Bài học Israel

Chương IX

Docsach24.com

ình hình phía Ả Rập

Lịch sử chính trị của bán đảo Ả Rập từ thế chiến thứ nhất, đặc biệt là trong hai chục năm gần đây rối như bòng bong: Các cường quốc tuôn tiền bạc, khí giới vào, ngầm đưa mật vụ vào - bọn này cải trang thành các kỹ sư,con buôn, các nhà khảo cổ tu hành… mua chuộc nhóm này nhóm khác, gây không biết bao nhiêu âm mưu xuất quỉ nhập thần, không biết bao nhiêu cuộc ám sát, đảo chánh, không phải là nhà chính trị chuyên môn về vấn đề Ả Rập thì không sao theo dõi cho kịp để dò được manh mối. Dân chúng Ả Rập đa số thiếu học, dễ tin, cuồng nhiệt, còn nhà cầm quyền thì đa số có tham vọng, thiếu kinh nghiệm mà lại dư thủ đoạn, độc đoán, tàn nhẫn, cho nên bán đảo đó là một đất lý tưởng cho các chính khách phương Tây tranh tài.

Như chương trên tôi đã nói, năm 1958, uy thế của Nasser bắt đầu xuống: mặt trận Ả Rập thống nhất của ông gồm có Ai Cập và Syrie; Iraq và Jordanie thành lập một liên minh Ả Rập để chống lại. Tức thì xảy ra không biết bao nhiêu cuộc xáo trộn kinh khủng: nổi loạn xảy ra ở Liban giữa phe thân Nasser và phe thân Tây phương. Rồi quốc vương Iraq là Faycal bị hạ sát ở Bagdad hôm trước thì hôm sau, vị thủ tướng của ông là Noury Said, thân Tây phương cũng bị giết. Liban cầu cứu với Mỹ và Mỹ cho thả lính nhảy dù xuống Amman, kinh đô Jordanie.

Khrushchev liền can thiệp, hội đàm với Eisenhower, và thủ tướng Liban phải từ chức, tình hình bớt căng thẳng. Nhưng Yemen lại lộn xộn vì Ả Rập Séoudite (ta nên hiểu là Washington và London) tranh giành ảnh hưởng với Ai Cập (hiểu là Moscow). Yemen là xứ quá nhỏ, nên các cường quốc chỉ ủng hộ ngầm tiểu đồng minh của mình thôi, không đến nỗi xích mích quan trọng. Trong khi các quốc gia Ả Rập mải nói chuyện với nhau,: Israel lo kiến thiết, củng cố lực lượng, thừa cơ tháo nước sông Jourdain để dẫn vào các miền khô cháy của họ. Ả Rập phản kháng, doạ dẫm cũng vô hiệu.

Các vụ xung đột ở biên giới xảy ra như cơm bữa và lần nào quân đội Israel cũng “ra tay” một cách cương quyết:

Năm 1964, khối Ả Rập rất chia rẽ về vấn đề Israel: Tunisie ôn hoà nhất, muốn dùng chính sách ngoại giao: Syrie kịch liệt nhất, chỉ đòi dùng võ lực; Ai Cập trung dung đề nghị cứ tạm giữ hiện trạng mà chuẩn bị chiến tranh cho kỹ đã. Để hoá giải hai chủ trương kia, Nasser thành lập một cơ quan giải phóng Palestine mà người cầm đầu là Ahmed Choukeiri: Cơ quan có mục đích quấy rối các miền có dân tản cư Ả Rập tức ở Gaza (400.000 dân tản cư trên một thẻo đất nhỏ độ 300 cây số vuông) và Jordanie, trên một biên giới đài 350 cây số. Cơ quan đóng bản dinh ở Jérusalem, có rất nhiều tiền vì hầu hết các quốc gia Ả Rập đều phải đóng góp một thứ thuế gọi là “thuế hồi hương”, nhờ vậy chỉ trong hai năm thành lập được một đạo quân 16.000 người được Trung Cộng huấn luyện và cung cấp khí giới.

