ất đi quá nhiều rồi cũng sẽ quen nhưng Hướng Viễn bỗng thấy vô cùng sợ thói quen ấy. Cô sợ lỗ hổng trong tim mình. Phải dùng thứ gì mới có thể lấp đầy được nó đây?
Ở thành phố này, Hướng Viễn cũng không biết đã bao lâu rồi mình không nhìn thấy mặt trăng. Cho dù có nhìn thấy đi chăng nữa thì nó cũng đã bị ảm đạm, nhợt nhạt dưới ánh đèn neon. Cô bám vào tay vịn cầu thang trơn tuột lạnh lẽo, bước từng bước lên lầu, không hiểu vì sao hôm nay cô chìm vào hồi ức quá dễ dàng. Có lẽ hôm nay nhiều người đã vô tình cố ý lật giở những chuyện trước kia chăng.
Bức tường cạnh cầu thang vốn treo đầy những bức ảnh của nhà họ Diệp: ảnh chụp cả nhà, có Diệp Khiên Trạch thời niên thiếu, có cha mẹ anh, có cả Diệp Quân. Hai năm trước, Hướng Viễn đã bảo dì Dương - người giúp việc lâu năm cho nhà họ Diệp - thu dọn tất cả xuống để dẹp vào căn gác lửng. Dì Dương làu bàu, cằn nhằn suốt mấy ngày nhưng cuối cùng cũng chẳng dám nói nhiều trước mặt Hướng Viễn. Sao cô lại không biết bà đang suy nghĩ gì? Nói cô bạc tình cũng được, nhẫn tâm cũng chẳng sao, người đã đi rồi, giữ lại những bức ảnh này liệu còn có ý nghĩa gì nữa?
Dì Dương đã già, bà cũng giống như những người khác, lúc nào cũng thích nhắc đến nhà họ Diệp như thể đó là một gia tộc vô cùng phồn thịnh. Thực ra những người nhà họ Diệp cũng chẳng có mấy người, người thì chết, kẻ thì ốm đau, người thì bỏ đi, kẻ lại mất tích, cuối cùng chỉ còn lại một người ngoài là cô.
Căn phòng đầu tiên ngay đầu cầu thang của dãy hành lang dài chính là phòng đọc của Diệp Khiên Trạch. Trước khi Hướng Viễn đến đây, lúc nào cô cũng thấy ánh đèn lóe ra từ cửa căn phòng khép hờ ấy, thời gian anh ở trong đó nhiều hơn bên cô rất nhiều. Ngay sát phòng đọc chính là phòng của Diệp Linh, Diệp Linh mất sau khi Hướng Viễn về làm con dâu nhà họ Diệp được ba năm. Từ đó, trong mấy năm khi Khiên Trạch vẫn còn ở đây, căn phòng này trở thành cấm địa, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm, bây giờ đến cả dì Dương nếu không có chuyện gì bất đắc dĩ lắm thì cũng không bao giờ chịu bước vào. Tuy Diệp Linh là do một tay bà nuôi nấng nhưng bà nói, mỗi lần vào căn phòng đó đều cảm thấy âm u đáng sợ. Hướng Viễn thấy nực cười, cô chưa từng tin quỷ thần bao giờ nhưng cô nhớ rõ lúc ấy, máu thấm đẫm người Diệp Linh, chảy đầy ra sàn, vấy đầy tay cô, vẫn còn có hơi ấm và vị tanh tanh, rửa thế nào cũng không sạch. Một ký ức như thế, dù là ai cũng không muốn nhắc đến, đó cũng là lý do cô rất hiếm khi mở cánh cửa phòng ấy.
Cha mẹ Khiên Trạch vốn ở trong phòng ngủ chính nhưng sau khi con trai kết hôn, họ đã chuyển đến căn phòng lớn ở phía nam. Bà Diệp là kế mẫu của Khiên Trạch, đã qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. Trong ấn tượng của Hướng Viễn, đó là một phụ nữ trầm lặng, dạy mỹ thuật ở trường đại học. Bà không phải mẹ ruột của Khiên Trạch nhưng giống như những người nhà họ Diệp khác, trên người bà luôn phảng phất sự cảm tính và nét dịu dàng ấm áp.
