Trưởng lão đã thức giấc và cảm thấy mình yếu lắm, tuy vậy, Cha muốn trở dậy ra ngồi ghế bành. Cha hoàn toàn tỉnh táo; vẻ mặt Cha tuy rất mệt mỏi, nhưng tươi tỉnh, gần như vui sướng, ánh mắt vui vẻ, niềm nở, mời mọc. "Có lẽ Cha sẽ không sống qua được ngày hôm nay". - Cha nói với Aliosa: rồi Cha ngỏ ý muốn xưng tội và chịu phép ban thánh thể ngay. Giáo đạo của trưởng lão bao giờ cũng là Cha Paixi. Xong hai bí tích đến lễ xức dầu thánh. Các tu sĩ kéo đến, trai phòng dần dần đầy chật người ở tu xá. Ngày đã sáng rõ. Rồi người của tu viện cũng kéo đến. Xong lễ, trưởng lão muốn vĩnh biệt và hôn mọi người. Căn phòng chật chội, người đến trước lui ra nhường chỗ cho người khác.
Trưởng lão đã sang ngồi ghế bành, Aliosa đứng cạnh Cha. Cha nói và dạy bảo, gắng hết sức còn lại, tiếng nói của Cha tuy yếu, nhưng rắn rỏi. "Bao nhiêu năm tôi dạy bảo anh em, thành thử dường như đã thành thói quen hay nói, mà đã nói là khuyên bảo, thành thử đối với tôi im lặng hầu như còn khó hơn nói, các Cha và giáo đồ yêu quý ạ, dù là lúc yếu đau như bây giờ".
Cha nói đùa, cảm động nhìn những người xúm xít xung quanh.
Sau này Aliosa nhớ lại một số điều Cha đã nói lúc ấy. Nhưng mặc dù Cha nói rành rẽ, giọng nói khá rắn rỏi, nhưng lời lẽ khá rời rạc. Cha nói nhiều điều, dường như muốn nói hết, nói hết một lần nữa trước phút chót tất cả những gì chưa kịp nói, không phải chỉ để răn dạy, mà dường như vì khao khát chia sẻ niềm vui sướng xuất thần với tất cả mọi người, thổ lộ tâm tình một lần nữa trong đời…
'Hãy thương yêu lẫn nhau, hỡi các Cha. - Trưởng lão khuyên dạy (như sau này Aliosa nhớ lại). - Hãy yêu mến con dân của Chúa. Chúng ta không thánh thiện hơn người thế tục dù rằng chúng ta ẩn mình tu hành trong những bức tường này, trái lại mỗi người đến đây đều tự biết rằng mình đến đây tức là mình tồi tệ hơn mọi người thế tục trên trái đất… Người tu hành sống càng lâu ở nơi ẩn cư thì càng phải nhận thấy điều đó một cách nhậy bén hơn. Bởi vì nếu trái lại thì chẳng việc gì ta phải đến đây. Chỉ khi nhận rõ được rằng chẳng những ta tồi hơn mọi người thế tục, mà còn có lỗi với mọi người về mọi tội lỗi của con người, cả những tội lỗi chung của nhân loại cũng như riêng của từng người, dù khi đó mục đích thống nhất của chúng ta mới đạt được, bởi vì, hỡi các giáo hữu thân thương, nên biết rằng mỗi người chúng ta chắc chắn đều phải chịu lỗi về mọi sự và mọi người trên trái đất, không phải chỉ về lỗi chung của nhân loại, mà mỗi người riêng biệt phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người và về từng người trên trái đất này. Ý thức đó là công quả của con đường tu hành và của mỗi người trên trái đất, bởi vì người tu hành không phải loại người riêng biệt, họ chỉ là những người mà mọi người trên trái đất cùng phải được như thế. Chỉ khi ấy trái tim chúng ta mới thấm thía tình yêu vô lượng, phổ quát không biết chán. Khi ấy mỗi người chúng ta sẽ thu phục, được cả thế giới bằng tình yêu và gột rửa sạch tội lỗi của thế gian bằng nước mắt… Mỗi người hãy suy ngẫm về bản thân, hãy không ngừng xưng tội. Đừng sợ tội lỗi của mình, dù đã ý thức được tội lỗi, miễn là biết ăn năn, nhưng đừng đặt điều kiện với Thượng đế. Tôi nhắc lại, đừng kiêu ngạo. Đừng kiêu ngạo với người bé mọn, cũng đừng kiêu ngạo với người lớn lao. Đừng thù ghét nhưng người chối bỏ mình, những người bêu riếu mình, nhưng người lăng mạ mình hay vu khống