Án Tử Một Tình Yêu - The Death Of A Love

Chương 17

Bên trong tòa án đã có người ngồi ở các dãy ghế. Và Du thoáng bất động bởi thấy ngay hàng ghế đầu là hai vợ chồng trung niên đeo khăn tang, tay cầm di ảnh của con trai là bác sĩ Dương. Họ nhìn Du bằng đôi mắt vô cảm đầy trách cứ, lạnh băng đến tê tái. Du thấy cả người run lên, tim đập thình thịch và mồ hôi tuôn ra. Cảm giác như đôi mắt căm hận của đôi vợ chồng ấy không ngừng dõi theo từng bước chân nặng trịch của kẻ thủ phạm đã giết chết con mình. Điều ấy khiến Du sợ hãi.

Chánh án, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã có mặt. Không lâu sau phiên tòa bắt đầu. Du đứng trước vành móng ngựa chờ nghe Thư ký tòa án đọc nội dung cuộc xét xử hôm nay. Rồi đến luật sư bên tố tụng và bên biện hộ lần lượt nêu lên những ý kiến của mình. Nhân chứng được triệu tập, các chứng cứ cũng được đưa ra đầy đủ.

Tự dưng Du thấy mọi thứ trở nên mơ hồ. Du nghe Chánh án hỏi rồi trả lời, dù bản thân thật sự chưa định hình rõ những câu hỏi đó cũng như mình đã trả lời những gì. Điều Du bận tâm là lời bàn luận xôn xao của những người dự phiên tòa, tiếng khóc sụt sùi của cha mẹ bác sĩ Dương. Thậm chí Du còn nghe văng vẳng bé Oanh đang gọi mẹ...

Phiên tòa kéo dài gần một tiếng rưỡi. Sau khi Chánh án và Hội thẩm nhân dân thống nhất kết quả, bản án cuối cùng được đưa ra: Tuyên án tử hình bị cáo Vân Du! Bị cáo có thể kháng án trong mười ngày! Phiên tòa vừa kết thúc là đồng loạt các âm thanh hô hào vang lên. Du tiếp tục bị công an đưa ra ngoài xe. Du bị đám đông bu quanh, la ó chửi bới.

- Con gái mà sao ác quá!

- Còn trẻ mà giết hai mạng người luôn!

- Giết mẹ kế vì tiền rồi giết bác sĩ vô can nữa chứ! Tử hình là đúng!

Du nhắm mắt khi nghe những lời mắng nhiếc. Bỗng, Du nghe tiếng ông Thạch và bé Oanh cất lên thất thanh. Du liền mở mắt ra và thấy cha bế bé Oanh đang cố chen qua đám đông cuồng nộ kia để đến gần mình. Người cha già không ngừng kêu tên con gái trong nỗi xót xa nghẹn ngào. Còn bé Oanh thì vừa khóc vừa dang tay như cố ôm lấy mẹ. Du nghe con gọi "mẹ ơi, mẹ ơi" mà không kìm nổi nước mắt. Hai ông cháu cứ bị xô đẩy trong cảnh nhốn nháo người và người. Lúc bé Oanh ôm được cổ Du thì bị công an đẩy ra xa để đưa phạm nhân lên xe. Đúng lúc, tiếng ai gào lên khiến tất cả giật mình:

- Trả con trai cho tôi! Cô mau trả lại nó cho tôi! Cô là ác quỷ!

Mọi người trông thấy mẹ của bác sĩ Dương vừa ôm di ảnh con vừa lao đến với vẻ kích động, liên tục khóc thảm thiết. Bà cố hết sức chen qua đám đông để đến gần và giơ tay quờ quạng như muốn đánh vào người Du. Nỗi bần thần khiến Du chẳng biết làm gì ngoài việc đứng yên để mặc các công an ngăn bà ấy lại. Người chồng cũng chạy đến ngăn vợ, sau đó nhìn Du bằng ánh mắt căm phẫn.

Sau cùng, Du cũng được đưa lên xe sau cảnh hỗn loạn nãy giờ. Nhóm công an có vẻ mệt nhọc, còn Du ngồi yên lặng với hàng tá suy nghĩ ngổn ngang. Trước khi xe chạy đi, Du cố nhìn qua khe hở chỉ để thấy đôi vợ chồng trung niên bật khóc đau đớn. Và đằng sau các gương mặt đỏ bừng vì nắng trưa là cảnh bé Oanh đang nức nở trên vai ông ngoại.