Những năm này, người gần gũi với Hướng Viễn trong Diệp gia lại là bố chồng cô - Diệp Bỉnh Lâm - nhưng sức khỏe ông không được tốt, đã bị trúng gió mấy năm nay, vào bệnh viện rồi không ra nữa. Hiện tại, Hướng Viễn thường đến bệnh viện mỗi tuần một lần, một là thăm hỏi tình hình sức khỏe của ông, hai là báo cáo mang tính tượng trưng mọi việc ở Giang Nguyên. Người nhà họ Diệp đều hồn hậu lương thiện, không tranh đoạt với người đời lại vui vẻ dễ gần nhưng chẳng ai có kết cục tốt đẹp, điều này càng khiến Hướng Viễn khinh bỉ thần Phật hơn, cho dù họ có tồn tại cũng chỉ là vô ích. Phải rồi, còn có Diệp Quân, cậu ấy cũng có dòng máu nhà họ Diệp. Cậu ấy vốn là đứa con trai nhỏ của Diệp gia nhưng sau khi lên đại học đã chuyển ra ngoài ở. Có lẽ trong lòng cậu ấy nhận thấy mình không phải là một thành viên thật sự trong ngôi nhà này.
Hướng Viễn tắm rửa xong, ngồi trước bàn trang điểm rồi lấy chiếc ví da trong túi xách ra. Cô lấy hết tiền bạc trong đó ra rồi chăm chú đếm qua một lượt, cẩn thận vuốt từng nếp nhăn trên mỗi tờ tiền, sắp xếp cẩn thận rồi kẹp lại vào trong ví, sau đó mới rửa tay đi ngủ.
Đó là thói quen từ nhỏ của cô, bắt buộc phải đếm kỹ một lần toàn bộ tiền mặt có trong người một lượt mới có thể xem như là tổng kết cuối cùng trong ngày. Hiện tại, cô không còn phải chắt bóp từng xu từng hào để sống qua ngày như xưa nhưng cô là một người luôn giữ thói quen, hoặc có lẽ là chuyện này đã trở thành một dạng nghi thức trong lòng, quan trọng ngang với việc mẹ ruột của Khiên Trạch mỗi ngày đều trở dậy từ sớm tinh mơ để thắp hương khấn Phật vậy.
Kỳ thực, tiền cũng là một thứ ấm áp, Hướng Viễn luôn nghĩ vậy, có nó rồi, cô mới thấy trái tim của mình trở nên vững chắc. Nó còn đáng tin cậy hơn nhiều thứ trên thế gian này, một trăm là một trăm, một nghìn là một nghìn, không khó xác định số lượng như những thứ mơ hồ khác; nó lại công bằng hơn rất nhiều thứ nữa, bạn bỏ ra bao nhiêu thì sẽ đổi lại được bấy nhiêu.
Tiền thì có gì không tốt đâu? Ít nhất là có nó rồi mới có tư cách coi tiền tài như rác rưởi. Bao người lừa lọc ranh ma, không cần sĩ diện, chẳng qua cũng vì tiền cả. Hướng Viễn nhớ lúc ở công ty, có một cuộc điện thoại trong văn phòng, thư ký nghe máy, không biết là ai nhưng vì đối phương nhắc đến một số chuyện của Diệp Khiên Trạch nên thư ký không dám giấu cô.
Giọng đàn ông khàn khàn vang lên ở đầu dây bên kia: "Bà Diệp, chúng ta vào đề luôn nhé. Tôi nghĩ chắc bà luôn quan tâm đến tung tích của ông nhà, chi bằng chúng ta thực hiện một cuộc giao dịch đi".
Hướng Viễn khi ấy đã cười không thành tiếng. Sau khi Khiên Trạch mất tích, không biết cô đã nhận bao nhiêu cuộc điện thoại kiểu này. Có người bóng gió xa gần, có kẻ lại nói toạc móng heo nhưng đều là muốn có tiền cả. Cô không quan tâm chuyện tiền bạc nhưng chẳng có ai cho cô chút hy vọng nào.
"Giao dịch với tôi? Phải xem ông dựa vào cái gì đã chứ", cô nói.
