nước.

Việc thứ nhất của ông Quản là về làng ăn khao linh đình, việc thứ hai là xuất vốn cho con mở bệnh viện. Có con mắt kinh doanh ông không chịu bỏ lỡ một dịp kiếm tiền. Ông biết cái nghề ấy lời lắm, nhất là con ông lại "Tốt nghiệp tại trường Đại học Paris". Hàng chữ mà bác sĩ không quên nêu trên danh thiếp và cái biển đồng sáng láng treo ở trước cửa bệnh viện.

Song tới đây, cái mục đích là người ta muốn chàng đạt tới thì Đoan đã đạt tới rồi. Chàng đã đậu bác sĩ làm vẻ vang cho thân, cho nhà, và nói huênh hoang hơn cho nước. Như thế chàng cũng đã mệt nhọc lắm, nay phải để cho chàng nghỉ ngơi, phải để cho chàng hưởng lạc thú ở đời mà bấy lâu vì việc học chàng đã phải ép lòng hờ hững. Bắt chàng ra kinh doanh sau gần hai muoi năm đèn sách thì thực bất công, thực tàn nhẫn đối với nhân tài trong nước.

Ngặt một nỗi nếu không làm gì cả thì cha lại không bỏ vốn ra, thành thử không tiền chàng cũng chẳng có thể hưởng một chút lạc thứ gì. Chàng đành phải "nhúng tay vào việc". Đó là một cách nói, sự thực, chàng chỉ sửa sang một bệnh viện thực lộng lẫy có đủ hết các khí cụ tối tân. Thế thôi, còn chữa bệnh là việc phụ. Đối với bệnh nhân, chàng cố giữ một vẻ mặt lạnh lùng, khinh khỉnh, tuy bản tánh chàng rất dễ dàng và vui vẻ.

Chàng làm thế nào để cho người ta bảo nhau không đến chàng nữa. Mời chàng đi chữa bệnh ban đêm thì bao giờ chàng cũng thoái thác. Chẳng bao lâu chàng được như ý nguyện làm một ông thầy thuốc không người ốm, hay một ông thầy thuốc tốt chỉ chữa cho bạn bè và các cô xinh đẹp, vì chàng không có can đảm từ chối một người đẹp bao giờ.

Cảnh gặp Đoan cũng do một sự ngẫu nhiên. Hôm ấy, đi chơi khuya gặp mưa chàng đương đứng ẩn dưới mái hiên một nơi bệnh viện để chờ gọi xe. Giữa lúc ấy Đoan về, bấm chuông và trông thấy chàng liền hỏi:

- Ông đến nhờ tôi đi chữa bệnh?

Cảnh đáp:

- Phải... Chính tôi đến chữa bệnh?

Đoan chau mày:

- Sao ông đến khuya thế?

Cảnh cười:

- Vì mãi khuya tôi mới có bệnh.

- Bệnh gì?

- Một bệnh nặng lắm.

Người nhà ra mở cửa. Bất đắc dĩ Đoan phải mời Cảnh vào phòng khách. Chàng hỏi rằng:

- Mắc bệnh gì mà đến chữa một cách quá cần kíp như thế.

Cảnh tò mò nhìn ông thầy thuốc kém lễ phép, và chàng thong thả, trang nghiêm đáp:

- Tôi mắc bệnh lạ lắm. Hễ cứ ăn no quá là y như bụng ậm ạch khó chịu, nhưng chỉ độ hai giờ sau lại như thường, như không mắc bệnh gì cả, cho đến khi đói lại muốn ăn mà ăn rất khỏe.

Cảnh tưởng trêu tức ông thầy thuốc đáng ghét, nhưng Đoan không tỏ chút bực mình. Hơn nữa chàng như chăm chú lắng tai nghe lời kể bệnh, rồi thản nhiên lấy giấy bút kê đơn. Cảnh cố giữ mới không phá lên cười. Chàng mến thích ngay ông thầy thuốc ngộ nghĩnh, và chàng đùa bỡn hỏi:

- Bệnh liệu có nặng không?

Đoan vừa viết vừa trả lời:

- Cũng nặng nhưng không nặng lắm.

Rồi đưa đơn thuốc cho Cảnh:

- Tôi phải nộp ông bao nhiêu?

Đoan đáp vắn tắt:

- Năm đồng.

