Ám Vệ Công Lược Truyện Full

Chương 34


Phái Thanh Thành bất ngờ lật lại bản án cũ của Kiếm Môn, nói Kiếm Môn thực sự suy vong vì tự giết lẫn nhau, mà đầu sỏ gây nên chính là đệ tử duy nhất may mắn sống sót Tư Đồ Khánh của Kiếm Môn. So với tin tức Hoan Hỉ Giáo tái xuất giang hồ, những lời vô căn cứ này càng khiến quần hùng khiếp sợ, nếu sự thật đúng là như vậy, thì Tư Đồ Khánh vì muốn làm Võ Lâm Minh chủ mà mất trí sát sư diệt tổ, lại giá họa cho Hoan Hỉ Giáo, chiếm được sự đồng tình của đồng đạo võ lâm, tâm cơ khiến người khác không rét mà run.

Quý Nhạn Tê liên tục phủi nước trà trên áo cho Hàn Mị, khóe mắt lại tỉnh bơ quan sát Tư Đồ Nhã — Phụ thân bị hãm hại, Tư Đồ Nhã và Tư Đồ Tung đồng thời đứng dậy, khác nhau là, Tư Đồ Tung vô thức nhìn thẳng vào phái Thanh Thành, còn Tư Đồ Nhã lại nhìn thẳng sang đây, giống như đang nhìn hắn.

Hàn Mị nhận được ánh mắt khiển trách của Tư Đồ Nhã, cúi đầu vỗ vỗ vạt áo, nói, “Hiểu lầm thôi mà.”

Trương Bích Hiệp tưởng Hàn Mị thông đồng với phái Thanh Thành để gây khó dễ cho Tư Đồ Khánh, ám hiệu là ném chén trà. Hắn ngờ vực nói, “Sư đệ định làm gì thế? Sao không nói trước để sư huynh nghiên cứu thêm cho.”

“Sư huynh.” Hàn Mị hỏi lại, “Không thấy ném chén làm hiệu dung tục lắm sao?”

“…” Trương Bích Hiệp thấy Hàn Mị sắc mặt như thường không giống chối cãi, chỉ đành cảm thán phái Thanh Thành cơ hội, gây sự đúng lúc Hàn Mị trượt tay, những người sâu sắc sẽ khó tránh khỏi suy đoán, phái Thanh Thành dám khiêu khích Võ Lâm Minh chủ như thế là vì có chỗ dựa là phái Võ Đang và Thục vương.


Quả nhiên, Tư Đồ Khánh tim đập loạn nhịp, không nhìn phái Thanh Thành mà sắc sảo nhìn về phía chén trà Hàn Mị vừa đánh rớt.

Làm Võ Lâm Minh chủ, Tư Đồ Khánh đã sớm luyện được bản lĩnh Thái Sơn sập ngay trước mắt vẫn không biến sắc. Nhưng giờ khắc này, hai mắt ngài nheo lại, sáng ngời khiến người ta sợ hãi, con ngươi chất đầy sự giận dữ kìm nén đã lâu. Sườn mặt ngài căng cứng, thái dương nổi gân xanh, ánh mắt ngài thoạt nhìn giống hệt ánh mắt chàng trai trẻ đơn độc quỳ trước Kiếm Môn đổ nát, ngửa mặt lên trời thét dài hai mươi năm về trước. Khi đó hùng quan nguy nga, thiên địa mênh mang, ai tới hỏi ngài sống chết của bảy mươi hai người tại Kiếm Môn, ai tới nói cho ngài biết, đệ tử bất tài may mắn sống sót này phải đối kháng với Ma Giáo cực hung cực ác kia ra sao để rửa sạch nỗi nhục này cho Kiếm Môn!

Quản lý ám vệ Hồ Bất Tư quát phái Thanh Thành, “Toàn là dối trá!”

Tổng đà chủ tam giang lưỡng hồ Cái Bang Hồng Nham Đồng cũng buồn bực nói, “Đức độ của Tư Đồ Minh chủ, người trong giang hồ rõ như ban ngày! Chỉ có phái Thanh Thành lỗ mũi trâu ghen ăn tức ở, phát ngôn xằng bậy đổi trắng thay đen, cho rằng làm vậy là cướp được vị trí Võ Lâm Minh chủ? Đó mới là mưu đồ bất chính!”

Mọi người nghe vậy, cho rằng Hồng Nham Đồng nói có lý, không khỏi đồng loạt nhìn về phía người gây sự bên phái Thanh Thành, chỉ thấy người nọ khoảng bốn – năm mươi tuổi, đầu chẻ ngôi giữa như lỗ mũi trâu, mặt tròn vành vạnh, mặc áo cà sa trắng như tuyết, bên ngoài thêu Thái Cực Lưỡng Nghi*, ống tay áo rộng rãi thêu hoa văn như lông hạc, lúc này vênh váo khoanh tay đứng, mắt mở to không sợ hãi, vừa nhìn đã biết là cao thủ võ lâm tài cao mật lớn.

