Lều của viên tư lệnh.
Bên cạnh là nhà bếp. Tiếng đại bác ì òm. Tay đầu bếp đôi co với Bà mẹ can đảm về một con gà trống thiến bà muốn bán.
ĐẦU BẾP: Sáu chục Heller[1] cho một con gà ốm đói này ư?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Béo thế này mà ốm đói à? Ngài tư lệnh phàm ăn tục uống khét tiếng mà không trả nổi sáu mươi Heller còm à? Sẽ khốn khổ thân ông nếu trưa nay không có được món gì cho ngài xơi.
ĐẦU BẾP: Với mười Heller tôi mua được cả tá thứ này ngay góc đường.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sao, con gà trống thiến cỡ này mà ông tìm được ngay góc đường ư? Giữa lúc bị bao vây và đói tợn đến trắng mắt thế này à[2]? May ra thì ông vớ được một con chuột đồng, tôi nói may ra thôi, vì chúng bị thịt sạch hết rồi. Năm người bỏ ra nửa ngày vây bắt mới được một con chuột ốm đói. Năm mươi Heller cho một con gà trống thiến to kềnh trong tình trạng bị vây hãm, không lôi thôi gì hết!
ĐẦU BẾP: Chúng ta không bị vây hãm, bọn kia cơ. Chúng ta là những kẻ bao vây, bà ráng mà ghi vào đầu.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nhưng chúng ta cũng chẳng có gì để ăn, thậm chí còn ít hơn những kẻ bị vây hãm trong thành. Họ đã lo trước, khuân hết mọi thứ vào thành rồi. Họ ăn uống phủ phê, tôi nghe nói thế. Còn chúng ta? Tôi có ghé mấy nông dân, trong nhà họ sạch bách, chẳng còn gì hết thảy.
ĐẦU BẾP: Có, nhưng chúng dấu đấy thôi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM đắc thắng: Họ chẳng còn gì sất. Họ sạt nghiệp rồi thì có. Họ đói khổ đủ điều. Tôi từng thấy có người đào rễ cây ăn vì đói; họ thèm nhỏ dãi một chiếc đai da để luộc ăn. Thế đấy. Còn tôi có con gà trống thiến mà phải bán rẻ với giá bốn mươi Heller.
ĐẦU BẾP: Ba mươi chứ không phải bốn mươi đâu. Tôi nói ba mươi thôi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Này ông, đây không phải con gà trống thiến bình thường đâu nhé. Nó có tài đấy, tôi nghe nói nó chỉ chịu ăn khi được nghe nhạc thôi, mà phải là khúc quân hành nó thích cơ. Nó biết làm tính, thông minh thế đấy. Thế mà bốn mươi Heller là nhiều à? Ngài tư lệnh sẽ cắt cổ ông nếu không có món gì trên bàn.
ĐẦU BẾP: Bà có thấy tôi làm gì không?
Hắn đặt dao lên một tảng thịt bò.
Thế là tôi có một miếng thịt bò, đem chiên lên. Tôi cho bà được cân nhắc lần cuối.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thì ông cứ chiên. Thịt này là từ năm ngoái.
ĐẦU BẾP: Mới chiều hôm qua con bò còn chạy quanh đây, chính mắt tôi thấy mà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế thì nhất định nó đã hôi từ khi còn sống.
ĐẦU BẾP: Tôi sẽ hầm năm tiếng luôn, nếu cần, xem nó còn dai được nữa không. Cắt thịt.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông nhớ cho nhiều tiêu vào để ngài tư lệnh khỏi ngửi thấy mùi hôi.
Viên tư lệnh, một viên tuyên úy và Eilif bước vào lều.
VIÊN TƯ LỆNH vỗ vai Eilif: Nào, con trai, hãy vào đây ngồi bên phải ta, vị tư lệnh của chú mày. Chú mày đã làm được một việc anh hùng với tư cách một chiến sỹ ngoan đạo, vì Chúa. Công lao của chú mày trong cuộc chiến tranh tôn giáo khiến ta đặc biệt đánh giá cao. Ta sẽ thưởng cho chú mày một vòng vàng đeo tay ngay khi chiếm được thành phố. Chúng ta tới đây để cứu rỗi linh hồn chúng, thế mà cái lũ nông dân dơ bẩn và mặt dầy mày dạn như heo kia đã làm gì? Chúng lùa súc vật đem đi dấu chúng ta, nhưng lại hết lòng cung phụng, nhồi trước nhét sau lũ cha cố của chúng! Nhưng chú mày đã dạy cho chúng biết thế nào là đạo lý. Đây, ta thưởng chú mày một vại vang đỏ. Cạn ly nhé! Hai người uống. Ông tuyên úy không được uống vì ông ấy ngoan đạo. Thế chú mày muốn trưa nay ăn món gì, con trai yêu quí của ta?