Choukeiri có hồi qua thăm Bắc Kinh, được Chu Ân Lai tiếp đón niềm nở, coi như một lãnh tụ Ả Rập nên về Jérusalem ông ta hăng say, đòi mở cuộc thánh chiến, diệt Israel và tuyên bố “sẽ sẵn sàng bắn phát súng đầu tiên”. Nasser thấy Choukeiri đi quá trớn, vội vàng cải chính, nhưng đã quá trễ.

Tình hình vì vậy mà cực kỳ căng thẳng. Cuối năm 1966, một xe vận tải Israel trúng mìn tại biên giới Jordanie, hôm sau, Israel trả đũa, phá tan một đồn cảnh sát Jordanie, hạ được một phi cơ Jordanie, kết quả: phía Jordanie có 18 người chết và 134 người bị thương.

Nửa tháng sau hai phi cơ MiG-19 của Ai Cập bị hạ ở gần Beerotayim (Israel); Nasser không phản ứng nhưng tố cáo chính quyền Ả Rập Séoudite và Jordanie là nhu nhược.

Kế đó, đạo quân Choukeiri quấy phá biên giới Israel ở phía Syrie; Israel tấn công, hạ 6 phi cơ MiG-21 của Syrie. Syrie uất ức đòi Nasser phải giữ điều ước liên minh quân sự mà giúp đỡ mình.

Ở phía Liban, quân Choukeiri cũng bắn súng cối qua một kibboutz của Israel.

Qua tháng 5 năm 1967, hai bên Israel và Ai Cập đều chuẩn bị chiến tranh.

Sau chiến tranh 1956, do yêu cầu của Ai Cập, Liên hiệp quốc phái 400 quân mũ xanh đóng ở Sinai và Gaza để ngăn các cuộc gây hấn của Israel. Trong hiệp ước có nói rõ rằng nếu một trong hai bên (Ai Cập hoặc Israel) phản đối thì đội quân đó sẽ rút ra. Năm 1967, Nasser dựa vào điều khoản đó đòi họ rút đi, thâm ý là muốn khiêu khích Israel để gây chiến. Tổng thư ký Liên hiệp quốc là U Thant có lẽ hiểu nguy cơ đó, nhưng đành phải giữ đúng hiệp ước. Người ta trách ông quyết định vội vàng, không hỏi ý kiến Hội đồng bảo an. Quân mũ xanh đi, quân đội Ai Cập tới thay thế.

Nassel lại muốn phong toả eo biển Tiran, trong vịnh Akaba, ngăn các tàu Israel tới Elath, cửa ngõ của Israel trên Hồng Hải. Từ mười năm qua kinh Suez bị cấm, Liên hiệp quốc bảo đảm cho Israel dùng hải cảng đó để giao thông với phương Đông. Dầu lửa chở tới Elath, đưa lên xe tải rồi do con đường xa lộ rất tốt Beetcheva người ta gọi con đường này là “kinh Suez cạn của Israel” mà vận chuyển lên Haifa, bị chặn ở phía đó, Israel như bị cắt mất một lá phổi.

Thế là chiến tranh không thể tránh được.

Ngày 20-5-1967, bốn ngàn giáo đường Ai Cập gọi tín đồ dự cuộc Thánh chiến. Ở Gaza, 12.000 quân Choukeiri và một số Fedayin (cảm tử quân), tiến lại sát biên giới Israel. Sứ thần Trung Cộng tới thăm Choukeiri. Ngày 23-5-1967, Nasser tuyên bố phong toả vịnh Akaba.

Ở Washington, Johnson lên tiếng cảnh cáo rằng Ai Cập làm cho tình hình ở Tây Á nguy hiếm và phải chịu trách nhiệm. Tức thì Moscow đáp lại: “Kẻ nào dám xâm lăng Tây Á sẽ đụng phải lực lượng của liên minh Ả Rập và sự kháng cự của Nga Sô”.

