Anna Karenina

Quyển 7 - Chương 18

- Tôi còn chuyện khác muốn nói với chú và chắc chú cũng biết là chuyện gì… Chuyện Anna, - Stepan Ackađich nói, sau một lúc im lặng, khi đã xua đuổi được cái ấn tượng khó chịu kia.

Oblonxki vừa nói đến tên Anna, vẻ mặt Alecxei Alecxandrovich đã thay đổi hoàn toàn: đang hoạt bát chuyển sang mệt mỏi và đờ đẫn.

- Nói cho đúng, các người muốn gì tôi nào? - ông vừa nói vừa xoay người trong ghế bành và gập kính kẹp mũi lại.

- Một quyết định nào đó, chú Alecxei Alecxandrovich ạ. Lúc này, tôi nói với chú ("không phải như nói với một người chồng bị xúc phạm", Stepan Ackađich định nói thế, nhưng sợ hỏng việc, bèn thay đổi từ ngữ) không phải như nói với một chính khách (từ này tỏ ra không đắt), mà chỉ đơn giản như nói với một con người, một con người có tâm hồn và một con chiên ngoan đạo. Chú nên thương cô ấy.

- Cụ thể là thế nào? - Karenin nói, giọng nhỏ hẳn đi.

- Phải, chú nên thương cô ấy. Nếu chú trông thấy cô ấy như tôi (tôi đã ở suốt mùa đông với cô ấy), hẳn chú sẽ thương cô ấy. Hoàn cảnh cô ấy kinh khủng lắm, thực sự là kinh khủng.

- Tôi thấy hình như, - Alecxei Alecxandrovich trả lời, giọng càng nhỏ nhẻ, gần như the thé, - hình như Anna Arcadievna đã có tất cả những gì cô ta ao ước.

- Chào, Alecxei Alecxandrovich, vì lòng kính Chúa, chúng ta đừng có lao vào cãi vã với nhau! Cái gì qua đi là qua đi rồi và chú cũng biết cô ấy đang mong muốn và chờ đợi cái gì: li dị.

- Nhưng tôi tin Anna Arcadievna sẽ từ chối không chịu li dị trong trường hợp tôi đòi giữ con trai tôi. Tôi đã viết thư trả lời cô ta theo tinh thần ấy và tôi nghĩ vấn đề đã giải quyết xong. Tôi cho rằng vấn đề đã giải quyết xong rồi, - Alecxei Alecxandrovich rít lên.

- Tôi xin chú, chú đừng nổi nóng, - Stepan Ackađich nói, đặt tay vào đầu gối em rể. - Vấn đề chưa giải quyết là thế này đây: khi cô chú chia tay nhau, chú đã cao thượng hết sức: chú đồng ý cho cô ấy tất cả: tự do và li hôn nữa. Cô ấy kính phục thái độ đó. Chú không thể biết cô ấy đã cảm kích đến thế nào đâu. Đến nỗi, thoạt đầu, vì cảm thấy có lỗi với chú và không kịp suy nghĩ sâu xa hơn, cô ấy đã từ chối tất cả. Nhưng thực tế và thời gian đã vạch cho cô ấy thấy hoàn cảnh thật đau khổ và không chịu nổi.

- Cuộc đời Anna Arcadievna không thể khiến tôi quan tâm, - Alecxei Alecxandrovich ngắt lời, lông mày nhướn lên.

- Chú cho phép tôi không tin điều đó, - Stepan Ackađich dịu dàng đáp lại. Hoàn cảnh Anna thật đau khổ cho bản thân cô ấy và chẳng có lợi cho ai. Chú sẽ nói đáng kiếp cho cô ấy chứ gì. Cô ấy cũng biết vậy và không đòi hỏi chú gì cả: chính miệng cô ấy bảo thế. Nhưng tôi, tất cả họ hàng, tất cả những kẻ yêu mến cô ấy, chúng tôi xin chú và van chú hãy rủ lòng thương. Tại sao cô ấy đau khổ? Điều đó có lợi cho ai?

- Nhưng, quả thực các người đặt tôi vào địa vị kẻ bị cáo, - Alecxei Alecxandrovich nói.

