Ayn Rand là tác giả của "Suối Nguồn" (Fountainhead), một bản dịch vốn đã (may mắn) được in và xuất bản ở VN cách đây vài năm, là một tác phẩm với cùng chủ đề như của "Trại Súc Vật" (Animal Farm, tác giả George Orwell) là một bản dịch khác, kém may mắn hơn vì đã bị cấm xuất bản sau khi ra mắt công chúng VN không được bao lâu với tựa đề "Chuyện ở Nông Trại". (Bạn đọc có thể tìm đọc bản dịch của Phạm Nguyên Trường trên trang talawas.) Ở một góc độ nào đó thì chủ đề của "Anthem" cũng tương tự như "Fountainhead" và "Animal Farm" tuy không đồ sộ như cuốn trước và không dữ dội như cuốn sau. Tuy nhiên không vì thế mà "Anthem" không gây được xúc động nơi người đọc, nhất là cho những ai đã từng sống và hít thở bầu không khí ngùn ngụt khí thế đẹp đẽ bề ngoài "mình vì mọi người" của loài quái thai CNCS, khiến nhiều thân phận cá nhân đã bị chà đạp không thương tiếc vì lỡ không thể nói cùng tiếng nói với "mọi người".
Hãy thử đọc đoạn trích này:
(...) Cái từ “chúng ta” giống như chất nước chua đổ xuống loài người, khiến họ trở nên khô rắn như đá đến nỗi có thể nghiền nát mọi thứ bên dưới, khiến những gì là trắng và những gì là đen trở nên nhòe nhoẹt vào nhau thành một màu xám xịt. Nó là cái từ mà nhờ nó kẻ tha hóa đánh cắp phẩm hạnh của người ngay, thằng yếu chiếm đoạt tư tưởng của người mạnh, và lũ điên lấy đi sự thông tuệ của bậc thức giả.
Niềm vui sướng của tôi sẽ là gì nếu như mọi bàn tay, thậm chí cả những bàn tay nhơ nhuốc, có thể vươn chạm được vào nó? Trí tuệ của tôi sẽ là gì, nếu như bầy dở người lại có thể chỉ vẽ được cho tôi? Tự do của tôi sẽ thành gì, nếu như mọi sinh vật, ngay cả loài bất lực thối rữa, cũng có thể làm thầy tôi? Cuộc sống của tôi sẽ ra gì, nếu tôi vẫn là người, nhưng luôn phải cúi gục, chấp nhận và vâng lời?(...)
Đối với nhân loại đây quả là một trải nghiệm đau xót. Đau, nhưng vẫn phải hy vọng, và hành động... như trong đoạn trích dưới đây:
(...) Có lẽ, vào những ngày đó, đã có một số ít người, những người sáng mắt sáng lòng, đã không chịu đầu hàng, không chịu chối bỏ cái từ ấy. Hẳn là họ đã phải đau lòng lắm từ cả trước những gì xảy đến mà không thể ngăn chặn được! Có lẽ họ đã kêu gọi để cảnh báo và phản đối. Nhưng người ta không mảy may chú ý lời cảnh báo của họ. Và họ, cái thiểu số ít ỏi này, đã phải chiến đấu trong vô vọng, để rồi bị thảm sát với những tấm bích chương vương đầy máu của chính họ. Và họ đã chọn cái chết, vì họ đã biết trước. Đối với họ, tôi những muốn gửi đi lời chào qua nhiều thế kỷ, và lòng thương xót của tôi.
Giờ đây bích chương của họ đang nằm trong tay tôi. Và tôi ước mình có đủ sức để nói với họ rằng niềm khao khát trong tim họ chưa hề bị kết liễu, và đêm đen của đời họ không phải là không còn hy vọng. Vì cuộc chiến đấu mà họ đã thua cuộc không bao giờ bị thất trận lần nữa. Vì những gì mà họ đã hy sinh mạng sống để cứu lấy đó sẽ không bao giờ chết. Băng qua muôn trùng bóng tối với vô vàn nỗi đau mà con người đã gánh chịu, tư tưởng của nhân loại vẫn trường sinh trên trái đất này. Nó có thể ngủ quên ở đâu đó, nhưng rồi nó sẽ thức tỉnh. Nó có thể đang mang xiềng xích, nhưng một lúc nào đó chúng sẽ bị phá tan. Và người ta sẽ đi tiếp. Từng người một, chứ không phải cả bầy. (...)
* * * * *
Thực là tội lỗi lắm khi viết ra những điều này. Thực là tội lỗi lắm khi suy nghĩ về những từ mà không ai nghĩ, rồi viết chúng lên những tờ giấy mà không ai định đọc. Điều đó xấu xa và vô đạo. Điều đó giống như thể chúng ta nói một mình, không với ai cả mà là với chính chúng ta. Và chúng ta biết rõ là không điều phạm giới nào ghê gớm hơn là làm việc hay suy nghĩ một mình. Chúng ta đang phạm luật. Luật nói rằng không ai được viết trừ khi được Hội đồng Nghề nghiệp ra lệnh. Cầu xin chúng ta được tha thứ!
Nhưng đây không phải là tội lỗi duy nhất của chúng ta. Chúng ta đã phạm một tội ghê gớm hơn, và do vậy mà nó không có tên. Hình phạt nào sẽ giáng xuống nếu như việc này bị phát hiện chúng ta không hề biết, vì chưa hề xảy ra một tội phạm nào như thế trong ký ức con người; và chưa có luật nào nói về nó.
