Người băn khoăn lo lắng nhất trong số bốn người bạn chắc chắn phải là D’ Artagnan, cho dù với tư cách cận vệ quân(1) chàng dễ trang bị hơn là mấy tướng ngự lâm quân, đều là các lãnh chúa nhưng chàng thực tập sinh cận vệ Gátxcông vốn tính lo xa đến mức keo cú đồng thời lại huênh hoang chẳng thua gì Porthos. Cùng với mối bận tâm xuất phát từ tính phù phiếm, lúc này còn có cả một sự lo âu ít vị kỷ hơn. Chàng đã hết sức đi thăm dò tin tức bà Bonacieux mà vẫn biệt tăm hơi. Ông De Treville đã nói chuyện này với Hoàng hậu. Hoàng hậu cũng không biết bà vợ trẻ ông hàng xén ở đâu và hứa sẽ cho tìm.
Nhưng lời hứa thật mơ hồ và chẳng làm D’ Artagnan yên tâm mấy.
Athos không ra khỏi phòng mình. Chàng kiên quyết chả tội gì phải đi đâu để trang bị cho mình. Chàng nói với bạn bè:
– Chúng ta còn mười lăm ngày nữa phải không? Nếu trong mười lăm ngày ấy, tôi không tìm thấy gì hoặc đúng hơn là không có gì đến tìm tôi, vì tôi vốn rất ngoan đạo, không thể dùng súng ngắn tự bắn vỡ đầu mình, tôi sẽ tìm cách gây sự khéo với bốn tay cận vệ của Đức Giáo chủ hoặc tám thằng người Anh, đánh nhau cho đến khi có một đứa giết chết tôi, chúng đông thế, điều đó chắc không tránh khỏi. Lúc đó người ta sẽ nói tôi chết vì nhà Vua, thành ra tôi vẫn phục vụ mà không cần trang bị gì.
Porthos, hai tay sau lưng, tiếp tục đi đi lại lại và gật gù nói:
– Ta sẽ làm theo cái cách của ta.
Aramis thì lo lắng, đầu tóc rối bù và chẳng nói gì.
Qua những chi tiết thảm hại ấy, có thể thấy được một cảnh não nề đang ngự trị cái cộng đồng này.
Những người hầu về phía mình, giống như những con chiến mã của Hypôlít(2) cũng chia sẻ nỗi buồn phiền của chủ.
Mousqueton làm lương khô. Bazin vẫn luôn luôn mộ đạo không rời khỏi các nhà thờ. Planchet nhìn ruồi bay và Grimaud mà sự quẫn bách nói chung không thể quyết định gã phá vỡ sự yên tĩnh mà chủ gã đã thiết lập, chỉ thốt lên những tiếng thở dài khiến đá cũng phải mềm ra.
Ba người bạn, vì Athos đã thề không rời một bước chân để trang bị cho mình, một buổi sớm đã ra khỏi nhà và trở về rất muộn. Họ lang thang trên các đường phố, nhìn từng viên đá lát đường xem liệu ai đó khi đi qua có đánh rơi túi tiền nào không.
Đi đến đâu họ cũng chăm chăm chú chú như thể đang bám theo dấu chân ai vậy. Khi gặp nhau, họ nhìn nhau thất vọng như muốn nói: đằng ấy có vớ được cái gì không?
Tuy nhiên, vì Porthos đã tìm cho mình một ý tưởng riêng và vì chàng kiên trì theo đuổi nó, chàng là người đầu tiên bắt tay hành động. Một hôm D’ Artagnan bắt gặp chàng đi về phía nhà thờ Thánh Lơ, theo bản năng liền bám theo chàng. Chàng bước vào đất Thánh sau khi đã vuốt ria mép vểnh lên và vuốt mượt râu cằm, điều đó luôn luôn báo hiệu chàng đang có những ý đồ chinh phục rõ rệt nhất. Vì D’ Artagnan đã có ý phòng ngừa khỏi bị lộ mặt, nên Porthos tin rằng không ai thấy mình, D’ Artagnan vào theo sau. Porthos đến tựa lưng vào một chiếc cột. D’ Artagnan vẫn không để bị bắt gặp, tựa lưng vào chiếc cột khác.
