Trương Bích Hiệp nói, ám vệ Cửu từng chịu nhục tại Ma Giáo, lúc nãy vừa thú nhận với Tư Đồ Khánh, ngỏ ý muốn tự sát tạ tội. Hàn Mị nghe xong thì không nghi ngờ gì, cấp tốc đá văng cửa phòng Tư Đồ Khánh – Chỉ thấy Tư Đồ Khánh thẳng lưng ngồi trên chiếc ghế tứ phương* bằng gỗ hoa lê, tay cầm bức nhạn thư dài cả thước, ám vệ Cửu đứng bên cạnh nâng đèn soi. Hai người đang tập trung đọc thư, thấy gã thình lình xông vào thì đều kinh ngạc.
*Ghế tứ phương
Hàn Mị chợt nhận ra bầu không khí ngột ngạt, quay lại ôm lấy Tư Đồ Nhã, men say dạt dào nói, “Chạy đi, đến lượt bổn vương đuổi bắt ngươi.”
Tư Đồ Nhã không nhìn thấy tình hình trong phòng, giãy giụa kêu lên, “Ám vệ Cửu!” Ám vệ Cửu nghe vậy thì buông đèn, đang định giải vây, Tư Đồ Nhã đã chui ra khỏi vòng tay Hàn Mị, búi tóc khi nãy gọn gàng giờ xộc xệch bù rối, hình như vừa bị bắt nạt ghê lắm, cuống quýt nhào tới ôm chặt hắn không buông.
Ám vệ Cửu lặng lẽ vuốt lại tóc cho Tư Đồ Nhã, Hàn Mị vừa xoa nắn ấn đường vừa nhìn quanh, bộ dạng “Đêm nay tỉnh rượu nơi nao”.
“Còn ra thể thống gì!” Tư Đồ Khánh quát một tiếng, đứng dậy chuyển sang Hàn Mị, khách sáo nói, “Thục vương tới đúng lúc.”
Hàn Mị sửa lại cổ tay áo, khoanh tay gạt bỏ vẻ say xỉn, “Ồ, bổn vương lại cứ tưởng đến không đúng lúc.”
Tư Đồ Khánh nói, “Nào có. Lần này Thục vương trượng nghĩa tương trợ, Tư Đồ gia ta không có gì báo đáp. Nghe nói tháng trước Thục vương đánh mất một vật ủy thác, khuyển tử Tư Đồ Phong không biết tự lượng sức, muốn san sẻ gánh nặng với Thục vương. Hiện nay Phong nhi đã đến dưới chân Kiếm Môn quan tại Thục Bắc, hỗ trợ Thiếu gia chủ Đường Môn và Thiếu tiêu đầu Vân Nhạn tiêu cục cẩn thận điều tra. Trời không phụ lòng người, cuối cùng đã tìm được tung tích của vật ủy thác.”
Nói về Tư Đồ Phong, trong phủ thì vênh mặt hất hàm, ra ngoài cũng không coi Thiếu chủ Đường Thiết Dung và Thiếu tiêu đầu Quý Tiện Vân ra gì, hễ gặp chuyện không như ý là chỉ tay năm ngón nói thánh nói tướng. Mà Đường Thiết Dung mất cha, mẫu thân lại bị Hàn Mị giam giữ, tất nhiên tâm trạng không vui, lửa giận không có chỗ bùng phát, nên suốt ngày giương cung bạt kiếm với Tư Đồ Phong, thẳng thừng đấu khẩu tới gà bay chó sủa, khiến những người đi theo than trời than đất.