Ở đây tối lắm. Ngọn nến vẫn tĩnh tại trong không. Chẳng có gì chuyển động trong đường hầm này ngoài đôi tay ta đang lướt trên trang giấy. Chúng ta đang ở đây, một mình, dưới lòng đất. Đó là một từ đáng sợ, một mình. Luật có nói rằng, không ai trong thế giới loài người được ở một mình, bất cứ ở đâu và khi nào, bởi vì đó là một điều phạm giới ghê gớm và là căn nguyên của mọi điều xấu xa. Thế nhưng chúng ta đã phạm nhiều luật rồi. Và giờ đây không có gì khác ngoài cơ thể độc nhất của chúng ta, và quả là kỳ lạ khi được trông thấy chỉ một đôi chân duỗi dài trên mặt đất, và trên vách tường trước mặt chúng ta chỉ có một cái bóng của cái đầu mình.
Mấy vách tường nứt nẻ, và nước lặng lẽ chảy gợn dòng trên đó, đen ngòm và đặc kẹo như máu. Chúng ta đã lấy trộm đèn cầy trong tủ kho ở Nha Quét Đường. Nếu việc này bị phát hiện chúng ta có thể bị phạt tới mười năm tù trong Lầu Trừng Giới. Nhưng nào có đáng kể gì. Điều đáng kể duy nhất là ánh sáng ở đây quý giá vô ngần và chúng ta sẽ không phí phạm nó chút nào để viết khi chúng ta cần nó cho cái việc làm phạm pháp của chúng ta. Không có gì đáng kể cả ngoài việc này, cái bí mật của chúng ta, điều xấu xa, cái công việc quý giá của chúng ta. Do vậy, chúng ta vẫn phải viết, bởi vì-cầu cho Hội đồng tha thứ cho chúng ta-chúng ta khao khát được nói ra một lần, không với ai cả nhưng với chính chúng ta.
Tên của chúng ta là Bình đẳng 7-2521, như nó đã được viết trên chiếc vòng sắt mà ai ai cũng phải đeo nơi cổ tay trái với tên mình trên đó. Năm nay chúng ta hai mươi mốt tuổi. Chúng ta cao sáu feet, và đây là một điều phiền phức vì không có mấy ai cao tới vậy. Ngay cả các Giáo chức và lãnh đạo cũng thường nhíu mày, chỉ vào chúng ta mà nói rằng: “Trong xương của ngươi có quỷ dữ đó, Bình đẳng 7-2521, vì ngươi cao vượt lên trên các đồng chí của ngươi.” Nhưng chúng ta không thể thay đổi được bộ xương của chúng ta cũng như hình hài cơ thể mình.
Chúng ta được sinh ra với một lời nguyền. Nó luôn hướng chúng ta về những ý nghĩ bị cấm đoán. Nó luôn khiến chúng ta ao ước những gì mà con người không thể ước. Chúng ta biết đó là xấu xa, nhưng chúng ta không hề muốn như vậy và cũng chẳng có quyền lực để chống lại nó. Đó là sự nghi ngại và là nỗi sợ thầm kín của chúng ta, rằng chúng ta có biết và không chống lại nó.
Chúng ta đã cố để được giống như những người đồng chí của chúng ta, vì tất cả mọi người phải giống nhau. Ở phía trên cổng vào của Dinh Hội đồng Thế giới có những hàng chữ được khắc vào phiến đá hoa mà chúng ta phải lặp lại mỗi khi bước qua:
“Chúng ta là một trong tất cả, và tất cả trong một.
Không có ai khác ngoài một từ chúng ta vĩ đại,
Một, là không thể phân chia và là mãi mãi.”
Chúng ta lặp đi lặp lại điều này với chính mình, nhưng cũng chẳng ích gì.
Những chữ này đã được khắc từ lâu lắm rồi. Rêu mốc xanh rì đóng trong mấy nét cắt và mặt đá hoa vằn vện những vệt vàng ố hình thành từ những tháng năm mà con người không sao đếm nổi. Và những chữ này là sự thực, vì chúng đã được viết trên tường của Dinh Hội đồng Thế giới, và Hội đồng Thế giới là một tổ chức của toàn bộ sự thực. Như vậy ắt hẳn nó phải có từ thời Đại Tái sinh và thậm chí còn xưa hơn nữa đến nỗi không một ký ức nào có thể vươn tới.
Nhưng chúng ta phải không được nói về những thời kỳ trước thời Đại Tái sinh, nếu không chúng ta sẽ bị phạt giam ba năm trong Lầu Trừng giới. Chỉ duy có những người già là hay thầm thì về điều ấy vào những độ hoàng hôn, ở Nhà Vô dụng. Họ thì thầm về nhiều điều lạ lẫm, về những tòa tháp vươn cao tới bầu trời của những Thời đại Bất khả Luận bàn, về những toa hàng di chuyển không cần ngựa kéo, và về thứ ánh sáng mà không có lửa. Thế nhưng những thời kỳ ấy là của quỷ sứ. Và những thời kỳ ấy đã qua rồi, khi con người được chứng giám Sự thực Vĩ đại là: toàn thể con người là một và không hề có một mong muốn nào khác ngoài ước nguyện tập hợp toàn bộ con người lại với nhau.
