Giữa thế giới và tôi vẫn có một thứ luôn xoay tròn không dứt.— VƯƠNG GIÁC 39° –
Lý Vi tức thì gồng vai, đỡ lấy đầu và thân như con rối đứt dây của y, sau đó dùng một tay nâng cằm đang oằn xuống.
Vương Giác đờ đẫn hé mắt, bờ môi bị bóp chặt khẽ vểnh như đang bị cản trở hô hấp, y nhịn đến đỏ ửng mặt.
Lý Vi duỗi tay kia ra, vừa đặt mu bàn tay lên trán y đã thấy nóng bỏng, “Cậu sốt rồi.”
“Sốt… Sốt rồi?” Chiếc cằm buông thõng của y chợt mất đi điểm tựa, gục xuống dây an toàn đã cài.
“Sau này bớt chơi trốn tìm trong tủ lạnh đi.” Lý Vi nói.
Vương Giác muốn bật dậy phản đối, nhưng cố thử một lát thì lẳng lặng từ bỏ.
“Lần nào cũng chạy” Lý Vi khởi động máy, hững hờ nói, “Chạy không nổi thì tìm tôi ăn bám, không biết tự lượng sức.”
“Anh… đừng có hung dữ.” Vương Giác hụt hơi nhưng ương bướng nói, hai bờ môi mấp máy yếu ớt, y bị thiêu đốt đến mức không uốn nổi đầu lưỡi: “Trước khi tôi… bị hôn mê, chưa chắc anh đánh thắng tôi.”
“Thế à?” Lý Vi nhướng mày tỏ vẻ hứng thú, “Còn bây giờ cậu không đánh lại ai hết.
Nói một cách khách quan nhất thì, hiện tại cậu ở cạnh tôi là an toàn nhất.”
…
Vương Giác im lặng.
Lý Vi thoáng nhìn qua khoé mắt thì thấy phía bên cạnh đã mất khả năng thu nhận tín hiệu.
Lý Vi dừng xe trước cửa nhà rồi lôi cổ y xuống xe như xách cổ gà.
Sau đó, anh ngạc nhiên nhận ra y vẫn còn đi được, chỉ là trí óc đang không được tốt lắm.
“Anh thấy, bị sốt, như này, có phải, rất, thoải mái không.” Vương Giác cụp đầu, loạng choạng bước vào cửa chính đã sớm mở, nằm bò lên giường như trải bánh tráng, cuộn chăn xung quanh rồi thốt ra từng chữ một: “Cảm thấy như, không cần phải nghĩ nhiều…”
Sốt phát sảng rồi.
Lý Vi bước theo từ đằng sau, âu sầu đóng cửa lại mà trong đầu còn lảng vảng nỗi sợ chi phối tâm trí Hồ Lô.
Anh đem theo một đống đồ vào phòng rồi chất chồng trên đầu giường, xong ngồi xổm trên mặt đất, hướng mặt về bờ má hốc hác trên giường: “Há miệng.”
Vương Giác nghiêng người, há miệng ra.
“Mở to ra.”
Y ngửa mặt mở rộng hơn.
“Nói ‘A’.”
“A —”
“Ngậm lại.”
Vương Giác làm theo.
Y mở hé mắt chăm chú nhìn anh một lúc rồi nghệch mặt lẩm bẩm “Bác sĩ, tôi còn cứu được không.”
Y bắt đầu mê sảng.
Lý Vi đứng dậy, nhiễu đủ loại thuốc vào bình, chẳng thèm đoái hoài đến y.
Anh vừa xoay mặt lại thì thấy Vương Giác vẫn đang nhìn anh chăm chú.
Sau đó, y đột nhiên chụm hai cổ tay lại vươn về phía anh.
Lý Vi: “?”
“Anh, không phải, power, pow…”
Lý Vi ngờ rằng tai mình loạn rồi, bèn nói: “Cậu còn cơ hội chạy tiếp, không cần manh động vậy.” Vừa dứt lời anh nắm lấy tay y, trói lại bằng ống silicon y tế.
“Đổi dây khác à…” Vương Giác vẫn đang đắm chìm trong thế giới của bản thân.
Y để mặc Lý Vi xử trí, chỉ trơ mắt nhìn anh vỗ vỗ lên mu bàn tay mình rồi vân vê mạch máu xanh xanh trên làn da mỏng mảnh, dùng bông ngoáy tai thoa cồn iod lên đó một cách nhuần nhuyễn.
Nhưng khi anh rút ra một ít dung dịch vào kim tiêm, Vương Giác lập tức rụt tay lại trong nháy mắt.
Lý Vi quay sang nhìn y thì thấy đồng tử mất tiêu cự của y bất ngờ co lại, nhìn chằm chằm vào ống tiêm với gương mặt tràn trề đau đớn — đó là biểu hiện của nỗi sợ hãi cùng cực.
Khi nỗi sợ tiến triển đến một mức độ nhất định nào đó thì người ta khóc không nổi nữa.
Y run rẩy một cách thiếu kiểm soát, thở không ra hơi mà thì thào yếu ớt: “Đừng tiêm.”
