Mãi ngày thứ ba Tiverzin mới về nhà, người rét run, buồn ngủ díp mắt, râu mọc lởm chởm. Đêm qua trời rét buốt hơn mọi năm cùng thời điểm này, trong khi Tiverzin chỉ ăn bận theo kiểu mùa thu. Về đến cổng, anh gặp bác lao công Ghimazetdin.
- Xin đa tạ ngài Tiverzin, - bác ta kính cẩn nói. - Ngài đã che chở cho cháu Yuxupka, suốt đời chúng tôi sẽ cầu Chúa phù hộ cho ngài.
- Ơ hay, bác Ghimadeđin, bác quẫn trí hay sao mà bác gọi tôi là ngài? Mong bác bỏ cái lối xưng hô ấy cho tôi nhờ. Bác thử nói xem, có đúng trời rét khiếp không?
- Sợ gì rét, nhà anh ấm rồi. Hôm qua chúng tôi đã chở từ ga Hàng hoá về cho bà cụ Marfa nhà anh đầy một gian củi, toàn là loại bạch dương, củi khô và được lắm cơ anh ạ.
- Cảm ơn bác. Hình như bác có chuyện gì muốn nói thì phải. Xin bác nói luôn đi, tôi đang rét quá, mong bác thông cảm.
- Tôi muốn khuyên anh dừng ngủ ở nhà. Kiếm chỗ nào kín đáo mà trốn, anh Tiverzin ạ. Tụi lính đến, rồi lão thanh tra cũng đến tìm anh, hỏi anh có về đây không. Tôi bảo họ là chả thấy ai đến cả. Chỉ có cậu thợ giúp việc, nhân viên đầu máy và nhân viên sở hoả xa đến thôi. Còn người lạ không thấy ai, tôi bảo họ thế!
Tiverzin lúc đó chưa lập gia đình, anh sống với mẹ và vợ chồng cậu em trai. Ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở bên cạnh. Khu nhà một phần dành cho mấy giáo sĩ xứ đạo. Một phần nhường cho hai tổ hợp có sạp bán lẻ hoa quả và thịt trong thành phố, còn phần lớn dành cho số viên chức nhỏ của tuyến đường xe lửa Moskva - Brets.
Khu nhà xây bằng đá, có các hành lang bằng gỗ, bao quanh một sân đất nện bẩn thỉu. Từ hành lang có các cầu thang gỗ nhớp nhúa và trơn trượt đi lên. Khu vực cầu thang toàn mùi cứt mèo và mùi dưa bắp cải. Phía đầu cầu thang có phòng vệ sinh và gian chứa đồ với những cái khoá treo lủng lắng.
Cậu em của Tiverzin đã bị đăng lính và mới bị thương ở trận Vaphănggoa. Cậu đang nằm điều dưỡng ở quân y viện Grasnoiask, cô vợ với hai đứa con gái đã đi thăm và ở lại săn sóc cậu. Là nhân viên sở hoả xa từ đời cha đến đời con, gia đình Tiverzin được vé miễn phí đi lại dễ dàng khắp nưởc Nga.
Hiện tại ở nhà chỉ có hai mẹ con anh, nên căn nhà vắng vẻ và yên lặng. Căn nhà ở lầu một. Ngay cạnh cửa ra vào, ngoài hành lang, có một lu nước, luôn luôn được người chở nước đổ đầy.
Khi Tiverzin lên tới nhà, anh nhận thấy cái nắp lu bị lệch sang một bên và chiếc( ca sắt thì bị gắn chặt vào lởp nưởc đóng băng cứng như đá trong lu.
- Lại cha Prop chứ không còn ai vào đây, - Tiverzin cười khẩy nghĩ bụng. - Cha này nốc nước dễ sợ, ruột lúc nào cũng bốc lửa hay sao ấy.
Prop Afanaxevich Xocolov làm trợ tế ở nhà thờ, một người đàn ông còn trẻ và điển trai, có họ hàng bà con xa với bà Marfa.
Tiverzin thò tay vào lu cạy chiếc ca sắt lên, đậy nắp lu cho ngay ngắn rồi kéo chuông cửa. Một luồng không khí ấm cúng và mùi hơi nước thơm ngon theo chiếc cửa mở ùa ra đón anh.
- Mẹ đốt lò sưởi ấm quá, nhà mình ấm thật đấy, mẹ nhỉ.
Bà Marfa ôm chầm lấy con mà khóc. Bà vuốt tóc con một lát rồi mới dịu dàng đẩy ra.
- Phải dũng cảm mới làm nên chuyện, mẹ ạ, - Tiverzdin nói khẽ. - Chắc con phải bỏ Moskva đi Vacsava thôi.
- Mẹ biết. Vì thế mà mẹ khóc. Ở đây nguy cho con mất. Con nên lánh đi xa, thật xa con ạ.
- Gớm cái ông bạn Petr của mẹ, cái vị hôn phu lịch sự ấy suýt phang vỡ đầu con.
Tiverzin tưởng đâu sẽ làm mẹ phì cười. Nhưng bà không hiểu câu đùa, nên bà nghiêm mặt trả lời:
- Đừng chế nhạo ông ấy, con ạ. Đáng lẽ con nên thương hại ông ấy, một kẻ đau khổ, một tâm hồn lầm lạc.
- Mẹ ơi, Pavel Antipop bị bắt rồi, mẹ biết chưa? Ban đêm chúng đến khám nhà, lục soát lung tung. Đến sáng, chúng dẫn bác ấy đi. Vợ bác ấy lại bị sốt thương hàn, đang nằm ở nhà thương, ở nhà còn mỗi thằng bé Pasa, cái chú bé học tại ngôi trường mới mở ấy, sống với bà cô điếc. Tệ hơn nữa, chúng muốn đuổi hai cô cháu ra khỏi nhà. Theo ý con, mẹ nên đưa thằng bé Pasa về nhà ta. À mà lão Prop đến đây để làm gì thế mẹ?
- Sao con biết Prop đến đây?
- Con thấy lu nước để mở và chiếc ca sắt thì rơi vào trong. Con nghĩ, chắc chỉ có lão Prop, cái thùng không đáy ấy, đã múc nước nốc cho đầy ruột thôi.
- Con tinh lắm, đúng đấy. Đúng Prop. Prop, Prop Anfanaxevich. Lão đến vay mẹ một ít củi, mẹ đã cho vay rồi. À mà mẹ lơ đãng quá, chỉ nhớ chuyện củi lửa, quên khuấy cái tin lão đem đến. Sa hoàng, con hiểu không, mới ký một bản tuyên ngôn đổi mới tất cả mọi sự: cấm không cho ai được xâm phạm đến người khác, chia đất cho dân cày, và thường dân được coi ngang hàng với quý tộc. Chiếu chỉ đã ký, chỉ còn việc công bố nữa thôi, con nghĩ sao? Hội đồng giám mục cũng mới gửi đi các nơi một đơn thỉnh cầu đưa vào nghi lễ của họ, hay là một bài Kinh tạ ơn thì phải, mẹ cũng chả nhớ rõ. Lão Prop kể với mẹ, thế mà mẹ quên bẵng đi mất.