Bách Khoa Thư Lịch Sử

Ba Tư Thời Safavid (1500–1722)

BA TƯ THỜI SAFAVID (1500–1722)

Dưới triều Safavid, Ba Tư lại giành được độc lập và trở thành một cường quốc chính trong khu vực. Người Ba Tư kết bạn và buôn bán với người Bồ Đào Nha, tuy bị quấy nhiễu bởi người Ottoman ở phía Tây và người Thổ ở phía Đông.

Vào đầu thế kỷ XVI, Ba Tư dưới triều đại Safavid giành lại được độc lập. Chẳng bao lâu sau, Ba Tư trở thành một trong những nền văn hóa dẫn đầu thế giới.

Từ năm 642, người Ba Tư đã nổi bật dưới thời đế quốc Abbasid, và sau đó lại mạnh lên dưới sự cai trị của người Seljuk và các Ilkhan (vua) Mông Cổ. Sau một thời gian hỗn loạn, triều đại Safavid lên nắm quyền sau khi chiếm được thành phố Tabriz năm 1501, mang lại độc lập cho Ba Tư. Lãnh tụ của người Safavid là Ismail I, ông đã tự xưng vua (shah). Tên gọi Safavid xuất phát từ tên ông tổ của Ismail là Safi od-Din, một bậc thánh nhân theo giáo phái Sufi sống vào khoảng năm 1300. Đến năm 1508, vua Ismail đã kiểm soát toàn bộ Ba Tư và hầu hết Lưỡng Hà. Ông đưa dòng Hồi giáo Shi’ite lên vị thế quốc giáo. Bất đồng về học thuyết cùng các cuộc tranh chấp đất đai đã dẫn tới một loạt cuộc chiến tranh tôn giáo giữa người Safavid theo dòng Shi’ite với người Ottoman theo dòng Sunni. Chiến tranh bắt đầu vào năm 1514 khi vua Selim I của người Ottoman xâm lược miền Tây Ba Tư. Dưới triều đại Safavid, Ba Tư đã phát huy bản sắc của mình sau nhiều thế kỷ bị người nước ngoài thống trị. Triều đại Safavid hùng mạnh tồn tại trong 200 năm.

Quân hiệu này của quân đội Ba Tư thời Safavid được dùng trong các buổi lễ vinh danh những người hy sinh trong chiến trận. Nó được làm bằng kim loại quý và được dát nhiều loại đá quý rất lộng lẫy.

Ba Tư dưới triều Safavid liên tục bị người Ottoman ở phía tây và người Thổ ở phía đông gây áp lực, cho tới khi vua Abbas I lên trị vì, mang lại hòa bình và chấn hưng nền văn hóa Ba Tư. Sau khi Abbas I mất vào năm 1628, một loạt ông vua nhu nhược lên kế vị và triều đại Safavid sụp đổ trước cuộc xâm lược của người Afghan vào năm 1722.

Vua Abbas cho xây một nhà thờ Hồi giáo ở Isfahan và trang trí nhà thờ bằng những họa tiết hình học phức tạp.

VUA ABBAS I

Triều đại Safavid đạt đỉnh cao dưới thời vua Abbas Vĩ đại (1571–1629), người trị vì từ năm 1588. Là một thủ lĩnh quân sự tài giỏi, ông đã giảng hòa với người Ottoman và đánh đuổi được người Thổ Uzbek ra khỏi miền Đông Iran. Ông dời đô tới Isfahan và biến Isfahan thành một trong những thành phố lộng lẫy nhất trên thế giới với cung điện và nhà thờ Hồi giáo tráng lệ. Các khu chợ có mái che bao quanh một quảng trường chính, quanh chợ có cây cối và suối nước, và một con đường lớn ở trung tâm có những vườn cây dọc hai bên. Vua Abbas đã khởi động tiến trình phục hưng văn hóa Ba Tư, thiết lập quan hệ thân thiện với châu Âu và tiếp đãi khách nước ngoài.