mình. Đừng thù ghét những người vô thần, nhưng kẻ truyền bá điều ác, những người duy vật, kể cả những kẻ độc ác trong bọn họ, chứ đừng nói gì những người tốt, bởi vì trong số họ có nhiều người tốt, nhất là trong thời đại chúng ta. Lúc cầu nguyện hãy nhớ đến họ: lạy Chúa, hãy cứu vớt tất cả những người không có ai cầu nguyện cho, cả những người không muốn cầu nguyện. Tôi xin thêm: không phải vì kiêu ngạo mà con cầu Chúa như thế, lạy Chúa, mà vì chính con xấu xa hơn tất thảy… Hãy yêu con dân của Chúa, đừng để những người lạ đoạt mất bầy chiên, vì nếu ta ngủ thiếp đi trong sự lười nhác và kiêu căng ngạo mạn, nhất là trong sự vụ lợi thì người cửa tất cả các nước sẽ đến và lấy mất bầy chiên của ta. Hãy không ngừng giảng Phúc âm cho dân chúng… đừng bắt quyên cúng nặng nề… Đừng ham vàng bạc, đừng cất giữ. Hãy vững đức tin và giữ lấy ngọn cờ. Hãy giương cao ngọn cờ".
Trưởng lão nói rời rạc hơn so với sự mình bày ở đây mà Alecxei đã ghi lại sau này. Đôi khi Cha ngừng hẳn, như để lấy hơi sức, nhưng Cha dường như ở trạng thái xuất thần. Mọi người cảm kích nghe Cha nói tuy nhiều người ngạc nhiên về lời lẽ của Cha và thấy nó tối tăm… Sau này họ nhớ lại tất cả những lời đó.
Khi Aliosa rời khỏi phòng chốc lát, anh sửng sốt vì vẻ hồi hộp và chờ đợi của tất cả các giáo đồ tụ tập trong phòng và xung quanh phòng. Một số người gần như lo lắng, số khác thì nghiêm trang. Tất cả đều chờ đợi một cái gì vĩ đại xảy ra ngay sau khi trưởng lão mệnh một. Xét theo một góc độ nào đó, sự chờ đợi ấy chỉ là xốc nổi, nhưng ngay cả những thầy tu nghiêm nghị nhất cũng lây nhiễm tâm trạng đó. Nghiêm nghị nhất là khuôn mặt Cha Paixi. Aliosa rời khỏi phòng chỉ vì có một tu sĩ nhắn riêng anh rằng Rakitin từ thành phố đến mang theo một lá thư lạ lùng của bà Khokhlakova gửi cho anh. Bà cho Aliosa biết một tin kỳ dị, hết sức kịp thời. Số là hôm qua, trong số những người đàn bà bình dân giàu đức tin đến để tỏ lòng sùng kính trưởng lão và xin ban phước, có một bà già ở thành phố, tên là Prokhorovna, vợ một hạ sĩ quan. Bà ta hỏi trưởng lão: liệu bà có thể ghi tên xin cầu nguyện cho con trai bà, coi như người đã chết, trong lễ cầu siêu ở nhà thờ được không? Con trai bà là Vaxenka, tòng ngũ ở tận Sibir xa xôi, tỉnh Irkursk, đã một năm nay không có tin tức gì. Trưởng lão trả lời hết sức nghiêm khắc, cấm làm như vậy và bảo rằng việc làm như vậy chẳng khác gì thuật phù thuỷ. Nhưng sau đó Cha tha thứ cho bà ta về sự ngu dốt, Cha nói thêm "như đọc trong cuốn sách hậu vận" (lời bà Khokhlakova viết trong lá thư) và an ủi bà lão rằng "Vaxia con trai bà chắc chắn còn sống và chẳng bao lâu nữa sẽ về hay sẽ gửi thư về, bà cứ về nhà chờ sẽ thấy. Thế rồi thế nào? - Bà Khokhlakova hoan hỉ viết thêm, - lời tiên tri đã thành sự thực, đúng phăm phắp, thậm chí còn hơn thế nữa". Bà lão vừa về đến nhà thì người ta đưa ngay cho bà lá thư bà hằng mong đợi từ Sibir gửi về. Nhưng không phải chỉ có vậy: trong lá thư ấy, viết ở dọc đường, từ Ekaterinburg, Vaxia báo tin cho mẹ biết anh đang trên đường trở về Nga, cùng đi với một viên chức, ba tuần sau khi mẹ nhận được thư này, anh ta "hy vọng được ôm hôn mẹ". Bà Khokhlakova khẩn khoản yêu cầu Aliosa báo ngay cho Cha viện trưởng và toàn thể các giáo đồ biết 'phép lạ tiên tri" ấy đã thành sự thật: "Tất cả mọi người phải được biết điều đó!" - bà kết luận bức thư của mình bằng lời cảm thán như thế.