*****

Với bản án tử hình, Du không thể ở lại buồng giam số 5 được nữa mà sẽ bị đưa đến khu biệt giam dành cho những tử tù chờ ngày trả án. Đó là nỗi buồn thương của tất cả chị em bạn tù khi thấy Du thu xếp quần áo đồ đạc. Chẳng ai nói gì mà chỉ nhìn nhau xót xa trước cái án tử đang chực chờ của cô gái hãy còn trẻ.

Tuy khoảng thời gian ở chung trong buồng giam này vỏn vẹn hai tháng nhưng họ và Du đều có những kỷ niệm khó quên. Đặc biệt là chị Giảo với con Muội. Cả ba đã là những người bạn lúc nào cũng tâm sự cho nhau nghe chuyện vui buồn. Nay Du bị tuyên án nghiệt ngã như vậy khiến cả hai người nọ không ngăn nổi nước mắt.

Ôm chiếc túi quần áo trên tay, bấy giờ Du mới quay qua nhìn hết các chị em bạn tù đang hướng đôi mắt cảm thông vào mình. Người thì buồn rầu, người thì sụt sùi. Trông thế Du cũng thấy như được an ủi. Chị Giảo một tay ôm con trai, tay còn lại đặt lên vai cô em gái mà siết chặt. Chị muốn nói gì đó nhưng cứ khóc mãi, nước mắt rơi liên tục. Du chẳng nói gì chỉ vỗ nhẹ tay chị như muốn nói mình chấp nhận bản án này. Rồi cô nhìn nhóc Tâm mở mắt ngơ ngác chẳng hiểu được chuyện xung quanh. Du hôn lên hai má nó, chợt nghe lòng quặn thắt một nỗi đau đớn.

Con Muội bình thường thấy cộc tính vậy mà lúc này cũng mắt đỏ hoe, cảm giác như lần thứ hai mất đi người thân. Trước là mẹ nó, còn giờ là Du.

- Chị ơi... em hứa khi ra tù rồi sẽ sống tốt hơn. Em sẽ bắt đầu lại từ đầu...

Du mỉm cười gật khẽ, rồi được con Muội ôm choàng lấy. Chị Giảo nức nở, cũng dang tay ôm lấy Du. Nằm trong hai vòng tay ấm áp đó lần cuối, Du biết mình đã khóc.

Rời khỏi buồng giam đầy âm thanh thút thít, Du bước theo quản giáo Ngà đến khu phòng giam tách biệt. Trên đường đi, Du cảm nhận đôi chân chùng xuống, nặng nề và trái tim nhói từng cơn. Dẫu dặn lòng phải cố kìm nhưng Du vẫn rơi nước mắt. Giọt lệ nóng hổi chảy dài trên gò má thất sắc khiến Du muốn bật ra một tiếng nấc khẽ.

Vừa lúc đi ngang qua khoảng sân vắng vẻ, Du bất giác thấy bóng dáng ai đang đứng yên đằng sau hàng rào kẽm hệt đang chờ mình. Khi nhìn kỹ lại thì Du mới biết đó là Đồng Văn. Anh chàng bác sĩ đứng dưới ánh nắng chiều tà, gương mặt tĩnh lặng nhưng đầy u buồn. Bóng Văn đổ dài xuống đất lặng lẽ hệt như thứ tình cảm âm thầm cất giấu ở trong lòng. Văn cứ nhìn Du bằng đôi mắt thê thiết đến nao lòng.

Du cũng nhìn Văn, cũng nhen nhúm một tình cảm chẳng thể nói lên lời. Nhưng với trái tim mạnh mẽ lẫn kiên định, Du tiếp tục bước và để gió lau khô nước mắt.

*****

Quản giáo Lành trông coi khu biệt giam dành cho tử tù đã nhiều năm, xem như là người có kinh nghiệm thâm niên đồng thời cũng lắng nghe không biết bao nhiêu tâm sự thê lương của những con người sắp ra trường bắn.

Ngày đầu đến khu biệt giam, Vân Du gặp người quản giáo nữ có gương mặt hiền hiền, nụ cười thân thiện chẳng mang chút khinh bỉ hay ghét bỏ đối với tử tù. Chị đưa Du đến phòng của mình. Buồng biệt giam hơi hẹp nhưng không đến nỗi ẩm thấp tối tăm mà khá sạch sẽ. Nữ quản giáo trung niên hỏi thăm Du vài câu qua cánh cửa song sắt.

- Chị tên gì?

- Tôi tên Du, thưa cán bộ.

- Chị bị tội gì mà tử hình?

- Tôi giết hai mạng người.

- Chị có gửi đơn xin ân xá chưa?