Được Nga làm hậu thuẫn, Nasser hoàn toàn vững bụng. Jordanie vốn thân Tây phương, Nasser đưa người vào, quấy rối, tính lật đổ ngai vàng của Hussein. Xứ đó nhỏ và nghèo, chỉ có một triệu rưỡi dân mà nửa triệu là những người Ả Rập Palestine tản cư qua “lúc nào cũng chỉ ngong ngóng có thánh chiến” để hồi hương, cho nên trong nước không bao giờ yên, ngai vàng lúc nào cũng lung lay. Husseìn phải đối phó với ba cuộc đảo chính, dẹp hai cuộc cách mạng, nhờ can đảm và lanh trí mà mười lần thoát chết (2). Ông vua trẻ đó, hồi lên ngôi mới mười bảy tuổi, đáng là dòng dõi Mohamed, ông viết một cuốn sách nhan đề “Làm vua khó thay” (Il est difficile d’e6tre roi – Buchet Chastel – Paris – 1962), trong đó ông tâm sự bằng một giọng thành thực và cảm động.

Từ khi Choukeri lập bản doanh ở Jérusalem, Hussein uất ức vì bị Choukeiri lấn át, nhưng ông không dám phản đối. Bây giờ Nasser đưa quân vô nói là để bảo vệ Jordanie, Hussein biết rằng tính mạng mình lâm nguy, đành phải nuốt hận, thân hành qua Le Caire ký một hiệp ước liên minh, đứng về phe Ả Rập thống nhất.

Vậy là Nasser đã vừa ngoại giao, vừa dọa dẫm, thực hiện được sự thống nhất của khốì Ả Rập. Đầu tháng sáu 1967 hiện có tới mười hai quốc gia Ả Rập đứng sau lưng Ai Cập, tám quốc gia sẵn sàng gởi quân đội qua khi có chiến tranh với Israel: Algérie, Maroc, Kuwait, Yemen, Iraq, Soudan, Jordanie, Syrie; bốn quốc gia kia: Ả Rập Saudi, Tunisie, Lybie, Liban chỉ tỏ tinh thần đoàn kết về chính trị thôi. Ngoài ra hai xứ Hồi giáo nhưng không phải là Ả Rập: Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan ở xa ủng hộ về tinh thần. “Chúng tôi hết thảy đứng về phía Nasser”.

Nasser thấy chưa bao giờ tình hình thuận tiện như vậy

- Về phương diện ngoại giao, Israel có Mỹ và Anh làm hậu thuẫn, nhưng Ả Rập có Nga và Tiệp Khắc. Pháp cung cấp phi cơ Mirage cho Israel nhưng ngày 2-6-1967, tổng thống De Gaulle tuyên bố trung lập và bảo rằng nước nào nổ súng đầu tiên sẽ không được Pháp tán thành, chứ đừng nói là ủng hộ. Vậy là hậu thuẫn hai bên ngang nhau.

- Về phương diện dân số, Ả Rập gồm bảy chục triệu, Israel chỉ có hai triệu rưởi.

- Về phương diện quân số: Ai Cập có 270.000 quân đã tập trung ở bán đảo Sinai 100.000 quân; Syrie đã tập trung ở biên giới bắc Israel 60.000 quân; Jordanie cũng có 60.000 quân do một tướng Ai Cập chỉ huy; Liban cũng có một đạo quân nhỏ; Iraq, Algérie, Kuwait đã gởi những đoàn quân tượng trưng qua. Quân hậu bị của các nước này còn rất nhiều. Vậu quân số nhất định là hơn Israel. Sĩ tốt Ai Cập lại được Nga và Trung Cộng huấn luyện kỹ càng.

