ALEXIS ZORBA con người hoan lạc

Chương 17

Tinh mơ sáng hôm sau, giọng Zorba đánh thức tôi đậy.

- Mới bảnh mắt ra, con ong nào đã đốt bác vậy? Làm gì mà la váng lên thế?

- Chúng ta phải nắm tình hình cho nghiêm chỉnh, sếp ạ, lão vừa đáp vừa nhét đầy thức ăn vào túi dết. Tôi đã mang về hai con la, sếp dậy đi, chúng ta đến tu viện để dứt điểm việc ký kết giấy tờ thỏa thuận làm đường dây cáp vận chuyển. Chỉ có một thứ làm sư tử sợ: đó là rận. Lũ rận sẽ hút kiệt máu chúng ta, sếp ạ.

- Tại sao lại gọi Bouboulina tội nghiệp là con rận? Tôi cười hỏi.

Nhưng Zorba vờ như không nghe thấy.

- Đi thôi, lão nói, trước khi mặt trời lên quá cao. Tôi rất vui thích được lên núi và ngửi mùi thông. Chúng tôi nhảy lên mình la, bắt đầu leo. Chúng tôi dừng lại ở mỏ một lúc để Zorba dặn dò công nhân cuốc than ở đường hầm "Mụ Nhất", đào rãnh tháo nước ở đường hầm "Đái Tồ Tồ" và dọn sạch đường hầm "Canavaro". Ngày rực rỡ như một viên kim cương nước sáng nhất.

Càng lên cao, tinh thần chúng tôi càng như được thanh lọc, càng hào hứng. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy ảnh hưởng của không khí trong lành, dễ thở và chân trời bát ngát đối với tâm hồn. Tưởng như tâm hồn cũng là một con vật có phổi, có lỗ mũi. nó cần dưỡng khí và có thể chết ngạt trong bụi bặm hoặc giữa những chỗ quá nhiều uế khí.

Khi chúng tôi đi vào rừng thông thì mặt trời đã lên cao. Không khí ở đây sực mùi mật ong, gió thổi trên đầu chúng tôi, rì rào như sóng biển.

Trên đường đi, Zorba đã nghiên cứu độ dốc của sườn núi: Trong trí tưởng tượng, cứ cách mấy thước, lão lại trồng một cột và ngước mắt lên, lão đã có thể thấy đường dây cáp lấp lánh dưới ánh mặt trời và chạy thẳng xuống bờ biển. Gắn vào dây cáp, những thân cây đã đốn veo véo lao xuống như tên bắn.

Lão xoa tay.

- Số dách! Lão nói. Đây sẽ là một mỏ vàng! Chả bao lâu, chúng ta sẽ ngụp lặn trong tiền bạc và có thể nói gì làm nấy được.

Tôi ngạc nhiên nhìn lão.

- Hừm! Đừng có nói với tôi là sếp đã quên rồi!

Trước khi xây cái tu viện của sếp, ta còn phải trèo lên cái ngọn núi lớn ấy. Tên nó là gì nhỉ?

- Tây Tạng, Zorba ạ, Tây Tạng. Nhưng chỉ hai chúng ta thôi. Bác không được mang đàn bà đến đó.

- Ai nói đến chuyện mang theo đàn bà? Dù sao, những sinh vật tội nghiệp ấy cũng rất có ích, cho nên sếp đừng có nói xấu gì họ; rất có ích khi một người đàn ông không có một công việc đàn ông nào để mà làm, tỉ như cuốc than, tiến công chiếm thành phố hay nói chuyện với Thượng đế! Vậy, hắn còn biết làm gì khác để khỏi nổ tung ra vì phiền muộn? Hắn uống rượu, chơi xúc xắc hoặc ôm ấp một người đàn bà . . . và chờ đợi. . . chờ đợi thời cơ. . . nếu như thời cơ sẽ đến .

Lão im lặng một lát.

- Nếu như thời cơ sẽ đến, lão nhắc lại, giọng bực bội, bởi vì có thể nó sẽ không bao giờ đến cả. Và một lúc sau:

- Không thể cứ như thế này mãi được, sếp ạ; hoặc là thế giới sẽ phải bé đi, hoặc là tôi sẽ phải to ra. Nếu không thì tôi đi đứt!

Một tu sĩ hiện ra giữa rặng thông, tóc đỏ hoe và nước da vàng bệch, tay áo xắn lên, đầu đội một chiếc mũ tròn bằng vải dệt lấy. Ông ta cầm một cây gậy sắt, vừa đi vừa đập xuống đất. Trông thấy chúng tôi, ông dừng lại và giơ cây gậy lên.

- Các ông đi đâu? ông ta hỏi.

- Đến tu viện, Zorba đáp, chúng tôi đến cầu nguyện.