Toàn bộ con người đều tốt và thông thái. Chỉ duy nhất có chúng ta, Bình đẳng 7-2521, kẻ cô đơn sinh ra với lời nguyền. Vì chúng ta không giống như các đồng chí của chúng ta. Và vì chúng ta đang nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta thấy rằng nó đã có đó từ thuở nào và rằng nó đã từng bước một đưa chúng ta đến với sự phạm giới kéo dài đến tột cùng, tội lỗi tày đình của chúng ta đang được chôn giấu nơi đây, dưới lòng đất này,
Chúng ta còn nhớ Nhà Nhi Đồng nơi chúng ta đã sống ở đó cho tới khi lên năm, cùng với những đứa trẻ khác trong Thành phố cũng chào đời cùng năm đó. Những phòng ngủ trắng tinh tươm và trống lốc chẳng có đồ đạc gì ngoài một trăm cái giường. Lúc đó chúng ta cũng giống như mấy người đồng chí của chúng ta, chỉ khác ở cái thói ưa phạm giới: chúng ta đã đánh nhau với các người đồng chí của chúng ta. Chẳng có mấy điều sỉ nhục nào tồi tệ hơn việc chiến đấu chống lại đồng chí của mình, ở bất cứ lứa tuổi nào và vì bất cứ lý do gì. Hội đông của Tòa nhà đã bảo chúng ta như thế, và trong số những đứa nhỏ sinh cùng năm đó, chúng ta luôn là đứa thường xuyên bị nhốt nhất.
Lúc được năm tuổi, chúng ta được gửi tới Nhà Học sinh, vốn dĩ được chia làm mười khu, cho mười năm học tập của chúng ta. Con người ta ai cũng phải học cho tới khi mười lăm tuổi. Rồi đi làm. Sống trong Nhà Học sinh, chúng ta thức giấc khi nghe những hồi chuông gióng lên từ quả chuông lớn trên tháp, rồi trở về giường để ngủ khi nghe chuông lần nữa. Trước khi cởi bỏ quần áo, chúng ta đứng trong sảnh lớn dùng để ngủ, giơ cao cánh tay phải, và đồng thanh nói theo ba người thầy đứng đầu hàng:
“Chúng ta không là gì cả, nhân loại mới là tất cả. Chúng ta dành trọn sự sống của mình để tôn vinh các đồng chí của chúng ta. Chúng ta tồn tại vì bởi, và để cho, các đồng chí của chúng ta là những người đang nắm giữ chính quyền. Amen.”
Rồi chúng ta đi ngủ. Sảnh ngủ ấy cũng trắng tinh tươm, và trống lõng chẳng có gì ngoài một trăm cái giường.
Chúng ta, Bình đẳng 7-2521, đã không thấy có gì vui trong những năm sống ở Nhà Học sinh ấy. Không phải vì việc học hành cực nhọc. Mà vì việc học quá dễ dàng. Đây cũng là có tội, khi được sinh ra với cái đầu chạy quá nhanh. Không giống với các đồng chí của mình đã là xấu, mà giỏi hơn họ còn là quỷ dữ. Các giáo viên nói với chúng ta như vậy, và họ cứ nhíu mày mỗi khi nhìn xuống chúng ta.
Thế là chúng ta phải chiến đấu với lời nguyền này. Chúng ta cố quên bớt mấy bài học, nhưng chúng ta vẫn cứ nhớ. Chúng ta cố không hiểu những lời giảng của các giáo viên, nhưng chúng ta vẫn cứ hiểu chúng trước khi họ nói ra. Chúng ta dõi nhìn Liên hiệp 5-3992, một thằng bé xanh tái với cái đầu chỉ có một nửa óc, và cố bắt chước nói và làm như chúng, để cho chúng ta có thể giống như chúng, như Liên hiệp 5-3992; nhưng bằng cách nào đó các giáo viên vẫn biết rằng chúng ta không phải như vậy. Và chúng ta cứ bị đòn roi nhiều hơn những đứa khác.
Các giáo viên chỉ là những người đươc chỉ định bởi các Hội đồng, và Hội đồng là tiếng nói công lý, vì tiếng nói của họ là tiếng nói của toàn thể loài người. Và, nếu vào một lúc nào đó, trong bóng tối sâu thẳm của tim mình, chúng ta có hối tiếc về những gì xảy tới cho chúng ta vào ngày sinh nhật thứ mười lăm, chúng ta biết rằng đó là tội lỗi của riêng chúng ta. Chúng ta đã phá luật, vì chúng ta đã không nghe lời các thầy dạy. Các thầy đã căn dặn tất thảy chúng ta là:
“Không được kén chọn trong ý nghĩ thứ công việc nào mà các ngươi muốn làm khi rời khỏi Nhà Học sinh này. Các ngươi phải làm bất cứ việc gì mà Hội đồng Nghề nghiệp phân định cho. Bởi vì với sự thông thái vĩ đại của mình, Hội đồng Nghề nghiệp biết rõ các ngươi sẽ được các người đồng chí cần đến rõ hơn là các ngươi có thể biết với những đầu óc bé tẹo vô giá trị của các ngươi. Và nếu các ngươi không được những người đồng chí cần đến, thì không còn lý do gì mà các ngươi không bị chôn vùi dưới đất.”
Chúng ta biết rõ điều này, từ hồi những năm tháng ấu thơ, nhưng lời nguyền đã bẻ gãy ý chí chúng ta. Chúng ta đang phạm tội và giờ đây chúng ta thú nhận tội ấy: chúng ta đang phạm giới luật về sự ưa thích. Chúng ta có ưa thích một số công việc và một số bài học hơn những cái khác. Chúng ta đã không nghe kỹ bài lịch sử về các Hội đồng được bầu lên từ thời Đại Tái sinh. Nhưng chúng ta yêu môn Khoa học Vạn vật. Chúng ta khao khát được biết. Chúng ta ước ao được biết về mọi điều tạo nên trái đất này. Chúng ta đã hỏi quá nhiều điều đến nỗi các Giáo viên đã phải cấm chúng ta không được hỏi.