- Thưa cán bộ, tôi chấp nhận hình phạt này và sẽ không viết đơn xin ân xá.

- Vậy à? Đa số tử tù ở đây đều viết đơn kháng án hoặc xin ân xá miễn tội. Và người may mắn thì được giảm xuống chung thân, nhưng vài người thì vẫn phải chịu cái án tử. Tử tù như chị cũng thật hiếm thấy.

- Tôi giết người thì phải chịu tội. Vả lại tôi nghĩ mình có viết đơn xin ân xá cũng chẳng được chấp nhận. Người ta gọi tôi là ác quỷ...

Quản giáo Lành nhìn nỗi buồn đầy cam chịu trên mặt Du, bất giác có chút cảm thông. Dù chị chẳng biết nữ tử tù trẻ tuổi này giết người thế nào, nhưng trông biểu hiện u uất đó cũng phần nào giúp chị hiểu rằng Du đang nếm trải sự hối hận tột cùng. Không có sự trừng phạt ghê gớm nào bằng nỗi ân hận đâu, thậm chí cả cái chết. Nên thấy tử tù nào đang chịu trừng phạt bởi bản án lương tâm thì chị đều thông cảm.

- Chị nhớ chấp hành tốt nội quy, nếu có chuyện gì thì gọi lớn cho quản giáo biết.

Du gật đầu trước khi quản giáo Lành rời đi. Đưa mắt quan sát buồng giam nhỏ hẹp với một chiếc giường, bục xi măng để đồ cá nhân và bồn rửa mặt, Du cảm giác lạnh lẽo đơn độc làm sao. Trước khi chết, tử tù phải trải qua khoảng thời gian "tự giam cầm" như thế này đây, cứ như bị tách biệt khỏi thế giới ngoài kia.

Du lấy trong túi đồ ra cuốn nhật kí. Khi bản án tử hình được tuyên thì cuộc điều trị tâm lí cũng kết thúc. Du không cần gặp Văn, không cần uống thuốc hay viết nhật kí. Mọi sự việc, thói quen hàng tuần, hàng ngày sẽ chấm hết. Dẫu vậy Du vẫn muốn tiếp tục viết nhật kí, chí ít bản thân cũng có thể lưu lại những điều cuối cùng khi mình ở buồng biệt giam này. Du bắt đầu với các con chữ đều tăm tắp, lòng biết rằng sẽ chẳng có lời hồi đáp.

Ngày... tháng... năm...

Bác sĩ, hôm nay tôi được đưa đến phòng biệt giam. Nơi này nhỏ hẹp, hơi chật chội nhưng không ẩm thấp tối tăm như tôi tưởng tượng. Ở một mình tại nơi đây quả thật khiến người ta thấy lạnh lẽo và cô đơn quá. Tôi nhớ buồng giam số 5, nơi có nhiều chị em bạn tù tốt bụng đã ở bên cạnh sẻ chia vui buồn, họ an ủi tôi trong những ngày tuyệt vọng nhất. Dù chỉ hai tháng thôi nhưng dường như tôi đã xem họ là người thân.

Tôi cũng cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Về tất cả. Nhờ có bác sĩ tôi nhận ra mình vẫn sống. Ngày thứ ba hàng tuần được gặp nhau, hay việc viết nhật kí chia sẻ mỗi ngày, với tôi đều là những khoảnh khắc vô cùng tuyệt diệu. Nó thật sự trọn vẹn, về cảm xúc lẫn tinh thần. Tôi sẽ không được như ngày hôm nay nếu không có bác sĩ.

Bác sĩ đừng trách tôi vì đã không viết đơn xin ân xá. Tôi biết bác sĩ tốt với tôi, bằng cả tấm lòng và sự chân tình. Nhưng tôi vẫn muốn làm theo điều mà bản thân cho là đúng, là để giúp tâm hồn tôi được cứu rỗi. Lúc đến khu biệt giam, tôi đã thấy bác sĩ. Hẳn bác sĩ cũng thấy tôi nhìn bác sĩ. Xin bác sĩ đừng quá lo lắng cho tôi nữa, tôi sẽ càng áy náy hơn. Tôi sẽ cố gắng, dẫu biết sự cố gắng này chỉ để dành cho một cái chết được định sẵn.

Nhưng tôi vẫn cố gắng không sợ hãi.

Cố gắng bình thản và chờ đợi.

Và cố gắng không khóc.

Tôi hứa...

Nhật kí tù nhân 3969.