*Thái Cực Lưỡng Nghi: Lưỡng nghi chỉ trời và đất, là sự phân chia ban đầu của thái cực.

taichi

Các tiền bối trong giang hồ tức khắc nhận ra đây chính là chưởng môn Bộ Bạch Thu phái Thanh Thành, dùng ‘Hóa Vạn Quy Nhất’ danh chấn giang hồ. Năm đó Bộ Bạch Thu là đại đệ tử phái Thanh Thành, thường xuyên lui tới luận bàn với Kiếm Môn, quan hệ rất khăng khít. Tư Đồ Khánh thảo phạt Hoan Hỉ Giáo, trừ Ngọc Phù Dung của Điểm Giáng Phái thì lão là người hưởng ứng đầu tiên, chẳng biết sao bây giờ lại trở mặt.

Tư Đồ Nhã tiếp nhận vấn đề của Hồng Nham Đồng, mở quạt giấy phe phẩy, rồi gấp lại chỉ vào Bộ Bạch Thu, “Bộ chưởng môn vừa nói, ‘Thời thế không có anh hùng, nhãi nhép cũng thành danh’. Vãn bối thiết nghĩ, phải ngược lại mới đúng — Thời thế không có nhãi nhép thì anh hùng mới thành danh. Chung quy, anh hùng mang danh thiện hay ác, tất cả còn phải xem nhãi nhép miệng lưỡi cay nghiệt có giữ khẩu đức hay không, đúng không Bộ chưởng môn?”

Quần hùng bị câu từ vòng vèo của y làm cho rối rắm, lại có không ít người gật đầu nói phải.

Bang chủ Cái Bang Tác Liệt đang ngồi gãi ngứa, lúc này mới nhận ra Tư Đồ Nhã là một trong hai huynh đệ đoạn tụ mình gặp dưới chân núi Đan Sơn. Gã đang nghĩ đại hội võ lâm kì quái này vô vị quá, thấy người quen lên tiếng thì vui mừng ra mặt, chỉ hận không thể chạy lại hàn huyên.

Bộ Bạch Thu không giận, ngược lại còn bật cười, “Sao vậy, lão già Tư Đồ không dám đối chất, phải nhờ trẻ con múa mép giải vây à?”

Tư Đồ Khánh bỏ ngoài tai. Chuyện cũ như triều dâng sấm sét, chiếm hết tâm trí ngài, ngài vẫn nhớ rõ ngày mình xuất quan, ban đầu còn giận sư phụ — Ngài và Ngọc Phù Dung tình cờ gặp gỡ, Ngọc Phù Dung năm lần bảy lượt cứu mạng ngài, lương duyên trời định, lưỡng tình tương duyệt, vì sao không thể ở bên nhau?

Nhớ năm đó, ba tháng trước khi sư phụ phạt ngài bế quan tự kiểm điểm, ngài từng phụng mệnh sư phụ rời Thục hành hiệp trượng nghĩa. Qua eo sông Cù Đường thì gặp thủy tặc Bặc tộc (là một dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nam Trung quốc thời xưa). Đám thủy tặc nọ cho rằng đạo tặc Quý Diểu Diểu diệu thủ không không (ý chỉ ăn trộm cực kỳ lành nghề và nhanh nhẹn) ẩn nấp trên thuyền, ép buộc người trên thuyền giao nộp Huyền Mặc Thần Công, bằng không sẽ ném từng người xuống sông làm mồi cho cá.

Khi đó kiếm pháp của ngài rất tốt, nhưng không thông thạo thủy chiến, kiệt sức đẩy lùi đám thủy tặc, lại không biết làm gì với con thuyền thủng. Vất vả liều mạng dùng khinh công đưa toàn bộ hành khách đến chỗ nước cạn, rồi chợt phát hiện vẫn còn một người ngồi trên con thuyền sắp chìm trong sóng dữ.

Tuổi trẻ xốc nổi, ngài không nghĩ nhiều, lại tùy tiện bôn ba dưới lòng sông, khi đó xác thuyền đã tách rời vì nước chảy xiết, bốn phía mờ mịt, nơi nào còn người sống.

Ngài thầm nhủ không ổn, chút nội tức cuối cùng cũng tiêu biến, kiệt sức ngã vào mạch nước ngầm mãnh liệt dưới eo sông Cù Đường. Ngài không nhìn thấy gì, ruột gan rối bời, phí công mò mẫm, sặc vài ngụm nước tanh tưởi, tự cảm thán đại nạn đã tới, rồi ngay giữa dòng nước xiết lạnh như băng, chợt có người ôm lấy ngài từ phía sau, dùng nội lực sưởi ấm cho ngài, bức cát và nước trong lồng ngực ra ngoài, lại giúp ngài khai thông hô hấp. Ngài đã ngạt thở quá lâu, mơ màng không biết người cứu mình là ai. Tới khi tỉnh lại đã thấy mình nằm đơn độc tại miếu Thành Hoàng, người cứu ngài thì không còn tung tích.