Thư viết một cách vội vã, sự xúc động của người viết lộ rõ trong mỗi dòng. Nhưng Aliosa chẳng cần gì phải báo tin, mọi người đã biết cả rồi: khi nhờ một tu sĩ đi tìm Aliosa, Rakitin còn nhờ ông ta "kính cẩn trình với Cha Paixi rằng y có việc muốn báo để Cha biết, nhưng việc đó quan trọng đến mức y không dám trì hoãn lấy một phút, thành thử y khấu đầu cúi xin Cha miễn thứ cho sự táo tợn của y", với vì theo yêu cầu của Rakitin, tu sĩ đã trình với Cha Paixi trước rồi, nên sau khi Aliosa đọc thư anh chỉ còn đưa Cha để Cha giữ làm tài liệu. Ngay cả một người nghiêm nghị và hoài nghi như Cha Paixi mà sau khi cau mày đọc lá thư báo tin về "phép lạ", Cha cũng không thể hoàn toàn nén được tình cảm của mình. Mắt Cha lóe lên, miệng mỉm cười nghiêm trang thấm thía. "Chúng ta sẽ còn thấy nhiều điều nữa, chứ đâu phải chỉ có thế!" Cha buột thốt lên.
- Chúng ta sẽ còn thấy nhiều điều nữa, sẽ còn thấy nhiều điều nữa! - Các tu sĩ đứng xung quanh nhắc lại nhưng Cha Paixi lại cau mày, yêu cầu tất cả mọi người tạm thời đừng nói cho ai biết "cho đến khi có bằng chứng xác thực hơn, bởi vì trong đời có nhiều chuyện vu vơ lắm, vả chăng trường hợp này cũng có thể chỉ là việc xảy ra một cách tự nhiên", - Cha nói thêm một cách thận trọng, như để khỏi áy nãy, tuy Cha gần như không tin lời giáo đầu của mình, người nghe cũng thấy rõ như vậy. Lúc ấy cả tu viện cũng như nhiêu người thể tục đến dự lễ trọng cố nhiên cũng biết như vày. Người sửng sốt hơn cả về phép lạ đã diễn ra có lẽ là thầy tu ở tu viện "Thánh Xilvexer", một tu viện nhỏ trong tỉnh Obdorsk ở phương Bắc xa xôi. Ông đã đến chào trưởng lão hôm qua, đứng cạnh bà Khokhlakova và trỏ vào cô con gái "đã được chữa khỏi bệnh" của bà ta và hỏi trưởng lão bằng một giọng xúc động: "Sao ông dám làm những việc như thế này?" bây giờ ông đã hơi băn khoăn và gần như không biết nên tin cái gì. Chiều hôm qua ông ta đã đến thăm Cha Ferapont ở một phòng tu biệt tích sau khu nuôi ong và ông sửng sốt vì cuộc gặp gỡ ấy nó để lại cho ông ta một cảm tưởng kinh khủng. Ông già ấy, Cha Ferapont, là tu sĩ cao tuổi nhất, một người thuộc giáo phái "kiêng nói", ăn uống vô cùng kham khổ mà chúng tôi đã nói ở trên, ông ta là người chống đối trưởng lão Zoxima, cái chính là chống đối chế độ trưởng lão mà ông ta coi là sự đổi mới có hại và khinh suất. Đấy là một đối thủ cực kỳ nguy hiểm, mặc dù ông ta là người "kiêng nói" và hầu như không nói năng gì với ai. Ông ta nguy hiểm chủ yếu là vì rất nhiều giáo đồ hoàn toàn đồng tình với ông ta, rất nhiều người thế tục tôn sùng ông ta là bậc công chính khổ tu vĩ đại, mặc dù chắc chắn họ coi ông ta là điên gàn. Nhưng sự điên gàn cũng có sức cám dỗ. Cha Ferapont không bao giờ đến trưởng