Chúng ta nghĩ rằng có nhiều điều huyền bí trên bầu trời, dưới những giòng nước, và trong muôn vàn thảo mộc quanh chúng ta. Thế nhưng Hội đồng Học giả nói rằng, không có gì là huyền bí cả, và Hội đồng Học giả biết hết mọi điều, và chúng ta học nhiều điều từ các Giáo viên. Chúng ta học được rằng trái đất thì dẹt và mặt trời xoay quanh nó, tạo ra ngày và đêm. Chúng ta học được tên của các ngọn gió thổi trên các đại dương, nâng buồm cho những chuyến tàu vĩ đại của chúng ta. Chúng ta cũng học được cách trích máu người để chữa bá bệnh.
Chúng ta yêu môn Khoa học Vạn vật. Và trong bóng tối, trong giờ khắc bí mật, khi chúng ta thức giấc trong đêm và không có người đồng chí nào ở quanh chúng ta ngoài nhân dáng họ đang nằm trong giường và tiếng ngáy ngủ, chúng ta nhắm mắt, và chúng ta khép chặt đôi môi, và chúng ta nín thở, để cho không gì có thể khiến các người đồng chí của chúng ta có thể nghe, thấy, hay đoán, và chúng ta nghĩ rằng chúng ta muốn được gửi đến Dinh Học giả một khi thời khắc của chúng ta đã điểm.
Toàn bộ những phát minh tối tân vĩ đại đều từ Dinh Học giả, cũng như những thứ mới nhất, vốn chỉ được phát hiện thấy hồi một trăm năm về trước, về cách làm đèn cầy từ sáp và dây; cũng vậy là cách làm thủy tinh, là thứ được để vào trong cửa sổ để giúp chúng ta khỏi bị mưa ướt. Để phát hiện ra những điều này, các Học giả phải nghiên cứu trái đất và học từ sông suối, từ cát, từ gió, và từ đá. Và nếu như chúng ta đến Dinh Học giả, chúng ta cũng sẽ được học những điều này nữa. Chúng ta có thể sẽ được hỏi về những điều này, vì họ không hề cấm hỏi.
Và những câu hỏi khiến chúng ta không hề được ngơi nghỉ. Chúng ta không biết tại sao lời nguyền khiến chúng ta cứ mãi kiếm tìm mọi thứ. Nhưng chúng ta không thể cưỡng lại nó. Nó thì thầm với chúng ta là có vô vàn những điều vĩ đại trên trái đất này về chúng ta, và chúng ta biết là chúng ta có thể biết được chúng nếu như chúng ta thử, và rằng chúng ta phải biết. Chúng ta hỏi, tại sao chúng ta phải biết, nhưng không thấy lời đáp. Chúng ta phải biết những gì chúng ta có thể biết.
Thế là chúng ta cứ ước ao được gửi đến Dinh Học giả. Chúng ta khao khát điều đó tới nỗi đôi tay chúng ta run lẩy bẩy dưới lớp chăn đắp mỗi bận đêm về, và chúng ta những muốn được đánh đổi việc ngưng rúng động đôi tay ấy với bất cứ nỗi đau nào mà chúng ta có thể chịu đựng được. Đó là tội lỗi và chúng ta không dám nhìn mặt các đồng chí mình khi thức giấc vào mỗi bình minh. Vì con người không được ước muốn bất cứ điều gì cho chính mình. Và chúng ta đã bị phạt khi Hội đồng Nghề nghiệp đến trao Sinh Lệnh buộc những ai đủ mười lăm tuổi phải làm một việc gì đó trong suốt quãng đời còn lại của họ.
Hội đồng Nghề nghiệp đã đến vào ngày đầu tiên của mùa xuân, họ ngồi nơi đại sảnh. Và tất cả chúng ta – những kẻ đủ mười lăm tuổi - cùng toàn bộ thầy dạy cũng bước vào sảnh ấy. Rồi Hội đồng Nghề nghiệp ngự trên một cái bục cao, và họ chỉ thốt lên hai từ cho mỗi một học sinh. Họ gọi tên, rồi khi cả đám học sinh bước tới đứng trước mặt, Hội đồng sẽ nói, từ đứa nọ sang đứa kia, loại công việc, như, “Thợ mộc” hay “Bác sĩ”, hay “Đầu bếp”, hoặc “Lãnh đạo”. Thế rồi từng học sinh sẽ giơ cao cánh chúng tay phải lên mà hô: “Ý nguyện của các đồng chí mình đã được thực hiện.”
Giờ đây nếu Hội đồng đã nói “Thợ mộc” hay “Đầu bếp”, thì đứa học trò ấy đã được chỉ định đi làm công việc đó, và chúng sẽ không học hành gì nữa. Thế nhưng nếu Hội đồng nói “Lãnh đạo”, thì những đứa đó sẽ đến Nhà Lãnh đạo, vốn là tòa nhà to nhất thành phố vì nó có tới ba tàng lầu. Chúng sẽ học ở đó trong nhiều năm để có thể trở thành những ứng viên được tuyển chọn vào Hội đồng Thành phố, Hội đồng Nhà Nước, Hội đồng Thế giói-thông qua một cuộc bầu cử phổ thông và tự do. Nhưng mà chúng ta không hề muốn trở thành lãnh đạo, dù điều đó rất vinh hạnh. Chúng ta chỉ ước được làm Học giả.
