Băn khoăn

Phần 11

PHẦN THỨ HAI

I

Tuy tối hôm trước thức khuya, sáng hôm sau Hảo cũng dậy sớm.

Dậy sớm đối với nàng đã thành thói quen trong liền bốn năm gần đây, từ khi nàng bắt đầu luyện tập thân thể. Thời ấy nàng mười bảy. Một hôm mẹ nàng thết tiệc, mời các quan Pháp, Nam ở tỉnh về dự. Thết tiệc là một nhược điểm của người đàn bà góa, hầu như một thị hiếu có từ khi còn sinh thời chồng. Cố nhiên có khiêu vũ, tuy bà Án không biết "nhảy". Hảo thì đã được người anh họ dạy cho vài điệu dễ và nàng hãy còn e lệ - sự e lệ tự nhiên của cái tuổi mới lớn lên - nên chỉ giữ việc ngồi đặt đĩa vào máy hát.

Một người Pháp trẻ tuổi đến nói chuyện với nàng - Hảo nói tiếng Pháp khá thạo, tuy chỉ mới theo hết các ban Sơ học Pháp Việt - và khen cái nhan sắc của nàng. Người ấy lại bảo nàng: "Cô nên tập khiêu vũ vì khiêu vũ cũng là một môn thể thao. Cô sẽ nhờ môn thể thao ấy mà có một tấm thân nở nang, mạnh mẽ vì cô nên biết rằng có dung nhan xinh đẹp không đủ, phải có thân thể xinh đẹp nữa mới hoàn toàn là một mỹ nhân".

Tuy đó chỉ là một câu tán tụng, và Hảo cũng biết thế, nhưng nàng đột ngột tìm ra được một khuyết điểm của nhan sắc mình. Từ đó nàng chăm luyện tập và sung sướng thấy thân thể mình một ngày một thêm cân đối, da dẻ mình một ngày một thêm hồng hào.

Đẹp, đó là mục đích của đời nàng. Nàng cho một thiếu nữ không đẹp thì không thể nào sung sướng được. Thông minh, có học vấn càng hay, nhưng thiếu cái nhan sắc cần thiết thì thông minh, học vấn cũng bằng thừa, cũng vứt đi. Thông minh, học vấn chi để làm tôi tớ cho nhan sắc mà thôi. Muốn đắc thắng, muốn có một tương lai vẻ vang, trước hết cần phải đẹp.

Hảo tin chắc như thế, vì luôn luôn nàng nhớ lại, nàng ngắm lại cái đời quá khứ vẻ vang của mẹ.

Mẹ nàng xưa là con một gia đình bán hàng tấm ở phố Hưng Yên. Thời bấy giờ Đào, tên mẹ nàng, nổi tiếng là đẹp nhất tỉnh và nhiều người lăm le muốn hỏi làm vợ, về sau nàng vào tay ông phủ Khoái Châu. Ông này đã có vợ cả, nhưng đó là một người đàn bà nhà quê hiền lành, và chỉ ham mê việc làm ruộng.

Vì thế, bà cả bỏ về làng và chỉ ba năm sau bà chết. Từ đó, tuy không chính thức kết hôn, Đào cũng nghiễm nhiên trở nên vợ kế ông quan họ Đặng đã thăng chức Án sát.

Bản tính thông minh, lại hay giao thiệp chơi bời với khắp các bà trong đám quan liêu, nàng đã đóng được vai bà lớn rất ra vẻ đường bệ và hách dịch. Đến nỗi ông Án cũng tự thú rằng lấy được nàng, ông thực nhẹ mình nhẹ mẩy. Ông là người quảng giao, thích khách khứa, tiệc tùng, thì người vợ của ông cáng đáng việc thết đãi cho ông được hoàn toàn chu đáo, hơn lòng ông ước nguyện. Điều đó cũng dễ hiểu, xa hoa vẫn là một thị hiếu của người đàn bà kia ngay từ thời người ấy còn là một thiếu nữ ở nhà cha mẹ.

Hảo mười tuổi thì cha nàng hồi hưu về làng sống trong một tòa lâu đài lộng lẫy, kiểu Âu Tây. Cuộc đời xa hoa vẫn tiếp tục. Ba năm sau, ông Án mất. Bẵng đi hơn hai năm tang chồng, miễn cưỡng sống trong sự giữ gìn, trong sự yên lặng, cái đời ầm ỹ vui thú của người đàn bà góa lại bắt đầu. Cái nhan sắc bốn mươi, vẫn còn đủ lộng lẫy để làm tôn những bàn tiệc long trọng.

Cái gia sản hơn chục vạn của chồng để lại tưởng tiêu không bao giờ hết, ngờ đâu mới thấm thoát có bốn năm trời đã hao hơn quá nửa. Người đàn bà chợt như tỉnh một giấc mộng và âm thầm nhớ đến câu tục ngữ:

"Ngồi mà ăn thì núi cũng lở".