“Đừng tiêm.” Y lặp lại lần nữa.
Lý Vi để ý thấy cơ thể y co rúm lại bên dưới lớp chăn.
Trước giờ y đều che giấu mình dưới một lớp vỏ bọc cứng cáp, bị dao kề cổ hay xác phơi trước mắt cũng không khiến mặt y biến sắc, đây là lần đầu tiên y thể hiện vẻ sợ sệt trước mặt Lý Vi.
Có thể do đầu óc thiếu tỉnh táo xui y mau chóng biểu lộ tâm tình thật sự.
Cơ chế tự bảo vệ thay y kiếm tìm một lý do hòng cố gắng giải thích cho hành động run lẩy bẩy của mình: “Lạnh quá…”
Dấu hiệu đặc trưng của tự trốn tránh.
Lý Vi bắt cái tay đang tránh né kia lại, dùng tay trái nhẹ nhàng che lên mắt y, mép bàn tay phải ấn giữ bàn tay run rẩy không ngừng kia, đồng thời dùng hai ngón tay nhấn mũi kim vào một cách chính xác.
Mãi đến khi băng cá nhân đã dán trên mu bàn tay, bàn tay che trên đôi mắt kia vẫn chưa dịch chuyển.
Bờ mi run rẩy cọ xát trong lòng bàn tay.
Một lúc lâu sau, cơn run mới dần lắng xuống.
Rồi lâu đến mức tưởng rằng y đã ngủ, Lý Vi mới nhìn thấy đôi môi lộ ra trên gương mặt đó chợt nở nụ cười.
Anh lập tức bỏ tay ra.
“Bác sĩ à, thì ra lúc chăm sóc bệnh nhân anh dịu dàng đến thế.” Vương Giác nhìn anh, ánh mắt trong veo.
“Thuốc vào đã khỏi bệnh? Cậu hồi phục nhanh đấy.” Lý Vi bình tĩnh nói.
“Nhờ bác sĩ chữa trị cả.” Khi nãy y không giả bộ, thế nhưng nhớ đến ký ức kia thì lập tức tỉnh người.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương[1] không dễ vượt qua.
Trước đây, y đã tìm hiểu thông tin và tìm ra phương pháp có tên liệu pháp cử động mắt.
Cách làm là đặt ngón tay phải cách một khoảng nhất định trước mặt, sau đó cứ lần lượt di chuyển từ trái sang phải, rồi từ phải sang trái nhiều lần, sau đó từ từ nhớ lại những ký ức gây thương tổn.
Lời giới thiệu của sách ghi một cách hùng hồn rằng cử động ngón tay sẽ cho phép nó kiểm xoát nhãn cầu và chuyển ký ức ứ đọng trong hạch hạnh nhân vào vỏ não, để vỏ não tiếp thu và tái xử lý thông tin.
Kết quả y vừa bắt đầu nhớ đến thì ngón tay chẳng cách nào cử động nổi nữa, y run rẩy uốn cong đủ kiểu để rồi chuyển sang gặm móng tay trong nơm nớp lo âu, sau cùng là ngửa đầu thở dốc.
Sau đó, bác sĩ Trình giới thiệu cho y liệu pháp Morita, cách này thuận theo dòng chảy tự nhiên, như lời ông nói “Người có hành vi của người khoẻ mạnh thì tâm lý cũng dần trở nên khoẻ mạnh theo.” Đáng tiếc y còn chưa có cơ hội thích nghi thì đã chịu thương tổn lần thứ hai.
Y siết chặt nắm tay, quyết tâm theo liệu pháp chữa trị tự nhiên đến cùng, gắng gượng kiểm soát sự run rẩy của mình.
Y nhìn dáng vẻ muốn nói nhưng lại không định nói của Lý Vi, sợ rằng anh muốn hỏi gì đó bèn vội nói: “Trong bình có gì thế?”
“Nước muối gói, thuốc kháng viêm, đường glucose dạng nước, thuốc hạ sốt…”
“Hả?” Vương Giác càng nghe càng mờ mịt, mi mắt híp dần.
“…” Y nhắm mắt lại.
“Thuốc ngủ.” Lý Vi thản nhiên nói.
– Hết chương 16 –
Chú thích:
[1] Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD – post-traumatic stress disorder): là tình trạng tâm thần không ổn định bao gồm khủng hoảng, hồi hộp, trầm cảm do chấn động lớn xảy ra trong quá khứ.
Thuật ngữ chấn thương tâm lý cũng có thể được sử dụng trong trường hợp này.
Sẽ rất khó khăn để ai đó có thể vượt qua những chuyện đau buồn, một số người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương do ảnh hưởng của tai nạn, mất người thân hay chiến tranh.
Bệnh nhân thường suy nghĩ nhiều về những ký ức đau buồn và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Góc nói nhảm:
Mỗi lần đọc mấy khái niệm sinh học là chóng cả mặt hoa cả mắt.
Thuỳ não với cả hạch hạnh nhân là cái gì cơ?.