Thế là chúng ta chờ tới phiên mình trong đại sảnh và khi nghe Hội đồng Nghề nghiệp gọi tên “BÌnh đẳng 7-2521” chúng ta bèn bước tới bục, với đôi chân không hề run, chúng ta ngước nhìn lên Hội đồng. Có năm thành viên Hội đồng, ba nam hai nữ. Tóc họ bạc trắng, và da mặt nứt nẻ như đáy sông cạn khô. Họ già lắm rồi. Trông họ có lẽ còn già hơn cả tấm đá hoa ở Đền thờ Hội đồng Thế giới. Họ ngồi ngay trước mặt chúng ta, không hề cử động. Chúng ta thậm chí không thấy một hơi thở nào làm lay động mấy nếp gấp trên tà áo chùng trắng của họ. Nhưng chúng ta biết họ còn sống, bởi vì có một ngón chúng tay của người già nhất trong số họ đã giơ lên chỉ vào chúng ta, rồi lại hạ xuống. Đó là thứ duy nhất chuyển động, vì ngay cả đôi môi của người già nhất ấy cũng không hề mấp máy khi họ phán, “Quét đường”
Chúng ta cảm thấy những sợi gân cổ của mình rướn căng ra khi chúng ta cố ngước đầu cao hơn để nhìn mặt Hội đồng, và chúng ta thấy vui lắm. Chúng ta biết mình có lỗi, nhưng nay chúng ta đã có cách để sám hối. Chúng ta sẽ nhận Sinh lệnh ấy, rồi chúng ta sẽ lao động phục vụ các đồng chí mình một cách tự nguyện và vui vẻ, và chúng ta sẽ xóa được cái tội lỗi chúng ta đã làm chống lại họ, cái tội ấy họ không biết nhưng chúng ta biết. Chúng ta giơ cao tay phải lên, rồi cất giọng, một thứ giọng rõ ràng nhất, vững vàng nhất trong sảnh vào ngày hôm ấy, hô to:
“Ý nguyện của các đồng chí mình đã được thực hiện.”
Rồi chúng ta ngước nhìn thẳng vào mắt của Hội đồng, nhưng những đôi mắt ấy xanh và lạnh như những viên thủy tinh.
Thế rồi chúng ta đi đến Nhà Phu Quét đường. Đó là một tòa nhà màu xám nằm trên một con đường hẹp. Trong sân có một chiếc đồng hồ mặt trời nhờ đó Nhà Hội đồng có thể biết giờ để đến rung chuông. Khi chuông đổ, tất cả bọn chúng ta đều thức giấc. Qua khung cửa số ở phía đông, bầu trời xanh lục lạnh ngăn ngắt. Bóng của chiếc kim trên đồng hồ mặt trời đánh dấu nửa tiếng khi chúng ta thay đồ và ăn sáng trong phòng ăn, nơi có đặt năm chiếc bàn dài, trên mỗi bàn có hai mươi chiếc dĩa và hai mươi cái ca bằng đất nung. Rồi chúng ta đi làm việc trên các con đường trong thành phố, với chổi và ky hốt rác. Sau năm tiếng đồng hồ, khi mặt trời lên cao, chúng ta trở về Nhà Phu Quét đường để ăn bữa trưa trong nửa giờ. Rồi đi làm trở lại. Sau năm giờ kế tiếp, bóng râm trên các vỉa hè chuyển sang màu xanh, và bầu trời cũng xanh-xanh thẳm không chút ánh quang. Chúng ta trở về ăn tối, trong một tiếng đồng hồ. Rồi chuông đổ, và chúng ta bước thẳng lưng như cây cột để đi tới một trong các tòa nhà của Tòa Thị sảnh để dự Họp Mặt Xã Hội. Những cột người khác cũng kéo tới đó từ những Nhà của các nghề nghiệp khác nhau. Nến được thắp lên, và những Hội đồng của các
Nhà Nghề nghiệp đứng trên bục để nói về nhiệm vụ của chúng ta và các người đồng chí của chúng ta. Sau đó các vị Lãnh đạo tham dự cuộc họp sẽ bước lên bục và đọc những bài diễn văn đã được thực hiện trong ngày ở Hội đồng Thành Phố, bởi vì Hội đồng Thành phố là đại diện của toàn thể con người và tất cả mọi người phải biết. Xong tất cả chúng ta hát những bài tụng ca, ca ngợi Tình Bằng hữu, ca ngợi Sự Bình đẳng, ca ngợi Tinh thần Tập thể. Đến khi chúng ta trở về Nhà thì bầu trời đã mang một màu tím nhũn nhoẹt. Rồi chuông lại đổ và chúng ta sẽ bước ngay người như cột để tới Nhà hát Thành phố để coi vở Tái sinh Xã Hội dài ba tiếng. Vở kịch diễn ra trên sân khấu với hai dàn dồng ca đến từ Nhà Diễn viên, họ đối đáp qua lại với chất giọng tuyệt vời. Các vở diễn đều nói về lao động và tính chất tốt đẹp của nó. Rồi chúng ta bước ngay đơ như cột để trở về nhà. Lúc này bầu trời giống như một tấm lưới đen với những giọt bạc run rẩy như thể sắp rơi xuống bục vỡ qua đó. Những con bướm đêm bay lượn va cánh vào mấy cái lồng đèn treo đường. Chúng ta lên giường và ngủ cho tới khi chuông đổ lần nữa. Những sảnh ngủ ấy trắng tinh tươm, không có gì khác ngoài một trăm cái giường.
