Bà mẹ can đảm
Kattrin, cô con gái câm
Eilif, con trai cả
Schweizerkas, con trai thứ
Tay mộ lính. Viên đội. Đầu bếp. Tuyên úy. Viên tư lệnh. Sỹ quan hậu cần. Yvette Pottier. Gã bịt một mắt. Viên đội (phe Thiên chúa giáo). Lão đại tá già. Thư lại. Người lính trẻ. Người lính già. Người nông phu. Vợ nông phu. Chàng trai. Bà lão. Người nông dân khác. Hạ sỹ quan. Các người lính. Tiếng nói.
Sơ lược bối cảnh lịch sử vở kịch[1]
Ở châu Âu thời Trung cổ nhiều Giáo hoàng sống cực kỳ sa đọa và xa xỉ. Giáo hội La Mã không hiếm những “thâm cung bí sử'”(chẳng hạn hai giáo hoàng là cha và con của dòng họ Borgia). Để có đủ tiền sống phè phỡn và xây dựng những công trình nghìn thu, ngoài chuyện mua quan bán tước (xin nhớ: bấy giờ các vua chúa châu Âu phải được giáo hoàng tấn phong mới được coi là chính thống!) đã có giáo hoàng nẩy ra sáng kiến bán phiếu chuộc tội đời này và cả những đời sau, cho mình và cho cả người thân, nghĩa là bảo đảm một hay nhiều chỗ trên thiên đường. Thậm chí có giáo hoàng còn cấp giấy phép hành nghề, tất nhiên phải trả tiền, cho gái giang hồ (giáo hoàng Sixtus IV).
Ở Anh, do không được giáo hoàng cho phép ly dị, vua Henry VIII bèn ly khai khỏi giáo hội La Mã, thành lập Thanh giáo (thế kỷ 16).
Ở Đức, Martin Luther (1483 – 1546), một tu sỹ, đã khởi xướng phong trào đòi cải cách giáo hội, chống chuyện mua phiếu chuộc tội, chống chuyện xưng và tha tội, không công nhận quyền đại diện Chúa trên đời này - tức là phủ nhận vai trò trung gian - của hàng giáo phẩm, coi Phúc âm là điểm quy chiếu duy nhất phán xét mọi hành động tốt xấu của giáo đồ v...v...
Tất nhiên Martin Luther bị truy bức, nhưng được một lãnh chúa có thế lực lập kế "bắt cóc", cho Luther lánh nạn trong dinh lũy của ông ta. Sau khi Martin Luther qua đời, những người chịu ảnh hưởng của ông - được sự ủng hộ của các lãnh chúa vốn khát khao thoát vòng kiềm tỏa của giáo hội La Mã - đã tách khỏi giáo hội này, thành lập đạo Tin lành (nghĩa là chỉ tin vào Phúc âm), có ảnh hưởng rất mạnh ở Đức, Hoà Lan và các nước bắc Âu. Còn Pháp và Thụy Sỹ (rồi sau này ở bắc Mỹ) chịu ảnh hưởng của Calvin - một nhà cải cách tôn giáo khác.
Từ đó, sau những cuộc Thập tự chinh giành thánh địa Jerusalem, chiêu bài “đức tin” đã được khoác cho không biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu.
“Cuộc chiến tranh ba mươi năm” (1618 – 1648) nổ ra từ cuộc nổi dậy của Böhmen[2] chống lại sự thống trị của triều đình Habsburg[3] (Áo). Cuộc nổi dậy này bị liên quân Thiên Chúa giáo phe Habsburg dẹp tan tại trận đánh ở Weissen Berg gần Praha[4] (8.11.1620). Các lãnh chúa Tin lành ở bắc Đức[5] ủng hộ Friedrich V. vùng Pfalz, người được bầu làm vua Böhmen sau khi vùng này tách khỏi Áo. Đan Mạch nhẩy vào vòng chiến nhưng bị Wallenstein - tư lệnh quân đội phe hoàng đế Áo – đánh bại và năm 1629 phải ký hiệp định hoà bình với hoàng đế Áo Ferdinand.
