Ảo Kiếm Linh Kỳ

Hồi 15

Thượng Quan Phi Phụng trầm mặc không nói gì, sắc diện của Vệ Thiên Nguyên cũng chợt dịu xuống, chàng nói:

- Duy có một điều đáng tiếc, đó là Tuyết Quân, cô tạ.. cô ta không đáng phải chết...

Thượng Quan Phi Phụng vẫn không lên tiếng, chỉ đứng lặng một bên nghe Vệ Thiên Nguyên nói tiếp.

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Nhưng người chết thì không thể sống lại, chúng ta cũng đành xem đó là quá khứ thôi.

Phi Phụng, nàng nói có phải không?

Phi Phụng thản nhiên nói:

- Không sai, muội cũng nghĩ như thế. Đa tạ chàng đã tin tưởng muội.

Vệ Thiên Nguyên mỉm cười, nói:

- Ta nhờ sự cổ vũ và chăm sóc của nàng mới có thể sống tiếp. Ta không tin tưởng nàng thì còn tin tưởng ai?

Phi Phụng vẫn lạnh lùng nói:

- Chơi cờ thì ai cũng biết, nhưng cờ tàn biến hóa rất phức tạp và cũng ảo diệu khôn lường. Chàng tưởng rằng mọi chuyện đã được giải khai nhưng kỳ thực về sau còn có biến hóa mà chàng chưa từng nghĩ đến.

Vệ Thiên Nguyên mỉm cười, nói:

- Phi Phụng, nàng thật là một quái nhân. Khi ta tuyệt vọng thì nàng cổ vũ động viên ta phấn chấn tinh thần lên, lúc ta đang cao hứng thì nàng lại lạnh lùng đối với ta.

Phi Phụng mỉm cười, nói:

- Cho đầu óc của chàng trầm tĩnh lại một chút, thế không tốt hơn sao?

Vệ Thiên Nguyên suy nghĩ một lúc rồi gật đầu mỉm cười, nói:

- Nàng nói cũng có lý, nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu. Vậy theo nàng, cuộc cờ tàn này còn có điều gì mà chúng ta chưa thể giải khai?

Phi Phụng nói:

- Muội đã nói, muội không phải là kỳ thủ cao minh. Cuộc cờ này biến hóa khôn lường, muội làm sao biết được sự ảo diệu bên trong?

- Ý nàng muội nói là nàng chưa nhìn ra nước cờ nào?

- Không sai, nếu muội sớm nhìn ra thì muội không cần phải lo lắng rồi. Muội chỉ ngầm cảm nhận được rằng, có khả năng về sau sẽ có biến hóa mà chúng ta khó lòng dư liệu được.

- Từ hôm gặp nàng đến nay, bất luận ta gặp chuyện khó hiểu nào thì cũng phải nhờ nàng chỉ dẫn mới giải khai được. Nếu nàng vẫn chưa phải là kỳ thủ cao minh thì ta căn bản chẳng hiểu chơi cờ là gì.

- Đa tạ chàng quá khen, nhưng cũng mong rằng đó là do muội quá lo lắng. Tuy nhiên, người không biết chơi cờ cũng thường có nước cờ hay. Không chừng nước cờ này trong tương lai phải nhờ chàng giải tiếp.

- Nàng càng nói càng giống thiền cơ diệu pháp. Nhưng danh sư tất xuất cao đồ, nếu thật như nàng nói là ta có thể nghĩ ra nước cờ hay, thì đó là nhờ công của danh sư chỉ điểm vậy.

Chàng chỉ thuận theo Phi Phụng mà nói chơi nhưng chàng nào biết trong cuộc cờ mà Phi Phụng bày bố đích thực còn có một nước mà nàng chưa thể giải được.

Mấu chốt của nước cờ này là bí mật sinh tử của Khương Tuyết Quân. Nếu bí mật này được giải khai thì Vệ Thiên Nguyên sẽ đối xử với nàng như thế nào?

Biến hóa của cờ tàn vô cùng phức tạp, Thượng Quan Phi Phụng cũng không nắm chắc là sẽ biết được biến hóa này.

Trước mắt nàng đành làm theo một kỳ thủ bình thường là “thấy nước nào đi nước đó”.

*

Nguyên sau trận đại chiến ở Sở gia thì Sở Kình Tùng quyết định tạm thời dời nhà lánh nạn.

Để bảo đảm an toàn nên lão phân gia nhân thành hai lộ, phu thê Sở Kình Tùng và nữ nhi Sở Thiên Hồng đi một đường, bọn họ đến chỗ của Tiễn đại tiên sinh tạm lánh một thời gian.

Còn Tề Tấu Ngọc muốn hồi gia thăm gia gia của nàng nên Sở Thiên Thư cùng đi với nàng.

Gia gia của Tề Tấu Ngọc là thiên hạ đệ nhất cao thủ và lại ẩn cư ở Vương Thất Sơn, rất ít khi lai vãng với bên ngoài.

Đối với Tề Tấu Ngọc mà nói, thiên hạ còn có nơi nào an toàn hơn nhà của nàng. Không những nàng nghĩ như vậy mà Sở Kình Tùng cũng yên tâm để cho nhi tử của lão theo nàng hồi gia lánh nạn.

Sở Thiên Thư và Tề Tấu Ngọc đã có mấy năm bôn tẩu giang hồ, trải qua phong ba không ít, vì thế chuyện không ở được tại Dương Châu cũng chẳng quan trọng, mất nhà này còn có nhà khác.

Đối với bọn họ, sự tiến triển về tình cảm của cả hai là quan trọng hơn cả.

Vừa đi Tề Tấu Ngọc vừa mỉm cười nói:

- Theo muội nghĩ, ngày sau chàng phải xem nhà của muội là nhà của chàng như thế mới công bằng.

(Lúc này nàng đã gọi Sở Thiên Thư là chàng) Sở Thiên Thư làm ra vẻ không hiểu, hỏi lại:

- Sao nói như thế là công bằng?

Tề Tấu Ngọc nói:

- Chàng không hiểu sao? Phụ thân của chàng đã có mẫu thân của muội và Thiên Hồng bầu bạn, nếu muội cũng ở đó thì lấy ai bầu bạn với gia gia muội?

Sở Thiên Thư nói:

- Được rồi, ta sẽ theo ý nàng. Nhưng không biết gia gia của nàng có thích ta chăng?

- Gia gia đối với chàng thế nào, lẽ ra chàng phải biết chứ?

- Năm xưa ta bị trúng kim châm của Kim Hồ, nếu không có gia gia của nàng hy sinh ba năm công lực cứu mạng ta thì ta đâu còn có phúc làm tôn nữ tế (cháu rể) của lão. Chuyện này ta còn chưa đa tạ lão đấy.

- Chàng tốt với muội là đã tạ ơn lão rồi. Chàng nói đến chuyện này khiến muội nhớ lại, đương thời ngay cả gia gia cũng hoài nghi độc châm chàng trúng là do Ngân Hồ phát ra.

Không ngờ bây giờ Ngân Hồ lại biến thành kế mẫu của muội. Không nói dấu gì chàng, từ khi biết chuyện giữa bà ta và gia phụ, muội luôn coi bà ta là nữ nhân bại hoại. Chẳng ngờ...

- Chẳng ngờ bà ta lại tốt với nàng như thế phải không? Như vậy có thể thấy việc phán đoán tốt xấu đối với một người không thể chỉ tin vào lời kẻ khác.

- Đúng thế! Hiện nay cũng còn không ít kẻ xem gia phụ là đại ma đầu. Muội nghĩ nếu gia phụ và Tiêu Quyên Quyên hồi gia thì chắc chắn gia gia cũng tha thứ cho bọn họ và công nhận Tiêu Quyên Quyên là con dâu thôi.

Càng nói lòng nàng càng thư thái, nhưng trong sự cao hứng vẫn còn chút tiếc nuối.

Nàng nói tiếp:

- Đáng tiếc là lần này mẫu thân không thể cùng muội hồi gia.

Sở Thiên Thư mỉm cười, nói:

- Nếu như vậy chẳng phải là bất công bằng sao?

- Chàng nói thế là nghĩa gì?

- Nhà nàng được đoàn tụ, còn muội muội của ta tương lai cũng sẽ gả cho người khác, như vậy lấy ai bầu bạn với phụ thân ta?

- Chàng không biết đấy thôi, Tề gia của muội còn có một Vương bà bà, vốn là vú nuôi của mẫu thân muội, mấy năm qua bà ta luôn nhớ đến mẫu thân muội. Nếu mẫu thân có thể hồi gia thì quả thật là đại hỷ sự đối với bà ta.

- Vương bà bà còn khỏe không?

- Bà ta vẫn còn rất khỏe mạnh.

- Vậy thì nàng có thể yên tâm, nhất định rồi bà ta sẽ gặp mẫu thân của nàng.

- Sao chàng lại nói chắc chắn như thế?

- Vì ta biết tính cách của gia gia nàng, lão là người không câu nệ lễ tục nên nhất định sẽ không để cho lễ tục ràng buộc.

Tề Tấu Ngọc hiểu ý Sở Thiên Thư nên thầm nghĩ:

- “Mẫu thân cải giá về Sở gia đã được mặc nhận của gia gia, hiện tại có thể mẫu thân còn ngại không tiện hồi gia, nhưng trong tương lai khi ta và Thiên Thư thành hôn rồi, thì bà ta không về gia gia cũng mời bà ta về.”.

