Bác Sĩ Zhivago

Chương 153

Có tin đoàn xe chở thân nhân của anh em du kích chỉ còn cách căn cứ hai chặng đường. Ở Mõm Cáo, mọi người đang chuẩn bị đóng gia quyến và nhổ trại ngay sau đó. Bác sĩ Zhivago đến gặp Palyk.

Chàng thấy anh ta dứng ở cửa lều với cây rìu trong tay. Trước lều có một đống cây bạch dương non đã bị chặt hết cành, nhưng chưa được đẽo mấu. Một số cây được hạ ngay gần lều, nên khi đổ, các cành cây gãy của chúng cắm sâu xuống lớp đất ẩm. Những cây khác, Palyk kéo từ quãng xa về và ném chồng lên trên. Những thân cây bạch dương cứ run rẩy, hơi đung đưa trên những cái cành nhỏ cong mềm hoặc gãy dở, không chạm đất, cũng không chạm vào nhau, tựa hồ chúng đang giơ chân tay đối phó với Palyk, kẻ đã đốn chúng xuống, và chúng chặn lối ra vào lều của anh ta bằng cách dựng lên cả một đống cây xanh.

- Ấy là để chuẩn bị đón các vị khách quý, - Palyk giải thích việc làm của anh ta. - Cả vợ con tôi thì cái lều này sẽ thấp quá. Lại còn bị dột nữa. Tôi sẽ chống mái lều lên bằng đám cọc nhọn kia. Tôi đã chặt khá nhiều cây.

- Anh làm thế chỉ uổng công, Palyk ạ. Anh tưởng người ta sẽ cho vợ con vào ở chung lều với anh à? Có bao giờ người ta để thường dân, đàn bà con nít vào ở lẫn với lính tráng kia chứ? Họ sẽ ở bên ngoài căn cứ, trên xe ngựa. Lúc rãnh rỗi, mới được phép ra gặp gia đình chứ làm gì, có chuyện ở chung một lều. Song đó không phải là điều cần bàn. Nghe nói anh mỗi ngày một gầy đi, chả ăn uống, ngủ nghê gì có phải không? Trông bề ngoài thì chả thấy sao cả, chỉ tội râu tóc để hơi dài, thế thôi.

Palyk là một tay mugich lực lưỡng, râu tóc đen rối bù, trán nửa lồi nửa lõm như trán đôi, do xương trán quá dày, trông giống một cái đai đồng thít vòng hai bên thái dương anh ta, khiến anh ta thêm vẻ độc ác, và đáng sợ của một kẻ hay gườm gườm liếc xéo nham hiểm.

Hồi đầu cách mạng, do cái gương của năm 1905 người ta sợ rằng cả lần này nữa! Cuộc cách mạng cũng sẽ chỉ là một biến cố ngắn ngủi trong lịch sử các tầng lớp thượng lưu có học, chứ nó không thâm nhập và bám rễ chắc chắn vào các tầng lớp hạ lưu cho nên người ta ra sức tuyên truyền, cách mạng hoá, tác động nhân dân bằng đủ cách và kích động sự giận dữ của họ.

Trong những ngày đầu tiên ấy, những hạng người như anh lính Palyk vốn khỏi cần được vận động đã căm thù ghê gớm tầng lớp trí thức, quý phái và sĩ quan, lại được các trí thức quá tả đề cao lên tận mây xanh và tưởng là những phát hiện hiếm có. Sự phi nhân tính của hạng người ấy được coi là phép lạ của giác ngộ giai cấp, sự dã man của họ là khuôn mẫu về tính cương quyết của giai cấp vô sản và về bản năng cách mạng. Cái vinh danh của Palyk nhờ đó mà được hình thành. Anh ta được cấp chỉ huy du kích và những người đứng đầu tổ chức Đảng đánh giá cao.

Đối với Zhivago thì cái tay mugich lực lưỡng, vẻ mặt cau có và khó giao tiếp này hình như là một phần tử không hoàn toàn bình thường vì cái tính nói chung là tàn bạo, đơn điệu và nghèo nàn và tâm hồn của anh ta.

- Ta hãy vào trong lều, - Palyk đề nghị.

- Không, vào làm gì. Và tôi chẳng leo qua đống cây kia nổi. Ở ngoài này khỏe hơn.

- Được thôi! Tuỳ ý anh. Trong lều đúng như một cái hang thật! Ta ngồi trên bộ ghế băng này vậy (anh ta gọi những cây bị đốn là bộ ghế băng).

Và họ ngồi xuống, các thân cây bạch dương rung rinh dưới sức nặng của hai người.

- Ngạn ngữ có câu: nói dễ, làm khó. Song chuyện của tôi nói cũng chẳng dễ. Kể ba năm chưa hết. Tôi chả biết bắt đầu từ đoạn nào.

Nhưng thôi, tôi cứ thử kể. Vợ chồng tôi sống với nhau, hai đứa đều trẻ cả. Cô ấy trông nom nhà cửa. Tôi làm việc đồng áng, cũng chả có gì đáng phàn nàn. Đẻ mấy đứa con. Rồi bị bắt lính. Bị đày ra mặt trận. Chiến tranh mà. Khỏi phải bàn về chiến tranh. Anh cũng đã ở ngoài mặt trận, anh thừa biết.