Cảnh mở ví lấy tiền. Nhưng Đoan gọi:

- Không vội. Trả sau cũng được. Bây giờ thì mời ông về nhà đi ngủ.

Cảnh lắng tai nghe mưa rào:

- Tôi nằm lại ở bệnh viện để tiện chữa có được không?

- Được.

Đoan bấm chuông, gọi một cô khán hộ, giao Cảnh cho cô, rồi hấp tấp bước lên gác. Đó là một thiếu nữ chừng hai mươi tuổi, có duyên hay nói chuyện. Nhờ thế, không cần hỏi, Cảnh cũng biết bệnh viện độ này vắng quá và "quan đốc" nhà giàu lắm. Cảnh bắt chuyện rồi hỏi một cách rất tự nhiên xem cô khán hộ có thể kiếm đâu ra được một chai bia, làm cô ta bật buồn cười đáp: "Đây không phải là hàng rượu, dù là rượu bia đi nữa". Cảnh bảo cô khán hộ lên gác hỏi quan đốc và nếu được phép thì bảo đi mua ngay cho nửa tá. Chàng kinh ngạc xiết bao khi thấy cô khán hộ trở lại, tay cầm cốc rượu, tay cầm chai bia rót dở. Rồi một lát sau chính Đoan tới gọi lấy cốc để cùng uống với Cảnh. Thế là ông thầy thuốc và người ốm bắt đầu làm quen nhau, để chẳng bao lâu trở nên một đôi bạn thân vào bậc nhất.

Có điều này hơi cảm động và đáng tức cười trong tình bằng hữu của hai người là người nọ thấy người kia chơi bời quá độ, họ cũng khuyên can lẫn nhau nên bớt chút thì giờ ham chơi mà nghĩ tới công việc. Đoan bảo Cảnh: "Cố đỗ cho xong cái phần thứ ba cử nhân luật đi, rồi ra làm thầy cãi". Cảnh bảo Đoan: "Anh chả nên bỏ phí cái bệnh viện đẹp đẽ của anh. Phải tổ chức lại mới được". Một sự lạ, chính nhờ ở bọn nhẹ dạ mà bệnh viện của Đoan vẫn lời, mà Đoan đã có người giúp việc, nhưng kỳ thực người ấy làm hết các việc trong khi Đoan chỉ nghĩ đến chơi bời thỏa thích.

Trong bọn tình nhân, Đoan yêu nhất Liên, yêu đến nỗi bị Liên áp chế, bảo sao nghe vậy. Rồi chẳng lâu Liên một mình chiếm lấy anh tình nhân sẵn tiền và hai người chung sống với nhau như vợ chồng chính thức. Có khác đôi chút là thỉnh thoảng Liên lại bỏ nhà đi lang thang một dạo. Lúc về Đoan cũng chẳng hỏi đã đi đâu, mà đi với ai. Chàng chỉ yêu hơn trước mà thôi. Anh em thường chế giễu chàng. Cho chàng là si là ngốc. Chàng chỉ cười và đáp: "Liên yêu tôi hơn hết cả bọn tình nhân của Liên, cũng như tôi yêu Liên nhất trong đám tình nhân của tôi. Một chứng cớ rõ rệt là Liên không ở với ai lâu bằng ở với tôi, hơn thế, Liên chỉ có thể sống ở bên cạnh tôi lâu mà không chán hẳn".

Sự thực thì, trừ Cảnh ra, không một người bạn thân nào của Đoan mà lại không là tình nhân của Liên. Cảnh cố giữ lòng đoan chính đối với nhan sắc, cái lẳng lơ quyến rũ kia, nhưng lần lần chàng thấy cũng sắp sa ngã nốt. Chàng cho đó là số mệnh và đành nhắm mắt vâng theo, chứ không còn thể chống sao nổi số mệnh. "Nếu không thì mình đã không đi Hải Phòng tối hôm nay với Liên và Đoan". Chàng luận lý như thế.

"Muốn thì được!" Cảnh thường nói. Mà khi người ta giàu như Cảnh thì người ta lại càng dễ được cái người ta muốn. Vì thế mà ngay đêm hôm ấy Cảnh đã trở nên tình nhân người yêu của bạn. Khi đã phạm tội, hai người ngỏ với nhau những ý riêng của mình, rồi ôm nhau cười ngất. Liên bảo Cảnh:

- Đối với bọn chúng ta chả còn cái gì chúng ta cho là thiêng liêng nữa.