Sở Thiên Thư mỉm cười, nói tiếp:

- Xưa nay thế gian thường có lắm chuyện không ngờ, ví như oán thù của hai nhà Tề - Sở chúng ta đã được hóa giải, chúng ta lại từ danh phận huynh muội trở thành phu thê. Ta nghĩ trong tương lai người trong hai nhà chúng ta cũng có thể trở thành người một nhà.

Tề Tấu Ngọc hai má ửng hồng, nàng nói:

- Chỉ được cái nói bừa, chẳng được một câu nghiêm túc nào, không nói với chàng nữa đâu.

Tuy nói thế nhưng trong lòng nàng nghĩ:

- “Cũng mong là được như vậy.”.

Hai người mải mê trò chuyện nên đã đến gia môn lúc nào mà chẳng hay.

Tề Tấu Ngọc chợt động tính trẻ con, nói:

- Chúng ta không cần gõ cửa, cứ lặng lẽ trèo tường vào.

Sở Thiên Thư hỏi:

- Tại sao?

- Muội đã hứa với Đinh đại thúc là cuối năm mới hồi gia, vì vậy nhất định gia gia sẽ không ngờ muội về sớm như vậy, muội muốn cho lão một niềm vui bất ngờ.

- Với bản lĩnh của gia gia nàng và Đinh đại thúc, thì sợ rằng chúng ta chưa vượt qua tường đã bị hai lão cho là tiểu tặc và đánh đuổi ra rồi.

- Đánh gãy hai chân của chàng thì cũng tốt.

- Nàng nhẫn tâm thế sao?

- Đánh gãy hai chân rồi thì chàng chỉ biết kêu đau chứ không thể nói lung tung nữa.

Vừa nói vừa cười nhưng Tề Tấu Ngọc đã trèo qua tường rồi. Sở Thiên Thư cũng đành phải theo nàng.

Những bỗng nhiên bọn họ cảm thấy tình hình có vẻ khác thường.

Bọn họ dự định lúc nhảy vào trong thì thế nào cũng sẽ nghe Đinh Bột quát hỏi:

- Là ai?

Nhnưg nào ngờ chẳng nghe âm thanh gì cả.

Tề Tấu Ngọc không dám im lặng nữa, buột miệng kêu lên:

- Gia gia, người xem là ai về đây?

Vẫn không có tiếng hồi đáp.

Tề Tấu Ngọc cả kinh kêu lên:

- Đinh đại thúc! Đinh đại thúc!

Sở Thiên Thư nói:

- Nếu có Đinh đại thúc ở trong thì lão đã sớm nghe thấy rồi. Chúng ta vào trong xem thử đi.

Tề Tấu Ngọc lẩm bẩm:

- Xưa nay gia gia không hạ sơn. Đinh đại thúc từ Dương Châu đã khởi hành trước chúng ta, cước trình của lão nhanh hơn chúng ta nhiều nên không thể đến muộn được. Vậy tại sao không có ai ở nhà?

Sở Thiên Thư trấn an:

- Đừng vội, thế nào thì Vương bà bà cũng có ở nhà.

Tề gia là “thiên hạ võ học đệ nhất gia”, Sở Thiên Thư cũng giống như Tề Tấu Ngọc, đều không nghĩ Tề Yến Nhiên cũng có khả năng gặp chuyện bất trắc.

Bọn họ đến phòng của Tề Yến Nhiên và Đinh Bột nhưng không thấy một ai. Tề Tấu Ngọc đầy bụng hoài nghi, nghĩ:

- “Đinh đại thúc có thể vì gặp chuyện giữa đường nên bị cản trở, nhưng gia gia lại vì chuyện gì mà phải hạ sơn?”.

Nàng ôm nỗi nghi ngờ và vội vàng chạy đến phòng Vương bà bà gọi lớn:

- Vương bà bà! Vương bà bà!

Vừa bước vào phòng Vương bà bà thì Tề Tấu Ngọc bất giác sững người, miệng lưỡi bỗng nhiên cứng đơ lại. Thì ra Vương bà bà đang nằm dài trên giường, sắc diện vàng như nghệ, song mục nhắm nghiền.

Nhất thời nàng cho rằng bà ta đã chết, nhưng vẫn buột miệng kêu:

- Vương bà bà, người làm sao thế? Xin bà hãy mở mắt ra nhìn tiểu nữ trở về này!

Bỗng nhiên Vương bà bà khẽ động, hai mắt từ từ mở ra.

Tề Tấu Ngọc vội kêu lên:

- Bà có nhận ra tiểu nữ không? Tiểu nữ là A Ngọc đây!

- Tiểu thư, là tiểu thư và Vệ thiếu gia trở về phải không?

Giọng nói tuy yếu ớt nhưng vẫn có thể nghe được. Và tuy nhận lầm người nhưng dẫu sao vẫn nhìn thấy là hai người.

Tề Tấu Ngọc nói:

- Vương bà bà, sao người lại bệnh nặng như thế này?

Vương bà bà nói:

- Tiểu thư có gặp mẫu thân không? Tạ.. ta rất nhớ...

Tề Tấu Ngọc nói:

- Bà bà cứ yên tâm, sớm muộn gì gia mẫu cũng về thăm bà bà thôi. Gia gia đâu rồi?

Vương bà bà nói:

- Đinh... Đinh đại thúc, hắn... hắn...

Tề Tấu Ngọc cảm thấy kỳ quái là tại sao bà ta không nói tung tích của gia gia mà lại nói chuyện Đinh đại thúc, nhưng nàng vẫn không ngăn cản.

Vương bà bà tiếp tục nói bằng giọng yếu ớt:

- Đinh đại thúc, hắn... hắn đã chết rồi.

Tề Tấu Ngọc kinh hãi không thôi, nàng ngẩn người hồi lâu rồi mới kêu lên:

- Tại sao lão ta chết?

Chỉ thấy Vương bà bà khẽ máy môi nhưng không nghe được gì nữa.

Sở Thiên Thư vội bước tới án thủ chưởng vào giữa lưng bà ta rồi vận lực đẩy vào.

Tề Tấu Ngọc áp sát tai vào miệng bà ta mới nghe được, nhưng bà ta không trả lời vấn đề nàng vừa hỏi, mà nói:

- Vệ thiếu gia, lão giạ.. lão gia bảo thiếu hiệp...

Bà ta vẫn lầm Sở Thiên Thư là Vệ Thiên Nguyên.

Tề Tấu Ngọc biết bà ta không thể nói nguyên nhân cái chết của Đinh Bột nên vội hỏi:

- Gia gia thế nào?

Vương bà bà chợt nói lớn hơn một chút:

- Lão gia không việc gì. Lão bảo Vệ thiếu hiệp đị.. đi Bạch Đà Sơn!

Tề Tấu Ngọc biết Sở Thiên Thư hiểu chút ít y thuật và nghe tổ phụ không việc gì nên thở phào một hơi rồi nói:

- Kỳ quái, tại sao Vương bà bà lại bệnh nặng như thế này? Đại ca, chàng xem bà ta bị bệnh gì vậy?

Chợt nghe Sở Thiên Thư kêu lên:

- Không xong rồi!

Tề Tấu Ngọc kinh ngạc, hỏi:

- Không xong cái gì?

Thiên Thư nói:

- Hình như bà ta trúng độc!

Tề Tấu Ngọc lay Vương bà bà và hỏi:

- Vương bà bà, bà bà nói mau, kẻ nào hạ độc?

Vương bà bà đã nhắm nghiền hai mắt và bất động rồi.

Đột nhiên có tiếng người nói:

- Là ta!

Tiếp theo chỉ nghe ầm một tiếng, hình như có vật gì phát nổ, nhất thời toàn gian phòng đầy khói mù.

Sở Thiên Thư ngửi thấy hương vị giống như mê hương mà trước đây Kim Hồ ám toán chàng ở Thiên Xích Trảng của Hoa Sơn. Trong đám khói mờ mịt nhưng vẫn thấy hai bóng người nhảy bổ vào phòng, tuy không nhận ra bộ dạng rõ ràng nhưng đó không phải là Kim Hồ.

Sở Thiên Thư lập tức vung song chưởng đánh ra vù vù.

Tề Tấu Ngọc cũng xuất kiếm đâm tới, nhưng đáng tiếc là trong khói mù nhìn chẳng rõ nên xuất chiêu không chuẩn xác.

Mũi kiếm của nàng vừa đâm sượt qua tay áo của đối phương thì đã bị chưởng phong quét qua một bên rồi.

Cước bộ của nàng loạng choạng suýt muốn ngã. Sở Thiên Thư tả chưởng hộ thân, hữu chưởng đỡ lấy nàng rồi xông thẳng ra ngoài phòng.

Hai người kia cũng đuổi theo như hình với bóng, ngoài sân viện lúc này cũng tràn ngập khói mù.

Thì ra hai hung thủ này đã sớm mai phục ở trong nhà. Bọn chúng cố ý không giết Vương bà bà là muốn dùng hơi thở tàn của bà ta để ám toán người của Tề gia từ bên ngoài trở về.

