Bách Khoa Thư Lịch Sử

Thương Mại Châu Âu (1100–1450)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

THƯƠNG MẠI CHÂU ÂU (1100–1450)

Vào thế kỷ XII, xuất hiện các thành phố và bến cảng trên các tuyến đường thương mại ở châu Âu. Các thương gia Italia tham gia các hội chợ như ở Troyes để mua vải xứ Flanders và bán hàng hóa từ châu Á.

Trong thời sơ kỳ Trung đại, một trật tự thương mại mới phát triển ở châu Âu. Các thương gia và chủ ngân hàng làm ăn phát đạt và ảnh hưởng đến quyết định của các ông vua.

Sơ kỳ Trung đại là một thời kỳ phát triển đối với châu Âu. Dân số gia tăng và diện tích đất canh tác cây lương thực được mở rộng. Nhờ vậy mà có nông sản dư thừa để bán. Các đô thị mở mang rộng lớn hơn, hội chợ được tổ chức thường kỳ ở những nơi như Troyes, Lyons, Antwerp, Frankfurt, Leipzig, London, Krakow và Kiev. Hoạt động trên các tuyến đường sông và đường biển trở nên tấp nập hơn. Thay cho hình thức hàng đổi hàng trước đây, tiền đã được đưa vào sử dụng, và con người ngày càng buôn bán vì mục đích lợi nhuận nhiều hơn. Các thương gia Do Thái, hiệp sĩ dòng Đền và một số gia đình chuyên cho vay tiền và cất giữ đồ quý giá. Italy là vùng giàu nhất ở châu Âu. Venice và Genoa là các cảng biển lớn độc lập và trung tâm ngân hàng, nơi buôn bán gia vị, vải lụa và các mặt hàng xa xỉ khác từ phương Đông. Hàng hóa từ châu Á đi qua đế quốc Byzantine, Ai Cập và Syria, còn hàng hóa từ châu Phi qua Tunisia và Morocco. Các mặt hàng này được đổi lấy vải vóc, lông thú, da sống, sắt, vải lanh, gỗ, bạc và nô lệ.

Sự nguy hiểm của việc đi lại vào thời Trung đại thể hiện trong bức vẽ một tên cướp đường đang trấn lột tiền lữ khách. Những tên cướp đường thường phục bên vệ đường để chờ các nạn nhân.

Hầu hết tiền của châu Âu làm bằng bạc nhưng các nước châu Á dùng tiền vàng. Sự khác biệt này gây khó khăn cho hoạt động buôn bán, do vậy các hiệp sĩ dòng Đền và các thương gia Do Thái và Italia đã lập ra ngành ngân hàng, trong đó có thể dùng hối phiếu và “giấy hẹn trả tiền” thay cho tiền mặt. Các ngành kỹ nghệ thời kỳ đầu phát triển ở Rhineland (Đức), miền Bắc nước Pháp, xứ Flanders và xứ Anh, nhập khẩu các loại nguyên liệu như đồng đỏ, phèn, len, than củi, và xuất khẩu hàng hóa, quần áo.

Trong các đô thị thời Trung đại, chợ phiên thường họp mỗi tuần một lần. Tại các phiên chợ này, người ta mua bán gia súc, thực phẩm, kim loại, vải vóc, hàng da và đồ gỗ, và người nông thôn gặp nhau để bàn chuyện địa phương mình.

THƯƠNG MẠI PHÁT TRIỂN

Một giai cấp mới là các thương gia và thợ thủ công tay nghề cao đã xuất hiện. Các thương gia trở nên giàu có nhờ buôn bán nhiều mặt hàng, nhưng cũng chịu rủi ro vì nạn cướp đường hoặc hải tặc ở ngoài khơi có thể làm mất hết hàng hóa và sạt nghiệp. Các công ty buôn bán, các thành phố và tổ chức như Liên minh Phường hội ở biển Baltic đã cùng hợp tác để bảo vệ thương mại, mở văn phòng trên bến cảng và các khu chợ. Để bảo vệ cho hoạt động buôn bán của mình, người Venice và Genoa đã phát triển hải quân ở Địa Trung Hải. Khoảng năm 1350, dịch vụ bảo hiểm ra đời ở Genoa nhằm bảo vệ các thương gia trước nguy cơ thua lỗ hoặc phá sản. Các dòng họ chuyên kinh doanh hoạt động ngân hàng như nhà Fugger ở Augsburg (Đức), nhà Medici ở Florence (Italy) trở nên giàu có và nhiều thế lực. Một trật tự thương mại mới phát triển, và các vua chúa, giới quý tộc và giáo sĩ mất dần quyền lực bởi ngày càng phụ thuộc vào các thương gia và thành con nợ của chủ ngân hàng. Chẳng bao lâu sau, giai cấp mới có ảnh hưởng đến cả quyết định của các ông vua.

Con dấu của thành Danzig, một trong những đô thị dẫn đầu trong hội buôn hansa.

LIÊN MINH HANSEATIC

Năm 1241, hai đô thị của Đức là Hamburg và Lubeck đã thành lập hội buôn (gọi là hansa), và đến năm 1260 thì hiệp hội này phát triển thành Liên minh Phường hội (Hanseatic), trong đó thành viên là nhiều đô thị của người Viking trước kia. Liên minh này vận chuyển lương thực và nguyên liệu từ Đông Âu để đổi lấy các mặt hàng sản xuất ở Tây Âu. Vào thế kỷ XIV, Liên minh Phường hội đã kiểm soát hoạt động buôn bán giữa Anh, vùng Scandinavia, Đức và Nga.

Các thương gia trong Liên minh Phường hội dùng những con thuyền vững chãi này chở hàng hóa qua lại các hải cảng ở biển Baltic và Đại Tây Dương. Họ lập kho chứa hàng, trạm thuế quan, hệ thống ngân hàng và các cơ cấu bảo vệ.