lão Zoxima. Tuy ông ta ngụ trong tu xá nhưng ông ta không bao giờ bận tâm đến nội quy của tu xá, bởi vì ông xử sự đúng như một người điên gàn. Ông ta đã bảy mươi lăm tuổi, nếu không phải là hơn thể, ông ta ở một chỗ phía sau khu nuôi ong, nơi góc tường, trong một càn nhà gò cũ kỹ đổ nát, cất từ lâu lắm rồi, đâu từ thế kỷ trước, dành cho một thầy tu phái "giọng nói" chịu ăn uống kham khổ cũng không ai bì kịp, đấy là Cha Ivan sống đến một trăm linh năm tuổi và cho đến nay trong tu viện và các vùng lân cận, người ta vẫn đồn đại những chuyện hết sức kỳ dị về công quả của Cha. Bảy năm trước, Cha Ferapont rốt cuộc đã buộc người ta phải để ông ta đến ở căn nhà cô tịch nhất ấy, đó chỉ là căn nhà nhỏ giống nhà nguyện vì có rất nhiều ảnh thánh với vô số đèn thờ ngày đêm leo lét ở phía trước những thứ này do người đi lễ quyên cũng - và Cha Fenpont dường như là người trông coi đèn nến. Nghe nới mà cũng đúng như thế thật, Cha Ferapont chỉ ăn hai funt bánh mì trong ba ngày, không hơn. Cứ ba ngày một lần, người nuôi ong ở đây đem số bánh mì ấy đến cho Cha, nhưng Cha Ferapont cũng ít khi thốt lên lấy một lời ngay cả với người phục dịch ông như vậy. Bốn funt bánh mì ấy cùng với bánh thánh ngày chủ nhật mà Cha viện trưởng gửi đều đặn đến cho ông sau buổi lễ muộn là toàn bộ thực phẩm ông dùng trong một tuần. Nước uống trong chiếc ca thì người ta thay cho ông hàng ngày. Ít khi ông dự các buổi lễ. Những người sùng mộ đến thăm có khi thấy ông quỳ gối cầu nguyện suốt ngày, chẳng hề đứng lên và không nhìn ngó xung quanh. Nếu có nói chuyện với họ dù ông nói gọn lỏn, nhát gừng kỳ lạ và bao giờ cũng thô lỗ. Nhưng rất ít khi ông nói chuyện với khách đến thăm. Phần lớn trường hợp ông chỉ thốt lên một tiếng kỳ dị bao giờ cũng hết sức bí ẩn đối với khách, rồi sau đó, bất kể người ta nài ai thế nào, ông cũng không giải thích gì hết. Ông không có chức sắc, chỉ là một tu sĩ mà thôi. Có tin đồn lạ lùng, thực ra giữa những người ngu tối nhất, rằng Cha Ferapont tiếp xúc với thần linh và chỉ đàm luận với thần linh, vì thế Cha không chuyện trò với người trần. Ông thầy tu ở Obdorsk lần mò đến chỗ đõ ong theo chỉ dẫn của người nuôi ong cũng là một thầy tu rất ít lời và cau có, rồi ông đến phòng tu của Cha Ferapont. "Có thể Cha sẽ nói với ông vì ông là khách mới đến, mà cũng có thể ông chẳng moi được lời nào ở Cha đâu". - Người nuôi ong đã báo trước cho ông biết. Lúc đến gần, như lời ông thầy tu thuật lại sau này, trong lòng ông hết sức sợ hãi. Bấy giờ là cuối chiều Cha Ferapont đang ngồi lên một chiếc ghế băng thấp bên cửa. Trên đầu Cha, cây du cổ thụ khổng lồ rì rào cành lá. Khí lạnh chiều hôm lùa tới. Thầy tu Obdorsk phủ phục trước vị thánh hài và xin ban phước.