Hai kẻ này vừa phóng ra ngoài thì cười ha ha, nói:

- Sai thì đã sai rồi, tiểu tử này là nữ tế của Tề Cẩn Minh, thân phận cũng không kém gì Vệ Thiên Nguyên.

Sở Thiên Thư cắn chặt môi, chàng vừa bảo vệ Tề Tấu Ngọc vừa khổ đấu với đối phương.

Võ công của chàng vốn cao cường hơn hai gã kia nhưng lúc này vừa vận công kháng độc nên chỉ có chống đỡ chứ không thể công.

Cũng may là chàng đã qua một lần trúng độc nên năng lực kháng độc đã mạnh hơn trước, tuy chỉ chống đỡ nhưng nhất thời vẫn miễn cưỡng cầm cự được.

Tề Tấu Ngọc thì kém hơn chàng nhiều, nàng chỉ thấy bóng người lờ mờ trước mắt đang nhe nanh vung trảo chụp về phía mình nên chỉ có thể vung kiếm phòng thân thôi.

Trong khi kịch đấu thì hô hấp của Sở Thiên Thư càng tăng nhanh vì vậy mà chàng hít phải độc khí càng nhiều. Chẳng bao lâu thì chàng đã thấy đầu quáng mắt hoa rồi.

Ngay lúc đó, bỗng nhiên chàng nghe bên ngoài cổng hình như có tiếng người nói:

- Kỳ quái, không có ai mở cửa, bên trong hình như có tiếng binh khí giao nhau!

Dường như người này không dám tin vào tai mình nên thầm nghĩ:

- “Quái lạ, Tề gia là thiên hạ võ học đệ nhất gia, kẻ nào to gan dám đến đây sinh sự?”.

Nghĩ đoạn hắn kêu lên:

- Sư phụ, người có nghe thấy không?

Sư phụ của hắn nói:

- Ta nghe rồi. Tề lão tiền bối không muốn người ngoài giúp đỡ, chúng ta không được thất lễ. Đợi lão ta phát lạc...

Lão biết tính khí của Tề Yến Nhiên, nếu chưa được mời mà tự tiện xông vào thì e rằng Tề Yến Nhiên sẽ trách cứ.

Nhưng lão nói chưa hết câu thì chợt cảm thấy không đúng.

Bởi vì trong lúc sư đồ lão nói chuyện thì lão đoán bên trong đã quá mười chiêu rồi, nếu Tề Yến Nhiên thì đâu có lý nào lão để cho đối phương xuất đến mười chiêu?

Lão buột miệng kêu lên:

- Tề lão tiền bối! Tề lão tiền bối!

Đồ đệ của lão cũng kêu lên:

- Có ai ở bên trong không? Có ai ở bên trong không?

Sở Thiên Thư tuy bị trúng độc nhưng thần trí còn minh mẫn, chàng lắng tai nghe thì nhận ra giọng người này.

Chàng tự hỏi:

- “Kỳ quái, chẳng phải là Bào Lịnh Huy sao? Tại sao hắn lại đến nơi này?

Nguyên Bào Lịnh Huy là nhi tử của Bào Sùng Nghĩa, một võ sư nổi danh ở Lạc Dương.

Bào gia và Sở gia vốn là chỗ thâm giao, khi Sở Thiên Thư đi Lạc Dương tham dự hôn yến của Từ Trung Nhạc thì chàng trú lại ở Bào gia.

Hiện tại chàng chẳng cần suy nghĩ kỹ mà vội kêu lên:

- Bào huynh, là đệ đây!

Chàng vừa mở miệng kêu lên thì dộc khí công tâm, thân hình lảo đảo muốn ngã xuống đất.

Cũng may, ngay lúc đó thì Bào Lịnh Huy đã xông vào rồi. Cùng đi với Bào Lịnh Huy còn có một cao thủ hàng đệ nhất trong đương kim võ lâm, đó là Ngọc Hư Tử - một trong Võ Đang ngũ lão. Lão là sư phụ mới bái kiến của Bào Lịnh Huy.

Hiện tại khói mù ngoài sân viện đã bị gió thổi đi tứ tán nhưng độc khí tàn dư vẫn khiến Bào Lịnh Huy cảm thấy đầu quáng mắt hoa.

Hắn xông đến bên cạnh Sở Thiên Thư thì lập tức xuất chưởng quét ra trước. Hai gã kia thấy võ công của Bào Lịnh Huy không cao cường bằng Sở Thiên Thư nên cười nhạt, nói:

- Hảo tiểu tử, ngươi cũng đến tìm cái chết đấy chăng?

Giữa lúc hai gã định xuất chưởng vung quyền thì Ngọc Hư Tử đã quét phất trần đánh gãy xương tay một gã. Gã kia nhanh trí hơn đồng bọn, vừa thấy có người tiến vào thì lập tức chụp Tề Tấu Ngọc rồi kéo nàng chạy ra ngoài.

Tề Tấu Ngọc mất sự bảo vệ của Sở Thiên Thư và bản thân cũng đã mất năng lực kháng cự nên để mặc cho đối phương mang đi.

- Ngươi không muốn sinh mạng của tiểu cô nương này thì cứ đuổi theo!

Gã cho rằng đã có bùa hộ thân thì dù võ công của Ngọc Hư Tử có cao cường đến đâu cũng không làm gì được vì vậy gã nhấc Tề Tấu Ngọc lên làm lá chắn rồi cướp đường xông ra.

Nào ngờ Ngọc Hư Tử không những đuổi theo mà còn xuất chưởng đánh thẳng vào người Tề Tấu Ngọc. Lão thi triển công phu “cách vật truyền công” nên Tề Tấu Ngọc vô hại, còn ngựa gã kia thì giống như bị thiết chùy đánh vào, nhất thời gã buông hai tay ra. Tề Tấu Ngọc tự động rơi xuống đất.

Cứu người là quan trọng nên Ngọc Hư Tử không truy kích mà đành để cho chúng đi.

Tề Tấu Ngọc vẫn còn chút khí lực, trở người dưới đất rồi kêu lên:

- Thư ca, chàng sao rồi?

Sở Thiên Thư cố gắng nói:

- Ta không sao.

Tề Tấu Ngọc nói:

- Ôi, giọng của chàng có vẻ khác thường rồi. Ngọc Hư đạo trưởng, nhất định lão phải cứu lấy chàng nhé!

Ngọc Hư Tử xuất phách không chưởng quét sạch tàn dư độc khí rồi nói:

- Ngươi yên tâm, ta sẽ cứu hắn.

Tề Tấu Ngọc nghe đến đây thì nằm yên bất động, Sở Thiên Thư cũng cảm thấy thiên địa xoay chuyển, nhất thời bất tỉnh nhân sự. Ngọc Hư Tử tuy võ công cao cường nhưng không mấy am tường về giải độc nên bất giác phải cau mày.

Bào Lịnh Huy vội nói:

- Hai yêu nhân kia có lẽ chạy chưa xa, chúng ta mau đuổi theo buộc bọn chúng giao thuốc giải.

Ngọc Hư Tử lắc đầu nói:

- Không được, hai tiểu tử này trúng độc rất nặng, ta sợ rằng lấy được thuốc giải trở lại thì chẳng còn tác dụng gì.

Nói đoạn lão xốc Sở Thiên Thư đặt nằm cạnh Tề Tấu Ngọc, cả hai đều nằm sấp, hướng lưng lên trời.

Kế đó, Ngọc Hư Tử dùng tả chưởng án vào giữa lưng Tấu Ngọc, hữu chưởng án vào lưng Thiên Thư rồi vận chân khí đẩy vào, giúp cho bọn họ kết tập chân khí, như thế có thể gia tăng năng lực kháng độc.

Nhưng biện pháp này chỉ là tạm thời chứ không thể kéo dài.

Đang lúc vô kế khả thì thi Ngọc Hư Tử chợt nghe có giọng nữ nhân từ xa truyền đến:

- Các ngươi là ai, đứng lại cho ta xem!

Giọng nói chợt vút cao thành tiếng thét:

- Yêu nhân to gan, há có lý này sao?

Ngọc Hư Tử nghe giọng của nữ nhân này thì lộ vẻ vui mừng, lão vội thi triển công phu truyền âm nhập mật, nói:

- Dao Quang đạo hữu, xin chừa lại một gã!

Thì ra người vừa đến là Dao Quang Tán Nhân - nữ trưởng lão duy nhất của phái Hoa Sơn. Ngọc Hư Tử bbiết bà ta xuất thủ lạnh lùng nên vội lên tiếng nhắc nhở. Nhưng đáng tiếc là đã quá muộn.

Chỉ nghe một tiếng kêu thảm thiết vang lên, tiếp đó là một giọng nói:

- Ta chết rồi thì các ngươi cũng không lấy được thuốc giải đâu!

Lại nghe một giọng thiếu nữ kêu lên:

- Ôi, sư phụ, không xong rồi!

Thiếu nữ này là đồ đệ Thanh Loan của Dao Quang Tán Nhân.

Dao Quang Tán Nhân nói:

- Nói bậy, sư phụ có gì không xong?

Thanh Loan nói:

- Đệ tử nói là thuốc giải, yêu nhân kia đã quăng bình thuốc giải rồi, bên trong nhất định là Ngọc Hư đạo trưởng đang cần thuốc giải.