- Về vũ khí, trong mười năm nay, Nga, Tiệp Khắc đã cung cấp cho Ai Cập năm trăm phi cơ MiG-17, MiG-19, trực thăng… 1.300 chiếc xe thiết giáp, 175 dàn hoả tiễn, 12 tiềm thủy đỉnh, 7 khu trục hạm. Syrie và Iraq cũng có khoảng 206 phi cơ, 700 xe thiết giáp…

Vậy Nasser tin phần thắng tất về Ả Rập, và đài phát thanh Le Caire không ngớt tuyên bố:

“Hai gọng kìm Egypte và Syrie đã xiết chặt vào cổ Israel”

“Tám họng súng Ả Rập đã chĩa vào Israel”.

“Quân đội chúng ta sẵn sàng giải phóng Tel Aviv”

“Chiến tranh lần này sẽ là chiến tranh toàn điện và mục tiêu của chúng ta là diệt Israel”.

Nhưng lần này Nasser đã tính sai hai nước cờ:

Sự đoàn kết của các quốc gia Ả Rập chỉ có bề ngoài; sau mười chín năm, từ chiến tranh đầu tiên với Israel năm 1948, sự thống nhất hoạt động binh bị vẫn chưa thực hiện được ở phía Ả Rập, tinh thần chiến đấu của các quốc gia không đều nhau, có những đội quân miễn cưõng ra trận.

Nasser tưởng như thế nào Nga cũng can thiệp, nhưng lạ lùng thay, Nga không can thiệp, đứng ngoài ngó Israel đánh quị các lực lượng Ai Cập rồi quay trở lại hạ nốt lực lượng Jordanie, Syrie. Mãi đến phút chót, khi khắp thế giới thấy Israel đã toàn thắng, Nga mới lên tiếng hão. Thành thử Mỹ có hạm đội thứ sáu ở Địa Trung Hải cũng chẳng cần phải can thiệp. Hai đế quốc anh chị đã thoả thuận ngầm với nhau rằng phen này để mặc bọn đàn em đọ sức, mình không nên xen vào. Điều lạ lùng nhất là thái độ không can thiệp đó của Nga, Nasser không đoán ra mà Israel lại biết chắc từ trước, ông Louis Garros trong bài báo đã dẫn bảo rằng “tất cả chính sách của Israel đã dựng trên sự tin chắc đó: Nga sẽ không can thiệp”.

Kết quả là Israel còn thắng lợi to hơn lần trước, làm cho cả thế giới ngạc nhiên một lần nữa.

Lần trước họ chiến đấu chung với Anh-Pháp, lần này họ chiến đấu một mình; lần trước họ chỉ tấn công Ai Cập, lần này họ chiến đấu trên ba mặt trận: Ai Cập, Jordanie, Syrie; lần trước họ mất một trăm giờ để vượt bán đảo Sinai, lần này họ chỉ mất có tám mươi bốn giờ, thực ra sau ba giờ đầu tiên của chiến dịch (ngày 5-6-1967), cán cân lực lượng đã chúc hẳn về phía họ, vì họ đã diệt được gần hết lực lượng không quân của Ai Cập, hoàn toàn làm chủ không phận trên chiến trường, rồi mấy ngày sau đánh tan lực lượng liên minh Ả Rập.

Thật là một kỳ công.

Docsach24.com

Danh tiếng của độc long tướng quân Moshe Dayan (lần này làm Bộ trưởng quốc phòng) lại càng vang lừng, thậm chí một nghị sĩ Mỹ đã nói đùa rằng phải mời ông qua điều khiển các cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nghe đâu như mấy năm trước đã có lần vi hành qua nước ta, thăm các mặt trận, nhưng chắc ông không rút được nhiều kinh nghiệm mà người Mỹ cũng chẳng học gì được nhiều của ông vì chiến tranh ở hai nơi tính cách khác nhau, nên chiến thuật phải khác nhau, phương pháp tấn công chớp nhoáng của ông trên sa mạc, làm sao có thể áp dụng được ở rừng núi và đồng ruộng Việt Nam.