Đúng lúc đang có một bài thuyết giáo, khiến trong nhà thờ có rất đông người. Porthos lợi dụng tình thế ấy để liếc nhìn phụ nữ. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của Mousqueton, mã ngoài của chàng cách xa sự cùng quẫn bên trong. Mũ dạ tuy có hơi sởn thật, lông mũ có đôi chút bạc màu, các đường thêu đã hơi mở, những tua ren đã rạn, nhưng ở nơi tranh tối tranh sáng, mọi thứ lặt vặt ấy đều tiêu biến, và Porthos vẫn cứ là chàng Porthos bảnh bao.
D’ Artagnan nhận thấy trên chiếc ghế dài kê gần chỗ Porthos và chàng tựa cột nhất, một thứ sắc đẹp đã chín nẫu hơi ngả vàng, hơi khô héo, nhưng giương giương kiêu kỳ dưới những lớp khăn mũ đen. Đôi mắt của Porthos lén lút nhìn xuống người đàn bà đó, rồi chập chờn liệng dần ra xa tới gian giữa của giáo đường.
Về phần mình, vị phu nhân đó thỉnh thoảng lại đỏ mặt lên, liếc nhanh như ánh chớp về phía chàng Porthos chấp chới, và ngay tức khắc đôi mắt của Porthos càng lượn lờ giận dữ. Rõ ràng đây là một trò ma mãnh cốt chọc tức phát điên bà trùm đồ đen, bởi vì bà ta cắn môi đến bật máu, gãi sống mũi và cứ loay hoay một cách tuyệt vọng trên chỗ ngồi của mình.
Thấy thế, Porthos lại vê ngược ria mép, và vuốt râu cằm và bắt đầu ra hiệu với một người đàn bà đẹp ngồi cạnh dàn đồng ca, không những là một phu nhân kiều diễm, mà còn chắc chắn là một bậc mệnh phụ, bởi vì bà ta có một thằng bé da đen bưng theo một chiếc nệm gối để mình quỳ và một thị nữ cầm một chiếc túi thêu gia huy đựng sách lễ để đọc kinh.
Bà đội khăn mũ đen theo dõi cái nhìn đảo đi đảo lại của Porthos và nhận thấy con mắt chàng dừng lại ở vị phu nhân có nệm gối nhung, có thị đồng, thị nữ theo hầu.
Trong khi ấy, Porthos chơi riết hơn, thôi thì đủ thứ, mắt chấp cha chấp chới, ngón tay để lên môi, những nụ cười nửa miệng sát nhân và thực tế đang sát hại người đẹp bị khinh miệt.
Vì vậy dưới danh nghĩa mêâ culpâ(3) bà ta đấm ngực thốt lên một tiếng “hừm” to đến nỗi mọi người kể cả người đàn bà có nệm gối đỏ đều quay lại phía bà ta Porthos vẫn trơ trơ. Tuy chàng thừa hiểu. Nhưng chàng làm như điếc.
Người đàn bà có nệm gối đỏ vì quá đẹp nên đã tác động mạnh đến bà đội khăn mũ đen khi thấy ở con người kia một mối cừu địch thực sự đáng sợ, cũng tác động mạnh đến Porthos khi thấy nàng xinh đẹp hơn bà đội khăn mũ đen rất nhiều, còn tác động mạnh đến cả D’ Artagnan khi nhận ra đó là người đàn bà Măng, ở Cale và ở Đuvrơ mà kẻ ngược đãi chàng, có sẹo mặt, đã chào bằng cái tên Milady.
D’ Artagnan không rời mắt khỏi người đàn bà có đệm gối đỏ, vẫn tiếp tục theo dõi trò ma của Porthos khiến chàng rất thích thú. Chàng đoán chắc người đàn bà đội khăn mũ đen chính là bà biện lý ở phố Lũ Gấu, mà nhất định như thế vì nhà thờ Thánh Lơ không xa phố ấy lắm.