Một hôm, mấy người nấn ná ở Kiếm Môn quan mà không tìm được manh mối gì, bực bội sốt ruột vì hoài công vô ích, chẳng biết sao Tư Đồ Phong đột nhiên lôi kéo Quý Tiện Vân châm chọc khiêu khích Đường Thiết Dung, nói Đường Thiết Dung là nam sinh nữ tướng, ngoài mạnh trong yếu, chớ xem ban ngày mồm miệng cao sang như khổng tước, lẩm nhẩm toàn độc với dược, thực ra ban đêm rúc vào chăn nức na nức nở, lén lút khóc thầm, rõ ràng là đồ mít ướt, chẳng có khí khái nam nhi.
Đường Thiết Dung nghe vậy thì nổi giận, nhào tới liều mạng với Tư Đồ Phong, mắng y nói hươu nói vượn.
Tư Đồ Phong lại chẳng biết nể tình, nghĩ mình chọc Đường Thiết Dung phát khóc thì cực kỳ đắc ý. Thế là khoe thêm – Sáng nào y cũng sờ vải gối của Đường Thiết Dung, vải gối ướt sũng, chẳng phải nước mắt thì là gì.
Lần này cả đám đều biết câu chuyện thương tâm không thể phơi bày của Thiếu gia chủ Đường Môn.
Đường Thiết Dung cõi lòng lạnh lẽo, không thể tưởng tượng được thân là con trai của Võ Lâm Minh chủ mà Tư Đồ Phong máu lạnh như thế, cũng chẳng để tâm mũi kiếm của Tư Đồ Phong đâm tới khi giao chiến, quyết vùng lên hứng trọn, tiện đà tát cho y hai cái, rồi bưng lấy vết thương bỏ đi không cáo biệt.
Quý Tiện Vân vội vã đuổi theo Đường Thiết Dung, đám người đi cùng cũng ngán Tư Đồ Phong tận cổ, không muốn bầu bạn với y. Tư Đồ Phong cô đơn chiếc bóng chẳng hề đau khổ, ngược lại còn lấy làm thích thú, bình sinh y chẳng thích giao thiệp với ai, cũng chẳng bao giờ nghe ai khuyên nhủ, vì thế mới bị huynh đệ chán ghét, bạn bè xa lánh, dùng một câu khái quát là, ‘Sao phải khom lưng thờ quyền thế, khiến ta không thể ngẩng mặt lên*’? Y ngồi trong một quán rượu tại Kiếm Các trấn, nhậu nhẹt cực kỳ sảng khoái. Đang ăn uống thì chợt nghe có người nói, Âm Bình trại chủ của Bạch Long Trại mới thu được bảo vật, là chiếc bình rượu hình thù kỳ quái gồm mấy con rồng chụm vào nhau, vô cùng rực rỡ. (*Trích bài thơ Mộng du thiên lão ngâm lưu biệt của Lý Bạch)
Từ đó Tư Đồ Phong mất tăm mất tích. Quý Tiện Vân khuyên mãi Đường Thiết Dung mới chịu về, về đến nơi thì được người này mất người nọ, sứt đầu mẻ trán hỏi thăm mới biết có một vị tiểu gia đeo kiếm vừa ngồi trong quán rượu. Chủ quán vừa nghe nói hai người đang tìm một thiếu niên đeo kiếm thì la ó đòi họ trả tiền, vì sao? Trong quán đổ nát điêu tàn, máu văng tứ phía, chính là Tư Đồ Phong chém giết đám cường đạo say rượu lỡ miệng, bắt chúng dẫn đường tới Bạch Long Tứ Thập Trại. Ngoài ra chủ quán còn nói, trước khi đi Tư Đồ Phong có nhắn lại rằng, tên mít ướt vô tích sự kia, chờ tiểu gia cướp lại vật ủy thác, nhất định sẽ thưởng cho ngươi 108 cái bạt tai.