"Dựa vào cuộc điện thoại cuối cùng ông Diệp gọi cho bà. Ông ấy đã nói gì, chắc bà không đến nỗi quên rồi chứ?"
Nụ cười trên gương mặt Hướng Viễn dần tắt lịm. Sao cô quên được cuộc gọi đó. Trong danh sách cuộc gọi của chiếc di động đặt trên đầu giường cô hơn bốn năm luôn giữ lại số điện thoại đó. Thời gian gọi bốn mươi chín giây, đó là câu cuối cùng anh nói với cô, đến chết cô cũng không quên.
Cô lên tiếng với gã đàn ông kia bằng vẻ bình thản: "Cuộc điện thoại ông nói không đáng giá chút nào. Nếu thật sự có tin tức về anh ấy, chắc ông phải biết làm thế nào mới thuyết phục được tôi tin ông đúng không? Tôi đợi ông liên lạc lại".
Hướng Viễn nói xong thì gác máy. Cô là người làm ăn, đương nhiên biết rõ người bán bao giờ cũng nóng ruột hơn kẻ mua. Cô không biết thế giới này thật sự có người biết được tung tích của Khiên Trạch hay không nhưng quan tâm nhiều ắt sẽ loạn, cô bắt buộc phải bình tĩnh.
Trước khi chìm vào giấc ngủ, cô nhủ thầm: "Hướng Viễn, đừng nằm mơ".
Nội dung bài viết đã hiển thịĐêm ấy, Hướng Viễn không được như ý nguyện, chẳng những cô đã chìm vào một giấc mơ dài mà giấc mơ ấy còn quay lại nhiều năm về trước. Mỗi gương mặt, mỗi đoạn một cảnh rời rạc trong mơ đều tươi mới đến bất ngờ. Rất nhiều lần, khi tỉnh táo, cô đã từng cố gắng hồi tưởng nhưng không thể rõ ràng, sắc nét như trong mơ.
Năm ấy vào ngày đầu tiên của tháng Mười, tuần lễ hoàng kim nghỉ dài vừa bắt đầu đã khiến thôn quê nhỏ của Hướng Viễn trở nên náo nhiệt lạ thường. Người trong thành phố nườm nượp kéo đến, có người trong tỉnh, cũng có người từ các tỉnh ngoài, trong số đó còn có cả những du khách ngoại quốc tóc vàng. Tuy đã qua khoảng thời gian hoa cải nở vàng rực rỡ vào tháng Ba nhưng những du khách vẫn lôi máy ảnh ra chụp lách tách không ngừng, cây hòe già ngay cổng thôn, những ngôi nhà ngói cũ kỹ của người dân và cả những cụ già ngồi trước nhà, họ đều thấy mới lạ, thú vị. Bước chân của họ đạp lên những ngọn cỏ dại mọc ven đường, đạp nát cả vườn rau của người dân. Có điều, người trong thôn không còn chấp nhặt chuyện đó nữa, những năm đó, phong cảnh đặc trưng của thôn trang trở nên nổi tiếng khắp nơi. Ngành du lịch đã mang đến cơ hội làm ăn cho thôn quê vốn khép kín trước kia, không ít người dân tinh khôn đã biết cách kiếm ăn từ những người "thành thị sành điệu" này, họ bắt đầu làm công việc hướng dẫn nửa mùa, những tiệm ăn Nông Gia Lạc và nhà nghỉ mọc lên như nấm. Tất nhiên, người nghĩ đến vấn đề kiếm tiền này từ trước đó rất lâu chính là Hướng Viễn - cô con gái lớn của nhà họ Hướng. Từ khi cô học cấp hai, những người từ nơi khác đến thôn chẳng ai là không biết đến cô bé hướng dẫn viên hoạt bát, miệng lưỡi nhanh nhẹn cùng nụ cười tươi rói này. Đến bây giờ, bản lĩnh của cô vẫn không ai bì được, nhà nghỉ gia đình của gia đình cô cũng làm ăn rất phát đạt.
