Mọi người ở Chái Nhà Xanh quay về nhà sau Giáng Sinh, bà Marilla trang trọng hứa đến mùa xuân sẽ quay lại ở một tháng. Tuyết rơi nhiều thêm trước thềm năm mới, và bến cảng đóng băng, nhưng vịnh biển vẫn tự do đằng sau những cánh đồng trắng bị cầm tù. Ngày cuối cùng của năm cũ là một trong những ngày mùa đông sáng sủa, lạnh buốt và đẹp rực rỡ, oanh tạc chúng ta bằng vẻ rạng ngời của chúng, bắt ta ngưỡng mộ nhưng không bao giờ bắt ta phải yêu. Bầu trời sắc và xanh; những viên kim cương tuyết lấp lánh không ngừng, những cành cây cứng trần trụi và không ngần ngại, một vẻ đẹp gần như trơ khấc; những ngọn đồi bắn lên những ngọn giáo đột kích bằng pha lê. Ngay cả những cái bóng cũng sắc, cứng và rõ ràng, không như những cái bóng bình thường cần phải thế. Mọi thứ vốn đã đẹp thì dường như còn đẹp hơn gấp mười lần nhưng ít hấp dẫn hơn dưới sự rực rỡ chói chang; còn những thứ đã xấu thì xấu hơn gấp mười lần, mà mọi thứ đều hoặc đẹp hoặc xấu. Không có những pha trộn mềm mại, hay những khoảng mờ dễ tính, hay sự mơ hồ lảng tránh trong thứ ánh sáng soi mói đó. Thứ duy nhất vẫn giữ riêng cá tính của mình là những cây linh sam... vì linh sam là loại cây của bí ẩn và bóng tối, không bao giờ đầu hàng trước sự xâm lấn của chói sáng thô bạo.
Nhưng cuối cùng thì ngày cũng bắt đầu nhận ra mình đang già đi. Rồi một nét trầm tư nhất định rơi phủ lên vẻ đẹp của nó, làm vẻ đẹp ấy mờ đi nhưng đồng thời cũng làm nó mãnh liệt hơn; những góc sắc, những điểm rực tan chảy thành những đường cong và những vầng sáng lung linh mời gọi. Bờ vịnh trắng khoác lên mình những sắc xám và hồng mềm mại; rặng đồi phía xa chuyển sang mờ tím.
“Năm cũ đang qua đi một cách thật đẹp,” Anne nói. Cô và Leslie cùng Gilbert đang trên đường đến mũi đất Bốn Làn Gió, họ đã hẹn cùng thuyền trưởng Jim đón năm mới ở ngọn hải đăng. Mặt trời đã lặn và khoảng trời phía Tây Nam treo cao ngôi sao Hôm, rực rỡ ánh vàng, nó đã tiến lại gần người chị em trái đất hết mức có thể. Lần đầu tiên Anne và Gilbert chứng kiến cái bóng mà ngôi sao ban chiều rực rỡ ấy phủ xuống, thứ bóng nhàn nhạt, bí hiểm, chưa bao giờ được nhìn thấy trừ phi được tuyết trắng hé lộ, và cũng chỉ thấy được khi nhìn xiên, biến mất ngay khi ta nhìn thẳng vào nó.
“Nó như linh hồn của một cái bóng ấy nhỉ?” Anne thì thầm. “Ta có thể thấy nó đang ám ảnh bên sườn ta thật rõ ràng khi ta nhìn thẳng về phía trước; nhưng khi ta quay lại nhìn... nó đã biến mất.”
“Mình nghe nói ta chỉ có thể thấy bóng của sao Hôm một lần trong đời, và trong vòng một năm sau khi nhìn thấy nó món quà tuyệt vời nhất đời sẽ đến với ta,” Leslie nói. Nhưng cô nói một cách hơi cứng nhắc, có lẽ vì cô nghĩ ngay cả cái bóng của sao Hôm cũng không thể mang lại cho cô món quà nào của cuộc sống. Anne mỉm cười trong ánh chiều mềm mại; cô cảm thấy khá chắc chắn điều mà cái bóng bí ẩn đã hứa mang đến cho cô.
Họ thấy Marshall Elliott đã có mặt ngọn đèn biển. Lúc đầu Anne thấy hơi khó chịu với sự can thiệp của con người lập dị râu tóc lê thê này trong nhóm nhỏ quen thuộc của mình. Nhưng Marshall Elliott nhanh chóng chứng tỏ mình đường hoàng thuộc về nhà Joseph. Ông là một người đàn ông sắc sảo, thông minh, đọc rộng, sánh ngang thuyền trưởng Jim về tài kể chuyện. Họ đều rất vui mừng khi ông đồng ý cùng họ ngắm năm cũ đi qua.
Đứa cháu nhỏ Joe của thuyền trưởng Jim cũng xuống để đón năm mới với ông chú, và đã ngủ gật trên sofa với con Bạn Đầu cuộn tròn thành một quả bóng vàng khổng lồ dưới chân.