Cảnh lạnh lùng:

- Rõ em khéo nói kiểu cách!... Và ở cái thời khoa học này, đến thần thánh cũng đã mất hết thiêng liêng đối với lòng tín ngưỡng thành kính của người đời, thì còn cái gì đáng gọi là thiêng liêng nữa. Họa chăng chỉ có cái tính xác thịt, cái thú vui hiện tại đáng gọi là thiêng liêng cho một cái gì.

Cảnh trở về nhà giữa lúc Oanh vừa ngủ dậy. Nhác trông thấy em chàng mỉm cười mệt mỏi. Nhưng chàng chợt nhớ lại câu chuyện đã làm, chàng băn khoăn từng lúc trong khi ngồi xem chiếu bóng ở Hải Phòng. Chàng lại gần em hỏi sẽ:

- À Oanh, câu chuyện ấy có thực à?

Oanh chau mày, cắn môi nghĩ ngợi:

- Câu chuyện gì kia anh?

- Câu chuyện papa lấy vợ ấy mà!

- Lại chả thật! Em có nói dối bao giờ đâu. Hình như cô ta là con gái một người đàn bà góa, vợ kế một ông Án.

Cảnh mỉm cười ngờ vực:

- Cô ta? Vậy cô ta trẻ lắm sao?

- Hình như trẻ, trẻ lắm, đâu hăm mốt, hăm hai chi đó... mà hình như đẹp lắm thì phải.

Sau một cái ngáp, Cảnh bật cười:

- Đẹp! Đẹp như cô D... hay cô M... của thầy là cùng chứ gì.

Oanh giọng trách móc:

- Anh dở hơi quá! Các cô ấy khác, đằng này hoàn thầy lấy vợ kia mà.

- Ô! Khác quái gì!... Vả lại chẳng nhẽ thầy lấy cô ta vì gia tài, vì món hồi môn của cô ta? Thầy giàu có tới ngoài trăm vạn, thầy còn cần gì tiền hồi môn.

Oanh vội gạt:

- Không phải thế. Nhưng thầy không thể vì yêu người ta mà lấy người ta được ư?... Sao lại cứ phải vì tiền? Vả lại việc này nhất định không phải vì tiền rồi. Bà Án trước kia nghe đâu cũng vào bực giàu nhất vùng Thái Bình. Nhưng góa chồng đã hơn mười năm nay, bà ta chỉ ngồi mà ăn tiêu. Người ta nói bà ăn tiêu đế vương lắm. Tiệc tùng luôn luôn, đãi tiệc ấy, mỗi bữa như thế tốn tới bạc nghìn chứ có phải ít đâu. Anh tính giàu như thầy đã dễ dám hoang phí đến thế.

- Ấy là em mới nói hình như đó thôi.

- Không, việc này chắc chắn có, vì chính người làng bà ta kể với em.

- Nhưng bà bao nhiêu tuổi?

- Đâu vào khoảng bốn nhăm bốn sáu.

Cảnh cười nói:

- Vậy sao thầy không lấy quách bà ta mà lại lấy con bà ta?

- Chuyện anh cám hấp chết đi ấy. Người ta là cụ lớn ai lại đi tái giá.

- Dễ thầy không là một cụ lớn đây hẳn. Thời buổi này cụ lớn bằng gì cho bằng cụ lớn tiền! Em phải biết rằng vì tiền mà thầy có thể lấy được con bà ta thì sao vì tiền thầy lại không thể lấy được bà ta; thích tiêu tiền, thích phá của, vậy thầy còn thừa của để cho bà ta phá sướng tay.

- Chính! Gả con gái cho thầy, bà ta cũng mong được thế.

Rồi chàng vội vàng lên gác. Bỗng chàng dừng lại trên cầu thang cúi xuống hỏi:

- Nhất định vào Sầm Sơn chứ?

- Nhất định.

- Vậy em sắm sửa cho người vào trước dọn dẹp. Rồi chiều chúng mình sẽ vào.

- Sao hôm qua anh bảo chín giờ sáng hôm nay?

- Nhưng anh buồn ngủ lắm.

Dứt lời Cảnh uể oải bước lên gác.