Anh em nhà Caramazov

Chương 3

Tống khứ được thằng Mitia lên bốn đi rồi, chẳng bao lâu sau Fedor Pavlovich lại lấy vợ. Cuộc hôn nhân lần thứ hai này được tám năm. Người vợ thứ hai này cũng rất trẻ, tên là Xofia Ivanovna, người tỉnh khác, Fedor Pavlovich nhân có một việc kinh doanh nhỏ nhặt ghé qua đây cùng với một người Do Thái. Tuy rằng y chơi bời rượu chè, trác táng, nhưng luôn luôn chăm lo bỏ vốn kinh doanh và làm ăn bao giờ cũng có lời, tuy cố nhiên hầu như bao giờ cũng khá là xỏ lá. Xofia Ivanovna thuộc loại "con nhà mồ côi", tứ cố vô thân từ bé, nguyên là con gái một viên trợ tế ngu dốt, nàng lớn lên trong gia đình. giàu có của một bà quan quyền quý đã già, vợ goá của tướng Vorokhov, bà này là ân nhân của nàng, người nuôi dạy và hành hạ nàng. Tôi không rõ chi tiết, chỉ nghe nói cô con nuôi nhu mì, hiền lành và ngoan ngoãn này đã có lần tự vẫn bằng sợi dây treo vào cái đinh trong nhà kho: cô không sao chịu đựng nổi sự trái tính trái nết và nhưng lời mắng nhiếc không lúc nào ngớt của bà già có lẽ không phải là độc ác nhưng vì ăn không ngồi rồi nên đâm ra độc đoán quá quắt.

 

Fedor Pavlovich cầu hôn, nhà gái dò biết về y và đuổi cổ y đi, thế là lại như cuộc hôn nhân trước, y rủ rê cô gái mồ côi trốn theo y. Rất có thể là nàng sẽ không đời nào theo y nếu như kịp thời biết rõ hơn chút nữa về y. Nhưng đây lại ở tỉnh khác; vả chăng cô gái mười sáu tuổi đầu có thể hiểu được gì, ngoài một điều là chẳng thà gieo mình xuống sông còn hơn ở với mẹ nuôi. Vì thế cô đánh đổi bà mẹ nuôi ân nhân lấy ông chồng ân nhân. Lần này Fedor Pavlovich không lấy được một đồng xu, vì bà tướng tức giận không cho gì cả, lại còn nguyền rủa cả hai.

 

Nhưng lần này y cũng không tính chuyện bòn tiền, y chỉ mê sắc đẹp tuyệt trần của cô gái thơ ngây, nhất là vẻ ngây thơ của nàng đã khiến y sửng sốt, mà y là kẻ dâm dật xưa nay có thói chỉ ham thích cái đẹp thô lậu của đàn bà. "Cặp mắt thơ ngây ấy như lưỡi dao cạo cứa vào tâm hồn tôi" - sau này y thường nói như vậy, vừa nói vừa cười hi hí một cách khả ố. Thế nhưng, một kẻ dâm đãng thì chỉ có thể ham mê tình dục. Không lấy được tí của nả nào, Fedor Pavlovich không nể gì vợ cả, vin cớ nàng "có lỗi" với y (nếu có thể nói như vậy) và y gần như đã cứu nàng khỏi "sợi dây oan nghiệt", ngoài ra, lợi dụng tính nhẫn nhịn và hiền lành kỳ lạ của nàng, y chà đạp cả lên những điều thông thường phải giữ gìn trong quan hệ vợ chồng. Nhà y, bất chấp sự có mặt của vợ là cái ổ truy hoan cho các ả mèo mả gà đồng kéo đến, và chúng chơi bời thả cửa. Điều đặc biệt đáng lưu ý là gia nhân Grigori, một kẻ cau có, ngu ngốc, bướng binh, hay lý sự, rất ghét bà chủ trước là Adelaida Ivanovna, lần này lại bênh bà chủ mới, vì bênh bà mà dám cãi nhau với Fedor Pavlovich một cách láo xược không thể tha thứ được xét theo thân phận đầy tớ. Có lần y còn phá đám cuộc chơi và đuổi cổ tất cả lũ đĩ điếm đã kéo đến.