Hôm ấy, Hướng Viễn dậy từ sớm. Lúc cô dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị đi, mặt trời vẫn còn e ngại phía bên kia ngọn núi, Hướng Dao vẫn còn lười biếng trên giường. Hướng Viễn đứng ở cửa gọi to một tiếng: "Phải dậy rồi đấy, nấu cơm đi, không chừng lát nữa sẽ có du khách đến ở đấy".
Nói dứt câu, không đợi phản ứng của Hướng Dao, cô đã vội vã bỏ đi. Một lúc sau, Hướng Dao làu bàu một tiếng, cho dù cơn mê ngủ vẫn còn nhưng không thể không dậy. Hướng Dao vừa lên lớp sáu của cấp tiểu học, hôm nay là ngày nghỉ lễ đầu tiên. Giống như những cô bé cùng tuổi khác, cô chúa ghét dậy sớm, chỉ ước được nằm trên giường ngủ một giấc say sưa quên cả đất trời nhưng chẳng còn cách nào khác, cô đành phải nghe lời Hướng Viễn thôi.
Từ nhỏ, Hướng Dao đã sợ Hướng Viễn. Có lẽ là do mẹ qua đời sớm, chị cả là mẹ nên từ nhỏ Hướng Viễn làm việc gì cũng linh hoạt nhanh nhẹn, trở thành trụ cột trong nhà. Cha của họ - Hướng Vân Sinh - là thanh niên trí thức ở thành phố, cưới một cô gái trong thôn, sau khi có con cũng cam tâm ở lại bám trụ mảnh đất này.
Hướng Vân Sinh thời trẻ là một người đa tài đa nghệ, đọc rất nhiều sách, viết chữ đẹp, còn biết kéo nhị hồ, thêm vào đó là tướng mạo tuấn tú nên không biết đã cuốn hút biết bao cô gái trong thôn. Cuối cùng, người trở thành vợ ông, cũng chính là mẹ của Hướng Viễn, Hướng Dao là một cô gái nhanh nhẹn, xinh đẹp nổi tiếng gần xa. Sau khi kết hôn, Hướng Vân Sinh và vợ rất tâm đầu ý hợp. Khi biết vợ mình không thể có hộ khẩu thành phố, ông cũng từ bỏ cơ hội trở về thành phố, tự nguyện chân lấm tay bùn cả một đời ở nơi thôn quê hẻo lánh này. Chuyện này đã trở thành một giai thoại trong thôn. Tình cảm của Hướng Dao với ông cũng rất gắn bó, có lẽ người thờ ơ với chuyện đó chỉ có mỗi Hướng Viễn.
Đối với Hướng Viễn mà nói, ông bố Hướng Vân Sinh của cô vai không thể vác, tay không thể xách, đến gánh nước cũng lảo đảo không vững. Lúc mẹ cô còn sống, moi việc đều do bà gánh vác. Vì lao động trong nhà ít, những thứ có thể trồng trọt được cũng không nhiều, bởi vậy lúc Hướng Viễn còn nhỏ, nhà họ luôn là hộ nghèo nhất trong thôn. Cô không bao giờ quên được buổi hoàng hôn ấy, mẹ vừa hạ sinh cặp song sinh không lâu đã phải cắn răng, gương mặt trắng bệch đi gánh nước, nước văng ra ướt cả đoạn đường, còn Hướng Vân Sinh lại ngồi dưới gốc cây trước cửa nhà kéo nhị hồ. Thần thái chìm đắm trong mộng của ông khiến cô bé Hướng Viễn vô cùng phẫn nộ, cô ao ước mình có thể trưởng thành ngay để đỡ hộ gánh nặng trên vai mẹ, rồi vứt cả cây nhị hồ phiền phức đáng ghét kia đi.
Thế nhưng, cho dù mẹ cô có khổ sở, vất vả đến mấy thì ánh mắt nhìn theo người đàn ông ở trước cửa kia vẫn là nét mê đắm.
Hướng Viễn không thể hiểu nổi sự mê đắm ấy.