Dao Quang Tán Nhân vừa đi vừa nói:

- Hai gã yêu nhân này to gan dám vô lễ với đồ nhi của ta nên ta đã giết chúng rồi. Vì sao ngươi muốn chừa lại một gã, là muốn bức cung hay muốn thuốc giải?

Nguyên Dao Quang Tán Nhân phát hiện hai gã này trong Tề gia chạy ra thì cảm thấy kỳ quái.

Đang lúc định chặn lại hỏi thì hai gã kia nhận ra bà ta là hảo bằng hữu của Ngọc Hư Tử, đang lúc khẩn trương bọn chúng muốn thi triển trò cũ là bắt cóc Thanh Loan làm tin, vì vậy Dao Quang Tán Nhân mới phát đại nộ, xuất thủ bất lưu tình.

Thuốc giải có trên người một gã nhưng trước khi chết gã này lấy thuốc giải quăng ra, bên dưới là ao bùn nên đương nhiên không thể tìm.

Ngọc Hư Tử tỏ vẻ thất vọng, thở dài rồi nói:

- Ta vốn cần cả hai.

Dao Quang Tán Nhân không nghe giọng của Tề Yến Nhiên và Đinh Bột thì ngạc nhiên nói:

- Tề gia xảy ra chuyện gì chăng? Ai cần thuốc giải?

Ngọc Hư Tử nói:

- Nhi tử của Sở đại hiệp và tôn nữ của Tề lão tiền bối.

Lão chợt nhớ ra điều gì nên nói tiếp:

- Đúng rồi, hình như Quỳnh Hoa Đan Lộ Ngọc của đạo cô cũng có thể giải bách độc, phải không?

Dao Quang Tán Nhân lạnh lùng “hừ” một tiếng rồi nói:

- Một kẻ là tiểu súc sinh vong ân bội nghĩa, một kẻ là tiện nhân lẳng lơ, dù có thuốc giải ta cũng không cho bọn chúng.

Thanh Loan nghe nói Sở Thiên Thư trúng độc thì đã vội vàng vượt tường vào Tề gia.

Dao Quang Tán Nhân cũng vào theo và nói:

- Ngươi đã cứu hắn một lần, hắn đối với ngươi thế nào chứ? Loại hán tử bạc tình như thế mà ngươi còn muốn cứu hắn sao?

Thanh Loan nói:

- Sư phụ, cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng phù đồ. Đồ nhi cứu Sở công tử nhưng không nghĩ đến điều gì khác. Lần thứ nhất cứu chàng ở Thiên Xích Trảng là như vậy và hiện tại cũng như vậy thôi.

Dao Quang Tán Nhân nói:

- Tâm ý của ngươi làm sao giấu được ta. Hừ, dù ngươi không nói ra thì thắn cũng nên biết tri ân báo đức chứ.

Thanh Loan rưng rưng ngấn lệ, kêu lên:

- Sư phụ, ngườị..

Dao Quang Tán Nhân lạnh lùng nói:

- Được, ngươi không sợ ngày sau càng phải chịu thương tâm thì tùy ý ngươi vậy.

Nói đoạn bà ta quay mặt sang một bên nhìn Bào Lịnh Huy.

Ngọc Hư Tử liền giới thiệu:

- Đây là đồ đệ mới thâu của bần đạo, tên gọi là Bào Lịnh Huy, phụ thân của hắn là Bào Sùng Nghĩa ở Lạc Dương.

Bào Lịnh Huy bước tới hành lễ tham kiến.

Dao Quang Tán Nhân thản nhiên nói:

- Khá lắm, khá lắm. Bào lão đầu là người thực thà, nhi tử của lão ta chắc cũng không tệ.

Ngọc Hư Tử nói:

- Bần đạo đến đây là để bái phỏng Tề lão tiền bối. Dám hỏi đạo cô hà cớ gì đến đây?

Là qua đường hay là...

Dao Quang Tán Nhân nói:

- Ta không với tới Tề Yến Nhiên, ta đến để tìm bộc nhân Đinh Bột của lão thôi.

Ngọc Hư Tử nói:

- Sợ rằng trên giang hồ có nhiều người biết Đinh Bột hơn Tề Yến Nhiên đấy. Đạo cô tìm lão ta về chuyện gì?

Dao Quang Tán Nhân nói:

- Thanh Loan hoàn tục nên muốn biết ở cố hương còn có người thân nào không?

Nguyên mẫu thân của Thanh Loan là tỷ muội kết nghĩa kim lan với Dao Quang Tán Nhân, còn phụ thân của nàng là đồng hương với Đinh Bột.

Hai mươi năm trước, phụ mẫu của Thanh Loan song sinh. Đinh Bột nhận ký thác của phụ thân nàng là đưa nàng lên Hoa Sơn cho Dao Quang Tán Nhân dưỡng dục.

Ngọc Hư Tử thở dài rồi nói:

- Đáng tiếc là Đinh Bột đã chết rồi.

Dao Quang kinh ngạc hỏi:

- Tại sao chết?

- Bị yêu nhân ở Bạch Đà Sơn hại chết.

- Tề Yến Nhiên đâu?

- Đi Bạch Đà Sơn báo thù cho Đinh Bột rồi.

- Đạo trưởng có tận mắt nhìn thấy không?

- Bần đạo chỉ vừa mới đến.

- Vậy làm sao lại biết rõ như thế?

- Tề Yến Nhiên lưu lại cho Vệ Thiên Nguyên một phong thư, bên ngoài không đề tên nên bần đạo mở ra xem.

Lúc này Thanh Loan đã cho Sở Thiên Thư uống một viên Quỳnh Hoa Đan Lộ Ngọc và giúp chàng vận chân khí qua kinh mạch.

Hồi lâu sau Sở Thiên Thư nửa mê nửa tỉnh, mắt nhắm miệng nói:

- Ngọc muội, Ngọc muội, nếu phải chết thì chúng ta cùng chết!

Dao Quang lạnh lùng nói:

- Ngươi nghe thấy không, cả lúc mê mà hắn vẫn không quên Ngọc muội của hắn.

Thanh Loan không nói gì, nàng để Thiên Thư nằm ngay ngắn rồi quay sang cứu trị cho Tề Tấu Ngọc. Có thể vì Tề Tấu Ngọc trúng độc nặng hơn và được cứu trị chậm hơn một chút nên tay chân nàng đã lạnh như băng. Thanh Loan phải cạy miệng mới có thể cho nàng uống dược hoàn.

Dao Quang thở dài, nói:

- Thanh Loan, sao ngươi lại khổ thế?

Ngọc Hư Tử nói:

- Nếu bần đạo có một đồ đệ như đạo cô thì cũng cảm thấy kêu ngạo được rồi đấy.

Dao Quang nói:

- Không sai, tâm địa của ả nha đầu này tốt hơn ta gấp trăm lần, còn ta thì không thể tha thứ cho lỗi lầm của người khác, đạo trưởng không biết sao?

Ngọc Hư Tử thầm nghĩ:

- “Ta biết là trước mặt ta ngươi cố ý làm vậy thôi, kỳ thực ngươi là người mặt lạnh lòng ấm.”.

Chợt nghe Thanh Loan kêu lên:

- Sư phụ, xin người phát chút từ bi.

Dao Quang hỏi lại:

- Ngươi muốn ta làm gì?

Thanh Loan nói:

- Tính mạng của Sở công tử thì hình như không cần phải lo, nhưng Tề cô nương nàỵ.. cô tạ.. cô tạ.. Xin sư phụ lại xem thử.

Dao Quang Tán Nhân nói:

- Ta không cần xem cũng biết, công lực của cô ta kém hơn Sở Thiên Thư nhiều mà Quỳnh Hoa Đan Lộ Ngọc không phải là giải dược đối chứng nên tối đa thì chỉ có thể bảo vệ sinh mạng trong ba ngày thôi.

Thanh Loan nói:

- Sư phụ không thể cứu cô ta sao? Đệ tử biết sư phụ có phép giải độc bằng kim châm thích huyệt mà?

Dao Quang nói:

- Trúng độc nặng như cô ta thì mỗi ngày phải châm cứu ba lần, tối thiểu cũng ba lần bảy hai mốt ngày, rồi còn phải chăm sóc cô ta cẩn thận... Nhưng ta không phải là người thân của cô tạ..

Thanh Loan bật khóc thành tiếng, nàng vừa khóc vừa nói:

- Sư phụ, ngườị.. người hãy nể tình đệ tử mà cứu cô ta đi.

Dao Quang thản nhiên nói:

- Ngươi vội vàng gì thế, cô ta vẫn còn sống trong ba ngày mà. Việc gì phải hối thúc ta châm cứu cho cô ta ngay bây giờ?

Thanh Loan lại reo lên:

- A, sư phụ hứa với đồ nhi rồi đấy nhé. Sư phụ thật là...

Nàng chưa kịp nói hai chữ “người tốt” thì Dao Quang đã cướp lời, nói:

- Ta không như ngươi nói đâu!

Ngọc Hư Tử chợt đứng lên và nói:

- Dao Quang đạo hữu, bần đạo muốn nói với đạo cô mấy câu, chúng ta đi ra ngoài được chăng?

Dao Quang nói:

- Có việc gì không nói tại đây được sao?