EILIF: Ăn thịt, được chứ?
VIÊN TƯ LỆNH: Đầu bếp, thịt nhé!
ĐẦU BẾP: Ông ấy lại còn dẫn khách về trong khi chẳng có món gì để ăn cả.
Bà mẹ can đảm ra hiệu cho hắn im, vì bà muốn lắng nghe.
EILIF: Đi cuỗm của bọn nông dân khiến mình đói gớm.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chúa ơi, thằng Eilif nhà tôi.
ĐẦU BẾP: Ai?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thằng cả nhà tôi. Đã hai năm rồi tôi mất tăm tích nó, vì người ta cướp nó đi giữa đường giữa xá; bây giờ được quan tư lệnh mời ăn thì nhất định là nó được sủng ái lắm, thế mà ông có món gì nào? Chẳng có gì sất! Ông có nghe thấy nó, khách của quan tư lệnh đấy nhé, muốn xơi gì không nào: nó muốn xơi thịt! Nghe tôi khuyên này: lấy con gà thiến với giá một Gulden ngay đi.
VIÊN TƯ LỆNH ngồi xuống với Eilif và viên tuyên úy, lớn tiếng thét: Thằng đầu bếp Lamb khốn kiếp đâu, dọn ăn ngay kẻo chết với ta.
ĐẦU BẾP: Đưa đây, quỷ tha ma bắt mụ đi, đồ tống tiền.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi lại tưởng nó là thứ gà ốm đói chứ.
ĐẦU BẾP: Ốm đói chứ sao. Đưa đây! Thật là cắt cổ. Những năm mươi Heller!
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi nói một Gulden. Cho thằng cả nhà tôi, khách quí của quan tư lệnh, thì chẳng có gì là đắt cả.
ĐẦU BẾP trả tiền: Thế thì ít ra mụ phải phụ vặt lông cho đến khi tôi nhóm bếp xong.
BÀ MẸ CAN ĐẢM ngồi xuống, vặt lông gà: Không biết lát nữa gặp lại tôi nó sẽ tỏ thái độ ra sao. Nó là thằng con táo bạo và tinh khôn của tôi đấy. Tôi còn một thằng nữa, khù khờ nhưng thật thà. Đứa con gái coi như không kể. Nó không nói được đã là may rồi.
VIÊN TƯ LỆNH: Làm vại nữa, con trai của ta; đây là thứ vang Ý ta thích nhất, ta chỉ còn một thùng thôi, nhiều lắm là hai, nhưng thấy trong đám quân của ta còn một kẻ thật lòng tin vào đạo giáo thì đem rượu ra đãi là đáng lắm. Còn vị chăn dắt linh hồn này chỉ được ngồi nhìn chúng ta uống thôi, vì ông chỉ biết rao giảng, còn nên làm như thế nào thì ông mù tịt. Bây giờ, Eilif, con trai của ta, hãy thuật lại tỉ mỉ chú mày đã lừa phỉnh bọn nông dân và bắt hai mươi con bò như thế nào. Hy vọng chúng ta sớm có bò.
EILIF: Một ngày, cùng lắm là hai thôi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thằng Eilif nhà tôi thế là rất biết điều nên đến mai mới lùa bò về đây, bằng không mấy người chẳng thèm con gà thiến của tôi đâu.
EILIF: Ấy, chuyện như thế này: tôi được biết là bọn nông dân lén lút, thường là về đêm, lùa bò vẫn giấu trong rừng tới bán ở một cánh rừng thưa. Người trong thành ra đó mua. Tôi cứ để chúng đi lùa bò, vì tôi nghĩ chúng tìm ra bò dễ hơn mình. Còn tôi làm cho lính của mình càng thèm thịt tợn, bằng cách hai ngày liền cắt giảm khẩu phần vốn đã ít ỏi, khiến chỉ cần nghe thấy một từ bắt đầu bằng Th, như “thớt”, cũng đủ khiến họ ứa nước miếng.
VIÊN TƯ LỆNH: Thần tình quá.
EILIF: Cũng có thể. Còn lại chẳng có gì đáng nói. Có điều bọn nông dân vác gậy gộc, lại đông gấp ba bọn tôi, chúng đã đánh bọn tôi một trận tơi bời, tưởng chết được. Bốn tên dồn tôi vào một lùm cây, đánh văng kiếm của tôi và gọi: hàng đi! Làm gì bây giờ, tôi nghĩ, chúng biến mình thành thịt băm mất.
VIÊN TƯ LỆNH: Thế chú mày đã làm gì?
EILIF: Tôi đã cười phá lên.
