Bà mẹ can đảm

Màn 5

Hai năm sau. Cuộc chiến tranh ngày một lan rộng thêm tới những vùng khác. Chiếc xe thồ nhỏ bé của Bà mẹ can đảm đi không ngừng nghỉ qua Ba Lan, Mähren, Bayern, Ý rồi lại Bayern. Năm 1631 cuộc chiến thắng của Tilly ở Magdeburg[1] đã làm Bà mẹ can đảm thiệt mất bốn cái áo sơ mi sĩ quan.

 

Chiếc xe của Bà mẹ can đảm đậu ở một ngôi làng bị bắn phá tan tành.

Xa xa văng vẳng tiếng quân nhạc. Hai người lính ngồi uống rượu ở quầy, có Kattrin và Bà mẹ can đảm phục vụ. Một tay lính khoác chiếc áo lông thú, loại của đàn bà.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sao, chú không có tiền trả à? Không tiền thì không rượu. Họ chơi được khúc nhạc khải hoàn nhưng lại không trả lương cho lính.

LÍNH: Tôi thèm rượu quá. Tôi tới trễ thành thử chẳng cướp bóc được gì. Tay tư lệnh chơi đểu tụi tôi, chỉ thả cho tụi tôi cướp thành phố có một giờ thôi. Hắn bảo hắn không phải là kẻ tàn nhẫn; nhất định là thành phố này đã đút lót hắn rồi.

TUYÊN ÚY bước thấp bước cao về tới: Trong ngôi nhà kia vẫn còn có người. Một gia đình nông phu. Ai phụ tôi với. Tôi cần vải.

Người lính thứ hai đi với tuyên úy.

Kattrin hết sức xúc động, tìm cách thuyết phục mẹ đưa vải.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tao không có vải. Còn bông băng thì tao đã bán hết cho Trung đoàn rồi. Tao không xé áo sơ mi sĩ quan của tao cho người ta đâu.

TUYÊN ÚY gọi vói lại: Tôi cần vải, nói rồi mà.

BÀ MẸ CAN ĐẢM ngồi chắn nơi bậc xe không cho Kattrin lên xe: Tao không có. Họ không trả tiền vải cho tao đâu, tại sao, tại vì họ cóc có tiền.

TUYÊN ÚY cúi hỏi người đàn bà ông ta khiêng tới: Sao mấy người còn ở lại đó trong lửa đạn như thế?

BÀ NÔNG DÂN giọng yếu ớt: Vì ngôi nhà.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Họ đời nào chịu bỏ của chạy đi! Để bây giờ tôi phải è cổ ra gánh. Tôi không chịu.

NGƯỜI LÍNH THỨ NHẤT: Đây là bọn Tin Lành. Tại sao chúng lại theo Tin Lành chứ?

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Họ ỉa vào chuyện tôn giáo của chú. Ngôi nhà của họ thế là tiêu mất rồi.

NGƯỜI LÍNH THỨ HAI: Họ không phải Tin Lành mà đích thị là Thiên Chúa giáo.

NGƯỜI LÍNH THỨ NHẤT: Khi bắn thì mình đâu chừa họ ra được!

NÔNG DÂN được tuyên úy khiêng ra: Tôi cụt mất cánh tay rồi.

TUYÊN ÚY: Vải đâu?

Mọi người nhìn Bà mẹ can đảm, bà không nhúc nhích.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi không cho vải được. Biết bao thứ phải chi rồi: thuế này, tiền lãi vay nợ này, tiền đút lót này! Kattrin kêu gừ gừ, nhấc một thanh củi đe dọa bà mẹ. Mày có điên không? Bỏ ngay thanh củi xuống, kẻo bà lại cho một trận bây giờ, đồ khốn! Tôi không cho gì hết, không cho, tôi phải lo cho thân mình chứ. Tuyên úy nhấc bà khỏi bậc xe, đặt xuống đất, móc ra mấy cái áo sơ mi rồi xé thành từng giải. Giời đất ơi, áo của tôi! Mỗi cái giá những nửa Gulden cơ đấy! Thế là tôi sạt nghiệp mất rồi!

Từ trong ngôi nhà vẳng ra tiếng trẻ thét lên đau đớn.

NÔNG DÂN: Con bé vẫn còn trong đó! Kattrin chạy vào ngôi nhà.

TUYÊN ÚY với bà nông dân: Bà cứ nằm yên! Nó sẽ được cứu ra thôi.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Giữ con Kattrin lại, mái nhà sập mất.

TUYÊN ÚY: Tôi không vào trong đó nữa đâu.

BÀ MẸ CAN ĐẢM chạy tới chạy lui: Chớ phung phí chỗ vải đắt tiền của tôi!

Người lính thứ hai giữ bà lại. Kattrin bế ra một bé sơ sinh từ trong ngôi nhà đổ nát.

Mày lại tìm được một đứa trẻ sơ sinh để bồng thế đã sướng chưa? Đưa ngay cho mẹ nó, kẻo tao lại mất cả giờ đánh vật mới rứt nó ra khỏi tay mày, mày không nghe à? Với người lính thứ hai: Đừng có mà trố mắt ra, tốt hơn anh nên lại đàng kia bảo họ ngừng chơi nhạc đi, tại đây tôi đã chứng kiến chiến thắng của họ rồi. Chiến thắng của mấy người chỉ đem lại thiệt hại cho tôi thôi.

TUYÊN ÚY trong lúc băng bó: Máu vẫn chảy.

Kattrin bồng đứa bé, đung đưa, miệng ư ư một bài hát ru.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó ngồi đấy và lấy làm sung sướng giữa cảnh khốn khổ, [với Kattrin] đưa trả nó ngay đi, mẹ nó tỉnh lại rồi. Phát giác ra tay lính thứ nhất uống trộm rượu, lại còn định ôm chai chuồn. Pschagreff[2]! Đồ súc vật, mày còn muốn chiến thắng nữa thôi? Trả tiền.

Người lính thứ nhất: Tôi không có gì hết.

BÀ MẸ CAN ĐẢM lột áo lông của hắn: Vậy thì để cái áo này lại đây, đàng nào thì cũng là thứ ăn cắp.

TUYÊN ÚY: Hắn còn một cái áo nữa mặc bên dưới. 

Chú thích:

[1] Xin xem chú thích về những địa danh và tên người ở phần “Sơ luợc bối cảnh lịch sử”.

[2] Pschagreff: một tiếng chửi Ba Lan, tạm dịch là “đồ mắc dịch”.