Đảo mắt đã một tháng trôi qua. Ngài tuân lệnh sư phụ, diệt trừ Tương Tây Tam Tà dùng xác chết làm loạn khi đó. Trên đường quay về Thục, thình lình cuồng tính phát tác mới nhận ra mình đã vô ý trúng phải độc thi (độc xác chết), không chỉ sợ nước, buồn nôn, mà nhìn thấy nước là hai mắt rơi lệ. Nhà đò trông thấy ngài đều né tránh, ngài tự biết như vậy sẽ không về được Kiếm Môn, đang lúc bàng hoàng lại vô thức trốn vào miếu Thành Hoàng cách eo sông Cù Đường không xa, chỉ mong trước khi chết có thể gặp lại người đã cứu mạng mình. Chẳng biết qua bao lâu, ngài sốt tới mơ màng, loáng tháng nghe thấy bên cạnh có người đánh đàn, tiếng đàn như suối chảy ngọc tan, đau thương tới cực điểm. Cố gắng mở mắt, lại chỉ mơ hồ nhìn thấy một bóng trắng.

Từ đó về sau, bóng trắng nọ ngày đêm chăm sóc ngài. Mỗi khi ngài nuốt không trôi, bóng trắng sẽ cặm cụi hôn môi đút cháo cho ngài. Mỗi khi ngài phát tác cuồng tính, thấy bóng trắng này vướng víu thì há miệng định cắn. Bóng trắng không trốn tránh, im lặng mặc cho ngài cắn, một lần lại một lần kiên nhẫn vỗ về ngài, hôn môi ngài. Tới khi tỉnh táo lại, ngài nhận ra bóng trắng này chính là người cứu ngài trên sông. Vượt sông, đút cháo, cánh môi mỏng manh, khí phách xuất trần, lạnh lùng cao ngạo, có lẽ còn có chút ranh mãnh dí dỏm, thích im lặng nín thở, giả bộ không có mặt, mặc cho ngài lo âu bò lê bò lết, ngỡ ngàng sờ soạng, cuối cùng lại xoa đầu ngài tỏ vẻ ngợi khen.

Khi đó ngài chỉ biết ỷ lại vào bóng trắng nhìn không rõ, đoán không ra này, thầm nghĩ nếu bóng trắng là nữ tử, ngài sẽ cưới nàng làm vợ, nếu bóng trắng là nam nhân, ngài sẽ kết nghĩa huynh đệ với hắn, nếu hắn không chịu, ngài sẽ làm trâu làm ngựa báo đáp ân tình này, ở bên hắn cả đời.

Sau đó, rốt cuộc ngài vẫn khó qua khỏi, chỉ mành treo chuông. Bóng trắng dùng một phương pháp Tầm Cân Điểm Huyệt kỳ lạ, dùng nội lực nối liền với kinh mạch của ngài, đêm đó chất độc của ngài tức khắc được trừ khử, tuy năm giác quan vẫn chưa khôi phục. Chẳng biết tại sao, trực giác mách bảo ngài rằng bóng trắng muốn bỏ đi, vô thức bắt lấy cánh tay bị cắn đầy vết thương của bóng trắng, muốn hỏi tên bóng trắng, nhưng lại không thể mở miệng. Bóng trắng im lặng hôn ngài, nhưng không để lại gì cả.


Chờ năm giác quan khôi phục như lúc ban đầu, ngài trở lại Kiếm Môn, thuật lại cho sư phụ về nội tình võ công của người cứu mạng ngài. Sư phụ nói, võ công nối liền kinh mạch đó tên là ‘Kết Mạch Liền Kinh’, còn chiêu thức mà bóng trắng dùng là ‘Lý Đại Đào Cương’, có thể chuyển dời độc thi của ngài sang người mình. Nhất định là chưởng môn Ngọc Phù Dung của Điểm Giáng Phái. Ngài hỏi sư phụ tướng mạo và y phục của Ngọc Phù Dung. Sư phụ cho biết, Ngọc Phù Dung quen mặc đồ trắng, là một nữ hiệp hành y tế thế xuất quỷ nhập thần, xưa nay kiêu căng ngạo mạn, về phần tướng mạo như thế nào thì mỗi nơi đồn một kiểu.