Docsach24.com

 

Phía Israel

Những tài liệu trên về lực lượng của khối Ai Cập chúng tôi rút trong cuốn “La guerre de six jours” của Samuel Seguev (Calman Levy 1967), một ký giả Do Thái đã tham dự chiến tranh 1956 và theo dõi chiến tranh 1967. Về phía Israel, chúng tôi biết đại lược rằng quân số vào khoảng từ 250.000 tới 300.000 người.

Đêm 23-5-1967, khi Ai Cập phong tỏa eo biển Tiran ở cửa vịnh Akaba, ông Lévi Eshkol, thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng (3) của Israel liền họp nội các hồi 4 giờ sáng để quyết định thái độ. Toàn thể nội các đồng ý rằng phải phản ứng liền, nhưng đa số còn do dự chưa muốn dùng võ lực, hãy dùng đường lối ngoại giao đã. Eshkol yêu cầu các quốc gia có hải quân và thương thuyền ở phương Tây giải quyết vấn đề quốc tế đó, rồi phái sứ giả là Abba Eban qua Pháp, Anh.

De Gaulle khuyên: “Israel đừng nên gây chiến. Nên để vấn đề đó cho tứ cường (tức Mỹ, Nga, Anh, Pháp) giải quyết”

Docsach24.com

Wilson bảo Anh sẽ hành động theo Mỹ. Còn Mỹ đương mắc kẹt ở Việt Nam, cũng không muốn gây rối thêm ở Tây Á, nhưng hứa sẽ ủng hộ Israel. Johnson sẽ dùng chính sách này để đối phó với Ai Cập: cùng với vài quốc gia có hải quân và thương thuyền sẽ xông bừa vào vịnh Akaba, phá sự phong tỏa và đoàn tàu của Israel sẽ theo vô. Ông bảo Anh, Canada và Hòa Lan đã đồng ý với Mỹ về điểm đó.

 Mỹ còn cho Israel hay rằng về quân sự, Israel mạnh hơn, có chiến tranh thì Israel chắc chắn thắng.

Trong khi Eban qua Anh, Pháp thì Bộ trưởng quốc phòng Ai Cập là Mohamed Chams El din Badiane qua Moscow, và Moscow long trọng tuyên bố trong một bữa tiệc: “Nga sẽ giữ tình thân nghị với Ai Cập, sẽ tiếp tục giúp đỡ Ai Cập. Một tục ngữ Ả Rập bảo: “Gặp lúc khó khăn mới biết được bạn trung thành” Chúng tôi đã có dịp chúng tỏ rằng câu đó đúng”. Cuối tháng 5-1967, thủ tướng Syrie cũng bay qua Moscow và cũng được Moscow hứa sẽ giúp đỡ về chính trị và quân sự. Hơn nữa, Moscow còn tăng cường hạm đội Nga ở Địa Trung Hải, nhất định chặn mọi sự can thiệp của Mỹ hoặc Anh

Rồi theo Samuel Seguev trong sách đã dẫn thì trong mấy ngày chiến tranh, đường liên lạc đỏ (4) giữa Moscow và Washington hoạt động liên tiếp: ở cả hai đầu người ta cùng thề với nhau tìm đủ mọi cách tránh mọi cuộc đụng đầu giữa hai cường quốc để cho Tây Á khỏi chìm trong khói lửa”.

Kết luận: Mỹ đã ngầm xúi Israel gây chiến, Nga đã ra mặt xúi Ai Cập và Syrie gây chiến: Mỹ, Anh cung cấp khí giới cho Israel; Nga, Tiệp cung cấp khí giới cho Ả Rập, tha hồ, muốn bao nhiêu cũng được nhưng Mỹ, Nga đã thoả thuận với nhau rồi: sống chung hoà bình, không vì bán đảo Ả Rập mà đọ sức với nhau, cứ đứng ngoài ngó hai con gà nòi đá nhau. Vì có lẽ cả Nga lẫn Mỹ đều tin rằng gà của mình là gà nòi cứng cựa, chắc ăn gà của đối phương.