- Ông muốn tôi phủ phục trước ông sao, thầy tu kia? - Cha Ferapont thốt lên. - Đứng dậy đi!
Thầy tu đứng dậy.
- Hỡi người ban phước và nhận phước, ngồi xuống đây! Thầy từ đâu tới?
Điều làm cho ông thầy tu tội nghiệp kia ngạc nhiên nhất là Cha Ferapont, mặc dù hiển nhiên là ăn uống cực kỳ kham khổ và tuổi đã rất cao, nhưng nom vẫn quắc thước, thân hình cao lớn, không còng chút nào, mặt tươi tỉnh, tuy gầy nhưng khóe mạnh. Chắc chắn là vẫn sung sức lắm. Vóc dáng như lực sĩ. Mặc dù tuổi cao như thế, râu tóc chưa bạc hẳn, dày rậm, vẫn còn đen. Mắt màu xám, to, ngời sáng, nhưng, lồi hẳn ra, thậm chí khiến người ta ngạc nhiên. Khi nói thì nhấn mạnh âm "ô". Cha mặc chiếc áo armiac(1) bằng dạ thô của tù (loại dạ này trước kia có tên gọi như thế), một sợi thừng to thay dây lưng. Cổ và ngực lộ trần ra. Dưới tấm áo armiac là chiếc sơ mi bằng vải thô cực dày, gần như đen nhẻm, hàng tháng không thay. Nghe nói Cha mang trên mình, dưới tấm áo armiac những vật nặng tới ba mươi funt. Chân không bít tất đi đôi giày cũ nát bươm.
- Tôi ở một nhà tu nhỏ "Thánh Xilvextr" tỉnh Obdorsk 'tới đây. - Thầy tu mới tới nói bằng giọng khiêm nhường, cặp mát tò mò, nhưng hơi sợ hãi liếc nhanh nhìn nhà ẩn tu.
- Tôi đã đến nhà tu Xilvexer của ông. Tôi đã từng ở đấy. Xilvexer có khỏe mạnh không?
Thầy tu ngập ngừng.
- Các người ngớ ngẩn quá! Các người ăn kham như thế nào?
- Cứ theo lệ có quy định cho người khổ tu: trong tuần chay, thứ hai, thứ tư và thứ sáu nhịn ăn hẳn. Thứ ba, thứ năm thì các giáo đồ dùng bánh mì trắng, nước quả với mật ong, quả ngấy móc hay bắp cải muối trộn bột yến mạch. Thứ bảy thì canh bắp cải, miến đậu hột, cháo bột nấu bằng nước quả, món nào cũng trộn dầu cây. Chủ nhật, thêm vào canh bắp cải còn cá khô và cháo Tuần lễ thánh, từ thứ hai cho đến chiều thứ bảy, sáu ngày chỉ có bánh mì với muối, và rau thì ăn sống, lượng thức ăn cũng hạn chế thôi: không phải ngày nào cũng được ăn, mà đúng theo lệ luật về tuần đau tiên. Ngày thứ sáu trước lễ Phục sinh không ăn gì, ngày thứ bảy cũng nhịn cho đến ba giờ, sau đó ăn ít bánh mì với nước và mỗi người uống một chén rượu nho. Ngày thứ năm trước lễ Phục sinh thì chúng tôi ăn món ăn nấu chín không có bơ, uống rượu nho và dùng món ăn khô, bởi vì Giáo nghị hội ở Laodixe(2) cũng đã nói rõ như sau về ngày thứ năm trước lễ Phục sinh: "Không được bỏ nhịn ăn ngày thứ năm tuần cuối cùng mà làm hỏng cả tuần ăn chay". Ở chỗ chúng tôi tình hình là như thế. Nhưng có thấm thía gì so với Cha, thưa đức Cha vĩ đại, đã mạnh dạn lên, thầy tu nói thêm, - bởi vì suốt cả năm, ngay cả ngày lễ Phục sinh, Cha chỉ dùng bánh mì với nước lã, mà bánh mì chúng tôi ăn trong hai ngày thì Cha dùng đủ cả tuần. Sự ăn kham ghê gớm như thế của Cha thật là kỳ diệu.