Trước kia bà không hẳn chỉ ngồi mà ăn. Bà cũng cho cấy thuê cấy rẽ gần trăm mẫu ruộng, nhưng lợi tức không thấm vào đâu với sự tiêu hoang phung phí, vì thế bà đem bán dần dần để có những món tiền phải cần dùng đến. Bán mãi cho tới ngày nay, ba phần bà không còn lấy một. Bà giật mình, vì chỉ làm qua một phép tính nhỏ là cũng thấy rằng chẳng bao lâu số ruộng còn lại sẽ hết. Đó là cái cớ chính khiến bà thiên gia đình lên Hà Nội. Lên ở Hà Nội, bà cũng chưa có mục đích buôn bán, kiếm lợi để cứu vãn lại tình thế nguy ngập đã bắt đầu. Lên ở Hà Nội chỉ cốt xa lánh một nơi nguy hiểm, còn ở làng bà còn phải tiêu pha rộng rãi, bà còn phải nay tiệc tùng mai khiêu vũ. Nếu bà bỗng thôi đi, người ta sẽ cho rằng bà sa sút, vả lại ở làng bà cần giữ thể diện, giữ oai vệ, của một bà quan to.

Mà thể diện, oai vệ bà cho chỉ có thể giữ bằng tiền, bằng ăn uống linh đình, bằng tiêu pha rộng rãi, bằng quà cáp biếu xén: sống tối tăm, sống lụi xụi, của một người đàn bà góa, thì sẽ bị người ta coi thường ngay. Thôi! Còn gì là thanh danh một bà đường quan hách dịch. Bỏ làng lên Hà Nội, tức là đến một nơi bình đẳng. Ở Hà Nội bà tiêu một tháng ba bốn trăm hay năm sáu chục cũng chẳng ai biết đấy là đâu mà dẫu biết, người ta cũng chẳng bình phẩm lôi thôi, ở Hà Nội sẽ chẳng phải mua chuộc ông nọ ông kia.

Bà đã tưởng bà sẽ bỡ ngỡ, sẽ khó chịu, sẽ thất vọng với cái đời sống mới này. Nhưng không, ngay buổi đầu bà làm quen, bà thân mật với nó ngay, nó không buồn tẻ như bà lo lắng.

Mà được thế là nhờ ở Hảo, con gái bà.

Hảo, đó là một cớ, cái cớ thứ hai khiến bà lên Hà Nội là Hảo đã hai mươi tuổi, cái tuổi già dặn của một thiếu nữ chưa chồng, chưa vị hôn phu, chưa cả ý trung nhân. Phải đâu Hảo không có nhan sắc! Trái lại thế, nhan sắc Hảo là thứ nhan sắc đặc biệt, nhan sắc lộng lẫy của hạng người sống cuộc đời phô trương, chứ không phải nhan sắc thùy mị ngây thơ của các cô sống đời rụt rè trong chốn phòng khuê những gia đình quan cổ.

Hảo đẹp, bà Án biết thế. Bà cũng không thể không biết rằng có nhiều đám ngấp nghé muốn dạm hỏi, nhưng còn chưa dám ngỏ lời, vì thấy hai nơi con nhà quyền quý đều không được Hảo ưng thuận. Bà mẹ tự hỏi thầm: "Chẳng hay nó định kén chọn hạng nguời nào?" Bà bàn với Hảo về việc hôn nhân của con, thì nàng chỉ trả lời vắn tắt: "Thưa mẹ, chưa muộn". Chưa muộn! Ngoài hai mươi rồi còn chưa muộn à? Bà biết thế nhưng không dám ép nài; bà như vì nể, sợ sệt con.

Một hôm, bà gọi chuyện để dò ý Hảo:

- Cô Ngân con bà Án Tuyên mới mười tám tuổi đầu mà đã làm bà huyện rồi đấy.

Hảo mỉm cười đáp:

- Bà huyện mà không sẵn tiền thì cũng chẳng làm gì.

Mẹ hơi có giọng gắt:

- Làm Tri huyện thì sao lại không sản tiền!

Con vẫn ôn tồn:

- Thưa mẹ, chán ông huyện chả nợ đìa ra đấy là gì, như ông huyện Du Tiên, ông huyện Thư Trì vẫn vay tiền mẹ, chẳng hạn.

Thấy mẹ yên lặng, nàng tiếp luôn:

- Với lại có nhiều tiền nhưng không để vợ tiêu. Họ có tiền mà họ để dành tậu nhà tậu ruộng hay họ giữ trong tủ sắt thì cái giàu có ích gì cho người vợ? Không những thế, có khi họ ham làm giàu quá, họ sinh ra bo xiết, keo bẩn, ăn chả dám ăn, tiêu chả dám tiêu... Làm vợ hạng người ấy thì thà tự tử.

- Mày cứ nói thế chứ... Với lại chả làm bà huyện thì còn làm gì nữa!

Hảo vẻ mặt trang nghiêm:

- Thưa mẹ, muốn làm bà gì thì làm, miễn là có tiền, có rất nhiều tiền.

