Bác Sĩ Zhivago

Chương 166

Mở cửa cho chàng là một chị thợ may đứng tuổi, da ngăm ngăm, mặc chiếc áo váy màu sẫm, vẻ nghiêm nghị, chắc là thợ cả của xưởng may.

- Thì ra vẫn cái nhà ông này! Đúng là đỉa đói. Nào ông cần gì, nói lẹ lên. Không ai thừa thì giờ đâu.

- Xin bà đừng ngạc nhiên, tôi cần một cái kéo. Tôi muốn mượn cái kéo một chút, để đứng ngay tại đây giải quyết bộ râu này, rồi xin trả ngay. Tôi sẽ rất biết ơn bà.

Chị thợ may nhìn ông khách bằng ánh mắt ngạc nhiên và nghi ngại. Rõ ràng chị ta ngờ rằng người đàn ông này không bình thường.

- Tôi từ xa vừa đến thành phố. Râu tóc bờm xờm. Tôi muốn hớt tóc, nhưng chả có tiệm cắt tóc nào cả. Bởi vậy, tôi định tự giải quyết lấy chỉ tội không có kéo. Xin bà làm ơn cho mượn.

- Được. Tôi sẽ hớt tóc cho ông: nếu ông có ẩn ý nào khác, định giở trò thay đổi diện mạo để hoá trang hoặc nhằm mục đích chính trị gì đó, thì không xong đâu. Chúng tôi sẽ chẳng liều mạng sống vì ông, chúng tôi sẽ báo cho nơi cần báo. Thời buổi này không đùa được.

- Xin bà khỏi lo, bà cứ làm ơn giúp cho!

Chị thợ may dẫn chàng vào một cái phòng bên ngách không rộng hơn một ngăn chứa đồ, và lát sau chàng đã ngồi trên một chiếc ghế đẩu, với một tấm vải trải giường quàng kín người và quấn quanh cổ y như ở tiệm hớt tóc.

Chị thợ may đi lấy dụng cụ và trở lại với một cái kéo, chiếc lược, mấy chiếc tông-đơ cỡ khác nhau, một sợi đai da mài dao và con dao cạo.

- Tôi đã thử mọi nghề trong đời, - chị ta giải thích khi bác sĩ ngạc nhiên thấy chị có sẵn tất cả bộ đồ đó. - Tôi từng làm thợ hớt tóc. Hồi làm y tá trong cuộc chiến tranh trước, tôi đã học được nghề cắt tóc, cạo râu. Nào, bây giờ ta tỉa bớt bộ râu này, rồi sẽ cạo tử tế.

- Khi hớt tóc, xin bà cắt cao hộ cho.

- Tôi sẽ cố gắng. Một người trí thức như ông mà lại giả bộ ngờ nghệch. Hiện tại người ta không tính theo tuần lễ bảy ngày, mà theo tuần mười ngày. Hôm nay ngày mười bảy, mà cứ ngày bảy thì các tiệm hớt tóc đều nghỉ làm việc. Chả lẽ ông không biết điều đó.

- Không thật mà. Tôi vờ vịt để làm gì kia chứ? Tôi đã bảo tôi từ phương xa đến, chớ không phải dân ở đây.

- Ngồi yên. Đừng cựa quậy. Dễ bị sứt da như chơi. Vậy là ông từ xa tới? Ông tới bằng phương tiện gì?

- Cuốc bộ.

- Theo đường cái quan à?

- Một phần theo đường cái quan, phần còn lại theo đường xe lửa. Bao nhiêu đoàn tàu bị vùi dưới tuyết mà kể. Đủ loại, tàu hạng nhất, tàu tốc hành.

- Thế là chỉ còn một góc nhỏ nữa thôi. Tỉa nốt chỗ này là xong. Ông đi lo chuyện gia đình à?

- Gia đình gia chùa gì đâu? Tôi làm thanh tra lưu động cho Hiệp hội tín dụng. Người ta cử tôi đi các nơi kiểm tra, đủ mọi nơi. Tôi bị kẹt ở miền Đông Sibiri, không về được. Chả là không còn tàu bè gì hết. Đành cuốc bộ, chứ biết làm sao. Ròng rã một tháng rưỡi trời. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện, có kể cả đời cũng không hết…

- Chớ kể làm gì. Tôi sẽ giảng giải cho ông hiểu tại sao. Nhưng khoan đã. Gương đây. Ông hãy rút tay ra khỏi tấm vải choàng mà cầm lấy. Soi gương xem nào. Được chưa?