 

Về sau, người thiếu phụ khốn khố, từ bé đã bị đe nạt đến khiếp nhược, mắc một thứ bệnh thần kinh của phụ nữ, thường gặp ở các bà các cô con nhà thường dân nơi thôn ổ, gọi là bệnh "ngộ dại"(1). Người mắc bệnh đó thường lên cơn thần kinh khủng khiếp, đôi khi mất trí. Tuy thế, nàng đã sinh cho Fedor Pavlovich hai con trai là Ivan và Alecxei, đứa thứ nhất trong năm đầu chung sống, còn đứa thứ hai thì ba năm sau. Khi mẹ qua đời, Alecxei hơn ba tuổi, tuy điều này thật kỳ lạ nhưng tôi biết sau đó người con nhớ mãi mẹ suốt đời, tất nhiên là như qua giấc mơ. Sau khi mẹ mất, hai đứa con lâm vào cảnh ngộ gần y hệt như đứa con đầu là Mitia: ông bố quên hẳn con và bỏ mặc chúng, chúng lại vào tay Grigori và cũng về ở nhà ông ta. Bà lão độc đoán vợ viên tước vị ân nhân nuôi dạy mẹ chúng, đã tìm thấy chúng trong căn nhà ấy. Bà vẫn còn sống, và suốt tám năm qua, bà chưa lúc nào nguôi oán hận mẹ chúng. Suốt tám năm ròng, bà vẫn nắm được tin tức hết sức xác thực về đời sống "Xofia" của bà, nghe nói nàng mắc bệnh và phải sống giữa cảnh nhuốc nhơ như thế nào, hai ba lần bà tuyên bố với những kẻ ăn bám bà: "Đáng đời nó, đấy là trời trừng phạt kẻ vô ơn".

 

Đúng ba tháng sau khi Xofia Ivanovna qua đời, bà quan đột nhiên đến thành phố chúng tôi và tới thẳng nhà Fedor Pavlovich, bà lưu lại trong thị trấn có nửa giờ, nhưng đã làm được nhiều việc.

 

Lúc ấy là buổi tối. Fedor Pavlovich, mà đã tám năm bà không nhìn mặt, say khật khưỡng ra gặp bà. Người ta kể rằng ngay tức khắc, không đòi hỏi gì cả, vừa nhìn thấy y, bà liền giáng cho y hai cái tát nên thân như pháo nổ và túm tóc giúi đầu xuống ba lần, đoạn không nói thêm lời nào, bà đi thẳng xuống nhà tìm hai đứa trẻ. Thoạt nhìn thấy chúng không được tắm rửa và áo quần bẩn thỉu, bà lập tức ban cả cho Grigori một cái bạt tai và bảo cho biết bà sẽ đem cả hai đứa về ở với bà. Rồi cứ để chúng y nguyên như thế, bà đưa chúng đi, choàng cho chúng tấm mền, cho lên xe ngựa về thành phố của bà. Grigori nhận lãnh cái tát như một tên nô lệ trung thành, không một lời hỗn xược, và khi đưa bà lão ra xe, y rạp mình vái chào, kính cẩn thưa rằng: "Trời sẽ thưởng cho cụ đã thương đến trẻ mồ côi". "Dẫu sao mày vẫn là thằng ngu!" - bà quan quát vào mặt y lúc xe chuyển bánh. Khi đã hiểu rõ sự tình, Fedor Pavlovich thấy như thế là tốt và chính thức ưng thuận để bà cụ nuôi dạy hai trẻ không bác bỏ một điều khoản nào cả. Rồi y đi khắp thành phố kể lể về hai cái tát đã được nhận lãnh.