Như vậy là chúng ta đã sống từng ngày như thế được bốn năm, và bắt đầu phạm tội từ hai mùa xuân trước. Tất cả mọi người đều sống cho tới khi được bốn mươi tuổi. Năm bốn mươi tuổi họ đều tàn tạ tơi tả. Năm bốn mươi họ được đưa tới Nhà Vô dụng, nơi chỉ có Người Già sống. Người Già không được lao động, vì đã có Nhà Nước chăm lo cho họ. Họ ngồi trong nắng vào mùa hè, và ngồi bên lửa vào mùa xuân. Họ thường chẳng nói gì, vì quá yếu. Người Già biết là họ sắp chết. Khi có phép màu xảy đến khiến có người sống tới bốn mươi lăm tuổi, họ sẽ thành Người Cổ và trẻ con nhìn họ chằm chằm mỗi khi chúng đi ngang qua Nhà Vô dụng. Đó sẽ là cuộc sống của chúng ta, cũng như của tất cả những người đồng chí của chúng ta và của nhiều người đồng chí khác trước chúng ta.
Đó sẽ là cuộc sống của chúng ta, nếu như chúng ta không phạm cái tội đã khiến thay đổi mọi thứ trong chúng ta. Và chính do lời nguyền đã khiến xui chúng ta làm tội ấy. Chúng ta đã từng là một Phu Quét đường giỏi và cũng đã từng làm việc giống như những người đồng chí của mình, chỉ khác cái ước ao được biết đáng nguyền rủa. Chúng ta hằng nhìn ngắm thật lâu những vì sao khi đêm xuống, chúng ta quan sát cây cối và mặt đất. Và khi quét dọn sân vườn ở Dinh Học giả, chúng ta thu lượm những mẩu thủy tinh, những mảnh kim loại, những mẩu xương khô bị vứt bỏ. Chúng ta muốn giữ lấy những thứ này để nghiên cứu chúng, nhưng chúng ta không có chỗ giấu. Thế là chúng ta bèn đem chúng tới Hố Rác Thành phố. Và ở đó chúng ta đã có một khám phá.
Hôm đó là một ngày mùa xuân. Bọn chúng ta Phu Quét đường làm việc theo từng nhóm ba người, và chúng ta đi với Liên hiệp 5-3992, bọn vốn chỉ có nửa bộ óc, và với Quốc tế 4-8818. Liên hiệp 5-3992 chỉ là một thằng nhóc hay đau bệnh, thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh sùi bọt mép và mắt trợn trắng dã. Nhưng Quốc tế 4-8818 lại khác. Họ là một thanh niên cao lớn khỏe mạnh với đôi mắt lấp lánh như đom đóm, vì luôn có nụ cười ẩn chứa. Chúng ta không thể ngước nhìn Quốc tế 4-8818 mà không mỉm cười đáp lễ. Cũng chính vì vậy mà họ không được ưa thích mấy ở Nhà Học sinh, vì mỉm cười mà không có lý do gì là không phải phép. Họ cũng không được ưa thích vì hay lấy than để vẽ lên tường những bức họa mà ai thấy cũng phải cười. Nhưng vì chỉ có các đồng chí ở Nhà Nghệ Sĩ mới được phép vẽ tranh, cho nên Quốc tế 4-8818 đã bị gửi tới Nhà Phu Quét đường, như chính bản thân chúng ta.
Quốc tế 4-8818 với chúng ta là bạn. Đây là một điều xấu xa, là phạm giới luật-một phạm giới tày đình về sự yêu thích khi dám yêu mến bất cứ một người nào đó hơn những người khác, bởi vì bọn chúng ta phải yêu mến tất cả mọi người như nhau, và tất cả mọi người đều phải là bạn chúng ta. Thế nên Quốc tế 4-8818 và chúng ta chẳng bao giờ nói ra điều này. Nhưng bọn ta biết. Bọn ta biết, khi nhìn vào mắt nhau. Và khi nhìn nhau mà không nói một lời nào, cả hai chúng ta đều biết những điều khác nữa, những điều kỳ diệu không ngôn từ nào để nói, và những điều này khiến chúng ta sợ hãi.
Thế rồi vào cái ngày hôm ấy, một ngày mùa xuân cách đây hai năm, Liên hiệp 5-3992 bị lên cơn động kinh ở rìa thành phố, gần Nhà Hát Thành phố. Chúng ta đưa chúng vào trong bóng râm của lều Nhà Hát và cùng với Quốc tế 4-8818 đi hoàn tất công việc của mình. Bọn chúng ta cùng đi tới chỗ thung lũng phía sau Nhà Hát. Ở đó không có gì ngoài cây cối và cỏ dại. Phía dưới thung lũng có một khoảnh đất kéo dài ra xa là sẽ giáp với Rừng Hoang, nơi mà con người không được nghĩ đến.
Khi đang thu lượm những giấy rác và giẻ vụn mà gió đã cuốn bay từ Nhà Hát xuống đây, chúng ta trông thấy một thanh sắt nằm lẫn trong đám cỏ dại. Nó đã cũ và rỉ sét qua bao mưa nắng. Chúng ta dùng hết sức cố lôi thanh sắt lên nhưng nó không hề nhúc nhích. Thế là chúng ta gọi Quốc tế 4-8818 tới và hai đứa cùng bươi đất chung quanh thanh sắt ra. Rồi đột nhiên mặt đất xụp xuống trước mắt hai đứa, để lộ một vỉ sắt cũ bắc ngang một lỗ đen ngòm bên dưới.
Quốc tế 4-8818 hoảng hồn bước lui lại, nhưng chúng ta đã kéo vỉ săt sang bên và nhìn xuống. Chúng ta thấy những vòng sắt trông như những bậc thang bước xuống một hang tối đen tưởng như vô cùng tận.
“Chúng ta nên đi xuống đó,” chúng ta nói với Quốc tế 4-8818.
“Không được đâu, bị cấm mà,” chúng trả lời.
