Bách Khoa Thư Lịch Sử

Các Quốc Gia Châu Phi (1550–1700)

CÁC QUỐC GIA CHÂU PHI (1550–1700)

Gao, Katsina và Kano tiếp nhận đạo Hồi do người A rập vượt sa mạc Sahara truyền bá vào Tây Phi. Các vương quốc ven biển vẫn duy trì tôn giáo của riêng họ. Phần lớn miền Đông Bắc châu Phi nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc Ottoman.

Vào thế kỷ XVII, châu Phi gồm nhiều dân tộc và vương quốc khác nhau, mỗi dân tộc và vương quốc có phong tục tập quán, hình thức chính quyền, ngôn ngữ và các vị thần của riêng mình.

Trong giai đoạn này, các quốc gia châu Phi phát triển rất nhanh. Nếu người châu Âu không tới thì có lẽ các nước châu Phi đã đưa nền văn hóa của họ tiến xa hơn nhiều. Mặc dù người châu Âu không có ảnh hưởng lớn đến châu Phi cho tới tận thế kỷ XIX, nhưng họ đã mua vàng, những vật phẩm độc đáo và nô lệ của châu Phi, đồng thời bán súng, vải, công cụ và thành phẩm cho châu Phi. Do vậy, các ngành nghề truyền thống và xã hội của châu Phi cũng bị thay đổi theo. Một số vùng như Tây Phi có rất nhiều người trở thành nô lệ. Sự chia rẽ trong xã hội gia tăng khi các tù trưởng và thương gia đạt được những thỏa thuận có lợi với người châu Âu. Một số tù trưởng thậm chí còn bán người dân của mình làm nô lệ.

Songhai là quốc gia lớn nhất ở châu Phi. Các thương gia châu Âu đến vùng bờ biển nơi đây đã đoạt lấy ngành buôn bán vàng và nô lệ của Songhai, do đó sự thịnh vượng của Songhai cũng chấm dứt. Năm 1591, một đội quân Morocco vượt sa mạc Sahara và chiếm Songhai. Ở phía Nam sa mạc Sahara xuất hiện các quốc gia mới, trong đó có Mossi, các thị quốc Hausaland, Kanem-Bornu và Darfur. Các quốc gia Hồi giáo này buôn bán với người Ottoman và người A rập.

Chiếc mũ này của người Asante được làm bằng vàng, có trang trí bùa ngải và sừng động vật. Người châu Âu không thể dùng vàng để mua nô lệ của người Asante vì người Asante đã có đủ vàng mà họ cần. Thay cho vàng, người châu Âu đổi súng lấy nô lệ và như vậy càng tăng cường sức mạnh quân sự cho người Asante.

Ở phía Đông, quốc gia Ethiopia theo Ki-tô giáo bị vây bọc bởi các nước Hồi giáo. Tín đồ Hồi giáo ở một số vùng đất của Ethiopia đã nổi dậy và tàn phá nước này. Sau đó người Bồ Đào Nha tới, đánh đuổi người Hồi giáo vào năm 1543, Ethiopia hòa bình trở lại. Dọc bờ biển miền Đông và miền Tây, người Bồ Đào Nha xây dựng các pháo đài và trạm chứa nô lệ. Việc này thu hút người châu Phi tới các vùng bờ biển và khuyến khích các tù trưởng làm giàu bằng cách tham gia vào hoạt động buôn nô lệ.

Người Bồ Đào Nha cho xây các pháo đài quanh bờ biển châu Phi. Bức họa đồ này được vẽ năm 1646 mô tả pháo đài ở Mombasa trên bờ biển miền Đông (nay thuộc Kenya).
Một cảnh lễ hội của bộ lạc ở vương quốc Lovango thuộc vùng Congo năm 1686. Sau khi người châu Âu tới đây, sự an toàn và thống nhất trong các bộ lạc dần dần nhường chỗ cho sự nghi kỵ lẫn nhau ngày càng tăng trong xã hội và sự khống chế của các tù trưởng tham lam.

DAHOMEY VÀ ASANTE

Một loạt các quốc gia đã chiếm vùng rừng dọc bờ biển Tây Phi. Năm 1625, một vương quốc mới tên là Allada được vua Akaba lập ra. Trong thời gian 1645–1685, Allada sáp nhập với hai vương quốc khác thành nước Dahomey. Quốc gia mới này trở nên giàu có nhờ hoạt động buôn bán vàng và nô lệ. Dahomey bị người Yoruba đến từ Oyo (nay thuộc Nigeria) tàn phá năm 1747. Người châu Âu biết tới nước Dahomey vì khi vua của nước này qua đời, hàng nghìn nô lệ đã bị hiến tế để có thể theo hầu nhà vua ở thế giới bên kia.

Phía Tây Dahomey là Asante. Năm 1689, Osei Tutu đã thành lập liên bang Asante hùng mạnh và xây dựng thủ đô ở Kumasi. Asante phát triển thịnh vượng nhờ buôn bán hạt cô-la, vàng và nô lệ. Pháo đài và trạm thông thương quan trọng của người Bồ Đào Nha ở Elmira thuộc Asante đã bị người Hà Lan chiếm vào năm 1637.

Một thương gia châu Âu đề nghị đổi rượu mạnh lấy nước uống với thủ lĩnh của bộ lạc Alcaty ở Senegal, Tây Phi vào khoảng năm 1690.

Châu Phi cung cấp lực lượng nô lệ làm việc trong các đồn điền ngày càng phát triển mạnh ở châu Mỹ. Hàng triệu nô lệ được chở bằng tàu vượt Đại Tây Dương. Nhiều người chết trong các cuộc chiến tranh giành nô lệ giữa các quốc gia châu Phi, hoặc trong các hành trình khủng khiếp vượt Đại Tây Dương. Bị mất một số lượng lớn người như vậy là một thảm họa đối với châu Phi.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1570 Kanem_Bornu nổi lên thành một nước lớn

1575 Những người Bồ Đào Nha đầu tiên định cư ở Angola

1588 Công ty Guinea của Anh được thành lập

1600 Mwenemutapa ở thời kỳ hưng thịnh nhất

1625 Vua Akaba thành lập vương quốc mới Allada

1637 Người Hà Lan đánh đuổi người Bồ Đào Nha khỏi Bờ Biển Vàng

1652 Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập Cape Town

Những năm 1660 Các vương quốc của người Bambara nổi lên ở Tây Phi

1685 Ba vương quốc hợp nhất thành Dahomey

1689 Osei Tutu lập ra đế quốc Asante

1701 Osei Tutu phát triển sức mạnh quân sự của Asante

Một ông vua (oba) của Benin cưỡi ngựa trong đám rước của dân. Từng là nước giàu có nhất Tây Phi, đến thế kỷ XVIII, vương quốc Benin bắt đầu suy tàn. Benin bị yếu thế trước sự lớn mạnh ngày càng tăng của người Yoruba và của vương quốc Oyo.