Ba Vụ Án Bí Ẩn

Chương XXV

Docsach24.com
gày hôm sau, Tái Công dậy muộn sau một đêm không ngủ. Người nha lại mang trà sáng đến cho ông buồn rầu báo tin:

- Vợ người khám nghiệm tử thi của pháp đình vừa bị tai nạn, thưa Đại nhân. Chiều tối qua, như thường lệ, bà ấy tới đồi Dược Thảo để hái thuốc. Hẳn là bà ấy đã tựa mạnh vào rào chắn và nó bị gẫy… Sáng sớm, một người thợ săn đã thấy thi thể của bà phía dưới dốc đá.

Ngài pháp quan tỏ lời buồn tiếc rồi bảo y đi tìm Mã Tôn. Khi chỉ còn có hai người, ông nghiêm giọng nói:

- Đêm qua, ta đã phạm sai lầm, Mã Tôn à. Nhà ngươi chớ nói với một ai chuyến đi của chúng ta tới nghĩa địa. Hãy quên hẳn chuyện đó đi.

Mã Tôn khẽ lúc lắc cái đầu to của mình, đáp:

- Nghĩ ngợi đến những điều phức tạp không phải là sở trường của hạ chức, nhưng để tuân theo một lệnh lệnh đã ban thì lại nghiêm chỉnh chẳng ai bằng đó, thưa Đại nhân! Nếu ngài bảo hạ chức quên đi, thế tức là đã quên rồi!

Tái Công ném một cái nhìn đầy yêu thương cho người thuộc hạ trung thành rồi cho lui.

Một lát sau, có tiếng gõ cửa và A Quốc bước vào. Ngài pháp quan vội đứng lên, bước tới đón và ngỏ lời phân ưu thống thiết với người cộng tác đắc lực của mình về sự mất mát to lớn vừa phải chịu đựng.

Người chuyên khám nghiệm tử thi ngước nhìn ông bằng đôi mắt to buồn.

- Đó không phải là một tai nạn, thưa Đại nhân – A Quốc bình tĩnh nói – Phu nhân của tôi thuộc nơi đó như trong lòng bàn tay và hàng rào lan can thì vững chắc. Tôi biết là bà ấy đã tự vẫn.

Thấy ngài pháp quan chỉ nhướng đôi mày; A Quốc nói tiếp, cũng vẫn bằng cái giọng bình tĩnh đó:

- Xin thú thực tôi đã là đồng phạm với một tội đáng chết, thưa Đại nhân. Khi tôi ngỏ lời cầu hôn, bà ấy thú nhận với tôi là bà đã giết chồng. Tôi trả lời là cái đó chẳng làm tôi đổi ý vì tôi biết rất rõ con người đó, một đồ súc sinh, một con người cục súc và thô bạo có cái thú quái gở là thích hành hạ những sinh vật yếu đuối! Tôi đinh ninh là phải loại tất cả những con quỷ loại đó ra ngoài cuộc sống nhân loại, dù rằng tôi không đủ lòng can đảm cần thiết để làm việc đó, thưa Đại nhân.

Ông giơ hai tay lên trời vẻ chán nản rồi tiếp:

- Chúng tôi chẳng bao giờ đề cập tới chuyện đó nữa, nhưng tôi biết là bà ấy luôn luôn nghĩ tới và luôn băn khoăn day dứt về hành vi của mình liệu có phải là chính đáng hay không? Lẽ ra, tôi phải khuyên bà ấy ra tự thú. Nhưng tôi yêu vợ, thưa Đại nhân. Cái ý nghĩ phải mất bà ấy, tôi không sao chịu nổi, và…

Ông ta cúi mặt, đôi môi run run.

- Tại sao hôm nay nhà ngươi lại đến kể với ta tất cả những chuyện đó? – Tái Công hỏi.