- Không, không, tuyệt nhiên là không, xin chú hiểu cho tôi, Stepan Ackađich nói tiếp, lần này sờ vào tay em rể như tin chắc sự tiếp xúc đó sẽ làm ông này nguôi đi. - Tôi chỉ xin nói điều này thôi: hoàn cảnh cô ấy thật đau xót, chú có thể làm cho nó dịu bớt mà chú chẳng mất gì. Chú hãy để tôi thu xếp chuyện đó, chú không phải dính vào. Chú đã hứa…

- Tôi hứa thế từ lâu rồi. Và tôi cho là chuyện đứa bé đã giải quyết xong vấn đề. Vả lại, tôi hi vọng Anna Arcadievna đủ cao thượng để… - Alecxei Alecxandrovich khó nhọc nói, môi run run, mặt tái nhợt.

- Cô ấy hoàn toàn trông cậy vào tấm lòng cao thượng của chú. Cô ấy xin chú, van chú kéo cô ấy ra khỏi tình thế cùng quẫn này. Thậm chí, cô ấy cũng không xin cả con trai nữa. Alecxei Alecxandrovich, chú là người phúc hậu. Chú hãy đặt mình vào địa vị cô ấy một chút xem: đó là một vấn đề sinh tử. Nếu lúc đầu, chú không hứa như thế, cô ấy ắt đã thích nghi với hoàn cảnh và ở hẳn nông thôn. Chính vì dựa vào lời hứa mà cô ấy viết thư cho chú và đến ở Moskva. Thế là đã sáu tháng cô ấy ở thành phố đó, mỗi lần gặp ai là như bị nhát dao đâm và ngày lại ngày chờ đợi một quyết định. Thật y như tròng dây thòng lọng vào cổ kẻ bị kết án mà không cho biết phải chuẩn bị chờ chết hay sẽ được ân xá. Chú hãy thương cô ấy và tôi xin chịu trách nhiệm thu xếp mọi chuyện… Chú quá thận trọng…

- Vấn đề không phải là thế, - Alecxei Alecxandrovich ngắt lời, vẻ ghê tởm. - Nhưng có lẽ tôi đã hứa điều không có quyền hứa.

- Thế là chú phủ nhận điều đã nói?

- Tôi không bao giờ từ chối những gì có thể làm được, nhưng tôi muốn có thời giờ suy nghĩ xem lời hứa đó có thể thực hiện được đến đâu.

- Không, Alecxei Alecxandrovich ạ, - Stepan Ackađich thình lình đứng phắt dậy nói tiếp, - tôi không tin là thế! Cô ấy khổ sở đến mức chỉ một người đàn bà mới có thể khổ sở như vậy và chú không thể từ chối điều mà…

- Trong chừng mực có thể thực hiện được. Anh vẫn tự xưng là một người tự do tư tưởng. Nhưng tôi, với tư cách là tín đồ, tôi không thể vi phạm luật Chúa về một vấn đề quan trọng đến thế.

- Trong tất cả các xã hội Cơ đốc giáo và ngay cả trong xã hội ta cũng vậy, theo tôi biết, việc li hôn đều được thừa nhận, - Stepan Ackađich nói. - Chính Giáo hội ta cũng cho phép. Và ta thấy…

- Có thể được phép làm thế đấy, nhưng không phải trong trường hợp này.

- Alecxei Alecxandrovich, tôi không nhận ra chú nữa đấy, Oblonxki nói, sau một lúc im lặng.

- Phải chăng chính chú đã tha thứ tất cả (chúng tôi từng khâm phục thái độ đó) và phải chăng chính do tình cảm ngoan đạo thúc đẩy mà chú sẵn sàng hi sinh tất thẩy? Chính miệng chú đã nói: hãy cho nốt áo khoác khi người ta lấy sơ mi của mình, và bây giờ…

- Tôi xin ông ngừng lại, ngừng… câu chuyện lại ở đó, - Alecxei Alecxandrovich nói, giọng the thé và đột nhiên đứng dậy. Quai hàm ông run run và mặt tái đi.

- Thôi vậy! Chú tha lỗi nếu tôi đã làm chú phiền lòng,- Stepan Ackađich vừa nói, vừa chìa tay với một nụ cười ngượng ngập; - với tư cách sứ giả, tôi chỉ truyền đạt tới chú cái sứ mệnh được giao phó.

Alecxei Alecxandrovich bắt tay anh vợ, ngẫm nghĩ, rồi nói:

- Tôi cần suy nghĩ, cần được góp ý kiến. Ngày kia tôi sẽ trả lời anh dứt khoát.