Từ nhỏ cô đã cảm thấy bố mình là một người vô dụng, chỉ biết có phong hoa tuyết nguyệt. Năm cô mười tuổi, Hướng Dao, Hướng Dĩ bốn tuổi, mẹ cô bị bệnh liệt giường, sau đó rũ tay mà đi, ý nghĩ này của cô càng ăn sâu gốc rễ hơn. Cô tin rằng nếu không phải do cuộc sống quá vất vả thì mẹ cô sẽ không ra đi sớm như vậy. Mà lúc mẹ cô bị bệnh, người đàn ông ấy ngoài việc nắm chặt tay bà khóc lóc ra thì chẳng làm được trò trống gì. Chỉ là cảm xoàng rồi viêm phổi nhưng vì không có tiền vào bệnh viện nên cứ nằm lay lắt ở nhà. Một căn bệnh bình thường như thế đã lấy đi mạng sống của một phụ nữ chưa đến ba mươi tuổi cũng khiến ba đứa trẻ nhà họ Hướng mất đi người mẹ.
Những năm tháng sau khi vợ qua đời, Hướng Vân Sinh vẫn không thể hồi phục sau nỗi đau mất vợ, tiếng đàn nhị hồ ông kéo mỗi lúc một bi thương, rượu uống càng lúc càng nhiều hơn. Lúc ấy, trưởng lão trong thôn cũng khuyên ông nên tục huyền, ông chỉ cười nhạt một tiếng rồi từ chối ngay mà không hề do dự. Mọi người đều khen ông là một kẻ si tình. Hướng Vân Sinh luôn nói với các con rằng: thư trung tự hữu hoàng kim ốc, thư trung tự hữu nhan như ngọc (sách là người thầy vĩ đại của chúng ta) nhưng ông chưa từng nghĩ đến chuyện tiền học phí của các con từ đâu ra, nếu không vượt qua được cơn khốn khó này thì phải làm sao? Cô bé Hướng Viễn mười tuổi chỉ còn cách dắt cậu em trai Hướng Dĩ đi khắp nơi mượn tiền họ hàng thân thích. Hướng Dao từ nhỏ da mặt mỏng, cô giống Hướng Vân Sinh, không muốn làm những chuyện như vậy; chỉ có Hướng Dĩ, từ bé đã luôn lẽo đẽo theo chị cả, Hướng Viễn đi đâu là cậu theo đó. Hàng xóm thấy hai đứa bé đáng thương, cộng thêm Hướng Viễn hiểu chuyện lanh lợi, Hướng Dĩ ngoan ngoãn hiền lành, đều là những đứa trẻ khiến mọi người phải thương xót nên dù nhà họ cũng không dư dả gì nhưng cũng luôn đồng ý tiếp tế.
Người đối đãi tử tế nhất với nhà họ chính là thím Trâu ở cuối thôn. Khi mẹ mất, quần áo của chị em Hướng Viễn đều do thím khâu vá. Hướng Viễn cũng nghe thấy một số lời đồn đại, những người hiếu kỳ trong thôn đều nói, thím Trâu trước khi lấy chồng đã yêu Hướng Vân Sinh, chỉ tiếc là lạc hoa hữu ý, lưu thủy vô tình. Sau khi Hướng Vân Sinh cưới vợ, thím cũng được gả cho một thanh niên trí thức khác mang họ Diệp trong thôn. Sau khi hạ sinh một cậu con trai, trí thức họ Diệp quyết định trở lại thành phố, trước khi đi còn ấp úng đề nghị ly hôn, thím cũng không làm khó, đồng ý ngay. Không lâu sau, thím tái giá một người đàn ông họ Trâu, hai người ở với nhau cũng sinh ra một cậu nhóc. Vài năm sau, chồng cũ ở thành phố quay về dẫn cậu con trai lớn đi, thím ở lại với người chồng sau và đứa con nhỏ của hai người nhưng việc này không làm thay đổi tình cảm của thím Trâu dành cho chị em Hướng Viễn.
Hàm nghĩa trong những lời đồn đại đó, Hướng Viễn cũng hiểu được ít nhiều nhưng cô mặc kệ. Đối với cô, những lời nói nước chảy mây trôi đó cũng như tình cảm, đều là hư ảo, nhưng lòng hảo tâm của thím Trâu là có thật. Thậm chí cô còn tin rằng, thím Trâu giỏi giang lương thiện giúp đỡ nhà cô không phải là vì yêu thầm ông bố vô dụng của cô mà do thím tin Phật. Hướng Viễn tuy không tin Phật nhưng cô có thiện cảm kỳ lạ với những người tin Phật, vì điều gì thì chỉ mỗi cô biết.