- Thế còn nấm mồ trắng? - Cha Ferapont hỏi một cách đột ngột.
- Nấm mồ trắng ư? - Thầy tu ngạc nhiên hỏi lại.
- Chính thế. Tôi có thể bỏ hẳn bánh mì của họ, hoàn toàn không cần đến nó, khi ấy tôi sẽ vào rừng, sống bằng nấm mồ trắng hay trái cây, còn bọn họ ở đây không thể bỏ bánh mì được, vì vậy họ bị ràng buộc với quỷ. Hiện giờ vẫn có những kẻ tà đạo nói rằng chẳng cần gì phải ăn chay kham khổ như thế. Lời bàn của họ thật kiêu dũng và nhơ nhớp.
- Ôi đúng thế ạ. - Thầy tu thở dài.
- Thế ông đã thấy quỷ ở nhà bọn họ chưa? - Cha Ferapont hỏi.
- Ở nhà ai kia?
- Năm ngoái tôi đến nhà Cha viện trưởng vào dịp lễ Thánh linh từ đấy tôi không đến nữa. Tôi thấy ở một người thì quỷ ngồi trên ngực, nấp dưới tấm áo thụng, chỉ thò sừng ra, ở một người khác thì con quỷ từ trong túi nhìn ra, mắt láo liên, nó sợ tôi; một người khác thì quỷ náu ngay trong bụng, chỗ ô uế nhất; còn một người nữa thì quỷ bám lủng liệng ở cổ mà anh ta, không nhìn thấy nó.
- Cha… Cha nhìn thấy ư? - Thầy tu hỏi.
- Tôi nói là tôi nhìn thấy, nhìn thấu suốt. Lúc rời khỏi nhà Cha viện trưởng, tôi thấy một con quỷ nấp sau cửa trốn tôi, mà nó to ghê gớm, cao khoảng một arsin rưỡi hay hơn nữa, cái đuôi kếch sù, mầu nâu, dài, đầu đuôi lọt vào khe cửa, tôi đâu có ngu đần gì tôi sập cửa kẹp lấy đuôi nó. Nó rú rít, lồng lộn, tôi làm dấu thánh ếm nó, làm dấu ba lần. Thế là nó chết ngỏm như con nhện bị giẫm bẹp. Bây giờ hẳn là nó rữa nát ra trong góc nhà, thối inh lên, vậy mà họ không nhìn thấy, không ngửi thấy. Một năm nay tôi không đến đấy. Vì ông là người xứ lạ đến, tôi mới tiết lộ cho biết đấy.
- Lời Cha nói đến ghê rợn! Nhưng thưa Cha cao cả - thầy tu mỗi lúc một mạnh bạo hơn, - thiên hạ đồn dậy lên, thậm chí cả ở những vùng xa xôi, rằng Cha luôn luôn giao tiếp với Thánh linh phải không ạ?
- Đôi khi Thánh linh xuống đây.
- Xuống đây là thế nào ạ? Dưới hình dạng nào?
- Một con chim.
- Dưới dạng con chim bồ câu ư?
- Đấy là ông nói Thánh linh, còn đây là Đức Thánh thần. Đức Thánh thần thì khác. Ngài có thể biến thành thứ chim khác: khi thì là chim én, khi thì là chim hoàng anh, khi thì là chim sơn tước.
- Làm thế nào Cha nhận ra Đức Thánh thần ở con chim sơn tước?
- Ngài nói.
- Nói bằng tiếng gì?
- Tiếng người.
- Thế ngài nói gì với Cha?
- Hôm nay Ngài báo cho biết sẽ có một thằng ngu đến hỏi những điều nhăng nhít. Này thầy ạ, thầy muốn biết nhiều quá đấy.
- Lời Cha nói thật khủng khiếp, thưa Đức Cha cực ơn phúc và thánh thiện. - Thầy tu lắc đầu nói. Trong đôi mắt hoảng hốt của ông ta cũng lộ rõ cả vẻ ngờ vực nữa.
- Thấy có thấy cái cây kia không? - Cha Ferapont hỏi, sau một lúc im lặng.