Quý Tiện Vân nghe hết câu này thì quay sang – Đường Thiết Dung vất vả lắm mới hồi tâm chuyển ý giờ lại mất tích. Hắn đành phải tiếp tục hỏi thăm Bạch Long Tứ Thập Trại là nơi nào. Thế mới biết, cách Kiếm Môn quan không xa có một hồ nước kẹp giữa núi, nối liền Tần Lũng và Cam Nam*, là vùng đất bắt buộc phải băng qua nếu muốn tới Thục từ hướng Bắc, tên gọi hồ Bạch Long. Nơi đó núi non trùng điệp, hang động chi chít, dân cư dũng mãnh, cướp đường ẩn nấp hàng nghìn hàng vạn, hành nghề đánh cướp thương khách, lũ cướp này chiếm động tự xưng Vua, lập thành các trại, ví dụ Âm Bình trại, Kim Ngưu trại, gọi chung là Bạch Long Tứ Thập Trại, cả triều đình cũng không làm gì được chúng. (*Tần Lũng là tên gọi của hai ngọn núi Tần Lĩnh và Lũng Sơn, Cam Nam là một trong mười châu tự trị của Trung Quốc, nằm cạnh Tứ Xuyên)
Mà lúc đó, ám vệ Nhất phụ trách bảo vệ Tư Đồ Phong cũng đang trên đường vất vả chạy tới Kiếm Các trấn, thương lượng với Thiếu tiêu đầu Quý Tiện Vân, cho rằng bình rượu rồng chụm đầu kia chắc chắn là bình Cửu Long mà Thục vương đánh mất. Nhưng Bạch Long Tứ Thập Trại phòng thủ kiên cố, người đông thế mạnh, không nên tùy tiện xông vào. Vì thế tức khắc dùng bồ câu đưa tin, nhờ Võ Lâm Minh chủ Tư Đồ Khánh định đoạt.
Tư Đồ Khánh đang cân nhắc làm cách nào đối phó với Ân Vô Hận, nhận được thư thì quên cả mệt mỏi, gọi ám vệ Cửu tới, định phái hắn đi cứu viện, cho rằng với võ công của ám vệ Cửu và tài trí của Tư Đồ Nhã, dù không thể đánh thắng thì cũng có cách đàm phán với lũ cướp đường.
Ám vệ Cửu lại cho rằng Tư Đồ Khánh muốn hỏi ‘Ân Vô Hận’ làm những gì đêm đó, lập tức thuật lại hai năm rõ mười, khiến Trương Bích Hiệp nghe lỏm câu được câu mất. Trương Bích Hiệp phóng đại rằng ám vệ Cửu muốn tự sát tạ tội, làm Hàn Mị và Tư Đồ Nhã quýnh quíu chạy tới can ngăn.
Hàn Mị nghe xong thì khen ngợi, “Đúng là anh hùng xuất thiếu niên, e rằng bổn vương đích thân thăm dò cũng không sấm rền gió cuốn bằng Tư Đồ Tam công tử.” Ý là, không cần biết bình Cửu Long như thế nào, chỉ định khoanh tay đứng nhìn thôi.
Tư Đồ Khánh đốt thư, cân nhắc nói, “Thứ cho kẻ hèn mạo muội, tóm lại bình Cửu Long là vật gì mà có thể khiến Thục vương ồ ạt ra quân như vậy?”
Hàn Mị ra vẻ không màng thế sự, ngồi xuống, hai chân bắt chéo lắc la lắc lư, nửa đùa nửa thật đáp, “Bổn vương ồ ạt ra quân khi nào? Là người giang hồ các ngươi cướp lấy nó chứ. Nhưng cũng nhờ vậy mà bổn vương mới được gặp gỡ và thân thiết với Tư Đồ Nhị công tử.”
Tư Đồ Nhã ngó lơ, rúc vào lòng ám vệ Cửu, vẻ như có nghìn lời vạn chữ, nhưng chẳng biết kể từ đâu.