Bằng suy luận D’ Artagnan đoán Porthos đang tìm cách trả thù cho lần thất bại ở Săngtily, lúc đó bà biện lý đã tỏ ra quá cứng rắn về túi tiền.
Nhưng giữa tất cả đám người đó, D’ Artagnan cũng nhận thấy không có một gương mặt nào tương xứng với những lối bướm hoa của Porthos, chỉ là những quái tượng và ảo tưởng mà thôi. Nhưng đối với một tình yêu đích thực, một sự ghen tuông thật sự, liệu có hiện thực nào khác với những ảo tưởng và những quái tượng không?
Bài thuyết giáo kết thúc. Bà biện lý tiến lại chậu nước phép.
Porthos đã đến trước và đáng lẽ chỉ nhúng một ngón tay, lại nhúng cả bàn tay. Bà biện lý mỉm cười tưởng rằng vì bà mà Porthos trở nên quá bối rối nhưng bà ta đã nhận ra ngay mình đã nhầm một cách tai hại. Khi bà ta chỉ còn cách chàng không quá ba bước chân, chàng đã quay mặt nhìn không chớp vào người đàn bà có nệm gối đỏ cũng đã đứng lên và tiến gần lại, theo sau là thằng bé da đen và cô gái hầu phòng.
Khi người đàn bà này đến sát Porthos, chàng liền rút bàn tay ướt đẫm nước thánh ra. Người đẹp mộ đạo chấm bàn tay thon thả của mình vào bàn tay to lớn của Porthos, rồi vừa mỉm cười vừa làm dấu thánh và ra khỏi nhà thờ.
– Thật là quá quắt đối với bà biện lý. Bà ta không nghi ngờ gì nữa là người đàn bà kia và Porthos đã tống tình nhau. Nếu bà ta là một mệnh phụ thì bà sẽ ngất mất. Nhưng vì bà chỉ là một bà biện lý(4), bà đành nén giận nói với chàng lính ngự lâm:
– Này, ông Porthos, ông không biếu tôi nước thành à?
Nghe giọng nói ấy, Porthos làm như giật nảy mình, như thể một người vừa thức dậy sau một giấc ngủ trăm năm.
– B…à… bà đấy à! – Chàng kêu lên – Đúng là bà đấy ư? – Ông chồng bà, ông Cơkơna yêu quý ấy có được khỏe không? Ông ấy vẫn cứ keo cú như xưa đấy chứ? Không biết mắt tôi để đâu mà suốt hai tiếng đồng hồ thuyết pháp tôi lại không nhìn thấy bà đấy nhỉ?
– Thưa ông, tôi ở cách ông hai bước chân thôi – người đàn bà trả lời – nhưng ông không thấy được tôi vì ông chỉ để mắt ông đến người đàn bà đẹp mà ông vừa cho nước thánh ấy.
Porthos giả vờ bối rối:
– À, ra bà cũng để ý…
– Có mà mù mới không trông thấy.
– Vâng – Porthos hờ hững nói – đó là một nữ công tước trong số các bà bạn tôi mà tôi phải vất vả lắm mới gặp được vì thói ghen tuông của ông chồng, và bà ấy đã báo trước cho tôi hôm nay sẽ tới đây, chỉ cốt để gặp tôi trong cái nhà thờ nhỏ bé ở cái khu phố khuất vắng này.
– Ông Porthos này – bà biện lý nói – liệu ông có lòng tốt cho tôi được khoác tay trong dăm phút không? Tôi sẵn sàng trò chuyện với ông đây.
– Sao lại thế được thưa bà – Porthos vừa nói vừa nháy mắt với chính mình như một tay chơi bạc đang cười vì nước bạc bịp mình sắp đánh.
Trong khi đó, D’ Artagnan đang bám theo Milady. Chàng liếc nhìn về phía Porthos và thấy cái nháy mắt đắc thắng ấy.
“Ề, ề, – chàng vừa tự nhủ vừa lý giải theo hướng của thứ đạo lý dễ dãi lạ lùng của cái thời đại bướm ong ấy – cứ kiểu này thì sẽ có một tên có thể trang bị đúng thời hạn được đây”.
Porthos đành chịu cho cánh tay của bà biện lý níu xuống như một con thuyền chịu theo tay lái, đi đến nhà tu kín Thánh Magloa, một lối đi ít người qua lại, hai đầu khép lại bằng hai cửa quay, ở đây, ban ngày chỉ thấy ăn mày đang ăn hoặc trẻ con đang chơi đùa.
Bà biện lý thấy yên tâm vì không có bất cứ người xa lạ nào ngoài đám dân thông thường của địa phương có thể trông thấy hoặc nghe thấy, liền kêu lên:
– Ôi, ông Porthos! Có vẻ như ông là một tay đại thắng rồi!
– Tôi ư, thưa bà! – Porthos vừa nói vừa vênh váo – Mà tại sao lại thế được?
– Thì chốc chốc lại ra hiệu, và nước thánh ấy? Nhưng ít nhất cũng phải là một Quận chúa, cái bà với thằng bé da đen và cô gái hầu phòng ấy!
– Bà nhầm rồi, lạy Chúa, không- Porthos trả lời – chỉ là một nữ Công tước thôi mà.
– Thế còn tên hầu chạy theo đợi ngoài cửa và cỗ xe với tên đánh xe mặc quần áo xà ích ngồi đợi trên ghế đánh xe?
Porthos chẳng hề nhìn thấy tên hầu chạy theo xe cũng chẳng nhìn thấy cỗ xe, nhưng cứ nhìn người đàn bà đang ghen tuông này, chàng biết bà Coquenard đã nhìn thấy hết.
Porthos đâm tiếc ngay lúc đầu đã không tâng người đàn bà có đệm gối đỏ lên hàng Quận chúa.
– À, thế là ông thành con cưng của các người đẹp rồi, ông Porthos! – Bà biện lý thở dài nói tiếp.
– Nhưng – Porthos trả lời – Bà cũng hiểu với cái tướng mạo tạo hóa phú cho tôi, tôi thường hay gặp vận may mà.
– Lạy Chúa! Sao cái giống đàn ông họ chóng quên đến thế! – Bà biện lý vừa than vừa ngước mắt nhìn lên trời.
– Tôi lại thấy, còn không chóng bằng đàn bà đâu – Porthos trả lời – bởi thưa bà, rất cuộc, tôi có thể nói chính tôi từng là nạn nhân của bà, khi bị tử thương, bị bọn thầy phẫu thuật bỏ rơi, tôi, hậu duệ của một dòng họ danh tiếng, kẻ đã từng tin cậy vào tình bạn của bà, thế mà tôi suýt chết trước hết vì thương tích, tiếp đến vì đói, trong một quán trọ tồi tàn ở Săngtily, đã thế lại còn chẳng thèm trả lời những bức thư cháy bỏng tôi viết cho bà.
– Nhưng ông Porthos ơi – Bà biện lý thầm thì và cảm thấy nếu phán xét theo cách xử sự của các bậc mệnh phụ thời bấy giờ thì bà quả đã sai.
– Tôi, người đã vì bà mà hy sinh cả nữ Nam tước…
– Tôi biết quá chứ.
– Rồi nữ Bá tước…
– Ông Porthos, đừng trách cứ tôi thêm nữa.
– Và nữ Công tước…
– Ông Porthos, hãy đại lượng nào?
– Bà nói đúng, thưa bà, và tôi sẽ không nói nốt ra đâu.
– Nhưng vì ông chồng tôi ông ấy không muốn nghe nói đến chuyện vay, mượn…
– Bà Coquenard – Porthos nói – bà có nhớ bức thư đầu tiên bà đã viết cho tôi mà tôi vẫn ghi khắc trong ký ức không?
Bà biện lý thốt ra một tiếng kêu rên. Bà nói:
– Nhưng cũng vì món tiền ông hỏi mượn hơi quá lớn.
– Bà Coquenard ạ, tôi đã thích hỏi bà hơn. Chứ tôi chỉ việc biên thư cho bà nữ Công tước… Tôi không muốn nói tên bà ấy ra, bởi tôi không biết làm tổn hại đến danh giá một phụ nữ nghĩa là thế nào. Nhưng điều tôi biết là tôi chỉ việc viết cho bà ấy mấy chữ là bà ấy gửi ngay cho tôi một nghìn năm trăm đồng.
Bà biện lý rơi một giọt nước mắt. Bà nói:
– Ông Porthos ạ, tôi xin thề là ông đã trừng phạt tôi nặng lắm rồi và nếu như mai sau ông gặp phải cảnh ngộ tương tự, ông cứ việc nói cho tôi biết.
– Thôi đi, thưa bà? – Porthos làm ra vẻ bực bội nói – Thôi đừng nói đến chuyện tiền bạc nữa, tôi xin bà, nhục nhã lắm.
– Như thế là ông không yêu tôi nữa rồi! – Bà biện lý chậm rãi và buồn rầu nói.
Porthos im lặng một cách oai vệ.
– Ông trả lời tôi như thế ư? Than ôi! Tôi hiểu rồi.
– Bà hãy nghĩ đến việc bà đã xúc phạm tôi, nó vẫn còn ở đây này – Porthos vừa nói vừa để tay lên trái tim mình và vừa ấn thật mạnh.
– Tôi sẽ sửa chữa. Thôi nào, ông Porthos thân mến của tôi!
– Vả lại, nào tôi đòi hỏi bà gì nào. – Porthos đai lại bằng một động tác đầy vẻ chất phác – chỉ vậy thôi chứ có gì khác đâu. Dẫu sao, tôi đâu phải một kẻ cố cùng. Tôi biết bà không giầu, bà Coquenard ạ, và tôi biết là chồng bà phải hút máu(5) của dân khiếu kiện đáng thương để bòn rút lấy mấy đồng êqui quèn. Ôi, nếu như bà là nữ Bá tước, Hầu tước hay Công tước thì lại là chuyện khác và sẽ không thể tha thứ được.
Bà biện lý tự ái, nói:
– Ông phải biết rằng, ông Porthos ạ, cái két sắt của tôi, cứ cho là két sắt của bà biện lý đi, có khi còn chứa nhiều hơn két sắt của mọi mụ đàn bà õng ẹo hư hỏng của ông đấy.
– Thế là bà lại xúc phạm gấp đôi tôi rồi – Porthos vừa nói vừa gỡ cánh tay của bà biện lý dưới cánh tay mình ra – Bởi vì bà giầu, bà Coquenard, thế thì việc bà chối từ tôi là không thể tha thứ nữa.
– Khi tôi nói giầu – bà biện lý nói chữa lại vì thấy chót đã đi quá xa – không nên hiểu theo nghĩa đen của từ ấy – Tôi rõ ràng là không giàu. Tôi chỉ dễ chịu thôi.
– Thôi nào bà – Porthos nói – ta không nói về việc ấy nữa, tôi xin bà đấy. Bà không hiểu tôi rồi. Mọi tình cảm giữa chúng ta đã tắt!
– Ông là đồ bội bạc!
– A, tôi khuyên bà cứ việc oán trách đi! – Porthos nói.
– Vậy thì ông đi luôn với cái bà nữ Công tước xinh đẹp của ông đi! Tôi không giữ ông nữa đâu.
– Này, tôi tin bà ta chưa đáng bị giày vò thế đâu!
– Thế thì, thưa ông Porthos, một lần nữa, cũng là lần cuối cùng, ông có còn yêu tôi nữa không?
– Than ôi! Thưa bà – Porthos nói bằng một giọng bi ai nhất mà chàng có thể tạo được – khi chúng tôi sắp bước vào chiến dịch, trong một chiến dịch mà những linh cảm của tôi bảo tôi rằng tôi sẽ bị giết.
– Ôi, xin ông đừng nói những chuyện như thế – Bà biện lý òa lên nức nở.
– Một điều gì đó nói với tôi – Porthos tiếp tục mỗi lúc càng bi ai hơn.
– Thà ông cứ nói ông có một mối tình mới còn hơn.