Chúng ta nói: “ Hội đồng không hề biết tới cái lỗ này, như vậy không thể nói là bị cấm.”
Và chúng trả lời: “Vì Hội đồng không biết cái lỗ này nên không thể có luật nào cho phép chúng ta vào đó. Và bất cứ cái gì không được luật pháp cho phép đều là bị cấm.”
Thế nhưng chúng ta nói: “Dù sao mặc lòng, chúng ta cũng cứ đi.”
Chúng sợ lắm, nhưng cũng tránh sang bên nhìn chúng ta đi.
Chúng ta bám vào mấy cái vòng sắt bằng cả chúng tay và chân mình. Chúng ta không thể nhìn thấy gì bên dưới. Và cái miệng lỗ bên trên mở ra bầu trời cứ nhỏ dần, nhỏ dần cho tới khi chỉ còn bằng cái nút áo. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đi xuống bên dưới. Rồi thì chân chúng ta chạm đất. Chúng ta dùng tay chà mắt, vì không thể nhìn thấy gì. Rồi đến khi mắt chúng ta đã quen được với bóng tối thì chúng ta không thể tin vào những gì mình đang thấy.
Chúng ta không biết ai là người có thể tạo dựng nên chốn này, và những người đồng chí đã sống trước chúng ta cũng không biết, nhưng chắc chắn nó đã được tạo nên bởi bàn tay con người. Đó là một đường hầm rất rộng. Vách hầm rất cứng chắc và trơn láng như đá, nhưng nó không phải là đá. Trên mặt đất có những thanh kim loại mảnh dài, nhưng chúng không phải là sắt và chúng trơn láng và lạnh như thủy tinh. Chúng ta quỳ gối, rồi bò tới, tay lần theo thanh sắt để coi nó dẫn đi đâu. Nhưng phía trước chỉ là một đêm đen đặc quánh. Chỉ duy có những thanh sắt tỏa sáng trong màn đêm, thẳng tắp trắng lóa, mời gọi đi tiếp. Nhưng chúng ta không thể đi tiếp nữa, vì đang bị mất dần ánh sáng ở phía sau. Thê nên chúng ta quay đầu trở lại, tay vẫn đặt trên thanh sắt. Và những nhịp đập của trái tim chúng ta cứ dội lên nơi đầu các ngón tay mà không rõ tại sao. Và rồi chúng ta chợt hiểu.
Thốt nhiên chúng ta hiểu ra rằng chốn này đã bị bỏ lại từ những Thời đại Bất khả Luận bàn. Vậy ra nó là có thật, và những Thời đại ấy đã có tồn tại, cũng như tất cả các kỳ quan của những thời kỳ ấy. Từ nhiều trăm năm trước con người đã biết những bí mật mà chúng ta đang đánh mất. Và rồi chúng ta nghĩ: “Đây là nơi chốn của tội lỗi. Họ đày đọa những ai dám chạm tới những gì của thời đại Bất khả luận bàn.” Nhưng bàn tay chúng ta, vốn vừa mời lần theo đường dẫn khi chúng ta bò, cứ bám lấy thanh sắt như thể sẽ không chịu lìa nó, như thể làn da chúng tay chúng ta đang khao khát nài xin ống kim loại một chất lỏng bí mật nào đang bùm bụp cuộn dòng bên dưới vỏ ngoài lạnh lẽo của nó.
Chúng ta leo trở lên mặt đất. Quốc tế 4-8818 nhìn chúng ta rồi hốt hoảng thối lui.
“Bình đẳng 7-2521,” chúng nói, “mặt ngươi trắng bệch kìa.”
Nhưng chúng ta không thốt nên lời, chỉ đứng nhìn họ.
Quốc tế 4-8818 lùi ra xa như thể không dám chạm vào chúng ta. Rồi họ nhoẻn cười, nhưng không phải là cười vui, mà nụ cười lạc thần van vỉ. Nhưng chúng ta vẫn không nói được nên lời. Sau cùng họ nói:
“Bọn mình nên báo cáo phát hiện này cho Hội đồng Thành phố và cả hai đứa mình sẽ được thưởng.”
Và thế là chúng ta nói. Giọng chúng ta cất lên nghe rắn rỏi và không chút nhân nhượng:
“Mình không cần phải báo cáo phát hiện này cho Hội đồng Thành phố. Mình không cần phải báo cáo cho bất cứ ai hết.”
Chúng đưa tay đặt lên vành tai, bởi vì chưa bao giờ họ nghe những lời như thế này.
“Quốc tế 4-8818,” chúng ta nói, “ngươi có định báo với Hội đồng về chúng ta và nhìn chúng ta bị phạt roi cho tới chết ngay trước mắt ngươi không hả?”
Chúng chợt đứng thẳng người lên và trả lời:
“Chúng ta thà chết đi còn hơn.”
“Vậy thì,” chúng ta nói, “Hãy giữ bí mật. Chỗ này là của riêng chúng ta, nó thuộc về chúng ta-Bình đẳng 7-2521, và không ai khác trên trái đất này. Và nếu như chúng ta bị buộc phải từ bỏ nó, chúng ta sẽ từ bỏ cả mạng sống của mình.”
Thế rồi chúng ta thấy trong mắt Quốc tế 4-8818 lệ dâng tràn mi mà không thể tuôn rơi. Họ run rẩy thì thầm đến lạc cả giọng:
“Ý muốn của Hội đồng là nằm trên tất thảy mọi thứ, bởi vì đó là ý muốn của các đồng chí mình, vốn dĩ rất thiêng liêng. Nhưng nếu ngươi muốn như thế thì chúng ta sẽ nghe theo ngươi. Chúng ta thà làm kẻ xấu đồng hành với ngươi còn hơn làm người tốt với các đồng chí của chúng ta. Có thể Hội đồng sẽ tha thứ cho đôi trái tim chúng mình.”