A Quốc ngửng đầu:

- Vì bà ấy muốn vậy, thưa Đại nhân. Bà ấy bị xúc động sâu sắc về vụ án mụ Lỗ, cảm thấy cần phải tự trừng phạt và đã chọn cách tự sát. Đó là một người đàn bà trung thực tuyệt đối, thưa Đại nhân và tôi biết là bà ấy muốn tội của mình cần được pháp đình công khai và ghi vào hồ sơ. Cả vợ tôi và tôi đều là tội phạm và đều phải được xét xử.

- Nhà ngươi đã bao che cho một kẻ sát nhân, A Quốc! Và đó là tội tử hình, nhà ngươi biết chứ?

- Tôi biết – A Quốc điềm nhiên đáp. Vợ tôi cũng không phải không biết là khi bà ấy ra đi thì cuộc sống của tôi cũng còn đâu ý nghĩa.

Tái Công lặng lẽ vuốt râu. Ông cảm thấy cái gì đó như một sự xấu hổ trước sự trung thực cực kỳ này. Sau một phút im lặng, ông bảo:

- Ta không thể khởi tố đối với một người đã chết, A Quốc à. Bà ấy chẳng có khi nào nói với chúng ta là đã giết người chồng đó như thế nào và ta cũng không thể cho đào một ngôi mộ để tiến hành khám nghiệm chỉ theo lời đồn đại. Vả lại, vợ nhà ngươi nếu thật sự muốn tội của mình phải được pháp luật biết tới thì sao không để lại lời thú tội bằng văn bản?

- Đúng như vậy – A Quốc công nhận, vẻ nghĩ ngợi – Tôi không nghĩ tới chuyện này. Đầu óc cứ rối mù… - Rồi ông ta nói nhỏ, như muốn nói với chính mình. – Thế là từ nay ta đơn độc!

Tái Công đứng lên, bước tới gần hỏi:

- Còn cháu bé, con gái mụ Lỗ vẫn ở chỗ ngươi chứ?

- Thưa vâng – A Quốc đáp – Con bé mới ngoan ngoãn dễ thương làm sao! Vợ tôi rất thương yêu nó, thưa Đại nhân.

- Trong trường hợp này, bổn phận của ngươi đã rõ ràng – Pháp quan nói, giọng chắc nịch – Khi vụ án mụ Lỗ khép lại, nhà ngươi sẽ chính thức nhận nó làm con nuôi.

Ông già gù lưng, ngước nhìn Tái Công vẻ biết ơn rồi, đột nhiên, thay đổi thái độ, ân hận nói:

- Mong là ngài pháp quan tôn quý thứ lỗi cho tôi, vì quá bối rối nên quên tạ tội cùng ngài là đã không nhận ra có chiếc đinh sắt cắm trên đỉnh sọ nạn nhân trong khám nghiệm lần đầu. Mong rằng…

- Hãy quên tất cả những chuyên đó đi! – Tái Công vội chặn lại không để A Quốc tiếp.

A Quốc quỳ xuống trước ông cúi đầu trán chạm đất ba lần, đứng lên khẽ nói:

- Xin đa tạ… Đại nhân là một con người cao cả và rất mực khoan dung.

Câu nói của A Quốc như một nhát roi quất vào giữa mặt Tái Công, và trong lúc ông già gù lưng rời khỏi gian phòng, ông chập choạng đi tới sau án thư và đặt phịch người xuống chiếc ghế bành.

Chợt ông nghĩ tới những gì A Quốc vừa nói về những hối hận day dứt của người vợ. "Hận sầu ở lại, hạnh phúc rời xa". Vậy là bà ta thuộc lòng toàn bài thơ. "Mong cây mận kìa lần nữa nở hoa. Mối tình mời…". Ngài pháp quan lấy hai tay ôm đầu.

Ông ở trong tình trạng liệt nhược một lúc lâu rồi, bỗng một cuộc nói chuyện với thân phụ ngày xưa trở về trong trí nhớ… Ba mươi năm trước đây khi lần đầu lều chõng đi thi, ông đã nói với thân phụ những nguyện vọng ước mơ của mình đầy vẻ lạc quan tươi trẻ. "Ta chắc con sẽ có những bước đường hanh thông". Cha ông bảo và nói thêm: "Nhưng cũng phải thấy trước là có nhiều gian truân trên đường chờ đợi con, và khi đã đạt tới chót đỉnh thì… con sẽ cô đơn". Và ông, với đầy niềm tin lúc đó đã đáp lại cha: "Niềm đau và nỗi cô đơn giúp con sống mạnh mẽ". Thời đó ông chưa hiểu được ý nghĩa của nụ cười đượm buồn của thân phụ mình. Nhưng lúc này, ông hiểu.

