Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 25

“Chào, Vincent đây”.

“Chào. Có đúng như những gì mình vừa nghe không?”

“Cậu nghe thấy gì?”

“Rằng cậu đã đánh cắp bức Van Gogh”.

“Đã báo cho cảnh sát chưa?”

“Chưa, ông ta không dám liều như vậy đâu, ít nhất bởi vì giá cổ phiếu của công ty đang giảm mạnh và vì bức tranh chưa được bảo hiểm”.

“Vậy ông ta định làm gì?”

“Ông ta sẽ cử một người tới London để truy tìm cậu, nhưng không biết đó là ai”

“Có thể khi họ tới London, mình đã rời khỏi đó”.

“Cậu đi đâu?”

“Ve nhà”.

“Và bức tranh đã an toàn rồi chứ?”

“An toàn tuyệt đối”.

“Hay lắm, nhưng còn một chuyện nữa mà cậu cần phải biết”.

“Chuyện gì vậy?”

“Fenston sẽ dự đám tang của cậu vào chiều nay”.

Điện thoại ngắt. Bốn mươi hai giây. Anna gác ống nghe và cảm thấy lo lắng cho Tina. Cô đã đặt bạn mình vào một hoàn cảnh quá nguy hiểm. Fenston sẽ làm gì nếu ông ta phát hiện ra lý do tại sao cô luôn đi trước ông ta một bước?

Cô bước lại bàn làm thủ tục.

“Cô có đem theo hành lý gì không?” người phụ nữ ngồi sau quầy hỏi. Anna lấy chiếc thùng màu đỏ ra khỏi xe đẩy và đặt lên cân. Sau đó cô đặt chiếc vali cạnh chiếc thùng.

“Hơi quá cân một chút, thưa bà”, người phụ nữ nói. “Tôi e là bà phải trả thêm tiền, 32 bảng”. Anna rút ví ra và lấy tiền đưa cho người phụ nữ.

Cô ta dán một chiếc nhãn lên vali của cô và đính một chiếc nhãn khác có dòng chữ “Dễ vỡ” lên chiếc thùng màu đỏ. “Cổng 43”, cô ta vừa nói vừa đưa vé cho Anna. “Ba mươi phút nữa sẽ mở cửa. Chúc một chuyến bay bình an”.

Anna bước về phía phòng chờ khởi hành.

Dù Fenston phái ai tới London để tìm cô, kẻ đó chắc chắn sẽ chỉ có mặt ở thành phố này sau khi cô đã cất cánh. Nhưng Anna hiểu rằng chỉ cần bọn họ đọc kỹ bản báo cáo của cô, họ sẽ biết bức tranh cuối cùng sẽ được đưa tới đâu. Anna chỉ cần đảm bảo rằng cô sẽ tới đó trước họ. Nhưng trước tiên cô phải gọi điện thoại cho một người mà đã mười năm nay cô không hề liên lạc, để báo trước cho người đó biết rằng cô đang trên đường đi. Anna đi thang máy lên tầng hai và đứng vào hàng người đang chờ để qua cửa kiểm tra. “Cô ta đang đi về phía cổng 43”, một giọng nói cất lên, “và sẽ lên chuyến bay BA 272 tới Bucharest khởi hành lúc 7:44 phút...”

***

Fenston cố len vào một hàng người gồm toàn những nhân vật tai to mặt lớn khi Tổng thống Bush và Thị trưởng Giuliana bắt tay với các nhân vật đại diện cho những người tham dự buổi lễ tại Bãi Trống.

Ông ta quanh quẩn ở đó cho đến khi chiếc trực thăng của Tổng thống đã cất cánh rồi mới tìm chỗ đứng lẫn vào đám đông những người đang tham dự lễ tang, ông ta đứng ở cuối đám đông và lắng nghe những cái tên được đọc to lên. Mỗi cái tên đi kèm với một tiếng chuông.

Greg Abbot

Ông ta nhìn quanh đám đông.

Kelly Gullickson

Ông ta nhìn kỹ khuôn mặt những người thân của các nạn nhân đang tập trung để tưởng nhớ những người thân yêu của họ.

Anna Petrescu

Fenston biết mẹ của Petrescu sống ở Bucharest và không có mặt trong buổi lễ này. Ông ta chăm chú quan sát những con người xa lạ đang đứng quanh mình, và băn khoăn không hiểu ai trong số họ là Bác George, đến từ Danville, Illinois.

Rebecca Rangere

Ông ta liếc nhìn Tina. Nước mắt đang chảy ròng ròng trên khuôn mặt chị, chắc chắn không phải là dành cho Anna Petrescu.

Brulio Real Polanco

Vị tu sỹ cúi đầu. Ông đọc lời cầu nguyện, rồi gấp cuốn Kinh Thánh lại và làm dấu chữ thập. “Nhân danh Cha, Con và Thánh thần”, ông nói to.