Ngọc Hư Tử nói:

- Nơi này có hai bệnh nhân, vả lại thầy thuốc và bệnh nhân cũng cần yên tĩnh đúng không?

Dao Quang nói:

- Đạo trưởng không định tranh cãi với ta đấy chứ?

Ngọc Hư Tử mỉm cười, nói:

- Điều đó cũng không chừng, nếu đạo cô sợ cãi không lại bần đạo thì nên nghe theo bần đạo thôi.

Dao Quang nói:

- Đánh nhau ta cũng không sợ nữa là!

Ngọc Hư Tử nói:

- Tốt, không sợ thì đi thôi!

Hai người đi về phía rừng tùng ở hậu thất, Dao Quang nói:

- Nơi này không có ai nghe rồi, cãi nhau hay đánh nhau là tùy đạo trưởng.

Ngọc Hư Tử nói:

- Bần đạo không muốn cả hai!

Dao Quang hừ một tiếng rồi nói:

- Thế đạo trưởng muốn gì?

- Bần đạo muốn hỏi đạo cô một chuyện.

- Chuyện gì?

- Nghe nói gần đây đạo cô có đi Dương Châu một chuyến, vậy xin hỏi có du ngoạn nhị thập tứ kiều không?

Dao Quang không ngờ “chuyện” mà Ngọc Hư Tử muốn hỏi là như vậy, bà nói:

- Ta làm gì có thời gian để du sơn ngoạn thủy?

Ngọc Hư Tử mỉm cười, nói:

- Không có thời gian hay là không có tâm tình?

Dao Quang trầm mặc không trả lời.

Ngọc Hư Tử thở dài khẽ ngâm:

- “Nhị thập kiều nãi tại, lãng tâm mang, lãnh nguyệt vô thanh. Niệm kiều biên thanh liễu, niên niên trị vị thùy sinh? (Nhị thập tứ kiều vẫn còn đó, sóng lòng mênh mang, trăng lạnh không lời. Nhớ làng liễu xanh bên cầu mà năm tháng luôn tự hỏi sống vì ai đây?”.

Sắc diện của Dao Quang Tán Nhân chợt ửng hồng, tuy nhiên song mục vẫn lạnh lùng hàm chứa vẻ oán hận.

Ngọc Hư Tử nói tiếp:

- Còn nhớ chăng lần đầu tiên chúng ta hò hẹn tại nhị thập tứ kiều ở Dương Châu. Khi đó đạo cô vì ta mà ngâm khúc từ của Khương Bạch Thạch, còn ta thì thổi sáo phụ họa.

Dao Quang Tán Nhân nói:

- Những chuyện xa xưa, ta đã sớm quên rồi.

Ngọc Hư Tử nói:

- Lần hẹn cuối cùng cũng là nhị thập tứ kiều. Lần đầu tiên, có thể đạo cô quên, nhưng lần cuối cùng thì không thể nào quên được!

Dao Quang kêu lên:

- Đừng nói nữa. Nếu ngươi muốn đánh nhau thì cứ nói ra cho sướng miệng đi!

Ngọc Hư Tử mỉm cười, nói:

- Quả nhiên là đạo cô không quên. Đúng vậy, lần hẹn cuối cùng đó chúng ta vì cãi nhau mà chia tay. Nhưng muốn chia tay với ta là đạo cô, còn ta vẫn chưa nghĩ...

- Bây giờ ngươi nói những điều đó thì đã quá muộn rồi, ta không cần nghe!

- Đương thời, ta cũng đã từng nóị..

- Đương thời, ta không cần nghe thì bây giờ cũng không cần nghe!

- Đạo cô không muốn nhắc lại chuyện xưa thì nghe ta nói một cố sự được chăng?

- Ta không hứng thú nghe những chuyện không quan hệ đến ta hiện tại.

- Được rồi, nghe hay không là tùy đạo cô. Ta nói cho chính ta nghe vậy.

Nói đoạn lão bắt đầu kể cố sự, Dao Quang Tán Nhân quay mặt sang một bên nhưng vẫn không bỏ đi.

- Trước kia có một nam tử, chàng xuất thân từ danh môn chính phái, văn võ kiêm toàn nên được người thân khen ngợi và còn gọi chàng là mỹ nam tử. Vì thế, chàng không tránh được bệnh kiêu ngạo, xem thường thế sự.

Dao Quang tuy miệng nói là “không cần nghe” nhưng khi Ngọc Hư Tử nói đến đây thì buột miệng cười nhạt.

Ngọc Hư Tử nói tiếp:

- Không sai, chàng đã phạm vào bệnh thông thường của đệ tử thế gia, tự cho rằng mình văn hay võ nghệ cao cường nên không tránh khỏi việc tự mệnh tự thường là phong lưu.

Chàng xem thường thế tục, nên có lúc cũng theo bằng hữu trải qua trường phong nguyệt, nhưng đó chỉ là ngẫu hứng nhất thời mà thôi, chứ không phải là ý đồ vùi hoa dập liễu.

Dao Quang chợt nói:

- Xem ra ngươi biện giải cho chàng mỹ nam tử tự mệnh là phong lưu kia quá nhiều đấy.

Ngọc Hư Tử nói tiếp:

- Sao đó chàng nam tử kia hành hiệp trượng nghĩa trên giang hồ và quen biết một nữ tử, lúc này chàng mới hối hận vì biết mình quá sai lầm.

Dao Quang cười nhạt:

- Người kiêu ngạo như thế mà cũng tự biết sai lầm chăng?

Ngọc Hư Tử nói tiếp:

- Núi cao thì có núi cao hơn, chính vì chàng ngông cuồng tự tôn tự đại nên một khi phát hiện bản thân chàng vẫn chỉ là ếch ngồi đáy giếng thì chàng mới biết sai lầm. Nhưng trong mắt chàng vẫn coi thường thế tục, chàng chỉ biết mọi nữ tử trong thiên hạ đều như vậy và cho rằng không nữ tử nào có thể sánh với chàng. Đợi đến lúc chàng quen biết nữ tử kia thì, than ôị..

Dao Quang hỏi:

- Thế nào?

Ngọc Hư Tử nói:

- Nữ tử đó tài mạo hơn cả chàng, võ công cũng hơn chàng. Ôi, không phải là chàng xem thường người ta nữa mà bắt đầu sợ người ta xem thường nàng.

Dạo Quang nói:

- Ngươi cũng khá biết tâng bốc người khác đấy. Ha ha, ta hỏi ngươi một câu nhé:

nữ tử kia đã như vậy, thế tại sao sau đó bọn họ lại trở mặt với nhau?

Ngọc Hư Tử nói:

- Vì nữ tử kia kiêu ngạo hơn chàng, nàng không thể bỏ qua quá khứ của chàng.

- Chỉ đơn giản là không thể bỏ qua quá khứ thôi sao?

- Thêm vào đó là một chút hiểm lầm nho nhỏ nừa.

- Một chút hiểu lầm nho nhỏ? Ngươi thử hỏi xem, đó là sự hiểu lầm gì?

- Phụ mẫu của chàng có đính ước hôn sự cho chàng với một người khác, nhưng quả thực là chàng không hay biết gì. Bởi lẽ, khi song thân đính hôn cho chàng thì chàng đang phiêu bạt trên giang hồ.

- Ta cũng từng nghe cố sự của người nhưng không giống như ngươi nói. Vị hôn thê của chàng vốn là người thân trong biểu tộc và thanh mai trúc mã, từ nhỏ đã được người nhà xem như một đôi tiểu phu thê. Nhưng chàng không hề nói cho nữ tử kia biết về chuyện giữa chàng và biểu muội của chàng.

- Hiểu lầm là ở chỗ đó, chàng không phải là người câu nệ, dù chuyện chàng và biểu muội của chàng cùng lớn lên bị người khác trêu đùa, nhưng chàng tự vấn lòng mình là không có ý gì khác. Mỗi lúc hồi gia, chàng vẫn đưa biểu muội đi du ngoạn một cách vô tư. Chàng cũng không cho rằng sự việc lại nghiêm trọng như thế cho nên không nghĩ đến chuyện là phải nói trước với nữ tử mà chàng ngưỡng mộ.

Dao Quang hỏi lại:

- Ngươi nói “phải nói trước” là ý gì vậy?

Ngọc Hư Tử nói:

- Chàng ngưỡng mộ nữ tử đó, nhưng không biết nữ tử đó có đồng ý tiếp nhận tình yêu của chàng hay không. Vì vậy, chàng định tiến một bước trong giao tình rồi mới nói lời cầu hôn với nữ tử đó. Sau khi nữ tử đó đã đồng ý hôn sự với chàng thì đương nhiên có điều gì mà chàng không nói cho cô ta biết. Không ngờ nữ tử kia lại biết trước chuyện người nhà lo chuyện đính hôn cho chàng. Vì vậy, chàng giải thích thế nào thì nữ tử kia cũng không chịu tha thứ.

Dao Quang hỏi tiếp:

- au khi bọn họ cãi nhau tối thứ hai chàng làm gì?

Ngọc Hư Tử thản nhiên nói:

- Cùng một vị bằng hữu uống tửu hoa tại Liên Hoa Các. Liên Hoa Các là một kỹ viện nổi tiếng nhất ở Dương Châu.