- Ồ có thưa Đức Cha cực ơn phúc.
Đối với thầy thì đó là cây du, nhưng đối với tôi thì là hình ảnh khác Hình ảnh gì kia ạ? - Thầy tu im lặng, chờ đợi.
- Đôi khi vào ban đêm. Thầy có thấy hai cái cành kia không? Ban đêm đấy là hai cánh tay Chúa Kito giơ về phía tôi và tìm kiếm tôi. Tôi thấy rõ rành rành và run lên. Ghê sợ. Ôi ghê sợ!
- Có gì đáng sợ nếu như đấy chính là Chúa Kito?
- Chúa sẽ bắt tôi đem đi.
- Ngay lúc còn sống ư?
- Thầy không nghe nói gì về linh hồn và sự vinh hiển của đấng tiên tri Ilya à? Chúa sẽ ôm lấy và đem đi…
Tuy sau cuộc nói chuyện đó, thầy tu ở Obdorsk trở về căn phòng dành riêng cho ông ta mà trong lòng khá băn khoăn, nhưng trái tim ông ta chắc chắn ngả về Cha Ferapon hơn là Cha Zoxima: Thầy tu Obdorsk trước hết quý trọng việc ân chay, cho nên không lấy gì làm lạ rằng người ăn chay vĩ đại như Cha Ferapont "thấy những điều kỳ diệu". Lời Cha nói cố nhiên có vẻ phi lý, nhưng Chúa Trời biết những lời đó có ý nghĩa gì, mà vì đấng Kito, những thánh hài đó có những lời nói và hành động còn kỳ quặc hơn. Ông sẵn lòng thật bụng và thích thú tin chuyện con quỷ bị kẹp đuôi, chẳng những theo nghĩa bóng, mà còn theo cả nghĩa đen. Hơn nữa, trước khi đến tu viện, ông đã có thành kiến với thể chế trưởng lão mà cho đến giờ ông mới chỉ nghe kể và cũng như nhiều người khác, ông dứt khoát coi là sự đổi mới có hại. Sau một ngày ở tu viện, ông đã kịp nhận thấy một số giáo đồ xốc nổi, không ưng thể chế trưởng lão, kín đáo bàn tán với nhau. Vả chăng, bản lĩnh ông là một người hay dò xét và nhanh nhạy, chuyện gì cũng tò mò muốn biết. Bởi thế, nghe tin vẻ "phép lạ" mới của trưởng lão Zoxima, ông hết sức băn khoăn.
Sau này Aliosa nhớ lại rằng trong số các tu sĩ xúm xít gần trưởng lão và quanh phòng trưởng lão, nhiều lần anh thấy bóng dáng ông khách tò mò ấy lăng xăng, khắp nơi, đến tất cả những chỗ túm năm tụm ba; lắng nghe tất cả, dò hỏi mọi người. Nhưng lúc đó anh ít để ý đến ông ta và mãi sau này mới nhớ lại mọi chuyện… Vả chăng anh cũng chẳng bụng dạ đâu nghĩ đến chuyện ấy: trưởng lão Zoxima lại bị mệt và đã lên giường nằm bỗng mở mắt, nhớ đến anh và cho gọi anh, Aliosa lật đật đến ngay. Bên trong lão lúc ấy chỉ có Cha Paixi, Cha Ioxifvà anh tập tu Porfin. Trưởng lão chăm chú nhìn Aliosa với cắp mắt mệt mỏi và đột nhiên hỏi anh:
- Người ta đang đợi con phải không?
Aliosa ngập ngừng.
- Họ cần con phải không? Hôm qua con có hứa với ai là hôm nay sẽ đến phải không?
- Con hứa… với ba con… các anh con… những người khác nữa…
- Con thấy đấy. Nhất định con phải đến. Đừng buồn. Con nên biết. Cha sẽ chưa chết nếu chưa nói với con lời cuối cùng của Cha trên trái đất này. Cha sẽ nói với con lời đó, con ạ. Cha sẽ nói với con lời giăng dối. Cha sẽ nói với con, con yêu quý ạ, vì con yêu Cha. Còn bây giờ thì hãy đến với những người mà con đã hứa sẽ đến.