Nasser cũng tin chắc rằng mình sẽ thắng. Eshkol hình như hơi do dự, bị đa số đảng phái (Israel có tới 11 đảng chính trị) cho là ôn hoà quá, dùng chính sách ngoại giao thì biết bao giờ giải quyết cho xong, mà nước đã đến chân rồi. Dân chúng Israel có vẻ ngờ sự đắc lực của nội các Eshkol, mong đoàn kết dân tộc để cho chính quyền mạnh hơn nên đề nghị thay đổi thành phần nội các, đưa hai vị anh hùng Ben-Gurion và Moshe Dayan lên cầm quyền. Trong mấy năm, nay Eshkol vẫn thù nghịch Ben-Gurion về chính kiến, nên bất bình không chịu. Ménahem Béguin được các đảng phái cử lên thuyết phục Eshkol:

- Thưa Thủ tướng, tôi biết rằng giữa ngài và ông Ben-Gurion có những sự xích mích nghiêm trọng nhưng xin ngài nhớ giữa ông ấy và tôi cũng vậy. Về phần tôi, tôi sẵn sàng quên mọi chuyện cũ để chúng ta đoàn kết với nhau trước kẻ thù chung.

Eshkol đáp:

- Ông Béguin ạ, hai con ngựa Ben-Gurion và tôi làm sao cùng kéo một chiếc xe được. Hoặc là ông ấy, hoặc là tôi.

Sau đó có người đưa ra giải pháp: tách rời chức vụ thủ tướng và Bộ trưởng quốc phòng ra.

Eshkol, vẫn giữ chức thủ tướng, nhưng ghế Quốc phòng sẽ giáo cho Moshé Dayan. Eshkol cũng lại cự nự nữa vì Moshe Dayan thân với Ben-Gurion, ông ta bảo: Mới hôm 24-5, nội các đồng ý với tôi là phải ôn hoà mà sao hây giờ lại bắt tôi chấp nhận Moshe Dayan. Mãi tới khi thấy gần như toàn thể nội các bỏ rơi mình, nhất là khi dân chúng to nhỏ với nhau. Nasser và Hussein thù nhau mà còn hoà giải với nhau kia, tại sao các nhân vật cầm quyền của mình không chịu quên những xích mích cũ của nhau đi, Eshkol mới chịu nhượng một chút, để Moshe Dayan làm phó thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng giao cho Ygal Allon người trong phe của ông ta.

Moshé Dayan không chịu “ngồi chơi xơi nước”, muốn làm cái gì thì làm cho ra trò kia, nếu không làm Bộ trưởng quốc phòng thì sẽ làm tư lệnh đạo quân phương Nam, ở dưới quyền tướng Isaac Rabin, Tổng tham mưu trưởng, học trò của ông.

Mãi tới ngày mồng một tháng sáu, dân chúng nhao nhao lên, biểu tình đòi Moshé Dayan trở về bộ quốc phòng, thì Lehkol mới nhượng bộ, toàn thể nội các hoan hô độc long tướng quân, toàn thể quân đội thở ra nhẹ nhàng, ăn mừng, ca hát, nhảy múa. Họ có được một vị lãnh đạo mà họ ngưỡng mộ và tin tưởng hoàn toàn. Lòng ái, quốc, lòng hy sinh, tinh thần trách nhiệm hiện trên mặt mọi người.

Docsach24.com

Họ đoàn kết với nhau lạ lùng vì lẽ sống còn của họ, người ta tự nguyện đầu quân: Lệnh động viên ban ra: dân chúng nhập ngũ đủ -100%; ở các binh chủng nhảy dù, và thiết giáp con số lên tới 130%, vì có nhiều người chưa bị gọi mà cũng tình nguyện đầu quân. Không có một lá thư xin phép trong suốt chiến dịch, dù nhà có tang, hay có người cưới hỏi. Phụ nữ dưới 55 tuổi và trẻ em trên 12 tuổi đều được giao phó trách nhiệm. Các nhân viên, đã hồi hưu đều trở lại làm nhiệm vụ cũ để thay thế những người ra mặt trận.