Rồi cách mạng bùng nổ. Tôi sáng mắt ra. Binh lính được mở mắt. Lính Đức không phải kẻ thù, mà cũng là những người cần lao như mình. Hỡi những người lính của cách mạng thế giới, hãy hạ súng xuống, hãy bỏ mặt trận về nhà thanh toán bọn tư sản! vân vân. Tất cả những chuyện đó anh thừa biết, được bác sĩ quân y ạ. Vân vân. Rồi nội chiến. Tôi nhập vào đoàn quân du kích. Bây giờ tôi nói vắn tắt, kẻo chả biết bao giờ mới kể xong. Bây giờ tóm lại, tôi thấy gì lúc này? Hắn, con ký sinh trùng ấy, tên ăn bám ấy đã điều hai trung đoàn Stavropol số một và số hai và trung đoàn cô-dắc Orelburg số một từ mặt trận Nga tới vùng này. Tôi có phải là con nít đâu mà không hiểu? Làm như tôi chưa từng ở trong quân đội chắc? Tình hình bên ta gay to, nguy hiểm lắm, bác sĩ ạ. Hắn, cái thằng ăn bám khốn kiếp ấy, hắn muốn gì? Hắn muốn tung toàn bộ lực lượng vừa kể vào trận để tiêu diệt chúng ta. Hắn muốn bao vây chúng ta.

Hiện giờ tôi có vợ và mấy đứa con. Nếu hắn thắng, thì vợ con tôi trốn đi đâu cho thoát tay hắn? Hắn đâu có hiểu rằng vợ con tôi vô tội, chẳng liên quan gì. Hắn sẽ chẳng thèm cứu xét điều đó Vì tôi hắn sẽ trói vợ tôi lại mà tra tấn; để trả thù tôi, hắn sẽ hành hạ vợ con tôi, sẽ giần xương xé thịt vợ con tôi. Thế mà yên lòng ăn uống ngủ nghê được à? Có mà mình đồng da sắt cũng hết chịu nổi.

- Anh kỳ quặc quá, Palyk. Tôi không hiểu anh. Bao năm anh từng xa họ, không biết tin tức gì về họ, anh chả buồn rầu hay làm sao cả. Bây giờ, chỉ nội nhật nay mai anh đã được gặp vợ con, thế mà chả mừng thì chớ, anh lại làm như sắp đưa ma họ vậy.

- Chuyện trước kia với bây giờ khác nhau lắm. Chúng nó đang đánh bại chúng ta, lũ bạch vệ khốn kiếp ấy. Nhưng tôi chả nói về tôi. Đời tôi thế là sẽ đi tong. Chắc chắn sẽ dẫn đến đó thôi Nhưng những người thân yêu của tôi thì tôi sẽ không đem theo sang thế giới bên kia. Họ sẽ rơi vào nanh vuốt tên khốn kiếp… Hắn sẽ rút hết máu của họ, từng giọt từng giọt một.

- Vì thế mà anh thấy ma trơi à? Người ta bảo anh luôn luôn thấy ma trơi.

- Thôi được Tôi chưa kể hết với anh đâu, bác sĩ ạ. Tôi chưa nói chuyện chủ yếu. Nào thì tôi kể, anh hãy nghe toàn bộ sự thực phũ phàng về tôi, và chớ có khó chịu nếu tôi nói thẳng vào mặt anh.

Tôi đã hạ thủ nhiều đứa thuộc loại như anh, tay tôi dính máu của bọn thống trị, bọn sĩ quan, nhưng tôi bất chấp. Bao nhiêu đứa, tên chúng là gì, tôi chẳng nhớ, vì nhiều lắm. Song có một thằng oắt bị tôi giết, cứ ám ảnh tâm trí tôi, tôi không sao quên nổi. Tại sao tôi giết nó? Nó làm tôi buồn cười quá. Tôi bắn nó vì buồn cười hết nhịn nổi, thật là ngu. Chả vì duyên cớ gì hết.

Đó là vào dạo cách mạng tháng hai, dưới thời Kerenski. Đơn vị chúng tôi nổi loạn. Vụ ấy diễn ra trên đường xe lửa, ở một nhà ga. Cấp trên phái một thằng oắt con đến uốn ba tấc lưỡi thuyết phục chúng tôi ra trận, tiếp tục chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng. Thằng Kadet(1) ấy trông ốm nhom, ba hoa diễn thuyết với chúng tôi, hô hào chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Nó nhảy lên một cái thùng nước cứu hỏa để hô to cái khẩu hiệu ấy, cái thùng nước, ở sân ga ấy mà. Nó nhảy lên chỗ đó để cất cao lời kêu gọi xung trận, bỗng cái nắp thùng lật ngược dưới chân nó, khiến nó rơi tõm vào thùng nước, trượt chân mà! Ôi, tức cười khủng khiếp. Tôi cười lăn ra cười bò, tưởng sắp quặn ruột mà chết. Ôi, buồn cười ngoài sức tưởng tượng! Tay tôi ôm súng, tôi cứ cười ngả cười ngớn, và mọi người xung quanh đều cười, cười lăn cười bò vì không nhịn được Y như nó cù tôi vậy. Thế là tôi nâng súng lên và đòm cho nó một phát. Chính tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại như thế. Y như có ai đẩy tay tôi vậy.

Đó đó là lý đo khiến tôi nhìn thấy ma trơi. Đêm nào tôi cũng thấy cái nhà ga ấy hiện ra. Hồi ấy tôi buồn cười, bây giờ thấy thương thương nó.

- Có phải ở nhà ga Biriuchi, gần thị trấn Meliuzev, hay không?

- Tôi chả nhớ.

- Các anh nổi loạn cùng với dân Zybusino chứ gì?

- Tôi chả nhớ.

- Thế anh ở mặt trận nào hồi ấy? Ở mặt trận nào? Mặt trận miền phải Tây không?

- Hình như thế. Rất có thể ở miền Tây. Tôi chả nhớ.

Chú thích:(1) Học sinh trường võ bị.