“Amen”, đám đông đồng thanh đáp lại.

***

Tina nhìn sang chỗ Fenston, không một giọt nước mắt, chỉ có kiểu đổi chân quen thuộc cho thấy ông ta đang buồn chán. Trong khi những người khác đứng tụm lại thành từng nhóm nhỏ để tưởng nhớ những nạn nhân của vụ khủng bố, Fenston bỏ đi mà không nói với ai một lời nào. Ông ta một mình bước ra chỗ chiếc xe đang chờ mình ở bên ngoài.

Tina đứng giữa mấy người đang than khóc, nhưng mắt chị không rời Fenston. Tài xế đang giữ cánh cửa xe cho ông ta. Fenston bước lên xe và ngồi cạnh một người phụ nữ mà Tina chưa từng gặp bao giờ. Không ai nói một lời nào cho đến khi người tài xế đã ngồi vào sau vô lăng, bấm một chiếc nút trên bảng điều khiển và tấm kính màu khói nâng lên ngăn cách anh ta với hai người ngồi sau. Rồi chỉ trong tích tắc, chiếc xe đã hoà vào dòng xe cộ trên đường. Tina nhìn theo cho đến khi nó khuất hẳn. Chị hy vọng Anna sắp gọi cho mình - có quá nhiều điều cần báo cho Anna biết và giờ đây chị còn phải tìm hiểu xem người phụ nữ ngồi trong xe với Fenston là ai. Bọn họ có nói chuyện về Anna không? Phải chăng Tina đã đưa bạn mình vào một tình huống nguy hiểm không đáng có? Bức Van Gogh hiện đang ở đâu?

Người phụ nữ ngồi cạnh Fenston mặc một bộ đồ màu xám. Bình thường như bao nhiêu người bình thường khác là thứ mà cô ta cần. Cô ta chưa bao giờ đặt chân đến phòng làm việc hay phòng ở của Fenston, cho dù cô ta đã quen biết Fenston gần hai chục năm nay. Cô ta gặp Fenston lần đầu khi ông ta còn là tay chân của Tổng thống Nicolae Ceausescu.

Nhiệm vụ chủ yếu của Fenston trong triều đình Ceausescu là chuyển những khoản tiền khổng lồ vào vô số các tài khoản ở khắp nơi trên thế giới - những khoản tiền thưởng dành cho đám tay sai trung thành của kẻ độc tài. Khi một kẻ nào đó trong đám tay sai ấy không còn trung thành nữa, người phụ nữ ngồi cạnh Fenston trừ khử kẻ đó, và Fenston phân phối lại những tài sản của kẻ xấu số. Tài năng đặc biệt của Fenston là rửa tiền, tại những nơi xa xôi như Cook Islands và tại những nơi ngay sát hông nhà như Thụy Sỹ. Còn chuyên môn của cô ta là giết người - công cụ của cô ta là dao làm bếp, có sẵn ở khắp nơi, và không cần đến ống giảm thanh.

Cả hai đều biết, theo nghĩa đen, những cái xác kia được chôn ở đâu. Vào năm 1985, Ceausescu quyết định cử người của mình tới New York để mở một chi nhánh ngân hàng riêng ở hải ngoại cho ông ta. Trong khoảng thời gian bốn năm sau đó, Fenston mất liên lạc với người phụ nữ hiện giờ đang ngồi bên cạnh ông ta, cho mãi đến năm 1989, khi Ceausescu bị bắt, bị đưa ra xét xử và bị tử hình vào ngày Giáng sinh. Trong số những kẻ thoát được số phận này có Olga Krantz. Cô ta đã vượt qua biên giới của bảy quốc gia trước khi tới Mêhicô, rồi từ đó vượt biên sang Mỹ để trở thành một trong vô số những kẻ nhập cư trái phép không có bảo hiểm thất nghiệp và được một ông chủ vô lương tâm thu nạp. Ông chủ ấy đang ngồi cạnh cô ta Fenston là một trong số ít những người biết được lý lịch nhân thân thực sự của Krantz. Lần đầu tiên ông ta trông thấy Krantz là khi cô ta xuất hiện trên truyền hình lúc mới 14 tuổi với tư cách là một vận động viên thể dục dụng cụ của Romania trong cuộc đua tài với Liên Xô.

Krantz được xếp thứ hai, sau đồng đội của mình là Mara Moldoveanu, và báo chí lúc bấy giờ đã bắt đầu nói đến huy chương vàng và huy chương bạc dành cho họ tại kỳ Olimpic tiếp theo. Đáng tiếc là cả hai người này đều không có cơ hội sang Moscow. Moldoveanu chết trong một tai nạn thương tâm khi bị ngã gẫy cổ lúc đang luyện tập. Lúc đó trong phòng tập chỉ có hai người là Moldoveanu và Krantz. Krantz thề sẽ giành huy chương vàng để tưởng nhớ bạn mình.

