Bách Khoa Thư Lịch Sử

Thời Sơ Kỳ Trung Đại (501-1100)

THỜI SƠ KỲ TRUNG ĐẠI (501-1100)

Thời kỳ này thường được gọi là Thời đại Đen tối (“đêm trường Trung cổ”) vì các sử gia cho rằng nền văn minh đã chấm dứt cùng với sự sụp đổ của đế quốc La Mã. Ngày nay nhiều người gọi giai đoạn này là thời sơ kỳ Trung đại vì nó khởi đầu của thời kỳ xen giữa lịch sử cổ đại và lịch sử cận đại. Đế quốc La Mã cũ chia thành hai nửa: nửa phía Tây là nơi sinh sống của nông dân, thợ ngũ kim có tay nghề cao và những người đóng tàu, còn nửa phía Đông trở thành đế quốc Byzantine. Người Trung Hoa và Arập vẫn dẫn đầu về khoa học và kỹ thuật. Đạo Phật và đạo Ki-tô được truyền bá rộng rãi thông qua hoạt động buôn bán, còn đạo Hồi được truyền bá qua các cuộc chinh phục quân sự.

Bức khắc ngà từ thế kỷ IX này mô tả Thánh Gregory và các học giả khác đang làm việc, được truyền cảm hứng từ sự Phục hưng thời Carolingian.

SƠ LƯỢC TOÀN CẢNH THẾ GIỚI (501–1100)

Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, ở châu Âu xuất hiện các quốc gia và dân tộc mới. Người dân ở các nước này chịu sự cai trị của Giáo hội Ki-tô và một chế độ xã hội khắt khe mà sau này được gọi là chế độ phong kiến.

Giữa châu Âu và Viễn Đông là một vùng rộng lớn, nơi cư trú của nhiều dân tộc khác nhau có chung một tôn giáo là đạo Hồi. Xa hơn về phía bắc, các quốc gia của người Slav như Nga và Bulgaria cũng đang hình thành.

Trung Quốc vẫn vượt xa phần còn lại của thế giới về văn hóa và khoa học. Ảnh hưởng của nước này lan khắp châu Á và tới cả Nhật Bản, nơi các ngành nghệ thuật đang nở rộ.

Tại Bắc Mỹ, các đô thị đầu tiên được xây dựng và nền văn minh Toltec phát triển ở Mexico. Ở Nam Mỹ, các đế quốc lớn độc lập như đế quốc Huari cũng đang hình thành.

Sự tiếp xúc giữa các nền văn minh trên thế giới còn rất hạn chế. Chỉ một vài nước có quan hệ buôn bán với nhau. Tuy vậy, đạo Hồi dần dần được truyền bá khắp Bắc Phi thông qua hoạt động xâm chiếm và buôn bán


BẮC MỸ

Vào khoảng năm 700, hai nền văn hóa đô thị riêng rẽ bắt đầu phát triển ở Bắc Mỹ. Đó là nền văn hóa Gò Đền (Temple Mound) quanh vùng Mississippi, buôn bán đồng và hàng hóa khắp lục địa, và nền văn hóa làng (pueblo) Anasazi ở miền Tây Nam, nơi người dân sống trong những ngôi làng xây bằng đá có đường liên thông. Người Anasazi có một tôn giáo tiến bộ. Ở những nơi khác, nhiều dân tộc bản xứ châu Mỹ trở nên lớn mạnh hơn, nhưng chủ yếu vẫn là những tộc người làm nông nghiệp và săn bắn, sống cố định trong những ngôi làng hoặc du cư. Xa về phía Đông Bắc, những người da trắng đầu tiên đã tới Newfoundland. Họ là người Viking và định cư tại đây trong một thời gian ngắn vào khoảng năm 1000.


TRUNG VÀ NAM MỸ

Vào khoảng năm 600-700, thành phố Teotihuacán vĩ đại của Mexico đang trong giai đoạn phồn thịnh nhất. Thành phố này và một số thành phố của người Maya ở xa hơn về phía Nam suy tàn vào khoảng năm 750. Nhưng các thị quốc tạo thành đế quốc của người Maya đã vượt qua được thời kỳ này. Xã hội của người Toltec thượng võ phát triển thịnh vượng ở Mexico từ năm 900 đến năm 1100. Về phía Nam, ở Peru, các thị quốc của người Tiahuanaco nằm trong vùng núi Andes và người Huari gần khu vực ven biển trở nên lớn mạnh và phát triển hơn. Thành phố Tiahuanaco là tiền thân của đế quốc Inca sau này. Đến năm 1000, đế quốc Chimú phát triển quanh vùng Chan Chan ở miền Bắc Peru đã thế chỗ đế quốc Huari.