- Quay lại đi, các tín đồ Cơ Đốc giáo, tu sĩ kêu lên, cặp mắt xanh trong dần dần bốc lửa. Quay về đi, tôi khuyên các ông như vậy. Các ông sẽ không tìm thấy vườn cây của Đức Mẹ Đồng Trinh ở đây đâu, mà chỉ có vườn của Xa tăng thôi! Nghèo khó, khiêm nhường, thanh sạch. .. mũ miện của người tu hành, như người ta nói! Rất có thể. Quay trở lại đi, tôi khuyên các ông. Tiền bạc, kiêu hãnh và trai trẻ! Đó là Đức Chúa Ba Ngôi của họ.

- Tay này ngộ đấy, Zorba khoái trí thì thầm.

Lão quay sang người kia.

- Tên đạo hữu là gì? Lão hỏi tu sĩ. Và đạo hữu từ đâu tới?

- Tôi tên là Zaharia. Tôi đã sẵn sàng khăn gói ra đi! Ngay lập tức. Tôi không chịu được nữa! Xin người đồng bào vui lòng cho tôi biết quý danh.

- Canavaro.

- Tôi không thể chịu đựng thêm ngày nào nữa, người anh em Canavaro ạ. Suốt đêm, Chúa Kitô rên rỉ, làm tôi không ngủ được. Và tôi cũng rên với Ngài luôn. Thế rồi, sáng sớm nay, tu viện trưởng - cầu sao lão bị thiêu trong lửa địa ngục đời đời - cho gọi tôi lên. "Này, Zaharia", lão nói "Vậy là thầy không để các đạo hữu ngủ ư? Tôi sẽ tống cổ thầy"

- "Tôi không để cho họ ngủ ấy à?, tôi nói. "Tôi hay Chúa Kitô? Chính Chúa cứ rên rỉ hoài đấy chứ". Thế là lão giơ cây thánh giá lên, cái tên phản Chúa ấy và... người anh em xem đây!

Ông ta trật cái mũ thầy tu ra, để lộ một nạm máu đông trên tóc.

- Cho nên tôi rũ áo ra đi.

- Hãy quay lại tu viện với chúng tôi, Zorba nói. Tôi sẽ thuyết phục tu viện trưởng. Nào, cha có thể đi cùng với chúng tôi và dẫn đường cho chúng tôi. Quả là trời phái cha đến giúp chúng tôi.

Tu sĩ nghĩ một lát. Mắt ông ta long lanh.

- Các ông thuê tôi cái gì?

- Cha muốn gì?

- Hai "pao" cá thu muối và một chai brandi.

Zorba cúi người về phía trước nhìn ông ta.

- Phải chăng cha cũng đôi lúc có một thứ ma quỷ trong người, cha Zaharia?

Tu sĩ giật mình.

- Làm sao ông đoán được? ông ta ngạc nhiên hỏi.

- Tôi cũng gốc gác ở núi Athos nên cũng biết sơ sơ về điều đó, Zorba đáp.

Thầy tu cúi đầu. Phải cố gắng lắm chúng tôi mới nghe rõ câu trả lời của ông ta:

- Phải, trong tôi có một con quỷ.

- Và nó thích cá thu muối cùng rượu brandi, phải không ?

- Phải, nó đáng ném vào hỏa ngục ba lần!

- Thôi được! Xong! Nó cũng hút thuốc lá nữa chứ? Zorba ném cho thầy tu một điếu thuốc và ông ta háo hức vồ lấy.

- Nó có hút, phải, nó có hút, ôn dịch bắt nó! ông ta nói và lấy trong túi ra một hòn đá lửa cùng một cái bấc, châm thuốc và rít một hơi dài.

- Nhân danh Chúa Jesu! ông ta nói.

Ông ta nhấc chiếc gậy sắt lên, quay đằng sau và cất bước.

- Con quỷ của thầy tên gì nhỉ? Zorba vừa hỏi vừa nháy mắt với tôi.

- Joseph! Zaharia trả lời, không quay đầu lại. Tôi chẳng thích đi cùng với lão thầy tu nửa điên nửa dại này chút nào. Một đầu óc bệnh hoạn cũng như một thân thể bệnh hoạn, khiến tôi thương hại, đồng thời cũng cảm thấy ghê tởm. Những tôi không nói gì. Tôi để Zorba muốn làm gì thì làm.

Không khí trong lành làm chúng tôi mau đói và chúng tôi ngồi xuống dưới một cây thông khổng lồ, mở túi dết ra. Tay thầy tu cúi người và thèm thuồng ngó vào xem trong đó có gì.

- Từ từ nào! Zorba kêu. Đừng nhóp nhép miệng quá sớm vậy, Zaharia! Hôm nay là thứ Hai tuần lễ Thánh, chúng tôi là hội viên Hội Tam Điểm, nên sẽ ăn chút thịt và gà giò. Chúa xá tội cho chúng tôi! Nhưng đây có chút halva và quả ô-liu dành cho cái dạ dày thánh của cha đó. Tu sĩ vuốt bộ râu nhớp nhúa.