Giữa lúc đó, một nha lại mang đến cho ông một ấm trà mới. Ông rót ra chén, uống chầm chậm, bất giác ông ngạc nhiên: "Thật lạ lùng! Cuộc sống cứ trôi đi như chẳng có gì xảy ra. Thế mà, đinh lại Hồng đã qua đời; một người đàn bà và một người đàn ông đã làm cho ta tự xấu hổ với bản thân mình… Còn ta, ta ngồi đây đang uống trà. Cuộc sống cứ trôi, nhưng ta thì chẳng còn muốn tham dự vào những gì xảy ra trong đó".

Ông cảm thấy vô cùng mỏi mệt. Cuộc sống bình lặng! – Ông nghĩ – Sống ẩn dật, xa tất cả! Nhưng ông biết rất rõ là không thể được. Còn bao nhiêu mối ràng buộc. Ông đã từng thề phục vụ Đất nước, phục vụ Nhân dân. Ông đã kết hôn, là cha của nhiều đứa con. Ông không thể mắc sai lầm trong công việc, trốn tránh như một tên hèn nhát từ chối không muốn trả khoản nợ đời. Không, ông phải tiếp tục bước đi trên con đường đi của mình.

Quyết định như thế rồi, viên pháp quan đang đắm mình trong suy nghĩ thì cửa thư phòng chợt mở, ba phụ tá hộ vệ của ông bước vào.

- Thưa pháp quan tôn kính – Tào Can đầy xúc động kêu lên – Có hai vị đại thần mới từ kinh thành tới! Các vị đã đi suốt đêm!

Tái Công ngạc nhiên nhìn họ và lệnh cho mời các vị khách quý tới nhà khách. Ông sẽ ra tiếp kiến sau khi đã chỉnh tề y phục.

Khi tới phòng lễ tân, ông nhìn thấy hai người trong phẩm phục bằng gấm thêu phong phú. Với những hình thêu trên mũ, ông biết đó là hai viên quan Ngự sử thuộc Ngự sử đài của Triều đình. Tim ông thót lại khi đặt gối quỳ trước họ. Tình hình nghiêm trọng đây!

Vị cao tuổi hơn trong hai người bước tới gần giúp Tái Công đứng lên bằng cử chỉ tôn kính nói:

- Xin Đại nhân, ngài chẳng cần phải quỳ trước những thuộc hạ của ngài làm chi!

Ngơ ngác, Tái Công để mặc họ đưa mình ngồi trên ghế danh dự.

Rồi vị quan Ngự sử cao tuổi bước tới hương án đặt sát tường phía trong cùng. Một cuộn giấy màu vàng tươi đã được đặt trên đó. Ông thận trọng cầm lên bằng hai tay trịnh trọng trao cho Tái Công.

- Bây giờ Đại nhân sẽ biết chỉ dụ của Thánh thượng.

Tái Công quỳ lạy theo nghi lễ của Triều đình rồi đứng lên khẽ nghiêng mình tiếp nhận thánh chỉ. Ông thong thả mở ra, chú ý để dấu quốc ấn đóng trên đầu đạo sắc luôn luôn ngang tầm mắt của mình.

Đó là sắc chỉ của Hoàng thượng phong Tái Thiện Trí chức Đô sát Ngự sử đài vì những công tích vừa qua. Sắc chỉ mang chính bút tích của Hoàng đế viết bằng bút son.

Ngài pháp quan cuộn tấm sắc phong đặt lại trên hương án. Rồi quay về hướng kinh thành ông quỳ gối dập đầu chín lần tạ ơn vua.