Năm 1620 vua Thụy Điển Gustav Adolf đổ bộ vào Pommern[6] để cứu các lãnh chúa Tin lành đang bị thua xiểng liểng, nhưng cũng không ngăn được Magdeburg[7] bị Tilly[8] tàn phá. Được Pháp ủng hộ tài chính, Gustav Adolf chiếm miền bắc và tây Đức sau trận Breitenfeld (17.9.1631) và tiến quân về phía nam nước Đức, tới tận München[9]. Để cứu binh, Wallenstein đem quân từ Böhmen về Sachsen nhưng bị đánh bại ở Lützen (16.11.1632). Trong trận này vua Thụy Điển Gustav Adolf tử trận. Nhưng trận thảm bại ở Nördlingen (7.9.1634) trước liên quân Tây Ban Nha – Áo đã buộc quân Thụy Điển phải rút về nước.
Giai đoạn khủng khiếp nhất của “Cuộc chiến tranh ba mươi năm” trên đất Đức bắt đầu từ năm 1635 với sự liên minh mới giữa Thụy Điển và Pháp. Nước Đức bị các đạo quân thay phiên nhau tàn phá, cho đến khi các bên tham chiến mệt mỏi và kiệt quệ thì hòa bình mới được vãn hồi vào năm 1648.
Tên gọi “ba mươi năm” là dưới góc độ của Đức, vì mãi năm 1635 nước Pháp mới thật sự tham chiến, để giành ảnh hưởng với Áo và mãi đến năm 1659 cuộc chiến tranh Pháp – Tây Ban Nha mới kết thúc.
Cuộc chiến tranh này tuy có mang yếu tố tôn giáo (Tin lành, Thiên Chúa), song chủ yếu vẫn là tranh giành quyền lực giữa các lãnh chúa với hoàng đế Áo, giữa các lãnh chúa với nhau và trước hết là để giành quyền bá chủ châu Âu.
Vở kịch mở đầu vào năm 1624, tuy nhiên nó không trực tiếp dẫn ngay ta vào “Cuộc chiến tranh ba mươi năm”, mà vào cuộc chiến tranh Thụy Điển – Ba Lan (1621 – 1629). Lúc bấy giờ vua Sigismund III, con trai vua Thụy Điển Johann III, trị vì nước Ba Lan. Sigismund là ông tổ chi Thiên Chúa giáo của giòng họ Wasas, giòng họ đã cai trị Ba Lan cho tới năm 1680. Sigismund, trên danh nghĩa, đồng thời là vua Thụy Điển, song bị người chú là vua Karl IX tiếm vị, nên luôn tìm cách giành lại ngôi báu.
Năm 1621 Gustav Adolf tiến quân vào Ba Lan để củng cố thế lực Thụy Điển đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của Áo ở vùng biển Đông, chiếm Livland[10] và giải quyết dứt khoát chuyện giành ngôi của Sigismund.
Chú thích:
[1] Mọi chú thích là của người dịch; những đoạn trong ngoặc vuông [....] là do người dịch thêm vào cho rõ ý – LCC.
Phần này không có trong vở kịch; người dịch thêm vào hầu giúp bạn đọc biết qua về bối cảnh lịch sử của nó.
[2] Böhmen: một vùng hiện nay thuộc Tiệp
[3] Habsburg: một dòng họ rất lớn ở Áo, thủ lĩnh phe Thiên chúa giáo, đã chi phối lịch sử châu Âu từ thế kỉ 11 cho đến đầu thế kỉ 20. Nhiều nhân vật của dòng họ này là hoàng đế hoặc vua của nhiều nước châu Âu
[4] Thủ đô nước Séc hiện nay.
[5] Bấy giờ nước Đức gồm rất nhiều tiểu quốc, đứng đầu là các lãnh chúa. Vua Đức, được các lãnh chúa bầu, không có thực quyền, nghĩa là không mạnh bằng Thụy Điển. Bởi vậy thời bấy giờ câu "quân Thụy Điển tới rồi" đã gây kinh hoàng trong dân Đức không khác câu "quân Nga tới rồi" trong thế chiến thứ hai.
[6] Pommern: một vùng ở đông bắc Đức.
[7] Magdeburg: một thành phố lớn ở đông Đức.
[8] Bá tước Tilly, một danh tướng của phe Thiên Chúa giáo.
[9] München: thủ phủ bang Bayern (Bavaria) hiện nay, trung tâm công nghiệp và văn hoá vùng đông nam Đức.
[10] Một vùng ở Lettland ngày nay.