 

Ít lâu sau bà cụ từ trần, nhưng bà di chúc để lại cho mỗi đứa trẻ một ngàn rúp "cho chúng ăn học, toàn bộ số tiền ấy nhất thiết chỉ chi cho chúng, nhưng sao cho đủ dùng đến tuổi thành niên, vì đối với những đứa trẻ như thế, khoản bố thí như thế cũng là quá hậu, còn ai hằng tâm cho thêm thì tuỳ ý", vân vân và vân vân. Tôi không chính mắt đọc chúc thư, nhưng nghe nói đúng là có một chỗ kỳ dị đại loại như thế và diễn đạt một cách quá ư độc đáo Được cái người thừa kế chủ chốt tài sản của bà lão là người chính trực, thủ lĩnh giới quý tộc tỉnh đó, ông Efim Petrovich Polenov. Sau khi trao đổi thư từ với Fedor Pavlovich và đoán ra ngay rằng không hòng gì y bỏ tiền ra cho việc giáo dục các con y (tuy y không bao giờ từ chối thẳng thừng, mà những lần như vậy y chỉ tìm cách dây dưa, thậm chí đôi khi còn bày tỏ lòng thương con), ông bèn đích thân chăm lo cho hai trẻ mồ côi, đặc biệt ông yêu đứa em, Alecxei, vì vậy một thời gian dài Alecxei sống trong gia đình ông. Tôi xin độc giả lưu ý điều này ngay từ đầu. Nếu có người nào mà hai chàng trẻ tuổi phải suốt đời ghi nhớ công ơn dưỡng dục và học hành thì đấy chính là Efim Petrovich, một trong những người cao quý và nhân đức nhất hiếm có thời nay. Ông giữ nguyên số tiền một nghìn rúp mỗi đứa mà bà lão để lại cho chúng không đụng gì đến, thành thử khi họ đến tuổi thành niên, số tiền đó tinh cả lãi, lên đến hai nghìn rúp mỗi phần, ông bó tiền riêng cho chúng ăn học, và dĩ nhiên phí tổn cho mỗi đứa hơn một nghìn rúp nhiều. Lúc này tôi chưa kế tỉ mỉ về thời niên thiếu và thời thanh niên của họ, chỉ nêu ra những cái chính mà thôi. Tuy nhiên về thằng anh, Ivan, tôi chỉ nói rằng lớn lên nó trở thành một thiếu niên cau có, kín đáo hoàn toàn không phải là nhút nhát, nhưng dường như ngay từ mười tuổi nó đã thấu hiểu rằng hai anh em dù sao vẫn sống nhờ nhà người, trông vào ân huệ của người ta, rằng bố của chúng là một kẻ mà chỉ nhắc đến cũng đáng xấu hổ, vân vân và vân vân. Từ rất sớm, hầu như từ thuở ấu thơ (ít ra người ta cũng đồn đại như thế ), thằng bé này đã tỏ ra có khả năng phi thường, xuất chúng trong học tập. Tôi không biết đích xác, nhưng khoảng năm mười ba tuổi, Ivan đã rời khỏi gia đình Efim Petrovich để vào học một trường trung học Moskva và trọ nơi một nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, nổi tiếng thời ấy, bạn thời thơ ấu của Efim Petrovich. Sau này chính Ivan kể lại rằng mọi việc xảy ra có thể nói là do "lòng sốt sắng làm việc thiện" của Efim Petrovich, ông say mê với ý