- Tôi thấy vẫn còn hơi dài. Ngắn chút nữa thì tốt.

- Ngắn nữa sẽ mất đẹp. Tôi bảo ông chớ có kể chuyện gì cả Lúc này tốt nhất là im lặng. Hiệp hội tín dụng, xe lửa thượng hạng bị vùi dưới tuyết, thanh tra với kiểm tra, ông sẽ chết dở vì chúng đấy! Những tiếng ấy bây giờ chẳng hợp thời. Ông nên bịa ra mình là bác sĩ hay thầy giáo thì hơn. Nào, râu tỉa hết rồi, bây giờ chỉ việc cạo cho nhẵn nhụi. Để tôi quệt chút xà bông, rồi vài đường cạo sột-sột là ông sẽ trẻ ra đến mười tuổi. Tôi đi hâm nóng chút nước đã.

"Chị ta là ai nhỉ?"- Zhivago tự hỏi lúc chị ta bước ra - "Mình nhớ mang máng đã gặp ở đâu và phải biết chị ta. Mình đã gặp hoặc đã nghe kể về chị ta. Chị ta nhắc mình nhớ đến ai đó, hẳn thế. Nhưng cụ thể là ai nhỉ, khỉ thật?".

Chị thợ may đã trở lại.

- Bây giờ thì ta cạo râu. Phải, tôi bảo tất nhất là đừng bao giờ ba hoa những điều không nên nói. Chân lý muôn đời: im lặng là vàng. Quên các thứ xe lửa hạng nhất, hiệp hội tín dụng đi. Hãy bịa ra mình là bác sĩ hoặc giáo chức chẳng hạn. Còn điều ông chứng kiến, thì hãy giữ kín trong lòng. Bây giờ ai còn lạ gì những chuyện đó? Tôi cạo thế có rát không?

- Hơi rát.

- Rát là phải, tôi biết. Chịu khó một chút ông ạ. Chả còn cách nào khác. Râu mọc quá rậm và cứng, da lại đã lâu hết quen với dao cạo. Phải. Những điều ông chứng kiến, người ta chả lạ gì. Người ta nếm đủ cả rồi. Chúng tôi cũng vậy; khổ sở đủ điều Thời bọn bạch vệ ở đây, thiếu gì cảnh tang thương kia chứ! Nào bắt cóc, nào giết người, nào cướp phá. Chúng nó săn người ông ạ. Ví dụ, có một ông trời con tác oai tác quái ở đây. Hắn ghét một ông thiếu uý, bèn sai lính đến mai phục trước nhà Krapunski, nhà viên thiếu uý ấy mà, ở gần cánh rừng Zagorod. Chúng nó tước khí giới và giải viên thiếu uý đến Radvilie. Mà Radvilie hồi ấy cũng giống như trụ sở Uỷ ban Cheka tỉnh bây giờ. Một nơi hành quyết. Sao ông lại lúc lắc đầu? Bị rứt đau phải không? Tôi biết, ông bạn ạ, nhưng làm sao được. Chỗ này phải cạo ngược chiều râu, mà râu ông lại cứng queo quèo, thì làm gì chả đau. Vậy là chị vợ cuống cuồng sợ hãi, vợ viên thiếu uý ấy mà. "Ối anh Kolia ơi là Kolia!" Chị ta đến gặp thẳng ngài chỉ huy cao nhất. Gặp thẳng chỉ là một cách nói, chứ ai cho chị ta dễ vào gặp chỉ huy đến thế? Nhờ có người bênh vực mới được gặp. Ở đây có một phụ nữ được ra vào nhà vị chỉ huy. Chị ấy sống ở phố gần đây. Vị chỉ huy là một người hiếm có, hết sức nhân đạo, sẵn lòng giúp hết thảy mọi người, tướng Galiulin ấy mà. Trong khi xung quanh toàn diễn ra những cuộc hành quyết tự tiện, những trò dã man, những tấn kịch ghen tuông y như trong tiểu thuyết Tây Ba Nha.

"Chị ta nói về Lara đây, - Zhivago đoán vậy, nhưng vì thận trọng, chàng im lặng, không hỏi thêm chi tiết. - Còn lúc chị ta nói "như trong tiểu thuyết Tây Ba Nha", mình lại có cảm giác chị ta rất giống một người nào đó. Chính qua câu nói chẳng ăn nhập chút nào với nội dung chuyện kể ấy".