Và cứ như thế, dựa vào sự tiếp tế của mọi người, khoảng thời gian thơ ấu của Hướng Viễn đã trôi qua trong khó khăn vất vả nhưng cũng may là vẫn còn được đi học. Đây là điều duy nhất khiến Hướng Viễn thấy cảm kích bố mình, tuy ông không có tiền nhưng cũng không có quan niệm trọng nam khinh nữ.
Bắt đầu tuổi ăn tuổi lớn, Hướng Viễn đã là trụ cột trong ngôi nhà làm nghề nông này nhưng dù gì cô vẫn còn nhỏ tuổi, lại là con gái nên những chuyện có thể làm vẫn có hạn. Cũng may sau khi ngành du lịch trong thôn phát triển, người ngoài đến thôn mỗi ngày một nhiều nên cô đã nghĩ ra ý định kiếm tiền từ du khách. Lúc học lớp tám, cô đã dẫn đường cho du khách đi một vòng ra sau núi, kiếm được mười tệ đầu tiên trong cuộc đời, nửa đêm giữ khư khư không ngủ nổi, từ đó cô bắt đầu công cuộc làm ăn của mình.
Lúc đầu, người trong thôn còn cảm thấy kỳ quặc, nói rằng không phải là nghề nghiệp chính đáng nhưng nhìn thấy người đến quá đông, Hướng Viễn cũng kiếm được mỗi lúc một nhiều nên họ từ ngưỡng mộ chuyển sang bắt chước, "ngành du lịch" của cả thôn mấy năm ấy bắt đầu khá lên rõ rệt.
Trong suốt thời gian đó, Hướng Vân Sinh luôn giữ thái độ không tán đồng. Ông không thích con gái mình làm cái chuyện "đầu cơ tích trữ", "ruồi bu vớ vẩn" này, càng không thích hạ mình với những người thành phố chỉ để kiếm vài đồng bạc nhưng ông không thể quản lý nổi Hướng Viễn bởi trên thực tế, từ ngày kiếm được thu nhập cho gia đình, Hướng Viễn đã trở thành chủ gia đình. Chính cô đã giúp người nhà không cần dựa vào tiếp tế để sống qua ngày nữa, là cô đã giúp em gái, em trai được đi học. Định nghĩa "cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc" đã khiến một hộ làm nông nhỏ bé thấy thấm thía vô cùng.
Những du khách nườm nượp kéo đến rồi đi đã khiến cuộc sống nhà Hướng Viễn mỗi lúc một khá hơn, cô tin rằng sẽ còn tốt đẹp hơn nữa, còn về tốt đến mức độ nào thì cô không tưởng tượng được. Nhưng cũng như hàm nghĩa từ "viễn" trong tên cô, trái tim của cô cũng ở một nơi xa xăm. Một người như cô sao có thể bị bó buộc cả đời ở một thôn quê nhỏ bé được? Cô sẽ vươn dài đôi cánh, bay ra khỏi thôn quê nhỏ bé này, hướng về một thế giới to lớn hơn đẹp đẽ hơn, bay đến cạnh người mà cô luôn nhớ nhung.
Thế nhưng, đúng vào lúc mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn, cũng là năm Hướng Viễn mười sáu tuổi, cô đã mất đi em trai Hướng Dĩ mà cô yêu thương nhất.
Đó là một buổi hoàng hôn, Hướng Dĩ dắt theo chú chó vàng già trong nhà, đến đầm Gà Rừng trong thôn để gọi cô chị song sinh Hướng Dao đang chơi đùa ở đó về nhà ăn cơm, từ đó không quay về nữa. Hai hôm sau, thi thể của cậu nổi lên giữa mặt đầm, căng phềnh những nước, trương lên giống một con rối được thổi phồng hơi vậy.
Đó là lần thứ hai Hướng Viễn mất đi người thân yêu nhất sau khi mẹ cô qua đời. Hướng Dĩ từ nhỏ thân thiết với cô nhất, Hướng Dĩ ngoan ngoãn hiểu chuyện nhất, Hướng Dĩ thích nũng nịu kéo dài từ cuối khi gọi "chị ơi", đã trở thành một "con rối" không động đậy rồi.
