Bách Khoa Thư Lịch Sử

Người Maya (300 TCN–800 CN)

NGƯỜI MAYA (300 TCN–800 CN)

Vào thời gian đầu, các khu trung tâm của người Maya chuyển từ miền Nam tới miền Trung xung quanh thành phố Tikal. Sau năm 800, phần lớn người Maya sống ở phía Bắc Yucatán.

Người Maya sống ở nơi ngày nay là miền Nam Mexico và Guatemala. Họ đã xây dựng nên một nền văn minh phát triển đến tột đỉnh vào lúc đế quốc La Mã đang sụp đổ.

Người Maya sống vào khoảng sớm nhất là năm 2000 TCN. Trải qua nhiều thế kỷ, nhờ tháo bớt nước trên vùng đất đầm lầy và xây dựng hệ thống tưới tiêu, họ trở thành những nông dân thành công, có thể nuôi được một lượng lớn dân cư. Trong giai đoạn đầu, từ năm 300 TCN tới năm 300 CN, người Maya xây nhiều thành phố ở Guatemala, Belize và miền Nam Yucatán, mỗi thành phố có đặc điểm và phong cách nghệ thuật riêng. Trong thành phố của họ có các ngôi đền hình kim tự tháp, một cung điện có thành lũy bảo vệ, các khu chợ, xưởng thợ và khu vực nhà ở.

Các bức tượng chạm trổ tìm thấy trong các di tích của người Maya thường mô tả những người ăn mặc lộng lẫy, giống như vị thầy tu với chiếc mũ trang sức lộng lẫy này.

HỆ THỐNG GIAI CẤP MAYA

Hệ thống giai cấp của người Maya: các quý tộc, thầy tu, quan cai trị, công chức cùng người hầu của họ sinh sống ở thành phố, trong khi dân thường làm việc đồng áng, chỉ vào thành phố để họp chợ hoặc tham gia lễ hội tôn giáo. Bảng chữ cái của người Maya gồm 800 chữ tượng hình, và họ có kiến thức tiên tiến về toán học, thiên văn học và lịch pháp. Giống như ở Hy Lạp cổ đại, mỗi thành phố của người Maya là một thị quốc độc lập và các thị quốc nhiều khi xung đột với nhau, thường là để ép nộp cống vật và bắt tù nhân. Khoảng năm 230, núi lửa Ilopango ở phía Nam phun trào mạnh, phủ tro bụi lên cả một vùng rộng lớn. Người Maya rời bỏ các thành phố ở miền Nam, đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ “tiền cổ điển” của nền văn minh Maya.

Người Maya viết loại chữ tượng hình được khắc trên các bia lớn bằng đá và viết trong sách làm bằng vỏ cây.

THỜI CỔ ĐẠI

Từ năm 300 đến năm 800 CN, nền văn minh Maya đạt tới đỉnh cao. Nhiều thành phố mới được xây dựng ở Yucatán. Tikal là thành phố có vị thế vượt trội nhất, nhưng các thành phố khác như Palenque, Yaxchilán, Copán và Calakmul cũng đóng vai trò quan trọng.

Người Maya chơi bóng, một môn thi đấu có lẽ mang ý nghĩa tôn giáo đối với họ, giống như một dạng tiên tri. Trên các sân lớn, họ dùng hông, đùi và khuỷu tay tung tới tung lui một quả bóng cao su đặc, sao cho quả bóng này rơi đúng vào cái vòng ở bức tường bên cạnh.
Đây là bốn hạng người có địa vị cao nhất trong xã hội đẳng cấp của người Maya. Từ phải sang trái là một vị quan, một chiến binh, một nhà quý tộc và một thầy tu.

Người Maya là những thợ thủ công khéo léo, họ làm ra những tác phẩm điêu khắc bằng đá, chạm trổ trên ngọc bích, làm đồ gốm có trang trí, vẽ tranh, chế tạo những công cụ lao động tiên tiến và vật dụng bằng vàng và đồng. Họ xây dựng đường sá và lập các tuyến đường biển để thúc đẩy buôn bán. Hệ đếm của họ là 20 và sử dụng ba biểu tượng: dấu gạch ngang là số 5, dấu chấm là số 1 và hình một vỏ sò là số 0.

GIẾT NGƯỜI TẾ THẦN

Người Maya dùng máu để tế thần. Họ coi kiếp này và kiếp sau là hai thế giới như nhau, nên đối với họ giết người vì mục đích tôn giáo để làm hài lòng các vị thần và tổ tiên, mang lại sự sinh sôi và thịnh vượng là một lẽ tự nhiên. Càng về sau, các kế hoạch xây dựng đầy tham vọng của người Maya buộc nông dân phải cung cấp thêm càng nhiều lương thực và nhân công, và các cuộc chiến tranh bắt cóc con tin làm vật tế thần khiến dân số Maya giảm mạnh. Hệ thống nông nghiệp sụp đổ, kéo theo cả các thành phố. Vào khoảng năm 950, hầu hết các thành phố trung tâm của người Maya đã lâm vào tình trạng đổ nát, dù vẫn còn tồn tại được một thời gian nữa. Người Maya hiện vẫn sống ở các vùng cao thuộc Trung Mỹ.

CÁC THÀNH PHỐ CỦA NGƯỜI MAYA

Vào thời kỳ đầu, khi người Maya bắt đầu xây dựng các đô thị, thành phố lớn nhất là El Mirador, thành lập năm 150 TCN, đến năm 100 CN đã có 80.000 dân. Thành phố bị bỏ hoang vào khoảng năm 150 CN. Sau đó, đến khoảng năm 450 CN, Tikal, do vua Bầu trời Bão tố cai trị, trở thành thành phố lớn nhất với khoảng 100.000 dân. Phần lớn các thành phố được quy hoạch theo mạng lưới với vẻ nguy nga xung quanh các trung tâm nghi lễ, thường được đặt hướng theo các hiện tượng thiên văn như điểm mọc và điểm lặn của Mặt trời. Cơ sở tôn giáo của các thành phố Maya và cách họ dùng kim tự tháp cũng tương tự như của người Ai Cập cổ đại trước đó 2.000 năm.