Bách Khoa Thư Lịch Sử

Kiến Trúc (1601–1707)

KIẾN TRÚC (1601–1707)

Giống như nghệ thuật thế kỷ XVII, phong cách kiến trúc phát triển ở Tây Âu cũng được gọi là Baroque. Các thành phố trên khắp thế giới được xây dựng lại theo phong cách hoành tráng này.

Tại Anh, Hà Lan và Đức, cửa sổ lắp kính trở nên phổ biến hơn vào cuối thế kỷ XVII. Các tấm kính nhỏ được gắn kết với nhau bởi những khung chì. Vào thế kỷ XVIII, kỹ thuật sản xuất được cải tiến giúp cho con người có thể dùng các tấm kính kích thước lớn hơn.

Vào thế kỷ XVII, các dự án xây dựng lớn được thực hiện vì cả mục đích thực tế lẫn phô trương. Tại Ấn Độ, các nhà thờ Hồi giáo, công viên và cung điện bề thế và tao nhã của người Moghul đã nâng kiến trúc Hồi giáo lên một tầm cao mới. Ở Trung Quốc thời nhà Thanh, nhiều thành phố mới và công trình công cộng được xây dựng do dân số tăng mạnh. Tại đế quốc Ottoman, kiến trúc sư vĩ đại Sinan mất vào năm 1588 nhưng trong thế kỷ XVII, các học trò của ông đã xây các nhà thờ, khu chợ, cung điện và tòa nhà công cộng theo phong cách do ông khởi xướng.

Các tòa nhà ở Amsterdam xây bằng gạch và đá được chạm khắc rất công phu. Do thiếu đất xây dựng, người Hà Lan xây các tòa nhà cao tầng san sát nhau.

Châu Âu là nơi có sự thay đổi lớn nhất. Sau vụ Đại Hỏa hoạn vào năm 1666, thành phố London được các kiến trúc sư nổi tiếng như Huân tước Christopher Wren xây dựng lại. Ở Versailles ngoại ô Paris, một thành phố hoàng gia được xây cho vua Louis XIV theo phong cách Baroque. Thủ đô mới St Petersburg của Nga do các kiến trúc sư theo phong cách Baroque nổi tiếng nhất châu Âu thiết kế và xây dựng. Và tại Berlin, thủ phủ của xứ Brandenburg, cũng mọc lên các cung điện mới, các tòa nhà chính quyền và viện hàn lâm.

Các tòa nhà tại các đô thị châu Âu cũng mang một dáng vẻ mới do các thành phố rộng lớn hơn và hiện đại hơn. Các ngôi nhà ở, nhà kho, đường phố cũng như các công trình công cộng và nhà thờ được xây bằng gạch và đá thể hiện các phong cách hiện đại khác với kiến trúc của thời kỳ trước.

Trường đại học William và Mary ở Williamsburg (Virginia) do những người định cư châu Âu thời kỳ đầu thành lập vào cuối thế kỷ XVII. Thành phố Williamsburg được xây dựng với mục đích cụ thể là làm thủ phủ của Virginia.
Sự quan tâm trở lại đối với nghệ thuật cổ điển dẫn tới hệ quả là nhiều công trình công cộng ở châu Âu được xây theo mô hình các ngôi đền Hy Lạp. Viện Bảo tàng Cổ ở Berlin được xây theo phong cách kiến trúc baroque, dùng các cột trụ kiểu Hy Lạp để tạo vẻ uy nghi và cổ kính.
Christopher Wren (1632–1723) đã xây dựng 52 nhà thờ ở London (Anh), cũng như bệnh viện Chelsea và cung điện Kensington sau trận Đại Hỏa hoạn ở thành phố này.

Đặc điểm của các tòa nhà mới trong đô thị là có cửa sổ lớn lắp kính, các đường nét thẳng hơn, phòng rộng hơn và mặt tiền thiết kế công phu, phản ánh ảnh hưởng của tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Ảnh hưởng của Thanh giáo mang lại sự giản dị trong phong cách, thể hiện qua các tòa nhà đô thị ở Bắc Mỹ thuộc địa. Tại Amsterdam, Stockholm, Cologne và Vienna, nhà cửa và đường phố mang một kiểu dáng mới. Tất cả những điều này tạo nền tảng cho ngành kiến trúc ngày nay. Thời kỳ này thường được nhìn nhận là thời “sơ kỳ hiện đại”.

Sau trận Đại Hỏa hoạn ở London vào năm 1666, Huân tước Christopher Wren được giao trọng trách xây lại nhà thờ lớn St Paul. Được khởi công vào năm 1675, nhà thờ lớn này mất 25 năm mới được hoàn tất và là kiệt tác của Christopher Wren. Nhà thờ này kết hợp những nét tinh hoa của phong cách kiến trúc Phục hưng và phong cách Baroque, nổi bật trong thành phố.