Lúc vớt Hướng Dĩ lên khỏi đầm nước, Hướng Vân Sinh khóc lóc thảm thiết, còn Hướng Dao ốm liệt giường ở nhà, chỉ mỗi Hướng Viễn không khóc, lúc ấy cô gái mười sáu tuổi Hướng Viễn bình tĩnh lo cho Hướng Dĩ dưới sự giúp đỡ của người thân trong thôn. Buổi tối, bất chấp sự ngăn cản của Hướng Vân Sinh và tiếng khóc của Hướng Dao, cô đốt sạch tất cả quần áo và một số ít hình ảnh của Hướng Dĩ. Người đã chết rồi, còn giữ lại những thứ này làm gì nữa?
Buổi tối, một mình cô trèo lên đỉnh ngọn núi phía sau thôn, đứng ở nơi cao nhất nhìn về phía bên kia của núi, chỉ thấy ánh trăng vàng vọt treo lơ lửng trên cao. Ngoài thôn là xã, ngoài xã là thị trấn, còn thế giới ngoài thị trấn nữa là gì? Mặt trăng có khi nào cũng lớn và cô độc như vòng phân cấp ấy? Tâm nguyện lớn nhất của Hướng Dĩ là sau khi trưởng thành sẽ vượt núi non ra bên ngoài ngắm nhìn mọi thứ, cậu luôn bám theo Hướng Viễn, bắt chị dẫn cậu đi, đó là lúc duy nhất cậu đòi hỏi chị mình như thế. Thực ra khi ấy, nơi xa nhất mà Hướng Viễn đi được cũng chỉ là thị trấn cách đó hơn mười dặm, thậm chí cô còn không biết ngồi xe ra khỏi nơi núi non này tốn hết bao nhiêu tiền, nên cô mới đanh mặt lại với Hướng Dĩ, cậu bé ngoan ngoãn ấy tưởng chị mình tức giận, lúc nào cũng im miệng không nói gì nữa.
Cô ngỡ cái cô cần nhất chẳng qua chỉ là thời gian, đợi khi cô mọc dài đôi cánh rồi sẽ đưa người thân của mình cùng đi ngắm thế giới hào nhoáng bên ngoài kia. Thế nhưng tại sao mọi thứ lại trở nên như vậy? Hướng Viễn không rõ. Cô chỉ mong muốn cuộc sống sẽ mỗi ngày một tốt hơn, cô nhất định sẽ có nhiều tiền hơn, nhưng tại sao những người cô yêu lại lần lượt ra đi?
Khi ấy cô vẫn không hiểu được rằng, cho dù cô là Hướng Viễn thì thế giới này vẫn còn quá nhiều việc mà cô không thể nắm bắt được.
Sau khi Hướng Dĩ mất đi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Hướng Vân Sinh mỗi ngày một uống nhiều rượu hơn, say khướt hơn, Hướng Dao lại bắt đầu thấy sợ Hướng Viễn - trong lòng cô hiểu rõ, nếu không phải do Hướng Dĩ nhảy xuống đầm cứu cô bị chuột rút, thế thì người không trở về được chắc sẽ là cô. Hướng Viễn không hề nói lời nào về chuyện này, nhưng từ ánh nhìn của chị mình, Hướng Dao đoán rằng chuyện gì chị cũng biết. Hướng Viễn thương yêu Hướng Dĩ như thế, hơn nhiều so với người chị song sinh là cô đây. Hôm chôn cất Hướng Dĩ, cô đã gọi Hướng Viễn một tiếng "chị", nhưng Hướng Viễn lại như không nghe thấy gì. Từ hôm đó trở đi, Hướng Dao không có can đảm gọi Hướng Viễn là chị nữa, tuy người chị này vẫn chăm lo kỹ càng cho cuộc sống của cô như trước đây.