tưởng là một cậu bé có thiên tài phải được thụ huấn một nhà giáo dục thiên tài. Tuy nhiên cả Efim Petrovich và nhà giáo dục thiên tài đều không còn khi Ivan tốt nghiệp trung học và vào đại học. Bởi vì Efim Petrovich vụng thu xếp và việc nhận số tiền bà quan đã di chúc dành riêng cho bọn trẻ cứ kéo dài mãi do những thủ tục và sự dây dưa không tránh khỏi ở nước ta (số tiền ấy tính cả lãi đã lên đến hai nghìn mỗi phần), nên trong hai năm đầu ở đại học, chàng trẻ tuổi hết sức lao đao, vì vừa phải tự lo việc ăn ở vừa theo học. Nên chú ý rằng chàng thậm chí không muốn thứ viết thư cho bố, có lẽ vì hãnh diện, vì khinh miệt bố, mà cũng có lẽ sự suy đoán tỉnh táo lạnh lùng mách bảo chàng rằng đừng hòng bố sẽ dành cho một sự giúp đỡ nào ít nhiều đáng kể. Dù sao chàng không hề rối trí và đã tìm được việc làm, mới đầu là dạy học mỗi buổi hai mươi kopek, rồi chạy đến các toà soạn báo với những bài viết chừng mươi dòng về những chuyện xảy ra trên đường phố, ký tên "Người mục kích". Nghe nói những bài ấy bao giờ cũng rất thú vị và giật gân, thành thử chúng mau chóng được ưa chuộng, chỉ riêng việc đó chàng trẻ tuổi cũng đã tỏ ra hơn hắn về mặt thực tế cũng như trí tuệ so với vô vàn sinh viên nam nữ của chúng ta ở các thủ đô, những kẻ suốt đời túng thiếu và khốn khổ, thường vẫn sớm tối đến gõ cửa các toà báo và tạp chí, song chẳng nghĩ ra được cách gì hơn ngoài việc lặp đi lặp lại mãi vẫn một đề nghị xin được dịch từ tiếng Pháp hay chép lại bản thảo. Đã bắt mối được với các toà soạn, Ivan Fedorovich không lúc nào để mất quan hệ và trong những năm cuối cùng ở đại học, chàng bắt đầu ra mắt với những bài điểm sách có giá trị về những đề tài chuyên môn khác nhau vì vậy thậm chí trở nên nổi tiếng trong giới văn học. Tuy nhiên, mãi đến gần đây nhất, chàng mới tình cờ giành được sự chú ý đặc biệt của một số độc giả đông hơn nhiều, vì vậy hồi ấy lập tức chàng được nhiều người để ý và ghi nhớ. Đấy là một trường hợp khá lạ lùng. Ở đại học ra và sửa soạn ra nước ngoài với số vốn hai ngàn rúp, Ivan Fedorovich đột nhiên cho đăng trên tờ báo lớn một bài kỳ đã khiến cho cả những người không chuyên môn cũng phải chú ý, nhất là bài đó viết về một đề tài có lẽ là hoàn toàn xa lạ với tác giả, bởi vì Ivan tốt nghiệp bộ môn khoa học tự nhiên. Bài đó viết về một vấn đề đang được bàn luận ở khắp nơi: vấn đề toà án giáo hội. Sau khi phân tích những ý kiến đã có về vấn đề này, tác giả đưa ra quan điểm riêng của mình. Đáng kể nhất là giọng văn và kết luận hết sức bất ngờ.