Sau câu chuyện ấy, bà Án sinh ra lo sợ vẩn vơ. Nhất bà lại thấy con hay lên Hà Nội với mấy người chị em họ ở Thái bình về rủ đi, có khi cả vợ chồng những ông huyện trẻ về dự tiệc. Bà thấy khó lòng mà từ chối không cho phép con được. Vì bà thường nghĩ lẩn thẩn: "Mình là một người đàn bà góa mà còn thích ăn chơi, huống hồ nó đang tuổi sung sướng! Cấm đoán nó thì thực là vô lý!" Vả lại bà hình như ngầm muốn cho con bà cũng chịu một phần trách nhiệm về sự phá tán cái gia tài của chồng để lại. Sau này, dẫu sao nữa, Hảo cũng không oán trách bà được, mẹ có tiêu pha xài phí thì con có xin vài ba trăm để sắm quần áo hay nữ trang mẹ cũng cho ngay.

Nhưng bà Án không lo sợ về sự tiêu pha. Bà chỉ lo sợ về sự sa ngã của con thôi. Bà vẫn biết Hảo thường xử sự một cách dõng dạc đường hoàng trong những cuộc giao duyên với phái đàn ông, và nhận xét theo tâm lý - bà mẹ nào chả hiểu tâm lý con - Bà tin chắc rằng Hảo không thể sa ngã được. Nhưng lo sợ thì bà vẫn lo sợ. Để một thiếu nữ hai mươi một mình đi Hà Nội, có bà mẹ nào yên tâm hẳn được, vì thế, nhiều khi con xin đi Hà Nội bà làm ra mặt cưng con, bắt tài xế đánh ô-tô đưa nàng đi, và dặn ngay chiều phải đưa nàng về. Chẳng đừng được, thì bà thân đi với con, để tiêu nhảm ở Hà Nội thêm vài trăm bạc.

Vậy thì thiên gia đình lên ở Hà Nội là thấy giải quyết được cả hai vấn đề khó khăn trên kia; lại còn một vấn đề thứ ba nữa, một vấn đề chẳng kém phần quan trọng ấy là việc kén chồng của Hảo. Ở Hà thành thì chẳng thiếu hạng thanh niên phú quý, trí thức lịch thiệp. Thế nào chẳng có được một đám mà Hảo và bà đều ưng thuận. Còn như rử cho bọn họ kéo đến nhà mình, thì đó là một việc rất dễ dàng không cần phải suy tính trước.

Bà dự đoán quả không sai. Làm dân Hà thành chưa đầy nửa năm, bà đã thu phục được nhiều nhân vật, trong đủ các hạng. Mà được chóng thế một phần là nhớ khóe cạnh khôn ngoan của bà: bà mời con người anh bà đến cùng ở với bà. Giáo sư Vũ văn Hoằng, một trang thiếu niên trí thức đứng đắn mà ai cũng biết tiếng, sẽ giúp cho sự giao du buổi đầu của mẹ con bà. Việc gì cũng chỉ khó buổi đầu.

Chính nhờ về địa vị làm môi giới ấy mà giáo sư Hoằng vụt trở nên một người quảng giao. Biết bao sinh viên trường luật, trường thuốc, biết bao ông tham, ông giáo, ông huyện trẻ chăm chỉ đến chơi với chàng và thành những bạn thân của chàng, để hy vọng trở nên bạn thân của Hảo, của cô em gái xinh đẹp và lịch thiệp của chàng.

Riêng bà mẹ cũng có nhiều may mắn trong giao du. Ngay hôm mới tới Hà Nội ngẫu nhiên bà gặp Thanh Đức, một người bạn của ông chồng bà, thời chồng bà còn Tri phủ. Ông ta đã giúp đỡ bà trong các công việc dọn nhà, trang hoàng bài trí. Rồi đưa các chỗ thân thích bạn bè đến giới thiệu với bà. Biết Thanh Đức là một tay cự phú, bà hết lòng chiều chuộng, tiếp đãi một cách đặc biệt hẳn. Và thấy ông bạn xưa của chồng quá đỗi săn sóc trông nom đến mình, bà tưởng ông ta còn cảm về cái nhan sắc cuối thu - bà vẫn tự biết rằng bà chưa hết duyên, tuy đã bốn sáu bốn bảy tuổi đầu.

Tới khi bà đoán thấy rằng Thanh Đức say mê đắm đuối nhan sắc con gái bà, thì bà lo lắng nghĩ ngợi, cho đó là một sự vô lý lạ lùng. Trước thái độ bình thản của con, bà càng hoảng hốt sợ hãi. Bà thấy Hảo thân mật với bọn thanh niên. Bà cho đó là một lối xã giao, nhưng bà không khỏi ngờ vực, mỗi lần bà đưa mắt ngắm vẻ mặt tươi cười rạng rỡ của con, một mình ngồi đối diện Thanh Đức ở phòng bên và chăm chú nghe những câu tán tỉnh của ông ta.