Những gì xảy ra với Krantz không đáng sợ như tai nạn đã xảy ra với Moldoveanu. Cô ta bị bong gân khi đang khởi động để luyện tập chỉ vài ngày trước khi thế vận hội Olimpic được khai mạc. Cô ta biết mình chẳng còn cơ hội thứ hai. Giống như những vận động viên chưa có một thành tích thực sự xuất sắc nào, tên tuổi của cô ta nhanh chóng biến mất trên mặt báo. Fenston tưởng sẽ không bao giờ nghe nói đến tên cô ta nữa, cho đến một buổi sáng nọ khi ông ta nghĩ mình đã trông thấy Krantz bước ra khỏi văn phòng của Ceausescu. Cô gái kia trông có vẻ già hơn đôi chút, nhưng vẫn cái dáng đi thoăn thoắt ấy và không ai có thể quên được đôi mắt lạnh ánh thép kia. Chỉ cần vài câu hỏi đúng chỗ và Fenston đã biết rằng Krantz lúc này đã là đội trưởng đội cận vệ của Ceausescu. Công việc chính của cô ta là bẻ gãy xương những ai dám cản đường kẻ độc tài và vợ ông ta. Giống như mọi vận động viên khác, Krantz muốn trở thành cao thủ số một trong nghề của mình. Sau khi đã đạt đến mức siêu hạng trong ngón bẻ tay, bẻ chân, bẻ cổ, Krantz chuyển sang ngón “cắt họng”, một ngón nghề mà không ai có thể tranh cướp huy chương vàng với cô ta. Những giờ luyện tập miệt mài đã dẫn đến sự điêu luyện. Trong khi những người khác đi xem bóng đá hay xem phim vào tối thứ Bẩy, cô ta lại chui vào một lò sát sinh ở ngoại ô Bucharest. Cô ta dành kỳ nghỉ cuối tuần để luyện tập kỹ năng “cắt họng” trên cừu và bê. Kỷ lục Olimpic của cô ta là 42 cái họng trong một giờ.

Không một ai trong cái lò sát sinh ấy có thể bì với cô ta.

Ceausescu trả công cho cô ta rất hậu. Fenston trả cho cô ta còn hậu hơn. Điều khoản hợp đồng lao động của Krantz rất đơn giản. Cô ta phải có mặt 24/24 giờ, và không được làm việc cho bất kỳ một ai khác. Trong vòng 12 năm, khoản tiền công của cô ta đã tăng từ 250 nghìn bảng lên một triệu bảng. Cảnh chạy ăn từng bữa của dân nhập cư bất hợp pháp hoàn toàn xa lạ đối với Krantz. Fenston rút một tập hồ sơ trong cặp ra rồi đưa cho Krantz mà không nói một lời nào. Cô ta lật trang bìa ra và nhìn kỹ năm tấm ảnh mới chụp của Anna Petrescu.

“Hiện nay cô ta đang ở đâu?” Krantz hỏi bằng một giọng Trung Âu đặc sệt.

“London”, Fenston trả lời, trước khi ông ta đưa cho Krantz một tập hồ sơ nữa.

Cô ta lại mở tập hồ sơ ra và lần này chỉ có một tấm ảnh duy nhất. “Ai vậy”, cô ta hỏi.

“Ông ta còn quan trọng hơn cả Anna Petrescu”, Fenston trả lời.

“Sao lại có thể như thế?” Krantz vừa hỏi vừa xem kỹ tấm ảnh.

“Bởi vì ông ta là kẻ không thể thay thế”, Fenston nói, “không giống như Petrescu. Nhưng làm gì thì làm, không được giết cô ta trước khi cô ta đưa cô tới chỗ bức tranh”.

“Nếu cô ta không làm điều đó thì sao?”

“Cô ta sẽ làm điều đó”, Fenston nói. “Còn khoản tiền công của tôi cho việc bắt cóc một gã đã cụt sẵn một tai là bao nhiêu?” Krantz hỏi.

“Một triệu đôla. Trả trước một nửa, nửa kia sẽ được trả nốt khi cô giao ông ta cho tôi, còn nguyên vẹn”.

“Thế còn cô gái kia?”

“Cũng thế, nhưng cô chỉ được nhận tiền sau khi tôi đã tham dự đám tang thứ hai của cô ta”. Fenston gõ nhẹ lên tấm kính trước mặt và tài xế cho xe dừng lại bên lề đường. “Tiện đây xin nói thêm”, Fenston nói, “tôi đã chỉ đạo cho Leapman gửi tiền vào chỗ cũ, như mọi khi”. Krantz gật đầu, mở cửa xe, bước ra ngoài và biến mất trong đám đông.



15/9