Aliosa tuân lời ngay, tuy anh đau lòng rời khỏi nơi đây. Nhưng anh vui sướng đến bằng hoàng vì Cha hứa sẽ nói với anh lời cuối cùng của Cha trên cõi đời, cái chính là coi như di tàng lại điều đó cho anh. Anh vội vã để kịp làm xong mọi việc ở thành phố và mau mau trở về. Vừa đúng lúc ấy Cha Paixi nói với anh mấy lời dặn dò gây cho anh một ấn tượng hết sức mạnh mẽ và bất ngờ. Ấy là lúc hai người ra khỏi phòng trưởng lão.
Cha Paixi nói luôn, không mào đầu gì hết.
- Anh bạn trẻ ạ, hãy luôn luôn nhớ rằng khoa học của thế gian, sau khi trở thành một lực lượng vĩ đại, đã đem mổ xẻ, đặc biệt trong thế kỷ gần đây, tất cả những gì được lưu lại cho chúng ta trong các sách thánh, và sau cuộc phân tích tàn bạo của các nhà bác học trên thế gian này thì tất cả những gì thiêng liêng trước kia không còn lại chi nữa hết. Nhưng họ gỡ tung ra từng phần mà không nhìn thấy toàn bộ, thậm chí thật đáng ngạc nhiên về sự mù quáng đến như thế. Thế mà cái toàn vẹn vẫn sừng sững trước mặt họ như trước, không gì lay chuyển nổi, và cổng địa ngục không thắng nổi nó. Chẳng phải nó đã từng sống qua mười chín thế kỷ đó sao, chẳng phải bây giờ nó vẫn sống trong sự vận động linh hồn của từng cá nhân và trong sự vận động của quan chúng nhân dân sao? Nó vẫn sống ngay cả trong sự vận động linh hồn của chính những người vô thần đã phá huỷ tất cả, nó vẫn sống như trước kia, không gì lay chuyển nổi! Bởi vì ngay cả những người chối bỏ đạo Kito và chống đạo thực ra bản thân họ vẫn cứ theo hình ảnh của Chúa, họ vẫn cứ là những người như thế, bởi vì cho đến giờ, sự tinh khôn cũng như nhiệt tâm của họ không tạo nên được cho con người và phẩm giá con người một hình ảnh nào khác cao cả hơn hình ảnh mà Chúa Kito đã vạch ra tự xưa. Mọi mưu toan thử nghiệm đều chỉ dẫn đến những cái quái gở. Con hãy nhớ kỹ điều đó, bởi vì vị trưởng lão sắp tạ thế của con sai con hoàn tục. Có thể khi nhớ tới ngày trọng đại này, con sẽ không quên cả những lời dặn dò chân tình của ta, bởi vì con còn non trẻ, mà những cám dỗ trong đời thật là ghê gớm và con chưa đủ sức chịu đựng đâu. Thôi đi đi, hỡi đứa con côi cút.
Nói đoạn. Cha Paixi ban phước cho Aliosa. Khi đã rời khỏi tu viện và ngẫm kỹ tất cả những lời bất ngờ ấy. Aliosa chợt hiểu rằng ông thầy tu nghiêm nghị và mới nay vẫn khe khắt với anh bây giờ đột nhiên trở thành người bạn mới của anh và là người hướng đạo mới yêu mến anh nồng nhiệt: hình như trưởng lão biết mình sắp mất đã gửi gắm lại anh cho Cha Paixi, "Có lẽ đúng như thế thật - Aliosa chợt nghĩ. Lời chuyển giáng bất ngờ và thâm thuý mà anh vừa được nghe, chính cái đó chứ không phải cái gì khác, chứng tỏ tấm lòng nồng nhiệt của Cha Paixi: Cha vội vã vũ trang càng sớm càng hay cho cái đầu óc non trẻ đấu tranh với sự cám dỗ và dựng nên bức thành kiên cố nhất mà Cha có thể hình dung ra được để bảo vệ cái tâm hồn non trẻ được trao lại cho Cha,
Chú thích:
(1) Một loại áo ngoài vạt dài của nông dân thời trước (N.D)
(2) Ở Laodixe, một thành phố Tiểu Á (năm 300 hay 370) có cuộc Hội nghị Giáo hội đã đề ra những quy tắc khuôn phép của Giáo hội