Đóng cuốn nhật kí lại, Du ngồi trên giường tựa lưng vào bức tường lạnh lẽo và ngoẹo đầu nhìn lên lỗ thông gió hình chữ nhật nhỏ với chấn song sắt đen. Vài tia nắng tươi sáng cố len qua khoảng trống chật hẹp chiếu rọi vào nơi đơn độc này. Buồng biệt giam trở nên nửa sáng nửa tối. Tử tù chỉ có thể nhìn ra thế giới bên ngoài ở trên đó, thấy một mảng trời rất nhỏ lẫn xa xôi. Rồi nó khiến họ không ngừng nghĩ về cái chết...

Đêm ấy, Du trằn trọc thao thức. Lần đầu tiên Du ngủ ở buồng biệt giam, nằm xoay qua xoay lại chỉ thấy hai bức tường kín bưng trong khi những đêm trước bên cạnh sẽ có chị Giảo và con Muội. Du thấy lạnh, đến nỗi rùng mình. Nằm không ngủ lại càng khiến Du nhớ về nhiều chuyện trong quá khứ. Tử tù nào cũng vậy thôi, sống ở nơi tách biệt chỉ làm người ta thấy rõ bản thân, tội ác mình gây ra, nỗi ám ảnh cứ hiện diện mỗi lần nhắm mắt. Du co người, một nỗi cồn cào quặn thắt trong bụng.

Chợt Du nghe ở buồng bên cạnh, tiếng khóc của một tử tù nữ. Chị này lúc khóc thành tiếng, lúc thì nghẹn ngào. Chị liên tục nói xin lỗi, lặp đi lặp lại rất khẽ những cái tên. Có thể là chồng. Là con. Hoặc là những người mà chị đã gây tội. Rồi Du lại nghe âm thanh thở dài liên tục của một tử tù nam. Chỉ một tiếng thở thôi mà sao chất chứa cả tâm sự trĩu nặng, cả tâm hồn sợ hãi hoang mang.

Du nằm ở giữa hai căn buồng của hai kẻ tội lỗi, tiếng khóc lẫn thở than như kéo đêm dài càng thêm dài. Không gian tĩnh lặng tại khu biệt giam như trầm lắng đến ngạt thở. Quyện vào đó là tiếng thê thiết nỉ non thầm lặng, biến nơi đây trở nên sầu não vô cùng. Xoay trở mình liên tục, rồi Du ngồi dậy lấy nhật kí ra viết tiếp.

Bác sĩ, đêm nay tôi mất ngủ.

Tôi đoán lúc viết những dòng này đã quá 12 giờ khuya. Hay cũng có thể đã sang ngày mới rồi. Tôi nhận ra phòng biệt giam như một tấm gương phản chiếu, nằm một mình ở căn buồng âm u tôi liên tục thấy bản thân mình trong quá khứ. Về những lỗi lầm. Tôi không dám nhắm mắt, dù chẳng đủ sức để khóc nữa nhưng còn nỗi sợ, nó quá lớn!

Buồng bên trái tôi là một chị tử tù cứ liên tục khóc và xin lỗi. Còn buồng bên phải tôi là một anh tử tù khác lại thở dài rất u uất, thỉnh thoảng rì rầm những điều rất nhỏ. Và tôi biết chắc rằng, họ sẽ thức cho đến sáng. Thậm chí ngay cả tôi nữa.

Nỗi ân hận và sợ hãi nơi buồng giam tách biệt sẽ bào mòn tử tù mỗi ngày, mỗi đêm.

Nhật kí tù nhân 3969.

Du nằm xuống giường, cố đưa mình vào giấc ngủ. Tự dưng khi đó, Du nghe văng vẳng tiếng chim đỗ quyên lại hót. Vẫn não nề lắm nhưng chẳng hiểu sao lại giúp Du bình tâm hơn, dần dần thiếp đi một cách mệt nhoài. Nằm trên giường mà Du cứ ngỡ đang nằm trên những lớp sóng biển nhấp nhô, tròng trành. Giấc ngủ chẳng tròn, khi mơ khi tỉnh.

Không rõ Du đã ngủ được bao lâu mà tiếng lạch cạch mở khóa lạnh tanh vang lên, cùng tiếng bước chân nhẹ nhàng lướt ngang qua buồng, đã đánh thức cô. Du nhìn lên lỗ thông gió, trời chỉ vừa hửng sáng thôi. Du nghe tiếng dép kéo lê nặng trịch, âm thanh trò chuyện của vài người khẽ khàng. Những bóng dáng lướt qua nhanh nơi cửa buồng và Du kịp nhận ra một tử tù vừa bị đưa đi.