“Thằng bé có đáng yêu không kia chứ?” thuyền trưởng Jim trìu mến nói. “Ta thật sự thích ngắm một đứa nhỏ đang ngủ, cháu gái Blythe ạ. Đấy là cảnh tượng đẹp đẽ nhất thế giới, ta nghĩ vậy. Joe rất thích xuống đây ngủ qua đêm, vì ta cho nó ngủ với ta. Ở nhà nó phải ngủ với hai đứa con trai khác, và nó không thích thế. ‘Sao con không được ngủ với cha, hả ông Jim?’ nó nói. ‘Tất cả mọi người trong Kinh Thánh đều được ngủ với cha họ.’ Còn về những câu mà nó hỏi, đến mục sư cũng không trả lời được. Chúng gần như nhấn chìm ta luôn. ‘Ông Jim nếu cháu không phải là cháu thì cháu sẽ là ai?’ và ‘Ông Jim, điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa chết?’ Nó bắn hai câu hỏi đó vào ta tối nay, trước khi đi ngủ. Còn về trí tưởng tượng của nó thì, đi xa hơn tất cả mọi thứ. Nó bịa ra những câu chuyện kỳ quặc nhất... và rồi mẹ nó nhốt nó vào tủ vì kể chuyện. Nhưng nó lại ngồi xuống nghĩ ra một chuyện khác và sẵn sàng kể lại chuyện đó lúc mẹ nó thả nó ra. Nó có một chuyện dành cho ta lúc nó xuống đây tối nay. ‘Ông Jim,’ nó nói, nghiêm trang như một tấm bia mộ. ‘Cháu có một chuyến phiêu lưu ở Glen hôm nay.’ ‘Ừ phiêu lưu gì thế?’ ta hỏi, mong chờ một thứ giật mình, nhưng không hề chuẩn bị cho cái mà ta nhận được. ‘Cháu gặp một con sói trên đường,’ nó nói, ‘một con sói to bự với một cái miệng to bự đỏ khè và hàm răng dài ngoằng, ông Jim ạ.’ ‘Ta không biết có chó sói trên Glen đấy,’ ta nói. ‘Ồ, nó đến từ xa xa lắm’ Joe nói, ‘và cháu tưởng nó định ăn thịt cháu rồi, ông Jim ạ.’ ‘Cháu có sợ không?’ ta hỏi. ‘Không, vì cháu có một khẩu súng to,’ Joe nói, ‘và cháu bắn chết con sói, ông Jim ạ... chết tươi... và rồi nó lên thiên đường và cắn Chúa,’ nó nói. Đó, ta cứng họng luôn, cháu Blythe ạ.”
Chuyện trò mỗi lúc một nở rộ quanh ngọn lửa nhóm từ gỗ trôi dạt. Thuyền trưởng Jim kể chuyện, và Marshall Elliott hát những bản tình ca Scotland cũ bằng giọng nam trầm thật hay; cuối cùng thuyền trưởng Jim lấy chiếc vĩ cầm nâu cũ của mình từ trên tường xuống và bắt đầu chơi. Ông có năng khiếu chơi đàn kha khá mà tất cả mọi người đều ngưỡng mộ trừ con Bạn Đầu, nó nhảy tót khỏi sofa như thể vừa bị ai bắn, rít lên phản đối, rồi điên cuồng chạy trốn lên gác.
“Không sao cấy được một cái tai thẩm âm vào con mèo đó,” thuyền trưởng Jim nói. “Nó không chịu ở lại đủ lâu để học cách thích nhạc. Khi bọn ta mang cây đàn organ lên nhà thờ Glen, lão già Elder Richards giật bắn khỏi ghế ngay lúc tay nhạc công bắt đầu chơi và vọt xuống lối đi bay ra khỏi nhà thờ với tốc độ chóng mặt. Làm ta nhớ đến con Bạn Đầu ù té chạy mỗi khi ta bắt đầu kéo đàn đến nỗi ta suýt nữa thì cười phá lên trong nhà thờ, một chuyện chưa từng xảy ra trước đó và cả sau đó.”
Có một cái gì đó thật dễ lây trong những giai điệu réo rắt mà thuyền trưởng Jim chơi đến nỗi chẳng bao lâu sau chân của Marshall Elliott bắt đầu giật giật. Hồi còn trẻ ông vốn là một vũ công có tiếng. Lúc này ông đứng dậy và chìa tay về phía Leslie. Ngay lập tức cô đáp lời. Vòng quanh vòng quanh căn phòng sáng ánh lửa, họ xoay bằng một sự duyên dáng đầy nhịp điệu thật tuyệt vời. Leslie nhảy như một người lên đồng, sự buông thả hoang dại, ngọt ngào của âm nhạc dường như đã nhập vào và chiếm lấy cô. Anne ngắm nhìn cô trong niềm ngưỡng mộ mê đắm. Cô chưa bao giờ thấy Leslie như vậy. Hết thảy những nét giàu có, rực rỡ và quyến rũ nội tại nằm trong bản tính của cô như vừa vùng thoát và tuôn tràn lên đôi gò má thắm, ánh mắt sáng rực và những chuyển động duyên dáng. Ngay cả dáng vẻ của Marshall Elliott, với bộ râu và mái tóc dài thượt của ông, cũng không thể làm hỏng bức tranh. Trái lại, nó làm bức tranh càng thêm đậm nét. Marshall Elliott trông như một người Viking từ những ngày xưa, đang khiêu vũ với một người con gái mắt xanh, tóc vàng phương Bắc.