VIÊN TƯ LỆNH: Đã làm sao?
EILIF: Tôi cười. Thế là hai bên trò chuyện. Tôi liền đề nghị mua bán, tôi nói: hai mươi Gulden cho con bò đực thiến là quá đắt. Tôi mặc cả mười lăm thôi. Như muốn trả thật. Chúng ngớ ra, gãi đầu gãi tai. Tức thì tôi cúi nhặt thanh kiếm chém túi bụi. Lúc cùng quẫn thì làm gì còn nhớ giới răn của Chúa, phải không ạ?
VIÊN TƯ LỆNH: Ông thấy sao, nhà chăn dắt linh hồn?
TUYÊN ÚY: Nói cho cùng thì câu ấy không có trong Kinh Thánh. Lúc Chúa chúng ta đã từ năm ổ bánh mì làm phép biến thành năm trăm ổ thì hoàn cảnh không cùng quẫn, ai cũng no cả, thành ra Người có thể đòi hỏi chúng ta phải thương yêu đồng loại. Còn hoàn cảnh hiện nay có khác.
VIÊN TƯ LỆNH cười: Khác hẳn ấy chứ. Giờ thì ông thầy tu giả nhân giả nghĩa cũng được một ngụm. Với Eilif: Chú mày đã choảng lũ nông dân để các chiến sỹ can đảm của ta có được chút thịt dắt răng, thế là phải lắm. Chẳng phải Kinh Thánh đã viết: “điều mi đã làm cho kẻ hèn mọn nhất trong các người anh em của ta cũng chính là mi đã làm cho ta” ư? Mà chú mày đã làm gì cho họ? Chú mày đã đem lại cho họ một bữa ăn ngon có thịt bò, vì họ không quen ăn bánh mì mốc; ngày trước họ toàn ăn súp lạnh trong mũ lính, trước khi chiến đấu vì Chúa.
EILIF: Đúng thế, tức thì tôi cúi nhặt kiếm băm vằm lũ chúng nó.
VIÊN TƯ LỆNH: Chú mày không khác César[3] hồi trẻ. Chú mày phải yết kiến Đức Hoàng thượng mới được.
EILIF: Tôi có thấy từ xa. Người trông thật rỡ ràng. Tôi muốn được như Người.
VIÊN TƯ LỆNH: Chú mày đã có chút gì hao hao giống Người rồi đấy. Eilif ạ, ta quí những kẻ đảm lược như chú mày. Ta đối xử với họ không khác con ruột của ta. Dắt Eilif tới bản đồ. Eilif, hãy nhìn địa thế mà xem, còn cần nhiều người như chú mày.
BÀ MẸ CAN ĐẢM vẫn lắng nghe và bây giờ vặt lông gà một cách giận dữ: Nhất định ông này phải là một tư lệnh rất xoàng rồi.
ĐẦU BẾP: Một tư lệnh háu ăn thì có, chứ sao lại xoàng?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Vì y cần lính can đảm, chứ sao nữa. Nếu y vạch ra nổi kế hoạch tác chiến hay thì y cần gì đến lính can đảm chứ? Lính xoàng cũng đủ rồi. Với lại nơi nào càng cần lắm đức hạnh thì rõ là nơi ấy có gì đó không ổn.
ĐẦU BẾP: Tôi tưởng nó chứng tỏ là có gì tốt chứ.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Không, xấu xa thì có. Tại sao? Khi viên tư lệnh hay ông vua ngu xuẩn đưa lính vào chỗ bí thì họ cần can đảm ghê gớm, coi chết như không, đó cũng là một đức tính. Nếu y quá ư bủn xỉn, mộ quá ít quân thì hết thảy lính đều phải là Herkules[4] mới được. Còn nếu y cẩu thả, chẳng chịu ngó ngàng tới chuyện gì hết thì binh lính phải khôn như rắn, bằng không thì chết cả lũ. Nếu y cứ mãi đòi hỏi nơi họ quá nhiều chuyện khó khăn thì họ cũng cần phải có lòng đặc biệt trung thành mới được. Toàn là những đức tính mà một đất nước có quy củ và một ông vua, một viên tư lệnh giỏi không cần tới. Trong một đất nước tốt lành thì chẳng cần đức hạnh, mọi người hoàn toàn bình thường, khôn ngoan vừa phải, thậm chí hèn cũng được.
VIÊN TƯ LỆNH: Ta đoán bố chú mày từng là lính.
EILIF: Một người lính giỏi, tôi nghe nói thế. Vì thế mà mẹ tôi đã cảnh cáo tôi. Tôi có biết một bài hát.
VIÊN TƯ LỆNH: Hát nghe chơi! Gào: Dọn ăn gấp lên!