Từ đó về sau ngài mất hồn mất vía, xao nhãng kiếm pháp, chỉ lo lắng cho Ngọc Phù Dung đã trúng độc thi, muốn tới núi tuyết Cống Ca tìm kiếm Điểm Giáng Phái. Sư phụ lại muốn ngài lấy việc kế thừa bảy mươi hai kiếm thức Kiếm Môn làm trọng, nói rằng đại trượng phu chỉ lo công danh chưa lập, không lo không lấy được vợ. Chỉ khi võ công đại thành thì mới được xuống núi. Nhưng ngài nghe lệnh, bực bội sốt ruột bế quan một tuần tại Tiểu Kiếm Sơn vẫn không đạt thành tựu gì. Ngày xuất quan, nghĩ bụng dù có thế nào cũng phải thuyết phục sư phụ, để ngài đi thăm Ngọc Phù Dung trước rồi sẽ về luyện kiếm sau, nào ngờ…

“Kê Khang nào dám tranh quang cùng yêu quái*.” Giọng Tư Đồ Nhã cắt ngang hồi tưởng của Tư Đồ Khánh, “Phụ thân sao phải phí lời với Bộ chưởng môn?” (Trích Linh Quỷ Khi – Kê Khang của Đường Thường Nghi: Một đêm Kê Khang đánh đàn dưới ánh nến, tình cờ gặp ma, vì thế thổi tắt nến, nói, “Nào dám tranh giành vinh quang của yêu quái.” Câu này ngụ ý châm chọc)

“Nhị đệ nói là, cáo trạng không có bằng chứng, không cần đối chất.” Tư Đồ Tung lấy can đảm phụ họa.

Tổng đà chủ Cái Bang Hồng Nham Đồng nói, “Năm đó Ân Vô Hận sát hại bảy mươi mốt mạng người Kiếm Môn, chứng cứ vô cùng xác thực. Tuy lão phu không có mặt nhưng cũng nghe nói đệ tử Kiếm Môn đều chết bởi dây đàn, một trăm lẻ tám tử huyệt khắp người bị xuyên thủng. Trên giang hồ không người không biết, không người không hiểu, đó chính là chiêu thức ‘Câu Hồn Đoạt Phách’ của Ân Vô Hận. Nói theo cách của Bộ chưởng môn, nếu Tư Đồ Minh chủ ‘Sát hại bảy mươi mốt sư huynh sư đệ, vu oan cho Hoan Hỉ Giáo’, chắc hẳn Tư Đồ Minh chủ cũng phải thông thạo ‘Câu Hồn Đoạt Phách’ của Ân Vô Hận? Tức là Tư Đồ Minh chủ vừa am hiểu ‘Câu Hồn Đoạt Phách’, vừa có năng lực dùng Tuyết Mang Kiếm xưng bá thiên hạ, chẳng biết lợi hại hơn Ân Vô Hận bao nhiêu lần, cần gì phải uổng công vô ích tự diệt gia môn, dùng khổ nhục kế để tranh giành chức vị Minh chủ?”

Quần hùng gật gù tán thành. Bộ Bạch Thu inh ỏi nói, “Hồng tổng đà chủ hỏi rất hay, tiếc rằng chiêu thức sát hại đệ tử Kiếm Môn không phải ‘Câu Hồn Đoạt Phách’ của Ân Vô Hận! Chư vị bằng hữu, chẳng dám giấu giếm, mấy ngày trước, một tiều phu cư trú tại Kiếm Môn quan đã tới Thanh Thành chúng ta cáo trạng, nói rằng trong lúc Kiếm Môn bị tàn sát năm đó, chính mắt lão trông thấy một đám người xông lên núi, đám người nọ lại không phải Hoan Hỉ Giáo người Miêu! Lúc đó lão nhát gan, sợ phiền phức, không dám tiết lộ, nay tuổi đã xế chiều mới dám nói ra chân tướng!”

Tư Đồ Khánh nghe vậy thì giật mình — Năm đó bảy mươi mốt sư huynh sư đệ của ngài chết thảm, sau khi sau khi xuất quan, ngài nhìn thấy thi thể đầy đất mới biết. Lúc đó không người làm chứng, chỉ có cách xác định hung thủ bằng một trăm lẻ tám huyệt đạo bị xuyên thủng. Bởi vậy kết luận chắc chắn là Hoan Hỉ Giáo Ân Vô Hận gây nên. Huống hồ Ngọc Phù Dung nghe tin chạy tới trợ giúp ngài, sau khi khám nghiệm tử thi cũng xác nhận sự thật chính là như vậy. Thậm chí lúc ngài dẫn đầu quần hùng tới quỷ thành Phong Đô, chất vấn Ân Vô Hận trên lầu cao, Ân Vô Hận mặc y phục đen của Miêu tộc cũng chẳng thèm ngó xuống mà chỉ cười như điên như dại, “Sao phải giải thích, sao phải hỏi han?”

Chẳng lẽ ngài đã nghi oan cho Hoan Hỉ Giáo và Ân Vô Hận?