“Điệu nhảy đẹp nhất ta từng chứng kiến, mà ta đã chứng kiến kha khá trong đời rồi đấy nhé,” thuyền trưởng Jim tuyên bố, khi cuối cùng cây vĩ cầm cũng hạ xuống từ bàn tay mỏi của ông. Leslie buông mình xuống ghế, cười to, thở chẳng ra hơi.
“Mình thích khiêu vũ,” cô nói riêng với Anne. “Mình đã không nhảy từ hồi mười sáu tuổi đến giờ... nhưng mình yêu khiêu vũ. Âm nhạc chảy trong huyết quản của mình như bạc lỏng và mình quên tất cả mọi thứ... mọi thứ... trừ niềm vui được hòa nhịp với nó. Không có sàn nhà dưới chân mình, hay tường nhà xung quanh mình, hay mái nhà trên đầu mình... mình trôi giữa những vì sao.”
Thuyền trưởng Jim treo chiếc đàn về chỗ cũ, cạnh một cái khung lớn lồng mấy tờ tiền.
“Mấy đứa có quen ai đủ tiền để treo giấy bạc lên tường thay tranh chưa?” ông hỏi. “Có hai mươi tờ mười đô ở đây, không đáng giá bằng cái mặt kính phủ trên đó. Chúng là giấy bạc cũ của Ngân hàng Đảo Hoàng Tử Edward. Có sẵn trong người khi ngân hàng phá sản, ta đã cho đóng khung treo lên, một phần để nhắc mình không được đặt niềm tin vào các ngân hàng, và một phần để cho ta một cảm giác xa xỉ, triệu phú thực thụ. Xin chào, Bạn Đầu, đừng sợ. Mày quay về được rồi đấy. Nhạc nhẽo và liên hoan đêm nay thế là xong rồi. Năm cũ chỉ còn một giờ nữa để ở lại cùng chúng ta thôi. Ta đã thấy sáu mươi bảy cái năm mới bước vào trên con vịnh kia rồi đấy, cháu gái Blythe ạ.”
“Bác sẽ thấy một trăm năm mới,” Marshall Elliott nói.
Thuyền trưởng Jim lắc đầu.
“Không, mà ta cũng chẳng muốn... ít nhất ta nghĩ là ta không muốn. Cái chết trở nên thân thiện hơn khi chúng ta già đi. Không ai trong chúng ta thực sự muốn chết cả, Marshall ạ. Tennyson nói sự thật khi hắn nói điều đó. Rồi bà già Wallace trên Glen. Cả đời bả có hàng đống rắc rối, tội nghiệp cho bả, và bả đã mất gần hết những người bả quan tâm. Bả lúc nào cũng nói bả sẽ vui mừng khi đến lúc ra đi, và bả không muốn chu du thêm chút nào nữa trong cái vũng lầy nước mắt này. Thế mà khi bả bị ốm thì mới om sòm chứ! Các bác sĩ từ thị trấn này, y tá có tay nghề này, và thuốc men đủ giết tươi một con chó. Đời có thể là một bể nước mắt thật đấy, nhưng có một số người lại thích khóc cơ, ta nghĩ thế.”
Họ yên lặng dành giờ cuối cùng của năm cũ bên đống lửa. Một vài phút trước mười hai giờ thuyền trưởng Jim đứng dậy mở cửa.
“Ta phải cho năm mới vào nhà,” ông nói.
Ở ngoài là một buổi tối thẳm xanh yên ả. Một quầng ánh trăng lấp lánh choàng quanh vịnh. Phía trong, cảng biển sáng ngời như một đường diềm ngọc trai. Họ đứng trước cửa chờ đợi thuyền trưởng Jim với trải nghiệm chín muồi, đủ đầy, Marshall Elliott với cuộc đời trung niên tráng kiện nhưng trống rỗng, Gilbert và Anne với những ký ức quý giá và những hy vọng tinh tế, Leslie với chuỗi tháng năm thiếu thốn và một tương lai vô vọng. Chiếc đồng hồ nơi giá sách nhỏ trên nóc lò sưởi điểm mười hai tiếng.
“Chào mừng mày, năm mới,” thuyền trưởng Jim nói, cúi thấp người khi tiếng chuông cuối cùng tan đi. “Ta chúc tất cả một năm tốt đẹp nhất trong cuộc đời, các bạn ta. Ta nghĩ rằng dẫu năm mới mang đến cho chúng ta điều gì, song đấy cũng sẽ là điều tốt nhất mà Thuyền Trưởng Vĩ Đại có thể dành cho chúng ta... và dù cách này hay cách khác chúng ta đều sẽ thả neo vào một bến bờ tốt đẹp.”