Anh là gì trong trái tim em

Thế hệ bị lãng quên

Đó là một buổi tối như bao buổi tối bình thường khác: có nghĩa là ăn cơm xong tôi ôm ngay lấy cái máy tính để lên mạng. Tôi không hiểu tại sao nhưng chỉ cần một ngày không lên mạng là tôi lại thấy bứt rứt không yên trong lòng, mặc dù nhiều lúc cũng chẳng làm gì, chỉ là đi qua đi lại các diễn đàn xem có ai viết bài mới không hay chỉ đơn giản là ngồi ngắm những nick của bạn bè mình sáng để cảm thấy yên tâm rằng mình không cô đơn, rằng những người bạn vẫn luôn ở đó, luôn sẵn sàng bên mình khi mình cần. Lúc ấy, tôi đang lên sàn nhạc để thu bài hát “Cô gái đến từ hôm qua”. Đang bực mình vì hát mãi mà chưa có được một bản thu ưng ý thì có một người gọi tôi trên mạng. Tôi hơi ngạc nhiên vì người muốn chat với tôi là Hoài Anh, cô bạn cùng lớp đại học. Học cùng nhau hai năm rồi nhưng tôi và cô cũng chưa bao giờ trò chuyện một cách thật sự. Nói một cách khác, tôi và Hoài Anh chỉ là hai người quen chứ chưa phải hai người bạn.

Hoai Anh: Sơn ơi

Lang_tu : Ơi, Sơn đây.

Lang_tu : Có chuyện gì vậy Hoài Anh?

Hoai Anh: Ấy cũng đánh bi-a à?

Lang_tu : Ừ, đúng rồi.

Tôi mỉm cười. Thì ra Hoài Anh nhìn thấy hình avatar của tôi. Tôi để ảnh đại diện của mình là tấm ảnh đang đánh bi-a.

Hoai Anh: Ấy đánh có giỏi không?

: Không. Tớ cũng chỉ biết đánh thôi.

Hoai Anh: Vậy thì tốt. Tớ cũng đang tập đánh. Hôm nào đánh với tớ không?

: Ok. Hôm nào nhỉ?

Hoai Anh: Thứ sáu nhé. Học xong rồi đi.

: Ok.

 Hoài Anh là một cô gái bí ẩn. Cô có một nhan sắc quí phái nhưng hơi xa cách, có lẽ đó là lí do tại sao cô chưa có bạn trai. Cô ít chơi với lớp đại học mà thường đi với những người bạn cấp ba của mình, bên cạnh đó cô cũng hay trốn học, bởi thế tôi ít có cơ hội làm quen với Hoài Anh. Phải thú thực là tôi có để mắt đến Hoài Anh bởi cô rất xinh, phong cách ăn mặc vừa trẻ trung mà lại rất chín chắn, còn giọng nói thì mượt mà đúng chất con gái Hà Thành. Một lần tôi đi xem phim ở Vincom thì bắt gặp Hoài Anh đang làm PG ở đó. Vậy mà cả lớp tôi chẳng ai biết điều đó. Điều ấy khiến tôi càng khâm phục cô khi nhìn lại mình vẫn phải sống bằng tiền của bố mẹ. Dù khác nhau nhiều cái nhưng có một thứ mà tôi và cô giống nhau hay ít ra là tôi nghĩ như vậy: ánh mắt. Tôi thường thấy ở Hoài Anh một ánh nhìn chán chường, một ánh mắt xuyên qua những sự vật trước mắt cô để đến một nơi nào đó bên ngoài thế giới vật chất này…

 Thứ sáu hôm ấy, như đã hẹn, sau giờ học tôi và Hoài Anh tới quán bi-a gần trường.

Hoài Anh thích đánh chín bi hay là gì?- Tôi hỏi.

Tớ không biết đánh chín bi. Hay là đánh khoang màu nhé?

Ok.

 Tôi bèn gọi cô nhân viên xếp bóng rồi lấy hai cây gậy cho tôi và Hoài Anh. Ngay từ lúc nhìn cô đưa gậy, tôi đã biết Hoài Anh chơi rất khá. Cô đưa gậy rất thẳng nên có thể đánh những đường bi xa đến cuối bàn. Chơi với cô khiến tôi cảm thấy rất thú vị không chỉ vì được đọ tài với một đối thủ ngang tài ngang sức mà còn vì biết bao nhiêu ánh mắt đổ sang bàn của tôi. Hiếm khi có một bóng hồng ở đây mà một cơ thủ quyến rũ như vậy lại càng hiếm hơn. Khi ván đầu tiên chỉ còn một mình bi tám ở trên bàn, tôi giành được quyền quyết định trận đấu. Đó là một đường bi không dễ khi bi tám ở sát băng. Tôi tính mình phải đánh nhẹ một chút và với một cú đưa gậy chuẩn xác tôi đã đưa được bi tám vào lỗ.