CHÂU ÂU

Châu Âu hối hả tìm lại vị thế của mình trong thời kỳ gọi là Thời đại Đen tối. Đế quốc Byzantine đóng vai trò một trung tâm vững chắc của thế giới Ki-tô giáo, tuy cơ đồ của đế quốc này cũng trải qua các bước thăng trầm. Vào thế kỷ VIII, người Hồi giáo xâm lược Tây Ban Nha và gây dựng tại đó một nền văn hóa tiên tiến tồn tại suốt 700 năm. Cùng thời gian này, xa hơn về phía Bắc, triều đại Carolingian đã thiết lập đế quốc đầu tiên ở châu Âu, nhưng đế quốc này suy tàn vào thế kỷ IX sau khi Hoàng đế Charlemagne mất. Ở các vùng còn lại ở châu Âu, các quốc gia đang dần hình thành dưới sự giám sát của Giáo hội Thiên chúa (Công giáo) ở La Mã. Tiến trình này được đẩy nhanh trước mối đe dọa đến từ phía người Magyar (Hungary), người Viking, người Hồi giáo ở Tây Ban Nha và Tiểu Á. Vào khoảng năm 1100, một số nước châu Âu đã lớn mạnh, ổn định và thịnh vượng hơn. Các trường đại học ra đời, việc xây dựng nhà thờ phát triển mạnh, các đô thị phát triển cả về quy mô và tầm quan trọng. Các nhà lãnh đạo thời Trung đại bắt đầu các cuộc phiêu lưu quân sự và chinh phục hải ngoại, chẳng hạn như cuộc Thập Tự Chinh của châu Âu nhằm chiếm đất đai ở Palestine.


CHÂU Á

Tại Ấn Độ, đế quốc Gupta sụp đổ vào năm 535 và đất nước này bị chia rẽ. Cả đạo Hindu và đạo Phật đều có ảnh hưởng lan rộng tới Đông Nam Á. Vương quốc Srivijaya ở Sumatra chiếm bán đảo Malaya vào khoảng năm 775, và tại Campuchia, người Khmer thành lập vương quốc Angkor vào năm 802. Một trong những triều đại vĩ đại nhất Trung Quốc là nhà Đường đã tồn tại trong 300 năm, cho ra đời có một số tác phẩm nghệ thuật tinh hoa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Từ năm 960, nhà Tống lên thay nhà Đường và cai trị thêm 300 năm nữa. Ở những nơi khác, vương quốc Tây Tạng mạnh mẽ trỗi dậy rồi sụp đổ, và các quốc gia giàu có phát triển ở Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản và Indonesia. Tại Trung Á, dân du mục Tuyếc (Turkic) và Mông Cổ cũng lớn mạnh.


ÚC-Á

Người Polynesia chiếm thêm các hòn đảo mới ở Thái Bình Dương, di chuyển tới New Zealand vào khoảng năm 900. Ở Australia, thổ dân vẫn chưa hề chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.


CHÂU PHI

Đến năm 700, toàn bộ khu vực Bắc Phi đã thuộc về đế quốc Hồi giáo. Ở Tây Phi, nước Ghana dồi dào trữ lượng vàng trở nên giàu có và hùng mạnh, và các vương quốc thương mại khác như Mali và Kanem-Bornu bắt đầu phát triển trong khu vực màu mỡ ở rìa Nam sa mạc Sahara.


TRUNG ĐÔNG

Đế quốc Sassanid đạt tới quy mô lớn nhất vào năm 579. Sau khi Muhammad - người sáng lập đạo Hồi - mất vào năm 632, đế quốc Hồi giáo bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Vào năm 634, người Arập chiếm Ba Tư và lật đổ đế quốc Sassanid. Nhưng vào khoảng năm 756, đế quốc Hồi giáo này bắt đầu tan rã. Đến cuối thế kỷ XI, Jerusalem bị quân Thập Tự chiếm giữ.