Người Celt là một nhóm liên kết lỏng lẻo các bộ lạc sinh sống ở miền Nam nước Đức từ khoảng năm 1500 TCN. Đến thời La Mã, người Celt đã thống trị phần lớn châu Âu.
Vào khoảng năm 500 TCN, người Celt là lực lượng thống trị châu Âu. Họ đã bành trướng lãnh thổ từ một trung tâm mà nay là miền nam nước Đức. Người Celt không phải là một dân tộc, đúng hơn họ là một liên minh các bộ lạc riêng rẽ có chung một nền văn hóa. Ảnh hưởng của họ cuối cùng đã lan rộng từ Tây Ban Nha tới Anh, Đức và miền Bắc Italia, tới tận miền Trung Tiểu Á.
Người Celt là những nông dân sống thành bộ lạc, tập trung quanh các pháo đài (oppidae) của thủ lĩnh. Những pháo đài này thường nằm trên đồi, một số về sau trở thành làng mạc hay đô thị. Người Celt hầu hết là chủ trại nhỏ và tiểu nông, sống thành nhiều bộ lạc khác nhau. Đôi khi các bộ lạc này tách ra, vì một nhóm chuyển tới nơi khác, do vậy một số bộ lạc có thể phân bố ở nhiều vùng. Người Celt gắn kết với nhau bởi các Druid (những tu sĩ có học thức), các nhà làm luật, thi sĩ và nhà thông thái. Người Celt cũng có các họa sĩ, nhạc sĩ và thợ ngũ kim tài hoa. Đồ trang sức, đồ gốm, khí giới và bình đựng rượu của họ thường được trang trí những hoa văn cầu kỳ và họa tiết hình học. Người Celt buôn bán với La Mã, Hy Lạp và các nước khác nhưng không bị ảnh hưởng nhiều từ các nền văn minh này.
Tất cả người Celt đều là người tự do có các quyền cá nhân. Công lý Druid của họ rất nổi tiếng, và mối liên kết trung thành bên trong mỗi bộ lạc rất mạnh. Thủ lĩnh bộ lạc được các thành viên bầu ra, còn nhà vua thì do các thủ lĩnh bộ lạc bầu. Cả vua và thủ lĩnh bộ lạc đều có thể bị phế truất nếu họ không làm tốt phận sự của mình.
Người Celt nổi tiếng là những chiến binh hung dữ (phụ nữ Celt cũng chiến đấu). Họ dùng sắt chế tạo khí giới và công cụ. Năm 390 TCN, họ cướp phá thành La Mã, và năm 280 TCN họ tấn công Hy Lạp, Tiểu Á để giành chiến lợi phẩm. Đôi khi họ cũng đánh lẫn nhau. Người La Mã đã khai thác điểm yếu này khi xâm chiếm xứ Gaul (Pháp) và Anh. Thủ lĩnh người Celt ở Anh, Caradoc (Caractacus) bị những người Celt khác phản bội. Do thiếu đoàn kết, các chiến binh Celt ở Anh bị mất độc lập vào năm 43-80 CN. Cuối cùng người Celt chấp nhận sự cai trị của La Mã và sau này cùng người La Mã chiến đấu chống các man tộc German. Người Celt cũng là những tín đồ Ki-tô giáo đầu tiên ở châu Âu. Sau khi La Mã sụp đổ, lối sống của người Celt ở châu Âu chỉ còn lại ở Ireland, Cornwall, Brittany và một số vùng ở Wales và Scotland.