EILIF: Bài hát mang tên “bài hát của người đàn bà và người lính.”
Hắn hát, vung kiếm nhẩy một điệu múa của chiến binh.
Súng vẫn bắn còn lưỡi lê vẫn tiếp tục đâm
Giòng nước cuốn phăng những kẻ lội sang ngang.
Mấy người làm sao chống lại được giá băng? Trốn đi, thế mới là khôn!
Người đàn bà bảo người lính.
Nhưng người lính với đạn đã lên nòng
Nghe trống trận, bèn lớn tiếng cười trước lời khuyên của mụ:
Hành quân có bao giờ tổn thất!
Ta cứ xuống nam, lên bắc
Còn lưỡi lê sẽ đỡ bằng tay!
Những người lính nói với người đàn bà như thế.
Chao ôi, rồi sẽ vô cùng ân hận, kẻ nào coi nhẹ lời khuyên của người sáng suốt
Và không chịu nghe lời người cao tuổi khuyên răn
Trèo cao thì sẽ ngã đau!
Người đàn bà bảo người lính.
Nhưng người lính dao găm dắt thắt lưng
Thản nhiên cười chế nhạo rồi lội qua khúc sông cạn
Giòng nước làm sao hại hắn nổi?
Khi trăng lên cao xế mái nhà gỗ
Là lúc bọn ta trở về, mụ nhớ thêm vào trong lời cầu nguyện!
Những người lính nói thế với mụ đàn bà.
Bà mẹ can đảm gõ thìa lên nồi, hát tiếp trong bếp.
Các người sẽ tan biến như làn khói! Hơi ấm cũng sẽ tan theo
Công trạng của các người không sưởi ấm chúng tôi được đâu!
Chao ôi, khói tan nhanh biết mấy! Cầu Chúa che chở hồn anh!
Người đàn bà bảo người lính.
EILIF: Cái gì thế nhỉ?
BÀ MẸ CAN ĐẢM tiếp tục hát:
Người lính với dao găm dắt thắt lưng
Quị xuống cùng với lưỡi lê, khúc sông cạn cuốn hắn trôi đi
Giòng nước nuốt phăng những kẻ lội sang ngang.
Mặt trăng trắng lạnh lẽo trên mái nhà gỗ
Còn người lính bị cuốn theo với tảng băng
Những người lính nói gì đây với mụ đàn bà?
Hắn biến đi như làn khói, hơi ấm cũng sẽ tan theo
Công trạng của hắn không làm cho lòng mụ ấm.
Chao ôi, rồi sẽ vô cùng ân hận, kẻ nào coi nhẹ lời khuyên của người sáng suốt!
Người đàn bà bảo những người lính.
VIÊN TƯ LỆNH: Hôm nay bọn chúng đúng là tự tiện làm mưa làm gió trong bếp của ta.
EILIF đi vào bếp. Ôm choàng mẹ: Không ngờ con lại gặp mẹ! Các em con đâu?
BÀ MẸ CAN ĐẢM trong vòng tay con trai: Chúng khoẻ như cá trong nước. Thằng Schweizerkas lo việc quân lương Trung đoàn hai. Ít ra mẹ không lo nó phải ra trận, mẹ không ưng nó vào lính mà nó cứ khăng khăng.
EILIF: Thế chân mẹ hồi này ra sao?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sáng ra hơi đau khi xỏ giầy.
VIÊN TƯ LỆNH cũng vào: À, ra bà là mẹ nó đấy. Ta hy vọng bà còn nhiều con trai nữa như anh chàng này để phục vụ trong đạo quân của ta.
EILIF: Con thật là may: mẹ ngồi ngay trong bếp nghe chuyện con trai mẹ được tưởng thưởng!
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ừ, tao có nghe. Bà tát tai nó.
EILIF ôm má: Vì con đã bắt bò sao?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Không phải. Vì mày đã không đầu hàng khi bốn tên kia xông vào định băm vằm mày! Tao chẳng đã từng dạy bảo[5] mày phải lo lấy thân à, hở thằng quỉ Phần Lan?
Viên tư lệnh và tuyên úy đứng cười nơi ngưỡng cửa
Chú thích:
[1] Một Gulden bằng 240 Heller
[2] Nguyên văn: đói đến da nứt vì khô khốc.
[3] Julius César (100 - 44 truớc CN): nhà chính trị và quân sự La Mã nổi tiếng
[4] Herkules: á thần, con của Zeus và nữ thần Alkmene, tượng trưng cho người có sức khoẻ phi thường.
[5] Bà mẹ “thất học”: thay vì “gelehrt” (đã dạy bảo) bà mẹ lại nói thành “gelernt” (đã học).