Tư Đồ Khánh nhận ra ẩn ý trong lời Hàn Mị, nhưng không biết giải thích thế nào. Ngài nhìn sang Tư Đồ Nhã, ngẫm lại, Hàn Mị thích nam sắc, e là đã nhắm trúng thằng con thứ hai cũng thích nam sắc này của ngài, thầm nghĩ gia môn bất hạnh, lại nói một tiếng “Hổ thẹn”, chẳng biết kiếp trước tạo nghiệt gì mà sinh ra thằng quỷ đòi nợ này. Ngài coi như không nghe thấy câu cuối của Hàn Mị, châm chước nói, “Việc người giang hồ tranh cướp bình Cửu Long, e rằng có liên quan tới lời đồn gần đây, có người tung tin vịt rằng ai đoạt được bình Cửu Long thì sẽ đoạt được thiên hạ.”
Hàn Mị tiếp lời, “Cũng có người đồn rằng ai có được Cửu Như Thần Công thì sẽ được Trời hộ cửu như, vô địch thiên hạ, trường sinh bất lão. Lại có người suy đoán, bình Cửu Long cất giấu Cửu Như Thần Công. Thậm chí có người còn rủ rỉ bên tai bổn vương rằng, năm đó Tư Đồ Minh chủ cất giấu Cửu Như Thần Công làm của riêng.”
Tư Đồ Khánh thấy Hàn Mị thẳng thừng như vậy thì cũng nói trắng ra, “Thần công là sao, phàm phu tục tử sao có thể luyện thành thần công? Thập bát ban võ nghệ bắt nguồn từ Bạch đả (Quyền thuật). Nói riêng về quyền pháp Bạch đả, người bên ngoài tôn sùng Đạt Ma tổ sư phái Thiếu Lâm, người bên trong tôn sùng sư tổ Trương Tam Phong của Võ Đang ngài. Đạt Ma diện bích (Dùng trong Phật giáo: Đối diện vách tường tĩnh tâm tu luyện) chín năm, sáng tạo ra ‘Dịch Cân Kinh’, Trương Tam Phong phiêu bạt nơi đất khách mấy chục năm, nghiên cứu trăm trường phái, lấy chim muông làm gốc, tới già mới lĩnh hội ‘Thái Cực Quyền’ mà còn chưa thể gọi là thần công, qua vài đời lưu truyền, cuối cùng vẫn chỉ dừng ở mức lược khuy môn kính (quan sát và phân tích được những điều nhỏ bé nhất). Võ đạo chỉ là tu thân dưỡng tính, kỵ tranh đấu chém giết, có thập bất truyền (Không truyền cho người bất trung bất hiếu, bất nhân bất nghĩa, nham hiểm cơ hội, nghiện rượu háo sắc…). Ma Giáo chơi trò tự phong thần thánh, giả danh lừa bịp, diễu võ dương oai khiến kẻ khác mơ ước, lợi dụng ma tâm hám lợi nhất thời của người luyện võ, tu luyện thứ ma công như vậy, dục tốc bất đạt, rơi vào tình trạng ngũ lao thất thương*, lợi chẳng bằng hại. Thiên hạ võ công xuất Võ Đang (Võ công trong thiên hạ bắt nguồn từ Võ Đang), chẳng lẽ Thục vương thân là đệ tử ruột của Võ Đang mà không hiểu đạo lý này hay sao?” (*Cách gọi của Đông y, ngũ lao chỉ sự thương tổn của ngũ tạng: tâm (tim), can (gan), tì ( lách), phế (phổi), thận (cật). Thất thương chỉ sự thương tổn của ngũ tạng nói trên về hình (thân thể) và chí (ý chí): quá no thương tì, giận dữ thương can, vác nặng ngồi lâu thương thận, mình rét uống lạnh thương phế, lo buồn suy nghĩ thương tâm, mưa gió nóng rét thương hình, lo sợ không điều độ thương chí)
Ám vệ Cửu âm thầm kinh hãi vì Tư Đồ Khánh, hắn cho rằng đao chính là đao, đao pháp chính là đao pháp, võ công có thể bảo vệ người khác chính là võ công giỏi, giờ mới biết bản thân võ công còn chia ra tốt và xấu. Hàn Mị nói, “Minh chủ kết luận Cửu Như Thần Công không tốt, cho nên dù có đưa tới trước mặt ngài, ngài cũng không thèm luyện. Vậy ngài chưa từng thấy Cửu Như Thần Công, làm sao kết luận nó không tốt?”