 

Thế nhưng nhiều giáo sĩ dứt khoát cho rằng tác giả đứng về phía họ. Đồng thời, không chỉ riêng những người thế tục, mà cả những người vô thần cũng hoan hô người viết. Cuối cùng một số người tinh ý cả quyết rằng tất cả bài báo chỉ là một trò đùa nhả và giễu cợt táo tợn. Tôi đặc biệt nhắc đến vụ này vì bài báo ấy đã lọt đến cả tu viện trứ danh của chúng tôi ở gần thành phố, đúng lúc ở đấy người ta đang quan tâm đến vấn đề toà án giáo hội vừa nảy sinh, và nó làm cho người ta hết sức băn khoăn. Được biết tên tác giả, người ta càng chú ý hơn vì anh ta là người thành phố này và là con của "chính Fedor Pavlovich ấy". Vừa hay đúng lúc ấy tác giả xuất hiện.

 

Ivan Fedorovich về nhà làm gì, tôi còn nhớ, ngay hồi ấy tôi cũng đã tự hỏi với một cảm giác hầu như lo lắng. Chuyến viếng thăm tai hại ấy, bước khởi đầu của bao nhiêu hậu quả, đối với tôi cho đến mãi về sau, hầu như bao giờ cũng là điều khó hiểu. Nói chung cô điều lạ là một chàng trai thông thái như thế, dáng vẻ kiêu hãnh và thận trọng như thế bỗng dưng lại phơi mặt ra ở một nhà tai tiếng như thế để gặp một òng bố suốt đời không biết đến anh ta, không biết mặt và không hề nhớ đến anh ta và mặc dù chắc chắn là không đời nào chịu cho con tiền nếu như anh ta có hỏi xin đi nữa, nhưng suốt đời vẫn cứ sợ các con trai Ivan và Alecxei sẽ có lúc về đòi tiền. Áy vậy mà chàng trai về nhà ông bố như thế, một tháng rồi hai tháng, và hai bố con rất hoà thuận với nhau. Không phải chỉ riêng tôi mà nhiều người rất đỗi ngạc nhiên về chuyện đó. Petr Alecxandrovich Miuxov mà tôi đã nói đến ở trên, người họ hàng xa của Fedor Pavlovich về bên vợ trước, dịp ấy lại có mặt ở vùng chúng tôi, trong dinh cơ của mình ở ngoại ô (ông đã đến ở hẳn Paris, hạ cố về thăm quê hương). Tôi nhớ, chính ông ngạc nhiên hơn ai hết khi đã quen biết chàng trai mà òng rất thú và đôi khi không khỏi đau lòng, ông vẫn tranh tài biện bác với anh ta. "Hắn là đứa kiêu hãnh - ông nói với chúng tôi về chàng ta. - Bao giờ hắn cũng có cách kiếm ra tiền, ngay bây giờ hắn cũng có tiền để ra nước ngoài, thế thì hắn cần quái gì ở đây nhi? Ai nấy đều biết hắn về gặp bố không phải để xin tiền, vì dù thế nào thì bố hắn cũng không nhả ra. Rượu và gái hắn không thiết, vậy mà lão già không thể không cần đến hắn, hai bổ con ăn ý nhau lắm!". Đấy là sự thật. Chàng trai có ảnh hưởng trông thấy đối với ông già. Lão đôi khi dường như nghe lời con, tuy lão ngang chướng đến điều, thậm chí là hung hãn: vậy mà đôi khi láo bắt đầu tỏ ra lịch sự hơn…

 

Sau này mới biết rằng Ivan Fedorovich về nhà phần nào là theo yêu cầu của anh mình là Dmitri Fedorovich và vì công việc của anh. Có thể nói chính nhân dịp này, chính trong lần về này mà Ivan biết mặt anh, nhưng trước khi rời Moskva về đây, chàng đã có trao đổi thư từ với Dmitri Fedorovich về một việc quan trọng liên can đến ông anh nhiều hơn. Đây là việc gì, lúc nào cần độc giả sẽ được biết đầy đủ và tỉ mỉ. Thế nhưng ngay cả khi tôi đã biết cái điều đặc biệt ấy, tôi vẫn cứ cảm thấy Ivan Fedorovich là người bí hiểm, còn việc chàng về đây vẫn cứ là điều không thể giải thích được.

 

Xin thêm rằng Ivan có vẻ là người trung gian hoà giải giữa bố và anh, Dmitri Fedorovich đã xích mích lớn với bố và định đâm đơn kiện bố.

 

Gia đình ấy, tôi nhắc lại, lần đầu tiên trong đời xum họp đầy đủ, và một số người trong gia đình lần đầu tiên thấy mặt nhau.

 

Duy có người con út Alecxei Fedorovich, đã ở đây từ một năm trước, như vậy là đến đây trước các anh. Chính anh chàng Alecxei ấy là người mà tôi gặp khó khăn nhiều nhất khi nói đến anh ta trong câu chuyện mở đầu này trước khi đưa anh ta lên sân khấu trong bộ tiểu thuyết. Nhưng sẽ phải viết phần mào đầu về anh ta, ít ra là để sơ bộ làm sáng tỏ một điểm rất lạ, ấy là: tôi buộc phải giới thiệu nhân vật sắp tới của tôi với độc giả ngay từ cảnh đầu thiên tiểu thuyết của anh ta, trong bộ áo người tập tu. Đúng thế. anh ta đã sống ở tu viện vùng chúng tôi ngót một năm và hình như đang chuẩnh bị giam mình trong đó suốt đời.

 

Chú thích:

(1) Tiếng Nga là "klikusestvo", một thứ bệnh thần kinh hay có ở người phụ nữ, người bệnh lên cơn co giật, đồng thời gào rú lên (N.D)