Lúc ông đứng lên, hai viên Ngự sử cúi người rất thấp trước ông.

- Hai tiện chức có mặt trước ngài đây – Vị Ngự sử lớn tuổi hơn nói – đã được Triều đình chỉ định làm thuộc hạ của Đại nhân. Chúng tôi đã mạn phép bảo viên Thừa chỉ chép lại đạo sắc phong tước hiệu của ngài đem dán khắp trấn thành rồi. Sáng mai, chúng tôi sẽ tháp tùng Đại nhân tới tận kinh thành.

- Người kế nhiệm Đại nhân – Vị trẻ tuổi hơn nói rõ – đã được chỉ định, và tối nay sẽ tới Phối Châu.

Tái Công lúc lắc đầu:

- Nếu vậy, xin các vị hãy tạm lui. Bản chức còn phải sắp xếp lại các hồ sơ để bàn giao cho người kế nhiệm.

- Xin Đại nhân cứ để tiện chức làm công việc đó – Viên Ngự sử già khúm núm xin việc

Đang trên đường đi tới phòng Lục sự thì Tái Công nghe vút lên nổ tung những quả pháo hoa đầu tiên. Phối Châu tưng bừng mở hội ăn mừng thắng lợi của ngài pháp quan của toàn dân huyện nhà.

Viên Thừa chỉ đến gặp ông. Toàn nhân sự pháp đình tụ họp trong công đường chờ ông tới để chúc mừng.

Khi trèo lên bục, Tái Công cảm động thấy tất cả các nha lại, lục sự, vệ binh đều quỳ trước mặt ông. Lần này, ba người phụ tá hộ vệ đều ở bên cạnh họ.

Sau khi tỏ lời cảm tạ mọi người và hứa sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho tất cả, ông trìu mến nhìn ba người phụ tá rất mực trung thành và thực sự đã trở thành những người bạn thân thiết của mình. Ông tuyên bố phong cho Mã Tôn và Triệu Thái làm Tả và Hữu Hiệu úy chỉ huy lính cận vệ của Ngự sử đài và Tào Can làm Đệ nhất Thiêm sự của ông.

Tiếng reo mừng hoan hô của nhân viên, chức dịch pháp đình hòa lẫn với sự hoan hỉ rầm rộ của đám đông tạp trung trước cổng công đường. "Chúc ngài pháp quan của chúng ta vạn phúc, vạn phúc!". Người ta hô lên khắp mọi phía. Tái Công chua chát nghĩ: "Cuộc đời, cuối cùng chỉ là một màn hài kịch!".

Ông trở về thư phòng được một lát thì ba phụ tá hộ vệ ùa vào để tạ ơn. Họ đứng sững lại khi thấy hai viên Ngự sử đang giúp ông thay đổi phẩm phục. Tái Công, qua đầu hai viên quan, nở với họ một nụ cười nhợt nhạt. Họ lặng lẽ lui ra và Tái Công bỗng buồn bã hiểu rằng những ngày vui vẻ trong tình bạn giữa họ với ông đã là câu chuyện của quá khứ.

Viên Ngự sử già trao cho Tái Công chiếc mũ lông mềm ông ưa thích. Người viên chức này là một người đã quen lề lối trong triều nên rất biết cách che giấu tình cảm của mình. Tuy nhiên y cũng không ngăn khỏi cái cau mày hoài nghi khi ngắm nghía chiếc mũ cũ đã sờn của vị Đô sát mới của Ngự sử đài.

- Đó là một vinh dự hi hữu – Viên quan trẻ ngọt ngào nói – mà ngài đã được phong thẳng lên cái địa vị cao đó. Thường thì đức Hoàng thượng chọn trong các quan cai trị các tỉnh, các tỉnh thần, và… Đại nhân có thể chưa tới tuổi năm nhăm, hạ chức đoán vậy?