Còn trong quân đội Ai Cập thì trái hẳn, tất cả các địch vụ hành chính đều do các quân nhân nắm giữ và khi cơ cấu, bị rối loạn thì vô phương cứu vãn.

Học sinh trung học Israel đua nhau đào hầm, đổ cát vào bao, dựng các chướng ngại vật, đưa thư. Những người trên 50 nếu không vào tổ chức phòng vệ dân sự hoặc địa phương quân thì giúp đỡ tùy khả năng của mình; người nào biết lái xe thì đi xe - có khi là chính xe của họ - để chở hành khách không lấy tiền. Mọi phương tiện chuyên chở được dùng vào vận tải vũ khí, quân nhu trước hết. Tóm lại là toàn dân được huy động như một tổ ong bị địch vào phá rối mà, cùng hoá ra ong chiến đấu hết.

Bức thang giá trị ở Israel do đó mà thay đổi hết. Bao nhiêu sự cách biệt trong thời bình nhất đán mất hết, ông kỹ sư quên nghề nghiệp, công việc của mình đi, tuân lệnh một thanh niên mà chăm chú nghe cậu chỉ cho cách sử dụng liên thanh. Chú lính liên lạc được các, ông lớn bà lớn săn sóc. Mọi người đứng nối đuôi nhau hiến máu. Hàng ngày người Do Thái ở khắp các nơi trên thế giới xuống phi trường Lydda để tình nguyện nhập ngũ, có sinh viên ở Pháp, kỹ sư ở Anh, nhà buôn ở Hoa Kỳ, nông gia ở Hòa Lan, giáo viên ở Nam Mỹ, bỏ gia đình, công ăn việc làm, về để cứu quốc.

Lúc nào cũng sẵn sàng

Moshé Dayan lên giữ bộ Quốc phòng, để tỏ y chí chiến đấu và đoàn kết lòng dân, chứ không thay đổi chiến lược hay chiến thuật. Mọi việc đã chuẩn bị liên tục ngay sau chiến tranh 1956, từ sự đào tạo chiến sĩ mua sắm khí giới, tới việc xây đồn, luỹ, tổ chức tình báo… Mọi cơ quan, quân sự chạy trơn tru như chiếc máy ngày nào cũng được săn sóc kỹ lưỡng; cho nên mấy ngày đầu tháng sáu dân chúng có vẻ xáo động mà quân đội thì rất bình tĩnh.

Đáng khen nhất là cơ quan tình báo. Họ làm cách nào mà thu thập được mọi chi tiết về các đạo quân địch, kiểu phi cơ, phi trường, đường bay, sĩ quan nào chỉ huy, tính tình ra sao, chiến thuật ra sao, thói quen ra sao, giờ nào họ làm việc, giờ nào họ sao nhãng, chỗ nào cơ phi cơ thật, chỗ nào đặt phi cơ giả. Pháo binh bộ binh; thuỷ binh Ai Cập, họ cũng biết rõ từng tí. Nên Moshe Dayan đã phải khen rằng: “Bất kỳ một quân đội nào trên thế giới cũng phải tự hào có được cơ quan tình báo như vậy”.

Còn chiến thuật, thì Ben-Gurion và Moshé Dayan đã nghiên cứu từ mười mấy năm trước.

Khắp thế giới ngạc nhiên rằng hai chiến tranh Israel 1956 và 1967 đều chớp nhoáng mà chiến tranh sau còn chớp nhoáng hơn chiến tranh trước nữa. Nhưng nếu biết rằng sự thắng chớp nhoáng đó là cái lẽ sống còn của Israel thì chúng ta không lấy làm lạ nữa.