- Đành là tôi sẽ ăn quả ô-liu với bánh mì và nước lã, y nói, vẻ hối lỗi. Nhưng Joseph là một con quỷ, nó sẽ ăn thịt với các bạn, nó thích gà giò - ôi, nó là một linh hồn đọa lạc mà - và nó sẽ uống rượu trong bầu của các bạn. Y làm dấu thánh giá, ngốn bánh mì, ô-liu và halva , dùng mu bàn tay chùi mồm, uống nước, rồi lại làm dấu như thể đã ăn xong bữa.

- Nào, y nói, bây giờ đến lượt Joseph, cái linh hồn khốn khổ ba lần bị đầy địa ngục.

Và vồ lấy miếng gà giò.

- Ăn đi, hỡi linh hồn đọa lạc! Y vừa làu bàu giận dữ vừa tọng những miếng tướng vào mồm, ăn đi!

- U-ra! Cừ lắm, ông thầy tu! Zorba reo lên, phấn khởi. Tôi thấy là cha bắt cá cả hai tay.

Lão quay sang tôi.

- Sếp thấy y thế nào, sếp?

- Y rất giống bác, tôi cười đáp.

Zorba đưa bầu rượu cho tay thầy tu.

- Joseph! Làm một hớp nào!

- Uống đi, hỡi linh hồn đọa lạc. Tu sĩ vừa nói vừa chộp lấy bầu rượu tấp lên miệng.

Mặt trời nóng dữ và chúng tôi lùi vào bóng râm. Tay thầy tu sực mùi mồ hôi chua loét và mùi trầm hương. Y gần như chảy nước dưới ánh nắng và Zorba phải kéo y vào chỗ râm mát nhất để bớt nặng mùi.

- Làm sao mà cha lại trở thành tu sĩ? Zorba hỏi, lão đã ăn uống no nê và muốn nói chuyện phiếm.

Tu sĩ nhe răng cười.

- Bộ ông bạn tưởng là vì mình rất thánh thiện? Chắc thế! Đó là do nghèo khó, ông bạn ạ, nghèo khó! Mình chẳng còn gì ăn, thế là mình tự nhủ: hay là vào béng một tu viện cho khỏi chết đói.

- Thế cha có mãn nguyện không?

- Đội ơn Chúa! Mình cũng hay thở dài và ca cẩm, nhưng xin đừng có để ý đến điều đó. Mình không khát khao những chuyện thế tục đâu; riêng phần mình thì mình đ... cần những cái đó... ấy xin lỗi... ngày nào mình cũng bảo thẳng là mình đ... cần. Thế nhưng mình khao khát Thiên đàng! Ở đây mình thường bông đùa, đú đởn làm cho đám tu sĩ chê cười. Tất cả bọn họ đều bảo là mình bị quỷ ám và lăng mạ mình. Nhưng mình tự bảo "Không đúng thế; Thượng đế chắc phải thích vui đùa cười cợt" Vào đây chú hề nhỏ của ta, vào trong này." Một ngày kia Ngài sẽ bảo mình vậy, mình biết mà. "Lại đây làm trò mua vui cho ta!"." Đó, mình sẽ vào Thiên đàng bằng cách ấy, với tư cách là thằng hề!

- Đầu óc thầy nhắm đúng hướng đấy, không trệch đi đâu được bạn già ạ, Zorba đứng dậy nói: Nào, ta phải đi thôi kẻo tối mất.

Tu sĩ lại đi lên trước. Trong khi trèo núi, tôi có cảm giác như bọn tôi đang leo những cấp độ trí tuệ trong tôi, từ những lo lắng tủn mủn, thấp hèn lên những ưu tâm cao cả hơn, từ những chân lý tiện lợi của đồng bằng lên những quan niệm cheo leo.

Đột nhiên tay thầy tu dừng lại.

- Đức Bà Báo Oán! Y kêu lên, chỉ tay vào một miếu đường nhỏ có mái vòm duyên dáng. Y quỳ xuống, làm dấu thánh giá. Tôi xuống la và bước vào nhà nguyện mát. Một thánh tượng cổ kính ám khói được đặt trong góc, đầy đồ lễ tạ: những lá bạc mỏng khắc thô sơ những bàn chân, tay, mắt, trái tim... Trước thánh tượng, một giá nến bằng bạc giữ liên tục một ngọn lửa thường trực. Tôi lặng lẽ lại gần: một thánh mẫu dữ dội, hiếu chiến, cổ lực lưỡng, với cái nhìn khắc khổ, thiếu thoải mái của một trinh nữ, tay không bồng Chúa Hài Đồng, mà cầm một ngọn giáo dài thẳng băng.

- Tai họa cho kẻ nào dám xâm phạm tu viện. Tay thầy tu nói, vẻ kinh hãi. Đức Mẹ sẽ lao vào, đâm giáo xuyên qua người hắn. Ngày xưa, bọn Algérie đến đây đốt tu viện. Nhưng hãy coi lũ vô đạo ấy bị trừng phạt như thế nào về tội ấy. khi chúng qua miếu đường này, