Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 10 : Cái bẫy chuột thế kỷ 17

Không phải đến thời đại chúng ta, người ta mới sáng chế ra chiếc bẫy chuột. Ngay khi xã hội được hình thành, và phát minh ra một bộ máy cảnh sát nào đó, bộ máy cảnh sát đó đã chế ra những bẫy chuột.

Có thể các bạn đọc chưa quen với tiếng lóng của phố Jerujalem(1) và từ khi chúng tôi làm nghề viết, kể ra đã đến mười lăm năm rồi, đây là lần đầu tiên chúng tôi dùng từ ấy với cái nghĩa đó, vậy chúng ta hãy giải thích cho độc giả thế nào là một cái bẫy chuột.

Khi trong một ngôi nhà, dù nó thế nào, người ta đã bắt giữ một người bị tình nghi mác một tội nào đó, người ta giữ kín việc bắt giữ. Người ta bố trí bốn năm người phục kích trong căn phòng đầu, người ta mở cho tất cả những ai gõ cửa, rồi đóng sập lại sau lưng họ rồi bắt giữ theo cung cách đó. Khoảng vài ba ngày, người ta giữ hầu như tất cả những người thân của ngôi nhà.

Cái bẫy chuột nó là như thế. Vậy là, người ta đặt một cái bẫy chuột ở ngôi nhà ông Bonacieux. Và ai xuất hiện ở đây liền bị giữ và bị người của Giáo chủ thẩm vấn. Nhưng có một lối đi riêng dẫn lên tầng một nơi D’ Artagnan cư trú, những ai đi lên nhà chàng đều được miễn trừ. Hơn nữa, chỉ có ba chàng ngự lâm đến đó. Họ đã chia nhau đi điều tra, mỗi người một ngả, mà chẳng thấy gì, chẳng phát hiện ra điều gì. Athos tới mức còn hỏi cả ông De Treville, điều đó làm ông đại úy rất đỗi ngạc nhiên vì ông quen thấy bản tính câm lặng thường ngày của chàng ngự lâm chững chạc này.

Nhưng ông chẳng biết gì hết, trừ lần gần đây nhất ông gặp cả Giáo chủ, nhà Vua và Hoàng hậu, Giáo chủ có vẻ rất lo lắng, nhà Vua thì bồn chồn, và Hoàng hậu hai mắt đỏ lên, tỏ ra bà đã thức đêm hoặc đã khóc. Nhưng tình tiết này không làm ông quan tâm vì từ sau khi cưới, Hoàng hậu vẫn thức và khóc nhiều.

Dẫu sao, ông De Treville cũng dặn dò Athos phải phụng sự nhà Vua nhất là Hoàng hậu và yêu cầu chàng nhắc nhở các bạn mình như vậy.

– Còn D’ Artagnan, chàng ở im tại nhà mình, biến căn phòng của mình thành một trạm quan sát. Từ cửa sổ, chàng nhìn thấy những người đi đến để bị bắt. Rồi cậy gạch lát sàn nhà, khoét bớt ván để chỉ còn lại một lớp trần mỏng ngăn cách phòng phía dưới nơi tiến hành các cuộc thẩm vấn, chàng nghe thấy hết những gì đang diễn ra giữa người hỏi cung và bị cáo.

Những cuộc thẩm vấn tiếp nối sự khám xét tỉ mỉ người bị bắt giữ luôn là mấy câu sau:

– Bà Bonacieux có nhờ ông chuyển cho chồng bà hoặc một người nào khác cái gì không?

– Ông Bonacieux có nhờ ông chuyển cho bà ấy hoặc cho một người nào khác cái gì không?

– Một người này hay người khác có buột miệng nói với ông chuyện gì không?

D’ Artagnan tự nhủ: “Nếu bọn chúng biết được điều gì đó rồi thì chúng sẽ không hỏi như thế. Giờ đây chúng muốn tìm hiểu điều gì nào? Muốn biết liệu có phải Công tước De Buckingham không hề có mặt ở Paris và đã không diễn ra hoặc chưa hề có dự định diễn ra một cuộc hội kiến giữa ông với Hoàng hậu không?”.

D’ Artagnan dừng lại trước ý nghĩ đó, vì sau tất cả những gì chàng nghe được, không phải không có khả năng xảy ra những điều đó. Trong khi chờ đợi, cái bẫy chuột không ngừng hoạt động và tinh thần cảnh giác của chàng cũng vậy.

Buổi tối sau hôm ông Bonacieux tội nghiệp bị bắt giữ, lúc Athos vừa chia tay D’ Artagnan để tới nhà ông De Treville, thì cũng là lúc đồng hồ điểm chín giờ, và vì Planchet còn chưa dọn giường ngủ nên bắt đầu công việc của mình, người ta nghe tiếng gõ của ở ngoài phố. Cửa mở ra ngay rồi lại đóng lại: một kẻ nào đó vừa bị rơi vào bẫy chuột.

D’ Artagnan lao ngay về phía gạch cậy, nằm áp bụng xuống lắng nghe.

– Lát sau, tiếng kêu thét vang lên rồi đến tiếng rên rỉ mà người ta tìm cách bịt lại. Không phải chúyện thẩm vấn.

– Mẹ kiếp! – D’ Artagnan tự nhủ – ta thấy hình như là một phụ nữ, chúng lục soát và người này cưỡng lại – chúng cưỡng bức, quân khốn nạn!

Và D’ Artagnan mặc dầu thận trọng, vẫn phải cố kiềm chế để không xen vào cảnh đang diễn ra ngay phía dưới chàng.

Người đàn bà bất hạnh kêu lên:

– Nhưng tôi đã nói với các ông tôi là chủ nhân của ngôi nhà này. Tôi đã bảo các ông tôi là bà Bonacieux. Tôi đã bảo tôi là người của Hoàng hậu?

– Bà Bonacieux? – D’ Artagnan thầm thì – chả nhẽ ta lại may mắn đến mức đã tìm thấy người mà mọi người đang tìm?

– Thì chính là chúng ta đang đợi bà – Bọn thẩm vấn nhắc lại.

Tiếng nói mỗi lúc một trở nên ngột nghẹt: một tiếng động ầm ầm làm rung chuyển những ván gỗ lát tường. Người đàn bà chống cự ngang sức một người đàn bà có thể chống nổi bốn người đàn ông.

– Xin lỗi các ông, xin… – giọng nói thầm thì chỉ còn nghe được những âm thanh rời rạc.

– Chúng nhét giẻ vào mồm. Chúng sắp lôi đi – D’ Artagnan vừa kêu lên vừa bật dậy như một chiếc lò xo. – Gươm ta đâu.

– Tốt, nó ngay cạnh ta. Planchet đâu?

– Ông gọi ạ?

– Chạy ngay đi tìm Athos, Porthos và Aramis. Một trong ba người chắc đang ở nhà, có thể cả ba sẽ về. Bảo họ mang theo vũ khí, họ đến ngay, bảo họ chạy tới. À, ta nhớ ra rồi, Athos đang ở nhà ông De Treville.

– Nhưng ông đi đâu, ông chủ, ông đi dâu?

– Ta xuống theo lối cửa sổ, để đến được sớm. Còn mày xếp lại những viên gạch, quét sàn nhà đi, rồi ra theo lối cửa và chạy đến nơi ta đã bảo.

Planchet kêu lên:

– Ôi, ông ơi là ông ơi? Ông tự giết mình mất.

– Câm đi, đồ ngu.

Rồi bám tay vào bờ cửa sổ, chàng thả người từ tầng gác một xuống, cũng may không cao lắm, không bị sây sát gì.

Rồi chàng tới gõ cửa, miệng lẩm bẩm:

– Đến lượt ta sắp sa vào bẫy chuột đây, và khốn nạn cho những con mèo cọ sát với loại chuột này.

Cái búa gõ cửa trong tay chàng trai trẻ vừa đập cộc cộc vào cánh cửa thì tiếng ầm ầm bên trong cũng dừng lại, những bước chân lại gần, cửa mở và D’ Artagnan, gươm tuốt trần lao thẳng vào ngôi nhà ông Bonacieux, mà cánh cửa, chắc hẳn chuyển động bằng lò xo tự đóng lại sau chàng.

Thế là, những người còn cư trú trong ngôi nhà bất hạnh của ông Bonacieux, và những người láng giềng gần đấy nhất liền nghe thấy tiếng kêu lớn, tiếng chân rậm rịch, tiếng gươm va chạm và tiếng đồ gỗ đổ gãy kéo dài. Rồi một lúc sau, một số người kinh ngạc vì tiếng ầm ầm đó, đến bên cửa sổ để biết nguyên nhân, liền thấy cửa lại tự mở ra và bốn người mặc đồ đen, không phải đi ra mà là bay ra như lũ quạ hoảng loạn, để rơi trên đất và các góc bàn, những lông cánh của chúng, nghĩa là tơi tả những mảnh áo và những mảnh áo choàng.

– Phải nói rằng, D’ Artagnan chiến thắng không mấy khó khăn bởi chỉ có mỗi tên đội trưởng cảnh vệ mang vũ khí, còn chống cự lấy lệ. Đúng là ba tên kia đã định phang chết chàng trai trẻ bằng những chiếc ghế, ghế đẩu, và chai lọ gốm sứ, nhưng hai hay ba nhát đâm bằng thanh gươm dài của chàng Gátxcông khiến chúng hoảng sợ. Mười phút đã đủ làm chúng thất bại, và D’ Artagnan giữ thế chủ chiến trường.

Những người láng giềng đã mở cửa sổ với sự bình tĩnh đặc biệt của dân Paris trong thời buổi những cuộc nổi dậy và loạn đả không ngừng, lại đóng cửa lại ngay khi trông thấy bốn người mặc đồ đen chạy trốn. Linh tính bảo họ rằng lúc này mọi cái đã kết thúc.

D’ Artagnan, còn lại mỗi mình với bà Bonacieux, quay lại phía người đàn bà. Người đàn bà tội nghiệp bị lộn nhào trên một cái ghế bành và nửa tỉnh nửa mê. D’ Artagnan đưa mắt nhanh quan sát người đàn bà.

Đó là một người đàn bà duyên dáng chừng hai nhăm hai sáu tuổi tóc nâu, mắt xanh, mũi hơi hếch, răng tuyệt đẹp, nước da như hồng thạch và mã não. Tuy nhiên, những nét vẻ có thể làm người đàn bà này lẫn với một phu nhân quyền quý, đã dừng ở đó, đôi bàn tay trắng nhưng không thanh tú. Đôi chân cũng không phải của một phụ nữ danh giá. May thay, D’ Artagnan còn chưa quan tâm những chi tiết này.

Trong lúc D’ Artagnan đang ngắm nghía bà Bonacieux, và tới đôi chân như đã nói, chàng thấy dưới đất một chiếc khăn tay bằng vải lanh, theo thói quen, nhặt lên, ở góc khăn, chàng nhận ra vẫn cái ký tự chàng nhìn thấy ở chiếc khăn suýt làm chàng đứt họng với Aramis.

Từ khi ấy, dè chừng những chiếc khăn tay thêu gia huy, chẳng nói chẳng rằng, chàng lại nhét chiếc khăn đã nhặt vào túi bà Bonacieux.

Nhưng vào lúc đó, bà Bonacieux cũng đã tỉnh lại. Người đàn bà mở mắt, nhìn xung quanh với vẻ kinh hoàng, thấy ngôi nhà trơng không và chỉ có mỗi mình mình với người giải phóng mình. Người đàn bà mỉm cười nắm lấy tay chàng, mà lại là nụ cười duyên dáng nhất trên đời.

– Ôi, thưa ông! – Nàng nói – chính ông là người đã cứu tôi, cho phép tôi cảm ơn ông.

– Thưa bà, – D’ Artagnan nói – tôi chỉ làm điều mọi nhà quý tộc ở địa vị tôi đều phải làm, bà không cần phải cảm ơn tôi đâu.

– Có chứ, thưa ông, và tôi hy vọng chứng tỏ với ông rằng, ông đã không làm phúc cho một kẻ vô ơn đâu. Nhưng vậy chứ cái lũ người mà thoạt tiên tôi cho là lũ trộm cắp đó muốn gì ở tôi, và tại sao ông Bonacieux lại không hề ở đây.

– Thưa bà, lũ người đó nguy hiểm hơn lũ trộm cắp nhiều, bở đó là những nhân viên của Giáo chủ, còn như chồng bà, ông ấy không có ở đây vì hôm qua, bọn chúng đã tới đây bắt ông ấy đưa vào ngục Bastille.

– Chồng tôi ở ngục Bastille ư? – Bà Bonacieux kêu lên? – Ôi, lạy Chúa! Ông ấy đã làm gì nên nông nỗi ấy? Người chồng yêu quý khốn khổ của tôi ơi! Ông ấy, nào có dính dáng gì?

Và một cái gì đó giống như một nụ cười ló ra trên mặt vẫn còn đầy nỗi kinh hoàng của người thiếu phụ.

– Ông ấy làm gì ư, thưa bà? – D’ Artagnan nói – Tôi tin rằng cái tội duy nhất của ông ấy là vừa có được niềm hạnh phúc vừa mang nỗi bất hạnh được làm chồng bà.

– Nhưng thưa ông, vậy ông biết…

– Tôi biết bà đã bị bắt cóc, thưa bà.

– Và bởi ai? Ông biết kẻ đó không? Ôi, nếu như ông biết hắn, ông hãy nói cho tôi hay!

– Bởi một người đàn ông khoảng bốn mươi, bốn nhăm tuổi, nước da sạm, một vết sẹo ở thái dương bên trái.

– Đúng thế, đúng thế, nhưng còn tên hắn?

– Ồ tên hắn ư? Lại là điều tôi không biết.

– Và chồng tôi có biết tôi bị bắt cóc không?

– Ông ấy được gửi thư báo trước do chính kẻ bắt cóc viết.

– Và ông ấy có nghi ngờ – bà Bonacieux bối rối hỏi. – Nguyên nhân của sự cố này không?

– Tôi tin là ông ấy quy cho một nguyên nhân chính trị.

– Lúc đầu tôi cũng đã nghĩ và bây giờ tôi cũng nghĩ như ông ấy. Nhưng vậy là cái ông Bonacieux quý mến không nghi ngờ tôi giây phút nào…

– Ồ, thưa bà, còn lâu mới có chuyện đó, ông ấy quá tự hào về sự nết na của bà và nhất là về tình yêu của bà.

Một nụ cười thứ hai hầu như khó nhận ra lướt trên đôi môi hồng của người thiếu phụ xinh đẹp.

– Nhưng – D’ Artagnan tiếp tục – bà làm thế nào trốn thoát?

– Tôi lợi dụng lúc họ để mặc một mình tôi, và vì tôi biết ngay từ sáng hôm ấy tôi bị bắt đi như thế nào, nhờ mấy tấm thảm che, tôi tụt xuống theo lối cửa sổ, vì tưởng chồng tôi vẫn ở đây thế là tôi chạy đến.

– Để ông ấy bảo vệ bà?

– Ồ, không, ông chồng yêu quý tội nghiệp của tôi, tôi biết thừa, ông ấy không có khả năng bảo vệ tôi. Nhưng vì ông ấy có thể giúp chúng tôi việc khác, tôi muốn báo cho ông ấy đề phòng.

– Về việc gì?

– Ồ! Đây không phải là bí mật của tôi. Vì vậy tôi không thể nói cho ông hay được.

– Vả chăng, – D’ Artagnan nói – xin bà thứ lỗi, nếu dù tôi chỉ là một lính cận vệ, tôi vẫn cứ phải nhắc bà thận trọng, vả chăng, tôi tin ở đây không phải nơi thuận lợi để chúng ta thổ lộ những điều bí mật. Những kẻ bị tôi đánh cho phải chạy trốn sẽ trở lại với lực lượng tăng cường. Nếu chúng tìm thấy chúng ta ở đây thì chúng ta đi đời. Tôi đã cẩn thận cho báo để ba người bạn tôi biết, nhưng ai biết được liệu có tìm thấy họ ở nhà không!

– Vâng, vâng, ông có lý – Bà Bonacieux kêu lên sợ hãi – Ta trốn đi thôi.

Nói rồi, bà ta khoác tay D’ Artagnan lôi chàng sồng sộc đi.

– Nhưng trốn ở đâu? – D’ Artagnan hỏi.

– Trước hết hãy rời khỏi ngôi nhà này, rồi ta tính sau.

Rồi thiếu phụ cùng chàng trai trẻ chẳng buồn đóng cửa nữa.

Nhanh chóng xuống phố Phu đào huyệt rồi sang phố Hố Ông Hoàng, và chỉ dừng lại ở quảng trường Saint-Sulpice.

– Và bây giờ, chúng ta làm gì đây – D’ Artagnan hỏi – và bà muốn tôi đưa bà đến chỗ nào?

– Tôi xin thú thật tôi đang rất bối tối không biết trả lời ra sao. Ý định của tôi là nhờ chồng tôi báo cho ông De la Porte biết, cốt để ông De la Porte có thể nói rõ cho chúng tôi điều gì đã xảy ra ở điện Louvre ba ngày hôm nay, và liệu có gì nguy hiểm cho tôi, nếu tôi lại có mặt ở đó không.

– Nhưng tôi – D’ Artagnan nói – tôi có thể đi báo cho ông De la Porte.

– Hẳn rồi, chỉ có điều không may là ở Louvre người ta biết ông Bonacieux và sẽ để ông ta đi vào, còn ông, họ không biết và họ sẽ đóng cửa lại với ông.

– Ờ, khỉ thật? – D’ Artagnan nói – Bà hẳn có một gác cổng thân tín ở một trạm nào đó ở điện Louvre và nhờ một khẩu lệnh…

Bà Bonacieux nhìn chăm chú chàng trai trẻ rồi nói:

– Và nếu tôi cho ông khẩu lệnh đó, ông sẽ quên ngay nó đi tức khắc khi sử dụng xong chứ?

– Xin thề danh dự, lời thề của nhà quý tộc? – D’ Artagnan nói bằng một giọng chân thực không thể nhầm lẫn được.

– Được tôi tin ông, ông có vẻ một chàng trai trọng danh dự, vả chăng số phận ông có lẽ ở ngay trên sự tận tụy của ông.

– Tôi sẽ làm, không cần hứa hẹn gì, và hoàn toàn vì lương tâm, bất cứ điều gì tôi có thể làm để phục vụ nhà Vua và làm cho Hoàng hậu vui lòng – D’ Artagnan nói – vì thế hãy sử dụng tôi như một người bạn.

– Nhưng còn tôi, ông định để tôi ở đâu trong thời gian này?

– Bà không có ai để ông De la Porte đến đó đón bà được sao?

– Không, tôi không muốn tin ai cả.

– Xem nào, – D’ Artagnan nói – chúng ta sẽ đến nhà anh Athos. Phải, đúng thế.

– Athos là ai vậy?

– Một trong những người bạn của tôi.

– Nhưng nhỡ ông ta có nhà và nhìn thấy tôi?

– Anh ấy không có nhà, và tôi sẽ mang chìa khóa đi sau khi đưa bà vào nhà anh ấy.

– Nhưng nhỡ ông ấy về?

– Anh ấy không về đâu, vả lại, người ta sẽ bảo anh ấy là tôi đem theo một người đàn bà và người đàn bà ấy đang ở nhà anh.

– Nhưng như thế sẽ làm tôi mang tiếng lắm, ông hiểu chứ.

– Không sao đâu! Người ta không biết bà. Vả lại, chúng ta đang trong một tình thế cần phải bỏ qua những sự bất tiện.

– Vậy thì đến nhà bạn ông. Ông ấy ở đâu?

– Phố Fréjus, cách đây ít bước chân thôi.

– Đi thôi.

Vậy cả hai lại tiếp tục đi. Đúng như D’ Artagnan đã đoán, Athos không có nhà. Chàng cầm lấy chìa khóa mà người ta đã quen đưa cho chàng như một người bạn của gia đình, rồi trèo lên cầu thang, dẫn bà Bonacieux vào trong căn phòng nhỏ mà chúng ta đã miêu tả.

D’ Artagnan nói:

– Bà coi như mình đang ở nhà mình. Xem nào, bà khóa hai lần cửa lại và đừng mở cho ai, trừ phi nghe thấy ba tiếng như thế này, bà xem đây.

– Và chàng gõ ba cái, hai cái đầu gõ mạnh và liền nhau, cái thứ ba, gõ nhẹ và cách hẳn ra.

– Tốt lắm – bà Bonacieux nói – giờ đến lượt tôi dặn dò ông.

– Tôi nghe đây.

– Ông hãy đến trạm gác cung điện phía đường phố Cái thang và hỏi ai là Germain.

– Được, sau đó?

– Người ta sẽ hỏi ông muốn gì và lúc đó ông sẽ trả lời bằng hai tiếng: “Tours và Bruxelles”(2). Lập tức người ấy sẽ nghe lệnh ông.

– Tôi sẽ ra lệnh gì cho người này?

– Đi tìm ông De la Porte, người hầu phòng của Hoàng hậu.

– Và khi người ấy đã tìm được và ông De la Porte đến?

– Ông đưa ông ấy đến gặp tôi.

– Tốt lắm, nhưng tôi gặp lại bà như thế nào, ở đâu?

– Ông có mong gặp lại tôi lắm không?

– Chắc chắn rồi.

– Vậy, cứ để tôi lo chuyện đó và xin ông yên tâm.

– Tôi tin lời hứa của bà đấy.

– Ông hãy tin đi.

D’ Artagnan chào bà Bonacieux, và đưa cặp mắt tình tứ nhất mà chàng có thể chăm chăm nhìn vào người đàn bà nhỏ bé quyến rũ kia, và trong khi bước xuống cầu thang, chàng nghe thấy tiếng khóa trái cửa hai lần. Và vèo một cái, chàng đã ở điện Louvre, và khi vào cửa lối phố Cái thang, đồng hồ điểm mười giờ.

Tất cả những sự biến mà chúng ta vừa kể nối tiếp nhau trong nửa giờ.

Mọi việc đều được thực hiện như bà Bonacieux đã dặn trước.

Nhận được khẩu lệnh, Germain cúi chào. Mười phút sau, ông De la Porte đã ở trạm gác. D’ Artagnan kể vắn tắt cho ông mọi chuyện và chỉ cho ông nơi bà Bonacieux đang ở. La Porte hỏi đi hỏi lại địa chỉ cho thật chính xác rồi vội đi ngay. Song được mươi bước ông quay lại nói với D’ Artagnan:

– Anh bạn trẻ, có một lời khuyên đây.

– Thế nào ạ?

– Anh có thể bị rầy rà với việc vừa xảy ra đấy.

– Ông tin thế à?

– Phải. Anh có một người bạn nào có đồng hồ chạy chậm không?

– Thì sao.

– Hãy đến gặp người ấy để anh ta có thể làm chứng anh ở nhà anh ta lúc chín giờ rưỡi – Trong công lý người ta gọi đó là ngoại phạm.

D’ Artagnan thấy lời khuyên thật khôn ngoan. Chàng ba chân bốn cẳng chạy đến dinh quán ông De Treville, nhưng đáng lẽ vào phòng khách cùng tất cả mọi người, chàng yêu cầu vào trong tư phòng của ông, vì D’ Artagnan là một trong những người năng lui tới dinh quán, người ta không gây khó dễ gì, đi báo ngay cho ông Treville là người đồng hương trẻ của ông có chuyện gì quan trọng muốn nói với ông, xin được yết kiến bất thường. Năm phút sau, ông Treville hỏi chàng ông có thể giúp việc gì cho chàng và làm sao đến nỗi phải đến thăm ông vào giờ giấc quá muộn như thế này.

D’ Artagnan lợi dụng lúc chỉ còn lại một mình đã vặn chậm đồng hồ lại bốn nhăm phút. Chàng nói:

– Thưa ông, xin ông thứ lỗi? Tôi nghĩ là mới có chín giờ hai nhăm phút, thì vẫn còn giờ để xin được gặp ông.

– Chín giờ hai nhăm phút! – Ông Treville kêu lên và nhìn đồng hồ – Ồ, không thể như thế được.

– Thưa ông, ông cứ nhìn xem. Đồng hồ chỉ rõ đấy thôi.

– Đúng vậy – Ông De Treville nói – ta cứ ngỡ muộn hơn cơ. Mà thôi, anh muốn gì ở ta nào?

Thế là, D’ Artagnan liền kể cho ông De Treville một câu chuyện dài về Hoàng hậu. Chàng bày tỏ những lo ngại của mình cho Hoàng hậu. Chàng kể cho ông nghe những điều chàng nghe nói về dự định của Giáo chủ đối với ông Buckingham, tất cả được kể một cách bình tĩnh và thẳng thắn, khiến ông De Treville càng nhận thấy một điều gì mới lạ giữa Giáo chủ, nhà Vua và Hoàng hậu bao nhiêu, càng bị mắc lừa thêm bấy nhiêu.

Lúc đồng hồ điểm mười giờ, D’ Artagnan cáo biệt ông De Treville. Ông cám ơn chàng về những tin tức của chàng, dặn dò chàng phải luôn lưu tâm phục vụ nhà Vua và Hoàng hậu, rồi ông trở về phòng khách. Nhưng tới chân cầu thang, D’ Artagnan sực nhớ mình quên cái gậy ngoại phạm. Vì vậy chàng vội đi lên, vào tư phòng, bằng một vòng ngón tay chỉnh lại đồng hồ cho đúng giờ để hôm sau người ta không nhận thấy đồng hồ đã bị vặn sai, và chắc chắn, từ lúc này, chàng đã có một chứng cớ ngoại phạm, chàng đi xuống cầu thang, lúc sau đã ở ngoài phố.

Chú thích:(1) Phố nơi tổng nha cảnh sát Pháp đóng

(2) Tours: Thủ đô cũ của xứ Touraine nước Pháp – thị xã của quận Indre et Loire ngày nay.

(3)Bruxelles: thủ đô nước Bỉ.