Tư Đồ Khánh bị Hàn Mị cuốn vào, hồi lâu mới đáp, “Võ công của Ma Giáo tất nhiên là không tốt.”
Hàn Mị thảnh thơi nói, “Cửu Như Thần Công là thứ Ân Vô Hận trộm được, vốn không thuộc về Ma Giáo. Chớ nên quan niệm vào trước là chủ. Nếu bổn vương nói với ngài, Cửu Như Thần Công xuất phát từ phái Võ Đang, mà Võ Đang thật sự có người sống hơn hai trăm tuổi, có thể gọi là trường sinh bất lão. Minh chủ còn cho rằng nó không tốt nữa không?”
Tư Đồ Khánh nghiêm túc nghiền ngẫm, đột nhiên cảm thấy có lẽ Cửu Như Thần Công cũng không tệ lắm.
Hàn Mị chững chạc nói, “Ân Vô Hận vốn là đệ tử Võ Đang ta, hắn phản bội trộm mất Huyền Mặc Thần Công và Cửu Như Thần Công của Võ Đang ta, sau đó khai sơn lập quỹ (gây dựng môn phái)tại Phong Đô, sáng lập Hoan Hỉ Giáo. Võ Đang coi đây là một nỗi nhục, không tiết lộ với người ngoài. Chắc Minh chủ cũng hiểu tâm trạng của phái Võ Đang ta.”
“…” Tư Đồ Nhã khinh bỉ nhìn Hàn Mị, phương thức ăn cướp của Hàn Mị cũng chẳng giống người thường, ai hiểu cho tâm trạng của Cửu Như Thần Giáo y?
Tư Đồ Khánh thở dài, “Thì ra là vậy.” Khó trách phái Võ Đang khăng khăng tìm kiếm tung tích Ân Vô Hận như thế.
“Còn về bình Cửu Long thất lạc của bổn vương, đó là vật Tiên hoàng ngự ban, chính xác có thể khiến núi rừng biến sắc, non sông chuyển dời.” Hàn Mị ẩn ý cười cười, “Ai có bình Cửu Long sẽ có thiên hạ, thực ra chỉ một người có bình Cửu Long thì mới có thiên hạ. Kẻ không có thiên mệnh, giữ bình Cửu Long chỉ như cầm củ khoai nóng bỏng tay, dẫn tới tai ương đổ máu, chẳng lợi lộc chút nào. Bổn vương không có thiên mệnh, nên cũng không vội vàng gì.”
Tư Đồ Khánh trầm mặc thật lâu, “Ý Thục vương là, Đại Bắc hầu đang nắm thiên mệnh?”
Hàn Mị nói, “Thiên tử mới có thiên mệnh. Bổn vương và Đại Bắc hầu chưa bao giờ nghĩ tới việc phạm thượng làm loạn. Đôi khi mắt thấy không hẳn đã là thật. Càng nhìn rõ, càng dễ chạm vào, lại càng có khả năng là mồi câu cá. Ví dụ lệnh lang Tư Đồ Phong, chẳng cần tốn nhiều sức đã tìm được tung tích bình Cửu Long, rồi chưa thèm suy tính đã tùy tiện làm liều, ngài đoán y sẽ ra sao?”
Tư Đồ Nhã thình lình hỏi, “Bình Cửu Long là mồi câu Vương gia bố trí?”
Hàn Mị nở nụ cười, “Có lẽ bổn vương là một con cá gian xảo, muốn lén lút xem thử ai đang quẳng mồi câu.”