 Khi Ben-Gurion ra lệnh cho Moshé Dayan lập kế hoạch cho trận Sinai năm 1956, ông ta có dặn kỹ phải làm sao hoàn thành chiến dịch trong hạn từ sáu tới tám ngày vì quân đội Israel chỉ có thời gian đó để hoạt động thôi. Hồi ấy Israel âm mưu Anh Pháp chiếm kinh Suez, tạo nên một tình trạng đã rồi, để Liên hiệp quốc có can thiệp thì cũng trễ, Ben-Gurion tính trên đầu ngón tay, nói với Dayan:

Phải hai ngày Ai Cập mới hiểu việc gì đã xảy ra. Lúc đó Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc họp gấp và ra lịnh cho hai bên ngưng chiến. Nhưng chúng ta không ngưng chiến, cứ tiếp tục tiến binh. Hội đồng bảo an lại họp nữa, lần này làm dữ, doạ dẫm. Và sau cùng chúng ta phải tuân lệnh. Trước khi tuân lệnh, thì chúng ta phải chiếm được trọn bán đảo Sinai. Chiếm trọn bán đảo đó từ sáu tới tám ngày. Làm nổi không?

“Trong vài trường hợp, chỉ cần chiếm một phần đất đai hoặc vài yếu điểm chiến lược là có thế thắng trận được rồi. Trường hợp chiến dịch Sinai, thì phải phá sự phong toả vịnh Akaba, diệt hết các ổ đại bác ở cửa vịnh phía cực nam bán đảo: vì vậy mà phải chiếm trọn bán đảo. Nếu hết kỳ hạn từ sáu đến tám ngày mà chỉ chiếm được chín phần mười bán đảo thì cũng kể như là hoàn toàn thất bại vì vịnh vẫn còn bị phong toả.

Mà muốn chiếm Sinai trong một tuần thì điều cần nhất là sự hành quân phải tiến một hơi, nghĩa là phải dùng những “đạo quân độc lập”, mỗi đạo có một mục tiêu nhất định và tiến tới không nghĩ, làm cho quân Ai Cập không sao cản nổi. Vậy, muốn tiến theo ba đường chẳng hạn thì phải có ba đạo quân có đầy đủ phương tiện để đạt mục tiêu mà không đạo quân nào được trông cậy vào sự giúp đỡ, yểm trợ của đạo quân khác, cũng không trông cậy vào sự tiếp tế quân nhu hoặc tăng cường quân lực. Nghĩa là một khi phát động rồi thì cắm cổ nhào tới đích với bất cứ giá nào: Phải tới đích đúng kỳ hạn. Nếu giữa đường gặp một vị trí của địch mà vì một lẽ nào đó, không diệt trọn được, thì bỏ nó lai, đi vòng và cứ nhắm đích mà tiến. Khi đã chiếm được những vị tới ở cuối cùng chung quanh bán đảo rồi, có còn lại vài ổ kháng cự ở trong bán đảo cũng không sao.

Ngày 3 tháng 6 năm 1967 Moshé Dayan, trong hội đồng nội các trình bày chiến thuật đó: lần này cũng phải chiếm Sinai trong một thời hạn như trước, nhưng cần thay đổi phương pháp một chút để cho Ai Cập không kịp đề phòng.

Ông tính phải ít nhất 72 giờ mới hạ được quân đội Ai Cập. Muốn vậy, trước hết ta phải diệt được không lực của Ai Cập để làm chù được không phận trên chiến trường. Điểm này không có gì lạ, chính Ai Cập cũng nghĩ vậy, chiến tranh trên sa mạc thì không quân đóng vai trò quan trọng nhất. Israel mua được nhiều phi cơ Mirage của Pháp, kiểu mới nhất, bay được 2.000 cây số một giờ, có hoả tiễn không-không, có bộ phận radar rất tinh xảo, tiến bộ. Một phần nhờ những phi cơ đó mà Israel thắng Ai Cập.