– Không đâu. Tôi thành thực nói với bà đấy. Không có một đối tượng nào khiến tôi động lòng và tôi vẫn còn cảm thấy ở đây, trong đáy lòng tôi, một cái gì đó nói cho bà. Nhưng chỉ trong mười lăm ngày nữa như bà đã biết hoặc có khi bà không biết cũng nên, cái chiến dịch tàn khốc vẫn cứ mở ra! Tôi sắp phải lo lắng ghê gớm về món quân trang của tôi. Rồi, tôi sắp phải khởi hành về gia đình tôi ở mãi cuối vùng Brơtanhơ để thực hiện món tiền cần thiết cho việc tòng chinh.
Porthos nhận thấy trận chiến cuối cùng giữa tình yêu và tình keo kiệt đang diễn ra.
– Và vì – chàng tiếp tục – nữ công tước mà bà vừa thấy ở nhà thờ, có những đất đai cạnh đất đai của nhà tôi, chúng tôi sẽ cùng khởi hành. Những cuộc hành trình, bà biết đấy, khi ta đi có đôi, hình như nó cũng đỡ dài hơn.
– Vậy ông không có ai là bạn bè ở Paris ư, ông Porthos? – bà biện lý hỏi.
– Tôi cứ tưởng là mình cũng có – Porthos vừa nói vừa làm ra vẻ sầu não – nhưng tôi thấy rõ tôi đã lầm.
– Ông có đấy, ông Porthos, ông có đấy – Bà biện lý lắp lại trong cơn bốc đồng khiến chính bà ta cũng phải ngạc nhiên – Ngày mai ông cứ đến nhà – Ông sẽ là con trai của cô tôi do đó là anh họ tôi. Ông từ Noayông đến Picađy. Ông có nhiều việc kiện tụng ở Paris mà lại không có biện lý. Ông nhớ tất cả những điều đó chứ?
– Rất nhớ, thưa bà.
– Ông đến vào giờ ăn trưa.
– Rất tốt.
– Và phải vững trước chồng tôi, mặc dầu đã bẩy sáu tuổi, nhưng vẫn tinh quái lắm.
– Bẩy mươi sáu! Chết tiệt! Tuổi vàng đấy!
– Ông Porthos, ông muốn nói tuổi cao chứ gì. Cho nên, con người tội nghiệp thân yêu đó bất cứ lúc nào cũng có thể để tôi góa bụa – bà biện lý vừa ném cái nhìn đầy ý nghĩa về phía Porthos vừa nói tiếp – May sao hôn ước của chúng tôi là chuyên hết của cải cho người còn sống.
– Chuyển tất cả? – Porthos hỏi.
– Tất cả?
– Bà đúng là loại đàn bà biết lo xa, tôi thấy ngay mà, bà Coquenard thân mến của tôi ạ – Porthos vừa nói vừa trìu mến siết tay bà biện lý.
– Thế là chúng ta lại giải hòa với nhau xong rồi, có phải không ông Porthos? – bà biện lý vừa nói vừa õng ẹo.
– Đến trọn đời – Porthos đáp lại cũng với dáng điệu ấy.
– Vậy tạm biệt, kẻ phản bội của tôi.
– Tạm biệt, nàng dễ quên của tôi.
– Mai nhé, thiên thần của em.
Mai nhé, ngọn lừa của đời anh.
Chú thích:(1) Ở đây tác gíả có sự nhầm lẫn, vì ngay cuối chương trước, tác giả đã cho ông De Treville báo cho D’ Artagnan biết đã được nhà Vua gia ân cho xung vào ngự lâm quân chứ không còn là cận vệ quân nữa.
(2) Hypôlít – Nữ chúa của các nữ chiến binh dân Amazôn vùng Tiểu Á rất thiện chiến (Thần thoại Hy Lạp)
(3) Meâ Culpâ: tôi có tội
(4) procurcuse ngoài nghĩa bà biện lý còn có nghĩa trùm nhà thổ. mụ tú bà
(5) Ở đây có sự chơi chữ sangsurer hút máu, đồng âm với censurer kiểm duyệt, khiển trách. Ý nói đến việc làm không trong sáng của ông biện lý, còn gọi là viện trưởng kiểm sát và của ngành tư pháp nói chung!