Sơn đánh hay quá.

 Tôi rất vui khi được Hoài Anh khen nhưng cũng không quên đáp lại:

Hoài Anh đánh cũng hay mà. Tớ thắng nhờ may mắn thôi.

 Hôm đấy hai chúng tôi đánh tất cả bảy ván, tôi thắng 5-2. Hoài Anh cười bảo tôi:

Ấy chả nhường tớ gì cả?

Tớ chỉ nhường ai đánh kém thôi. Đánh giỏi như Hoài Anh thì cần gì tớ phải nhường.

Tớ đùa thôi. Đánh với ấy tức lắm nhưng mà vui. Chơi với người khác toàn được nhường thôi nên thắng mà chả thú vị gì cả.

 Tôi không biết mình làm thế đúng hay không. Phải chăng là tôi không ga-lăng? Dù sao thì nhìn vào ánh mắt của Hoài Anh, tôi nghĩ là mình đã làm đúng. Ánh mắt của cô vui thật sự, không còn cái nhìn rất xa mà tôi hay gặp, và… có lẽ ánh mắt tôi cũng vậy.

 Từ hôm ấy chúng tôi đã trở thành bạn của nhau. Cứ mỗi khi có dịp lớp được nghỉ hay chỉ đơn giản là không thích học, bọn tôi lại rủ nhau ra quán bi-a. Nhờ vậy, tôi và Hoài Anh cũng cởi mở với nhau hơn, bắt đầu tán gẫu về những chuyện thường ngày. Nói chuyện với cô tôi cũng cảm thấy thoái mái vì cô không hay nói xấu người khác, điều thường khiến tôi khó chịu khi nói chuyện với bọn con gái. Một lần chơi bi-a bỗng dưng Hoài Anh hỏi tôi:

Sơn có thấy hài lòng với cuộc sống của mình không?

Sao lại không?

  Tôi cười thản nhiên như thể Hoài Anh vừa hỏi một câu quá ngây thơ. Rồi tôi đánh một cú sẻ bi nhẹ nhàng cho bóng rơi xuống lỗ mười.

Tớ đang là sinh viên của một trường đại học top đầu, tớ có hộ khẩu Hà Nội, nhà tớ không giàu nhưng chẳng để tớ phải thiếu thứ gì, gia đình tớ yên ấm, tớ chẳng có việc gì lớn để lo lắng ngoài chuyện đừng để bị đuổi học, bao nhiêu người mơ ước được như tớ, tại sao tớ lại không hài lòng với cuộc sống của mình cơ chứ?

Thật không?

 Hoài Anh đã nhìn thấy cái nét chua xót trong nụ cười của tôi.

Không- tôi đáp.

Điều gì khiến ấy không hài lòng?

Tớ không muốn trở thành con người như tớ bây giờ?

Ấy muốn thành người như thế nào?

Tớ muốn trở thành một cầu thủ bóng đá – Tôi chưa bao giờ thổ lộ điều đó với ai cả.

Tại sao ấy không theo đuổi ước mơ của mình?

Vì một số lý do.

 Đó là một câu chuyện dài. Tôi biết mình có thể chơi bóng hay hơn tất cả các cầu thủ chuyên nghiệp trong nước hiện nay. Ngay từ bé tôi đã chơi bóng ngang ngửa với những anh lớn hơn mình năm, sáu tuổi. Tôi là một tay săn bàn bẩm sinh, ghi hàng trăm bàn thắng trong những trận bóng đường phố và những giải đấu cấp trường cấp thành phố. Đến năm mười lăm, mười sáu tôi bắt đầu ghi những bàn thắng bằng cách đi bóng qua bốn năm người. Tôi biết mình có những phẩm chất giống với Messi, cầu thủ đang tỏa sáng trong màu áo câu lạc bộ Barcelona. Nhưng rồi khi tôi gia nhập đội trẻ Hà Nội, chỉ nửa tháng sau tôi đã phải từ bỏ ước mơ của mình. Chúng tôi phải tập ở một sân bóng không khác gì một bãi cỏ hoang, phải ở trong một khu nhà cấp bốn nghèo nàn, được trả sáu trăm ngàn đồng một tháng để tập. Có người đã ở đó năm năm chỉ vì số lương ít ỏi đó, hầu hết cuối cùng đều bị loại ra trở thành công nhân hay một kẻ vô công rồi nghề, chỉ một số trở thành cầu thủ bóng đá và ngay cả khi ấy thì cũng hiếm người vui vẻ với cái nghề ấy bởi đối với họ đó chỉ là một thứ giúp họ kiếm sống. Cái nghèo sinh ra những tệ nạn: lô đề, cá độ, hút hít, đá phò, còn những lời tục tĩu là ngôn ngữ cửa miệng của chúng tôi. Tôi không thể hòa nhập được với môi trường ấy. Tôi buồn bã trở về nhà trong niềm hân hoan của bố mẹ. Tôi đi theo con đường họ chọn cho tôi và tự cảm thấy hài lòng với nó. Đó chỉ là vài dòng ngắn gọn mà tôi có thể kể về cuộc đời mình. Nhưng tôi chỉ nói với Hoài Anh một câu còn ngắn gọn hơn “Vì một số lý do”.