Du chớp mắt vài cái cho tỉnh táo. Tim bất giác đập mạnh. Có chút sợ hãi dâng lên.

Nó khác với đêm qua. Không phải nỗi sợ của sự ân hận.

Mà là cái chết.

Người tử tù ban nãy, theo Du đoán, có lẽ là bị mang ra trường bắn.

*****

[Chiều 14/6/2011, trước Quốc hội, Bộ trưởng công an cho biết: Luật thi hành án hình sự cho phép thay đổi từ xử bắn tử tù sang tiêm thuốc độc.]

....

Tử tù mỗi ngày được ăn uống, tắm rửa đàng hoàng. Họ còn được đi ra ngoài trời một lần trong một ngày. Khoảnh khắc ấy thật đáng giá với họ. Vì cảm giác như được tự do.

Mỗi sáng, Vân Du đứng ở khoảng sân vắng vẻ của khu biệt giam. Tranh thủ từng giây từng phút ngắn ngủi để ngắm nhìn bầu trời rộng lớn, ánh mắt Du mải miết đuổi theo những đám mây trắng bay bồng bềnh. Du tưởng tượng mình là một chú chim đang nhảy nhót trên không, chơi đùa với gió và vờn bắt với nắng sớm. Du khao khát được rong ruổi cùng mây hệt như chính cái tên mình mang.

Du cứ đứng lặng lẽ và ngước mặt lên cao, nhắm nghiền mắt để tận hưởng bầu không gian thanh bình, hít thở thật sâu như muốn tâm hồn được thanh tẩy. Gió vuốt ve da mặt, lướt qua tai và luồn khẽ vào từng sợi tóc đã dài hơn so với ngày đầu tiên Du bước chân vào Trại giam. Rồi khi mở mắt ra, Du thấy bầu trời cao vời vợi thì niềm mong mỏi thoát khỏi xiềng xích giam cầm lại càng mãnh liệt.

Du nhận ra thế giới này vẫn đẹp. Và mình vẫn muốn sống.

Quản giáo Lành có nhiệm vụ trông chừng tử tù mỗi khi họ ra được phép ngoài mỗi ngày. Quan sát dáng vẻ thanh thản của Du, chị liền bước đến ở phía sau, lên tiếng vừa đủ:

- Chị có biết tử tù thích nhất là gì không?

- Tôi nghĩ là được sống, thưa cán bộ.

- Nói một cách nôm na là họ thích những buổi sáng.

Du chậm rãi quay qua nhìn quản giáo Lành. Chị nở nụ cười, mắt lại nhìn xa xăm:

- Khi tử tù còn nhìn thấy một buổi sáng thì họ biết chắc rằng mình vẫn còn sống thêm một ngày. Tử tù khác với những người bình thường ở bên ngoài, ngày họ ngủ và về đêm thì lại thức. Chỉ khi đến sáng hôm sau lúc đã qua hai, ba giờ sáng và họ nghe bước chân của quản giáo lướt qua buồng giam của mình thì họ hiểu hôm nay mình không phải chết. Họ đợi bình minh nhưng đồng thời cũng rất sợ nó.

- Đêm, tôi không ngủ được vì sợ hãi và ám ảnh.

- Khu biệt giam khiến tử tù ám ảnh về tội lỗi mình gây ra, sau đó lại sợ hãi cái chết đến gần. Tôi làm quản giáo ở đây lâu rồi, tử tù nào cũng tiếp xúc qua cả. Có người bình thản đón nhận cái chết nhưng hầu hết đều sợ hãi khi một buổi sáng nào đó phải ra trường bắn. Cũng dễ hiểu khi đó là phản ứng bình thường khi một người sắp bị đoạt mất sự sống.

Du lặng im, tiếp theo bất giác nói một điều kỳ lạ:

- Tử tù chúng tôi còn có thể được nhìn thấy buổi sáng, thậm chí nếu đơn xin ân xá thông qua thì việc đó không còn trở nên xa vời nữa. Nhưng, nhiều lúc tôi nghĩ đến những nạn nhân vô tội bị chúng tôi lấy đi mạng sống, ai sẽ cho họ cơ hội để nhìn thấy ngày mai? Mỗi lần tự hỏi mình điều đó là tôi càng không muốn tha thứ cho bản thân, thưa cán bộ.

Quản giáo Lành hướng ánh mắt ngạc nhiên vào Du. Có lẽ lần đầu tiên chị gặp một tử tù lạ lùng thế, chỉ muốn cho nạn nhân thêm một cơ hội chứ không phải là chính mình.