Đúng là một con người có sự nhận xét quá tồi, Tái Công thầm nghĩ. Đáng lẽ hắn phải thấy là năm nay ta vừa tròn tuổi bốn mươi ba chứ nhỉ. Nhưng lúc nhìn vào tấm gương để chỉnh lại chiếc mũ trên đầu, ông ngơ ngác thấy chòm râu cằm và bộ ria mép đen nhánh của mình chỉ trong mấy ngày vừa qua mà đã nhuốm màu tiêu muối.

Xếp các hồ sơ lên án thư, ông giải thích ngắn gọn cho những phụ tá mới nghe. Khi tới dự án trợ giúp cho các tá điền mà ông thường luôn trao đổi với đinh lại Hồng trước đây, ông không nén nổi tình cảm phấn hứng. Hai phụ tá mới yên lặng nghe nhưng vẻ miễn cưỡng hiện rõ trên nét mặt. Ông thở dài khép hồ sơ lại và lời người cha như văng vẳng bên tai: "Nhiều gian truân chờ đợi, và khi đạt tới đỉnh… thì con sẽ cô đơn".

Ngồi trong trụ sở đội vệ binh xung quanh một đống lửa reo vui trên nền đá lát, ba người phụ tá hộ vệ của Tái Công lúc đầu chuyện trò về nười bạn đồng liêu, đinh lại Hồng đã khuất bóng. Còn lúc này họ lặng yên ngắm ngọn lửa hồng.

Bỗng Tào Can cất tiếng:

- Tôi tự hỏi không biết hai cái ông lớn mới ở Kinh thành tới đó có chịu cùng chúng ta làm một chầu gieo súc sắc tối nay không nhỉ?

Mã Tôn liếc mắt nhìn lên cao:

- Với cậu thì chẳng còn chầu gieo súc sắc nào nữa đâu, ngài Đệ nhất Thiêm sự ạ - Anh khuyến cáo – Cần phải vào khuôn phép đi là vừa, anh bạn ạ! Và còn cái áo choàng lem luốc đầy dầu mỡ mà cậu tha đi khắp nơi kia thì cũng liệu mà bỏ xó thôi!.

- Cậu nhầm rồi đấy! – Tào Can nói, tỉnh như không – Khi nào tới đó, tớ sẽ đem đi lộn, lại thành áo mới toanh. Nhưng còn câu, ngài Tả Hiệu úy! Cậu chẳng còn được cãi vã vì có hay không nữa đâu. Hơn nữa đã tới lúc phải nghĩ tới… Tớ đã nhìn thấy đầu tóc cậu lốm đốm sợi bạc rồi đấy!

Mã Tôn sờ hai đầu gối.

- Đúng – Anh buồn rầu công nhận – Đôi lúc mình thấy chẳng còn được dẻo dai như trước.

Đột nhiên, một nụ cười rộng mở làm sáng cả khuôn mặt dày dạn tuyết sương, anh kêu lên:

- Nhưng, anh bạn ạ, với những cấp quan chức mới của chúng ta thì thiếu gì các cô gái kinh thành… chỉ sợ chúng mình không biết chọn ai thôi!

- Thế cậu quên là ở đó lúc nhúc bọn trai tráng ngô nghê khờ khạo, chúng chẳng biết nể nang gì cậu đâu nhé! – Tào Can nói, vẻ đầy kinh nghiệm.

Mã Tôn nhăn mặt, gãi đầu dáng suy nghĩ.

- Cái kèo chướng ngại! Vật cản thú vui cổ lỗ! – Triệu Thái bảo Tào Can – Đúng là chúng mình chẳng còn trẻ trung như trước đây và thỉnh thoảng được qua đêm một mình trên giường thì đó lại là một việc đáng hoan hỉ. Nhưng, các bạn đã quên rồi sao, có một thứ luôn luôn… là bạn đồng hành.

Anh làm cử chỉ nâng nâng khuỷu tay.

- Chất nước cay màu hồ phách! – Mã Tôn kêu to và nhảy dựng lên – Đến đây, các bạn! Tớ biết có một chỗ tốt nhất trấn thành!

Mỗi người vồ lấy một cánh tay Tào Can. Họ lôi anh đi với tốc độ chạy thi chạy thẳng ra cổng lớn Nha môn.

HẾT