Dao Quang Tán Nhân luôn miệng cười nhạt và không nói gì.

Ngọc Hư Tử nói tiếp:

- Chàng không được người mình yêu tha thứ nên lòng vô cùng sầu muộn, trong lúc chẳng biết làm thế nào mới cùng bằng hữu đi uống hoa tửu, chẳng qua là mượn rượu tiêu sầu mà thôi.

Dao Quang cười nhạt, nói:

- Nói vậy có nghĩa là nữ tử kia quá sai lầm chăng?

Ngọc Hư Tử nói:

- Không phải là quá sai lầm, chỉ vì cách nhìn của mỗi bên đối với sự việc khác nhau mà thôi. Chàng đến trường phong nguyệt để uống rượu tiêu sầu, đích thực là quá phóng túng, nhưng nếu đạo cô biết đương thời chàng đau khổ như thế nào, thì ta tin rằng đạo cô không đến nỗi cho đó là một lỗi lầm không thể tha thứ.

Dao Quang lại cười nhạt, nói:

- Ta không những tha thứ cho chàng mà còn phải giúp chàng mắng nữ nhân kia quá cố chấp, không hiểu việc danh sĩ phong lưu thưởng thức tửu hoa, phải không?

Ngọc Hư Tử nói:

- Nếu chàng biết nữ tử kia vẫn còn ở lại Dương Châu thì nhất định tối hôm đó chàng đã không đến Liên Hoa Các. Nhưng chàng tuy ở trong kỹ viện, trong mắt có kỹ nữ, song trong lòng không có tà niệm.

- Thế à, trong lòng không có tà niệm? Ta nghe nói tối hôm đó chàng tranh giành với người khác một danh kỹ ở Dương Châu đấy.

- Đánh nhau là có thực nhưng tranh giành là giả. Liên Hoa Các có một Thanh Thủy quán nhân mãi nghệ bất mãi thân, cô ta bồi tiếp bằng hữu của chàng uống rượu thì có một tên cường hào muốn cướp cô ta. Chàng đang chứa đầy bụng uất khí, muốn tìm nơi phát tác nên trút giận lên đầu tên cường hào đó. Về sau chàng mới biết, chính vì nghe chuyện này mà nữ tử kia tức giận bỏ đi. Ôi, những người thích xen vào chuyện người khác, đương nhiên là thích thêm mắm dăm muốị..

- Nữ tử kia không phải vì một kỳ nữ mà bỏ đi đâu!

- Thế tại sao cô ta không chịu tha thứ cho chàng?

- Ngày thứ ba chàng đến nơi nào?

- Sáng ngày thứ ba chàng hồi gia.

Nói đến đây thì Ngọc Hư Tử liếc nhìn sắc diện Dao Quang rồi nói tiếp:

- Đạo cô rõ rồi đấy, nữ tử kia nhất định là hiểu lầm nguyên nhân hồi gia của chàng, cho rằng sở dĩ chàng trở mặt với cô ta là muốn trở về với vị hôn thê.

Dao Quang nói:

- Lẽ nào không phải như thế?

Ngọc Hư Tử nói:

- Nếu chàng muốn hồi gia thành thân thì sau đó không đến nỗi phải xuất gia làm đạo sĩ.

Dao Quang nói:

- Đó là vì vị hôn thê của chàng cũng không muốn tha thứ cho chàng.

Ngọc Hư Tử không kiềm chế được xúc động, nói:

- Chúng ta không cần phải nói vòng vo nữa, ta sẽ cho đạo cô thấy trên giấy trắng mực đen.

Nói đoạn lão rưng rưng ngấn lệ và lấy ra một phong thư vàng ố đưa cho Dao Quang Tán Nhân.

Dao Quang ấp úng nói:

- Đâỵ.. đây là...

Ngọc Hư Tử nói:

- Đây là phong thư ta để lại cho gia phụ.

Dao Quang mở ra xem thì thấy mấy hàng chữ nguệch ngoạc:

“Hôn nhân là chuyện đại sự, đã có mệnh phụ mẫu mà kháng mệnh kháng hôn là bất hiếu. Vì thế mà hài nhi dứt bỏ hồng trần để tiên viễn nơi không môn thôi!”.

Ngọc Hư Tử nói:

- Đạo cô đã rõ rồi đấy, ta hồi gia là để bàn chuyện từ hôn, nhưng gia phụ không đồng ý, người còn đem quan hệ phụ tử ra uy hiếp, buộc ta phải tòng mệnh phụ mẫu. Ta không muốn khuất phục nên đành đến Võ Đang làm đạo sĩ.

Dao Quang nói:

- Ngươi nói phong thư này viết cho lệnh tôn, thế tại sao ngươi vẫn còn giữ?

Ngọc Hư Tử nói:

- Đó là chuyện hai năm sau, ta cho rằng qua một thời gian dài thì gia phụ sẽ nguôi giận nên tìm về. Nào ngờ vừa đến gia môn thì người lệnh cho gia nhân ngăn lại và trả phong thư này cho ta.

Dao Quang trầm mặc một hồi rồi nói:

- Tất cả là vì ta, vì ta liên lụy đến phụ tử các ngươị..

- Ta không trách đạo cô. Không được phụ thân tha thứ, đương nhiên là khó chịu, nhưng nếu không được đạo cô tha thứ thì càng khó chịu hơn.

- Hiện giờ biểu muội của ngươi ở đâu?

- Sau khi gia phụ khứ thế và cô ta cũng biết ta không thể thay đổi chủ ý nên đã lập gia thất với người khác. Hiện nay cô ta đã là mẫu thân của ba hài tử.

- Ta còn một chuyện chưa rõ...

- Xin cứ nói.

Dao Quang ngập ngừng một lát rồi mới nói:

- Ta chờ ngươi năm năm rồi mới lên Hoa Sơn xuất gia. Ngươi không biết đấy thôi, tối hôm bên nhị thập tứ kiều, tuy ta quyết liệt với ngươi nhưng trong lòng... trong lòng...

Sắc diện của bà ta càng lúc càng đỏ, bất giác hiện xuất vẻ e thẹn của một thiếu nữ.

Ngọc Hư Tử tiếp lời:

- Trong lòng vẫn mong ta xin tha thứ phải không?

Dao Quang nói:

- Ta không dám mong điều đó, nhưng đợi năm năm mà không thấy ngươi thì lmà sao ta không lòng lạnh tro tàn? Không sai, ta biết ngươi đã làm đạo sĩ trước ta, nhưng đệ tử đạo gia của phái Võ Đang khác với đạo sĩ xuất gia của các đạo quán khác là không phải tuân thủ nhiều thanh quy giới luật. Ngươi không cần hoàn tục nhưng vẫn có thể đến thăm ta mà. Nào ngờ, đợi đến hai mươi năm sau, chưởng môn của bọn ta chết, ngươi đến điếu tang thì chúng ta mới gặp lại. Ôi, ngươi cũng quá kiêu ngạo đấy!

Ngọc Hư Tử thở dài, nói:

- Đáng tiếc là ta không hiểu tâm sự của đạo cô. Ôi, sợ rằng chúng ta đều hiểu lầm sự kiêu ngạo của đối phương. Nhưng không phải ta không muốn xin nàng tha tội, sở dĩ về sau trù trừ không đi cũng chẳng phải vì kiêu ngạo.

- Thế tại vì sao?

- Bắt đầu là vì gia phụ, ta vẫn hy vọng được người tha thứ để cùng đạo cô danh chính ngôn thuận thành hôn. Về sau ta đã tuyệt vọng việc này nhưng muốn đợi thêm một thời gian cho mọi việc lắng dịu rồi mới nói.

- Ngươi chờ thêm một thời gian đến năm năm sao?

- Không phải vậy, sau ba năm mãn tang gia phụ, ta định tìm đạo cô xin tha lỗi nhưng không ngờ năm đó lại xảy ra chuyện tỷ kiếm giữa Võ Đang ngũ tử chúng ta và Tề Cẩn Minh.

- Thế à, hai chuyện này thì có quan hệ gì với nhau?

- Đạo cô muốn biết duyên cớ bên trong không?

Dao Quang khẽ gật đầu, hỏi:

- Ngươi có điều gì ẩn chứa khó nói chăng?

Ngọc Hư Tử nói:

- Không phải là khó nói mà là khó xem.

Lão ngừng lại một chút rồi mới nói tiếp:

- Sau khi tỷ kiếm với Tề Cẩn Minh thì ta tránh không muốn để cho đạo cô thấy mặt. Dù đến bây giờ tuy chúng ta đã gặp mặt rồi nhưng...

Dao Quang nói:

- Không sai, dù hiện tại tuy chúng ta đã gặp mặt rồi nhưng cũng không thể nói là đã kiến diện.

Lâu nay Ngọc Hư Tử luôn đeo một chiếc mặt nạ da người tuy rất mỏng nhưng vẫn che kín diện mạo thật của lão.

Dao Quang nói tiếp:

- Tại sao ngươi không để cho ta thấy diện mạo thật của ngươi? Xin hãy tin ta, dù ngươi trở thành thế nào thì trong mắt ta ngươi vẫn là ngươi trước đây!

Ngọc Hư Tử suy nghĩ một lát rồi nói:

- Được, đạo cô muốn biết duyên cớ thì hãy xem đi!

