Sau cuộc chiến tranh giữa Thụy Điển với các nước Bắc Âu khác, Thụy Điển để mất phần lớn đế quốc của mình và Nga trở thành cường quốc hàng đầu ở vùng Baltic.
Đại chiến Bắc Âu là cuộc chiến giữa Thụy Điển và các cường quốc Bắc Âu khác do Peter Đại đế của Nga phát động nhằm tranh giành quyền kiểm soát biển Baltic và các vùng đất lân cận. Năm 1700, Thụy Điển bị Đan Mạch, xứ Saxony (nay thuộc Đức), Ba Lan và Nga tấn công. Vua Charles XII của Thụy Điển mới 18 tuổi và các nước kẻ thù của Thụy Điển hy vọng có thể lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của vị vua trẻ này. Nhưng vua Charles đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Ông đã đánh bại quân Nga ở Narva (Estonia), buộc Saxony, Ba Lan và Đan Mạch rút khỏi cuộc chiến và đưa một nhà vua mới lên ngai vàng Ba Lan. Tám năm sau đó, vua Charles xâm lược nước Nga. Nhưng lúc bấy giờ mùa đông khắc nghiệt 1708–1709 bắt đầu và quân Nga đã rút lui, rút đến đâu là phá hủy mọi thứ đến đấy. Quân Thụy Điển thiếu lương thực, lại phải chống trả các cuộc phản công liên tục của quân Nga. Đến mùa xuân, đội quân của vua Charles chỉ còn một nửa.
Trong trận Poltava vào tháng 6 năm 1709, quân Nga đánh bại quân Thụy Điển và vua Charles phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ông về tới Thụy Điển năm 1714 và đánh tan một cuộc xâm lược của quân Đan Mạch năm 1716. Ông xâm lược Na Uy và bị giết tại đó năm 1718. Không còn vua Charles và bị kiệt quệ bởi 20 năm chiến tranh, người Thụy Điển đồng ý với các điều kiện hòa bình vào năm 1721.