Bách Khoa Thư Lịch Sử

Khoa Học Và Kỹ Thuật (501–1100)

KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT (501–1100)

Trong thời kỳ này, người Trung Hoa và người Arập là những nhà phát minh và nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới. Người châu Âu tụt hậu rất xa và người châu Mỹ chủ yếu bắt chước tổ tiên họ.

Năm 1090, nhà phát minh Tô Tụng xây tháp đồng hồ này ở kinh đô Khai Phong của nhà Tống. Đồng hồ chạy được là nhờ những giọt nước rơi xuống một bánh xe và có một chiếc cồng gõ báo giờ. .

Nhiều tiến bộ trong khoa học kỹ thuật do người Trung Hoa và người Arập thực hiện một cách độc lập, không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, hai bên thường xuyên tiếp xúc nên cũng học hỏi lẫn nhau. Người Arập chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng mới từ Ấn Độ và Ba Tư, chẳng hạn như sử dụng số 0 và hệ đếm thập phân của Ấn Độ. Mọi nền văn hóa trên thế giới đều biết đến thảo dược và cách sử dụng chúng, nhưng người Trung Hoa và người Arập giỏi trong việc này hơn cả. Các thầy thuốc người Arập viết sách y học được cả người Trung Hoa lẫn người châu Âu nghiên cứu. Người Trung Hoa hiểu được công dụng của việc tiêm thuốc, xuất phát từ những hiểu biết về thuật châm cứu. Họ chế tạo la bàn để định hướng trên sa mạc hay trên biển, và phát minh ra thuốc súng làm pháo hoa hoặc để báo hiệu. Chính người châu Âu vài thế kỷ sau đã dùng thuốc này để bắn súng. Các con thuyền của Trung Quốc, gọi là thuyền mành, là những con tàu lớn nhất thế giới, chỉ người Viking mới có thể theo kịp trình độ đi biển thành thạo của người Trung Hoa. Người Trung Hoa đã phát minh thuyền đi trên sông bằng bánh guồng, thiết kế những cỗ máy lớn bằng gỗ dùng để dệt vải, đưa nước vào đồng ruộng và nâng vật nặng. Họ cũng phát minh cách in bằng bản khắc gỗ, thuốc nhuộm, sơn, bút vẽ và lai tạo các giống rau mới.

Người ta dùng liềm (ở bên phải) để thu hoạch ngũ cốc, dùng cây đập (ở bên trái) để tách vỏ ra khỏi hạt, rồi sau đó sảy lên không trung để vỏ nhẹ hơn bay đi.
Người Arập phát triển xa hơn những tri thức kỹ thuật của Ba Tư, Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại. Họ đóng những cỗ máy như thế này để đưa nước lên cao bằng lực được tạo nên từ việc kết hợp sức nước chảy, súc vật kéo và các bánh răng.
Than củi được dùng làm chất đốt để luyện kim. Gỗ đốt trong ngọn lửa âm ỉ sẽ cháy chậm và để lại than củi.
Trong thời kỳ này, người Arập đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc dùng thuốc chữa bệnh. Trong bức minh họa từ một bản sách viết tay của người Arập hồi thế kỷ XII này, một thầy thuốc và một nhà bào chế đang làm loại thảo dược để trị ngộ độc.
Người Arập là những nhà thiên văn vĩ đại, họ vẽ các chòm sao theo hình người. Đây là một chòm sao có tên Tiên vương (Cepheus). Họ cũng phát minh ra đĩa trắc cao thiên văn đo độ cao của các vì sao bằng góc với đường chân trời, để dùng khi đi biển và vẽ bản đồ sao.

SÁCH VÀ TƯ TƯỞNG

Một trong những tiến bộ vĩ đại nhất của thời kỳ này thuộc về lĩnh vực in ấn. Từ thế kỷ VI, người Trung Hoa đã dùng bản khắc gỗ để in cả một trang giấy. Chẳng bao lâu sau, họ đã biết dùng chữ khắc rời để có thể sắp trang và in nhanh một số lượng lớn. Vào giữa thế kỷ VIII, kỹ thuật làm giấy của người Trung Hoa được truyền cho người Arập, và sau đó người Arập truyền tiếp sang châu Âu. Người Arập rất giỏi thiên văn và toán học, đã vẽ được những tấm bản đồ chính xác nhất ở thời đó. Các thành phố Cairo, Baghdad, Cordoba và Samarkand của người Hồi giáo là nơi ra đời các trường đại học đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển này không dẫn tới một cuộc cách mạng kỹ thuật do tốc độ phát triển ở Trung Quốc và thế giới Hồi giáo đến khoảng năm 1100 đã bị chậm lại.

Người Trung Hoa phát minh ra la bàn làm bằng kim loại và đá nhiễm từ. Hình người đứng trên chiếc la bàn này luôn chỉ về hướng Nam.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

593 Bản khắc gỗ được dùng để in ấn ở Trung Quốc

595 Hệ thập phân được dùng ở Ấn Độ

700 Bánh xe nước vận hành cối xay ở châu Âu

700 Những tiến bộ lớn về hóa học ở Baghdad

751 Kỹ thuật làm giấy từ Trung Quốc được phổ biến sang thế giới Hồi giáo

810 Đại số được khám phá ở Ba Tư, người Arập tiếp nhận hệ thập phân

868 Quyển sách in sớm nhất được biết tới ra đời ở Trung Quốc

900 Người Arập đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực thiên văn

900 Trung Quốc phát triển nghề làm đồ sứ