Ngày nay, tất nhiên mọi việc đã khác hẳn. Vẫn biết là còn khối vụ điều tra, tố giác, xử bắn. Nhưng tinh thần khác hẳn. Thứ nhất, đây là chính quyền mới. Mới cầm quyền được vài ngày, chưa kịp đi vào nề nếp. Thứ hai, nói gì thì nói, họ vì nhân dân lao động, đó chính là sức mạnh của họ. Gia đình tôi có bốn chị em, kể cả tôi, đều là dân lao động. Đương nhiên chúng tôi ngả theo những người Bolsevich. Một bà chị của tôi đã chết, có chồng trước là tù chính trị bị phát vãng, sau làm quản lý ở một nhà máy tại vùng này. Con trai của anh chị tôi, nghĩa là thằng cháu gọi tôi bằng dì, làm tư lệnh lực lượng nông dân khởi nghĩa, có thể nói là một vị chỉ huy lừng lẫy tiếng tăm.

"À ra thế!" - Zhivago chợt hiểu - "Đây là bà dì của Liveri, em vợ của Miculisyn, một phụ nữ là đầu đề bàn tán của dân chúng khắp vùng, làm đủ nghề cắt tóc, thợ may, bẻ ghi xe lửa, việc gì cũng thạo. Nhưng mình vẫn phải giữ mồm giữ miệng để khỏi lộ tung tích!

- Cháu tôi nó hướng về nhân dân ngay từ thời bé. Nó lớn lên giữa đám thợ thuyền dưới quyền cha nó ở nhà máy "Hiệp sĩ Svietogo". Có lẽ ông đã nghe kể về các nhà máy ở Varykino chứ? Ô hay, nhưng tôi với ông đang làm gì thế này? Ôi tôi ngớ ngẩn quá? Mới cạo xong có nửa bên cằm, nửa kia vẫn lởm chởm râu. Đấy, ba hoa tai hại thế đấy ông ạ. Còn ông, sao ông không nhắc nhở tôi? Bọt xà bông khô hết rồi. Để tôi đi hâm lại nước đã. Nguội cả nước rồi.

Khi Galina quay lại, Zhivago hỏi:

- Có phải Varykino là cái xó hẻo lánh được Chúa đoái thương, nên thoát khỏi mọi tai ương, phải không bà?

- Hừ, được Chúa đoái thương! Có lẽ cái xó hẻo lánh ấy còn bị tai ương nhiều hơn chúng tôi là đằng khác. Có những toàn cướp không rõ là bọn nào đã kéo qua đó. Chúng nói thứ tiếng lạ tai. Chúng sục vào các nhà, dồn mọi người ra đường rồi xả súng bắn giết. Sau đó chúng rút đi, không nói nửa lời. Các xác chết vậy là vẫn nằm trên tuyết, chả có ai để thu dọn. Vụ đó xảy ra hồi mùa đông mà, sao ông cứ ngúc ngắc đầu liên tục thế? Chút nữa thì tôi cứa dao vào cổ họng ông.

- Bà bảo ông anh rể của bà sống ở Varykino. Ông ấy cũng không thoát khỏi cảnh tàn sát kia à?

- Thoát chứ. Chúa nhân từ lắm. Anh ấy và vợ đã ra đi kịp thời. Chị vợ sau, vợ kế ấy, không rõ họ đang ở đâu, nhưng chắc chắn là thoát chết. Thời gian cuối cùng, chỗ ông anh tôi có một gia đình từ Moskva tản cư đến ở nhờ. Gia đình ấy còn rút đi trước cả ông anh tôi. Người ít tuổi hơn trong hai người đàn ông, là một bác sĩ, chủ gia đình, thì bị mất tích. Nói là mất tích, chỉ khỏi gây đau khổ cho gia đình đấy thôi. Thực chất, phải gọi là đã chết, bị giết chết. Người ta tìm kiếm mãi, vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu. Giữa lúc đó, người già hơn được triệu hồi về Moskva. Ông ta là một vị giáo sư, chuyên gia nông nghiệp. Tôi nghe ông ta được đích danh chính phủ mời về thủ đô. Họ có đi qua Yuratin từ dạo bọn bạch vệ chưa chiếm lại thành phố này. Đấy, đồng chí thân mến, đồng chí lại cựa quậy, ngúc ngắc đầu rồi. Thợ đang cạo mà khách thế này, thì đứt cổ như chơi. Ông đòi hỏi thợ quá cao đấy ông ạ.

"Vậy là họ ở Moskva?".