Sau đó bọn chúng ta cùng rời khỏi nơi ấy, trở lại Nhà Phu Quét đường. Cùng bước đi trong lặng lẽ.
Thế là cũng như chúng ta đã làm trong buổi tối hôm ấy, hàng đêm, khi các vì sao đã lên cao trên kia và những Phu Quét đường đã yên vị trong Nhà hát Thành phố, chúng ta-Bình đẳng 7-2521 sẽ lẻn ra, băng người chạy qua màn đêm đen để tới chỗ của mình. Thật là quá dễ để trốn khỏi Nhà Hát, khi nến được thổi tắt và các diễn viên bước lên sân khấu, không đôi mắt nào có thể thấy được chúng ta đang bò bên dưới các hàng ghế rồi lẻn qua tấm vải bạt của Nhà Hát. Sau đó, lúc trở lại cũng thật quá dế dàng để lẻn vào qua bóng tối, nhập vào hàng ngay kế bên Quốc tế 4-8818 khi cột người này đang rời Nhà Hát. Các ngả đường đều tối đen và không có một bóng người nào, vì không ai được đi qua lại trong Thành phố khi không có nhiệm vụ gì. Hàng đêm chúng ta cứ chạy tới cái hang, dời mấy cục đá mà chúng ta đã bày phía trên tấm vỉ sắt để giấu không cho ai thấy. Hàng đêm, trong ba tiếng đồng hồ, chúng ta ngồi dưới lòng đất, một mình.
Chúng ta đã lấy cắp nến ở Nhà Phu Quét đường, chúng ta cũng lấy cắp đá lửa, dao, và giấy, để mang tới đây. Chúng ta còn lấy cắp lọ thủy tinh làm thí nghiệm, và bột, và axit ở Dinh Học giả. Giờ đây chúng ta ngồi trong đường hầm ba tiếng đồng hồ mỗi đêm, miệt mài nghiên cứu. Chúng ta nấu chảy những kim loại lạ, chúng ta trộn các loại a-xít, và chúng ta cắt mổ mấy xác thú mà chúng ta kiếm được ở Hố Rác Thành phố. Chúng ta xây được một lò nung bằng những viên gạch lượm được trên đường.
Chúng ta đốt những nhánh cây mà chúng ta thấy trong thung lũng. Ngọn lửa bùng lên trong lò, những bóng đổ màu xanh nhảy múa trên tường, và nơi đây không hề có một âm thanh nào quấy rối chúng ta.
Chúng ta đã ăn cắp bản thảo. Đây là một tội lỗi tày đình. Bản thảo rất quý giá vì các đồng chí ở Nhà Thư ký đã dành ra cả năm trời để chép lại từng tờ với kiểu chữ viết rõ ràng của họ. Bản thảo rất hiếm và chúng được cất giữ ở Dinh Học giả. Thế là chúng ta ngồi dưới lòng đất mà đọc chúng. Đã hai năm trôi qua từ khi chúng ta tìm thấy chỗ này. Và trong hai năm đó chúng ta đã học được nhiều bằng mấy lần so với mười năm học ở Nhà Học Sinh.
Chúng ta đã được học những điều không có trong bản thảo. Chúng ta đã giải đáp được những điều mà các Học Giả không biết. Chúng ta đã đến và được thấy những điều chưa hề được khám phá. Chúng vĩ đại đến nhường nào, và phải biết bao nhiêu quãng đời mới đưa chúng ta đến được tận cùng của những tìm kiếm. Nhưng chúng ta ước rằng những tìm kiếm ấy của chúng ta không hề có tận cùng. Chúng ta chẳng mong muốn gì ngoài việc được ở một mình và được học, và được cảm thấy như thể càng ngày mắt chúng ta càng tinh sắc hơn -như mắt loài chim ưng và càng trong suốt hơn -như tinh thể đá.
Thật lạ lùng thay những đường đi lối về của quỷ. Chúng ta làm vẻ giả tạo bề mặt với các đồng chí của mình. Chúng ta đang bất tuân ý muốn của Hội đồng. Một mình chúng ta, trong số cả ngàn người đang đi lại trên trái đất này, một mình chúng ta vào thời khắc này đang làm một việc với không mục đích nào khác hơn là do chúng ta muốn làm nó. Cái xấu xa trong tội lỗi của chúng ta không phải để cho trí tuệ con người tìm hiểu. Bản chất sự trừng phạt của chúng ta, nếu bị phát hiện, không phải để cho trái tim con người cân phân. Không hề có ai, trong ký ức của những Người Cổ của thời kỳ Cổ đại, không hề có ai làm những điều mà chúng ta đang làm.
Ấy vậy mà trong chúng ta không hề có chút cảm giác xấu hổ cũng chẳng hối tiếc. Chúng ta tự nói với mình rằng chúng ta là một kẻ tội đồ và là một tên phản bội. Nhưng chúng ta chẳng cảm thấy chút gánh nặng nào trong hồn và chẳng chút sợ hãi nào trong tim. Và dường như, đối với chúng ta, tâm hồn mình giờ đây trong trẻo như mặt hồ không gợn chút sóng, vì không còn ánh mắt nào xoi mói ngoài ánh dương trên kia. Và trong tim chúng ta -thật lạ lùng thay những đường đi lối về của quỷ -trong tim chúng ta giờ đây sau hai mươi năm mới có được chút yên bình đầu tiên.