Nói đoạn lão vung tay lột chiếc mặt nạ ra. Hai mươi năm trước, Ngọc Hư Tử có danh là mỹ nam tử, nhưng hiện tại dung mạo của lão đầy vết ngang lằn dọc với mười mấy vết sẹo.

Ngọc Hư Tử tỷ kiếm với Tề Cẩn Minh lần đó bị thọ thương, nhưng Dao Quang Tán Nhân không ngờ thương thế lại nặng đến mức độ này.

Nhất thời bà ta cũng bất giác ngẩn người.

Ngọc Hư Tử lạnh lùng nói:

- Phải chăng là rất đáng sợ?

Dao Quang Tán Nhân không tự chủ được nữa, bà ngã vào vòng tay Ngọc Hư Tử và kêu lên:

- Phan lang!

Ngọc Hư Tử gượng cười, nói:

- Nàng không ngờ Phan lang của nàng lại biến thành một xú quái nhân thế này phải không?

Dao Quang vô cùng cảm động, nói:

- Không, không, chàng vẫn là Phan lang của thiếp! Chàng vẫn đẹp như xưa và thiếp rất thích.

Ngọc Hư Tử nói:

- Nàng chớ an ủi ta, xấu là xấu, đẹp là đẹp, xấu thì không thể gọi là đẹp. Phan lang trước đây của nàng đã “nhất khứ bất phục hoàn”. Ta biến thành xú quái nhân thế này mà nàng còn thích điều gì?

Dao Quang nói:

- Dung mạo đẹp làm sao sánh với tấm lòng đẹp? Bây giờ thiếp mới rõ, lúc đầu không phải là chàng muốn bỏ rơi thiếp, vậy thì tại sao thiếp không tha thứ?

Lần này đến lượt Ngọc Hư Tử ngẩn người.

Hồi lâu sau lão mới hỏi lại:

- Nàng nghĩ thế thật sao?

Dao Quang nói:

- Cũng may chàng là người học đạo, lẽ nào chàng không hiểu thể xác chỉ là một chiếc túi da chứa xú uế?

Ngọc Hư Tử vui mừng, nói:

- Nói vậy, bây giờ ta xin nàng tha lỗi cũng không muộn?

Dao Quang đỏ mặt, khẽ gỡ tay Ngọc Hư Tử ra và nói:

- Không cần phải xin tha lỗi, thiếp đã tha thứ cho chàng rồi. Chúng ta có thể làm bằng hữu như trước rồi đấy.

Ngọc Hư Tử hỏi lại:

- Chỉ là bằng hữu thôi sao?

Dao Quang nói:

- Thiếp và chàng đều đã trải qua cuộc bể dâu nhưng cũng cầu mong hai lòng như một nên hà tất phải xem trọng hình thức hôn nhân. Vả lại những khúc mắc trong lòng chúng ta đã được giải khai, nên có thể nói là đã đạt đến một cảnh giới cao hơn trước. Thiếp nghĩ, không phải chàng không hiểu đạo lý này mà là không muốn tiếp thu thôi.

Ngọc Hư Tử mặc nhiên không nói, lão thầm nghĩ:

- “Thực ra nàng và ta đều giống nhau, đều chưa thể vong tình. Nhưng cảnh giới cao hơn tình cảm mà nàng nói cũng không hẳn là không có lý.”.

Dao Quang nói tiếp:

- Chuyện quá khứ không cần truy hối, nhưng đã là quá khứ thì e rằng cũng chỉ có thể cho nó thành quá khứ htôi. Hiện tại chàng là trưởng lão của Võ Đang, thiếp cũng là trưởng lão của phái Hoa Sơn.

Ngọc Hư Tử nói:

- Ta hiểu ý của nàng, nàng sợ chúng ta chừng này niên kỷ và với thân phận trưởng lão mà còn hoàn tục thành hôn thì sẽ làm trò cười cho thiên hạ phải không?

Dao Quang nói:

- Ta không sợ thiên hạ chê cười, nhưng hà tất phải câu chấp bất ngộ như vậy?

- Nàng định nói phật pháp với ta chăng?

- Nho - Phật - Đạo là tam giáo đồng nguyên, thực ra đạo lý đều như nhau. Nho gia nói tương tri của con người là quý ở chỗ tương tri tâm. Phật gia nói sắc tức là không, không tức là sắc, phá được sắc không mới thành chánh quả. Đạo gia nói thần du tượng ngoại (cảm giác ngoài hình tượng), bỏ hiện tại tìm về nguyên thủy mới đắc đạo. Cái gọi là “chánh quả” và “đắc đạo” dường như là để giải thích một cảnh giới thượng thừa vĩnh sinh bất diệt. Đạo lý nhân sinh như vậy nên tình nam nữ cũng không ngoại lệ.

Ngọc Hư Tử gượng cười, nói:

- Xin lượng thứ, ngộ căn của ta thấp nên khó hiểu những lời diệu pháp.

Dao Quang nói:

- Chuyện chúng ta nói đến đây cũng nên kết thúc rồi. Hay là nói đến chuyện của lớp tiểu bối đi.

Ngọc Hư Tử nói:

- Lớp tiểu bối không giống chúng ta, bọn chúng đã không muốn làm hòa thượng lại không muốn làm đạo sĩ.

Nói đến đây thì lão bất giác bật cười và nói tiếp:

- Thực ra lúc đầu chúng ta cũng không muốn làm đạo sĩ, chỉ vì tạo hóa khéo trêu ngươi mà thôi.

Dao Quang nói:

- Chàng lại đề cập đến chuyện này nữa rồi, thiếp đã nói là không nói chuyện chúng ta nữa mà. Xin chàng nói trở lại vấn đề chính ở đây đi.

Ngọc Hư Tử nói:

- Được! Ta hẹn nàng ra đây là muốn nàng không những giải khai khúc mắc thứ nhất mà giải khai luôn khúc mắc thứ hai.

Dao Quang ngạc nhiên hỏi lại:

- Khúc mắc thứ nhất là chuyện hiểu lầm giữa chúng ta, chuyện này thì ta hiểu. Nhưng khúc mắc thứ hai là gì?

Ngọc Hư Tử nói:

- Khúc mắc thứ hai là thành kiến của nàng với Sở Thiên Thư và Tề Tấu Ngọc.

- Làm sao biết thiếp có thành kiến với chúng?

- Chẳng phải nàng cho rằng bọn chúng không chung tình nên có nhiều thành kiến sao?

- Đó không phải là “cho rằng” mà rất nhiều người biết là sự thật.

- Thử nói ra xem?

- Trước tiên là Tề Tấu Ngọc. Ai cũng biết cô ta thích sư huynh Vệ Thiên Nguyên của cô ta, năm ngoái cô ta còn đến Từ gia ở Lạc Dương ngăn cản Vệ Thiên Nguyên nối lại tình cũ với Khương Tuyết Quân. Thế mà chẳng bao lâu sau cô ta lại trở thành hôn thê của ca ca dị phu dị mẫu của cô ta.

- Không sai, bọn chúng là thanh mai trúc nhã, nhưng tình thế chẳng khác gì ta và biểu muội của ta.

- Dường như là có khác nhau đấy.

- Có khả năng, cảm tình của bọn chúng sâu nặng hơn ta và biểu muội của ta, nhưng thực chất là giống như nhau. Giữa bọn chúng không phát sinh ái tình chân chính, chỉ vì gần nhau từ nhỏ nên Tề Tấu Ngọc cho rằng mình yêu sư huynh thôi. Đến khi gặp Sở Thiên Thư thì cô ta mới dần dần hiểu rõ đây mới là người mình yêu thật sự, cũng giống như năm xưa ta gặp nàng. Chỉ khác nhau ở chỗ, không phải ta dần dần hiểu rõ mà vừa gặp đã biết...

Dao Quang khoát tay ngăn lại và nói:

- Không nói chuyện chúng ta. Bây giờ nói đến Sở Thiên Thư, nhiều người đều biết rằng người mà hắn yêu vốn là Khương Tuyết Quân.

Ngọc Hư Tử mỉm cười, nói:

- Xem ra nàng càng không thể tha thứ cho Sở Thiên Thư thì phải?

Dao Quang nói:

- Không sai, thiếp thấy hắn phong lưu có thành tích, tựa nhự..

Bỗng nhiên bà ta dừng lại, bà vốn định nói “giống như chàng”.

Ngọc Hư Tử lại mỉm cười, nói:

- Đích thực là Sở Thiên Thư giống ta lúc thiếu thời, nhưng không thể dựa vào đó mà nói hắn không chung tình. Chẳng qua là hắn ái mộ Khương Tuyết Quân mà thôi. Không thể nói đó là ái tình chân chính. Đối với một người không thể hạn chế trong việc chỉ thích một nữ tử, chỉ cần người đó tìm được người yêu chân chính và không thay lòng đổi dạ là được rồi.

- Sao chàng biết là hắn yêu Tề Tấu Ngọc thật sự?

- Nhưng chúng ta cũng không tìm được chứng cứ là hắn lừa ái tình đối với Tề Tấu Ngọc.

- Thế còn đồ đệ của thiếp thì sao?

- Tình yêu nam nữ không thể miễn cưỡng, đây cũng là chuyện phải đành chịu vậy.