Tớ cũng giống như ấy- Hoài Anh nói.

Thật sao?- Tôi ngạc nhiên.

Tớ muốn trở thành diễn viên.

 Nghe Hoài Anh nói thế tôi chợt nhớ đến buổi dạ hội của khoa. Trong vở kịch mà khoa tôi dàn dựng, Hoài Anh đóng vai Juliét và diễn xuất tài tình của cô đã góp phần khiến cho vở diễn thu hút tất cả mọi ánh mắt của khán giả đêm hôm đó. Tôi vẫn còn ấn tượng cảnh Juliét tỉnh dậy thấy Rômêô nằm chết bên mình, khuôn mặt của Hoài Anh thực sự là khuôn mặt của người con gái đau khổ đến tuyệt vọng. Suýt nữa thì tôi đã chảy nước mắt.

Trong những buổi thuyết trình trên lớp, Hoài Anh cũng thường là nhân vật chính trong những clip ngắn mà lớp tôi quay để làm cho buổi thuyết trình thêm sinh động. Nghe Hoài Anh nói muốn làm diễn viên tôi chợt nghĩ là chẳng có lí do gì để cô không trở thành diễn viên cả.

Sao ấy không thử, Hoài Anh mà đi làm diễn viên có thể thành ngôi sao điện ảnh ấy chứ?

 Hoài Anh mỉm cười:

Tớ đã thử rồi.

 Cô cầm gậy đánh một cú sẻ bi nhưng bi cái lại rơi vào lỗ. Rồi cô quay ra nói tiếp:

Một lần tớ đi casting thử vai cho một bộ phim sắp quay. Tớ diễn rất tốt và được ông đạo diễn chú ý. Tối hôm đó ông ấy gọi điện bảo tớ hôm sau tới vòng phỏng vấn. Lúc ấy tớ rất vui cảm giác như ước mơ của mình sắp thành hiện thực. Hôm sau khi đi phỏng vấn tớ rất ngạc nhiên vì phỏng vấn gì mà lại ở một quán cà phê có ánh đèn mờ mờ và chỉ có mỗi mình lão đạo diễn ấy. Lão ấy bằng tuổi bố mình mà cứ anh anh em em tớ đã thấy khó chịu rồi. Rồi đến lúc lão ấy sán vào ngồi cạnh, hứa hươu hứa vượn một lúc mà tay thì cứ vuốt vuốt đùi mình thì tớ không chịu được nữa, tát cho lão ấy một cái rồi bỏ về. Cả đêm ấy tớ nằm khóc. Chẳng ai biết cả. Tớ chẳng nói với ai về chuyện đấy. Từ đó tớ chẳng đi buổi casting nào nữa. Về sau cái phim kia diễn viên chính là một con bé diễn chán ghê gớm, được mỗi cái cao ráo trắng trẻo. Chắc là nó chịu lên giường với cái lão đạo diễn kia.

 Trong lời nói của cô chứa biết bao nhiêu là đắng cay. Tôi đồng cảm với cô vì đã từng vui niềm vui của cô, từng đau nỗi đau của cô, nỗi đau của một tâm hồn bất lực, nỗi đau của một giấc mơ tan vỡ, nỗi đau của một thiên tài không được tỏa sáng. Đáng buồn thay, chúng tôi không phải là những người duy nhất. Trên đường đời của mình, tôi đã gặp biết bao con người như thế, những con người phải bỏ phí tài năng của mình để làm những công việc hết sức bình thường. Tôi biết những con người ấy cũng giống tôi, đều mang trong mình một nỗi buồn tê tái, ngày ngày phải nhìn những hạt giống tài năng của mình bị thui chột. Giá như không phải mang trong mình những hạt giống ấy thì họ đã có thể sống vui vẻ biết bao. Đôi khi tôi ước mình sinh ra ở một đất nước khác, một thời đại khác hoặc chỉ đơn giản là sinh muộn mười năm, hai mươi năm thôi thì mọi chuyện đã có thể khác. Tôi đang sống trong một thế hệ, một thế hệ bị lãng quên. Và tôi không muốn lại có những thế hệ bị lãng quên tiếp sau nữa.

 Trong lúc tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ thì Hoài Anh đánh một đường bi cuối cùng kết thúc ván đấu. Trái bi màu đen lăn xuống lỗ. Tiếng lộc cộc làm tôi giật mình, nghe như tiếng thở dài cho một thế hệ con người…