Người ta nói rằng, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, câu nói này vô cùng chí lý. Mười bảy tuổi, Hướng Viễn đỗ vào trường cấp ba tốt nhất trong thị trấn, vẫn chưa kịp mừng thì trên đường về đã nghe thấy tin cha mình tử vong. Hướng Vân Sinh nghe nói con gái đỗ vào trường tốt nên nhân lúc vui sướng, đã cầm mấy đồng bạc trong tay đi ra ngoài xã mua rượu uống mừng, không ngờ giữa đường về, lúc đi ngang cây cầu treo duy nhất phải đi qua ở cửa thôn, chiếc cầu treo cũ kỹ chưa được sửa đã đứt làm hai, ông đã rơi xuống vực theo đoạn cầu gãy ấy. Lúc mọi người tìm thấy thi thể của ông, bên cạnh còn có một xác chết phụ nữ khác, đó chính là thím Trâu.
Không ai biết được, họ xuất hiện cùng lúc trên cầu có phải là trùng hợp hay không. Cuối cùng họ đã xảy ra chuyện gì, đã nói những gì, cũng vĩnh viễn trở thành một câu đố theo cái chết của hai đương sự. Thím Trâu cả đời tin Phật, nhưng có đốt hương ngày đêm lễ Phật cũng không thể nào khiến thím tránh khỏi tai họa từ trên trời rơi xuống - có lẽ, kết cuộc này là một cách bảo vệ khác cho thím của Phật Tổ chăng. Tóm lại, người đã mất thì yên lành rồi, người còn sống mới bàn tán dị nghị, tất cả mọi lời lẽ phỏng đoán đều không quan trọng nữa.
Sau khi chôn cất cha mình, Hướng Viễn cũng cảm thấy lạnh người vì khả năng thuần thục khi xử lý chuyện này của mình. Cô khinh thường cha mình, rất nhiều lúc khi ông còn sống, cô thấy ông là một phế vật, là một kẻ ăn bám, nhưng khi biết được tin ông tử vong, rất rất lâu sau cô vẫn chưa định thần lại. Huyết thống là thứ không thể hiểu nổi, cô tự hỏi mình, có thật là cô căm ghét người đã cho cô một nửa sinh mệnh này không? Hướng Dao khóc lóc thê thảm, Hướng Viễn muốn vỗ vỗ vai cô, nhưng tay không làm sao cất lên được. Ánh mắt Hướng Dao nhìn cô chằm chằm, như đang nói: "Chẳng phải chị luôn mong ngóng bố chết hay sao? Lần này ổn rồi chứ?"
Phải rồi, lần này thì ổn rồi, lần này thì sạch sẽ rồi. Cô cảm thấy trong tim mình như có một lỗ hổng, gió cứ xuyên thốc qua, tiếng vọng không ngớt… Thế giới này ai sẽ không ra đi? Người bạn yêu, người bạn hận, kể cả bản thân bạn, đều sẽ ra đi, chẳng có gì ở lại bên cạnh bạn vĩnh hằng cả. Mất đi quá nhiều, rồi cũng sẽ quen, nhưng Hướng Viễn bỗng thấy vô cùng khiếp sợ thói quen ấy, cô sợ hãi lỗ hổng trong tim mình, phải dùng thứ gì mới có thể khỏa lấp được nó đây? Nhưng thế nào rồi cũng phải tìm một thứ gì đó lấp đầy nó. Nhớ nhung? Nhớ nhung duy nhất cô gửi gắm ở nơi xa kia cũng quá mơ hồ, nếu không tìm thấy cái khác, thế thì chỉ còn tiền. Rất nhiều rất nhiều tiền, phải, cô nhất định phải kiếm ra thật nhiều tiền, tiền mới là thứ mà người ta có thể nắm trong tay được.
Không biết từ khi nào mà Hướng Viễn đã tập được thói quen mỗi tối đếm tiền ấy. Cô luôn mang tất cả số tiền dư trong người ra đếm lại một lượt thật kỹ càng trước khi đi ngủ, khi đếm xong từng tờ từng tờ, sẽ vuốt cho phẳng lại những nếp gấp trên đó, lấy giấy da bò cuộn bao lại. Trong quá trình ấy, cô luôn mang sự chân thành như một kiểu tôn giáo nào đó, cũng chỉ vào lúc này, cô mới không nghe thấy tiếng gió gào thét xuyên qua lỗ hổng trong trái tim mình.