- Thanh Loan theo thiếp từ nhỏ nên giống như nữ nhi của thiếp vậy. Vì thế thiếp chỉ mong nó được một trượng phu tốt. Ôi, phái Hoa Sơn cũng không phải là không có tục gia đệ tử tài mạo xuất chúng, nhiều sư huynh đệ như thế mà nó chẳng chọn được ai, lại đi yêu người ngoài.

- Cô ta cứu Sở Thiên Thư cũng chưa hẳn là yêu hắn.

- Thiếp là sư phụ của nó, lẽ nào thiếp không biết tâm sự của nó? Hừ, bất luận thế nào thì Sở Thiên Thư cũng không nên xem thường ân cứu mạng của nó!

Ngọc Hư Tử phá lên cười rồi nói:

- Nói đến ân tình thì sâu nặng nhất là phụ mẫu chi ân, đúng thế không?

Dao Quang nói:

- Đương nhiên, mỗi người tất phải báo phụ mẫu chi ân. Nhưng vô cớ chàng nhắc đến vấn đề này làm gì?

Ngọc Hư Tử chậm rãi nói:

- Ta đang nghĩ đến bản thân ta. Phụ thân của ta không cho phép ta yêu người khác mà ép ta lấy biểu muội, ta thà xuất gia chứ không tòng mệnh. Như thế không phải ta quên phụ mẫu chi ân mà là ta không thể báo ân bằng cách miễn cưỡng lấy người mình không thương yêu. Đối với chuyện này, ta luôn cho rằng mình không sai.

Nhất thời Dao Quang Tán Nhân không thể nói được gì.

Ngọc Hư Tử nói tiếp:

- Đối với Sở Thiên Thư thì hắn nên báo đáp ân cứu mạng của lệnh đồ, nếu như lệnh đồ có chuyện gì cần hắn trợ giúp.

Dao Quang nói:

- Thế chàng cho rằng câu tục ngữ “Lâu ngày sinh tình” là không đáng tin à?

- Không thể nói như vậy, nếu các bên không tương hợp nhau thì sợ rằng lâu ngày chỉ sinh ghét chứ không thể sinh tình.

- Thế gian rất khó tìm ra hai người hoàn toàn tương hợp, nếu có hai nữ tử mà phương diện nào cũng tương hợp với một nam tử thì làm sao?

- Nếu vậy thì bên nào gần gũi với nam tử kia nhiều hơn thì mới có thể dùng câu “lâu ngày sinh tình” được.

- Vậy thì thiếp phải thử mới được.

- Thử cái gì?

- Thử xem ái tình của Sở Thiên Thư và Tề Tấu Ngọc là chân hay giả và cũng thử xem Thanh Loan có “lâu ngày sinh tình” với Sở Thiên Thư không?

Ngọc Hư Tử sững người giây lát rồi nói:

- Này, nàng muốn làm gì vậy?

Dao Quang nói:

- Đợi lát nữa chàng sẽ biết. Chúng ta ra đây e rằng đã hơn nửa canh giờ rồi, mau trở lại thôi.

Hai người trở lại Tề gia thì Tề Tấu Ngọc vẫn hôn mê chưa tỉnh, Sở Thiên Thư trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, chốc chốc lại kêu lên ư hử.

Khi bọn họ bước vào thì đúng vào lúc chàng kêu lên hai tiếng:

- Muội muội!

Ngọc Hư Tử nhìn Dao Quang Tán Nhân rồi mỉm cười.

Bỗng nghe Sở Thiên Thư kêu hai tiếng “muội muội” nữa, Dao Quang nghe thấy chỉ cười nhạt rồi quay sang nói với Ngọc Hư Tử:

- Sư muội của hắn hình như là Khương Tuyết Quân?

Ngọc Hư Tử nói:

- Hai người này đều đáng để hắn nhớ nên chẳng trách hắn được.

Dao Quang nói:

- Thương thế của hắn tuy nhẹ nhưng lẽ ra cũng nên để tâm thần thanh tịnh chứ.

Nói đoạn bà xuất thủ nhanh như chớp điểm vào huyệt ngủ của Sở Thiên Thư.

Thanh Loan thấy thái độ của sư phụ đã thay đổi thì vui mừng nói:

- Sư phụ, người đồng ý thỉnh cầu của đồ nhi rồi phải không?

Dao Quang lạnh lùng nói:

- Ngươi thỉnh cầu điều gì, ta quên rồi?

Thanh Loan nói:

- Sư phụ, người chớ làm đồ nhi lo lắng, đồ nhi thỉnh cầu sư phụ cứu vị Tề cô nương này mà. Cô ta trúng độc nặng hơn Sở công tử nhiều, sợ rằng chỉ có phương pháp kim châm thích huyệt của sư phụ mới có thể cứu được thôi.

Dao Quang nói:

- Ngươi nôn nóng gì thế, chuyện đó từ từ hãy nói. Trước tiên ta hỏi ngươi, có phải là ngươi định đi tìm người thân của ngươi không?

Thanh Loan nói:

- Người duy nhất biết về gia đình đồ nhi là Đinh đại thúc, nhưng lão đã chết rồi thì dù đồ nhi có ý này cũng không biết tìm ai để hỏi.

Dao Quang nói:

- Được, Ngọc Hư đạo hữu thì sao? Ngài định thế nào?

Ngọc Hư Tử ngầm phán đoán được mấy phần tâm ý của bà ta nên nói:

- Ta và tiểu đồ vốn định đến để bái kiến Tề lão tiền bối, bây giờ Tề lão tiền bối đã đi Bạch Đà Sơn, tuy ta không thể giúp gì cho lão nhưng cũng muốn đi Bạch Đà Sơn một chuyến.

Dao Quang nói:

- Được, thế thì phiền đạo hữu đưa đồ nhi của ta cùng đi với nhé.

Thanh Loan ngỡ ngàng kêu lên:

- Sư phụ, người muốn đồ nhi đi Bạch Đà Sơn thật sao?

- Không sai, theo ta biết Đinh Bột và Tề Yến Nhiên tuy danh phận là chủ bộc nhưng thật ra là người một nhà. Tề Yến Nhiên biết tất cả bằng hữu của Đinh Bột. Vì thế, dù Đinh Bột đã chết nhưng ngươi vẫn có thể tìm Tề Yến Nhiên để hỏi thăm tin tức về người thân của ngươi.

- Nhưng còn Sở chúng ta và Tề cô nương...

- Tề Yến Nhiên để lại thư là muốn Vệ Thiên Nguyên lập tức đi Bạch Đà Sơn. Sở Thiên Thư là hảo bằng hữu của Vệ Thiên Nguyên và từng chịu ân cứu mạng của Tề Yến Nhiên, xét về lý về tình thì hắn cũng nên đi Bạch Đà Sơn một chuyến. Hắn trúng độc không nặng lắm, có ngươi dọc đường chiếu cố thì ta tin rằng hắn sẽ bình phục trước khi đến Bạch Đà Sơn.

- Đường xa như thế, đệ tử sợ rằng không đảm đương nổi việc chiếu cố.

- Có Ngọc Hư đạo trưởng đi cùng thì ngươi còn sợ gì? Ngươi không chiếu cố hắn, lẽ nào muốn ta đưa một đại nam tử thế này vè Hoa Sơn - Quần Tiêu Quán?

- Thế còn Tề cô nương thì sao?

- Cô ta trúng độc rất nặng, sợ rằng phải bảy bảy bốn chín ngày mới có thể trị lành nên cô ta không thể nào đi Bạch Đà Sơn được. Cũng may là Hoa Sơn cách đây không xa, chẳng còn cách nào khác, ta đành đưa cô ta về Hoa Sơn chữa trị thôi.

Thanh Loan ấp úng nói:

- Đồ... đồ nhị..

Dao Quang nói tiếp:

- Ngươi thế nào?

Thanh Loan vốn lo sợ chuyện chiếu cố Sở Thiên Thư sẽ khiến cho thiên hạ hiềm nghi, nhưng nàng không tiện nói ra, và lại đã có sư đồ Ngọc Hư Tử cùng đi nên nàng cũng yên tâm.

Nàng nói:

- Không, không có gì, đồ nhi chỉ không nỡ xa rời sư phụ thôi.

Dao Quan mỉm cười, nói:

- Ngốc hài tử, sư phụ không thể theo ngươi cả đời, sớm muộn gì cũng phải xa nhau thôi.

Ngươi đã hoàn tục, lần này ta đưa ngươi đi tìm Đinh Bột vốn cũng muốn để ngươi cùng Đinh Bột hồi hương tìm người thân.

Ngừng một lát bà nói tiếp:

- Tề Yến Nhiên có chuyện mới đi Bạch Đà Sơn, việc không thể chậm trễ, các ngươi mau lên đường thôi. Ta lưu lại Tề gia một đêm, ngày mai sẽ tự đưa Tề cô nương về Hoa Sơn.

Thanh Loan tuy có chút miễn cưỡng nhưng chẳng còn biện pháp nào tốt hơn nên đành tòng mệnh sư phụ.

Thật là:

“Tình giả tình chân hà đãi thử.

Nhân duyên há dị xảo an bày?”.

Tạm dịch:

“Tình giả tình chân đâu chờ thử.

Nhân duyên đâu dễ khéo an bày?”.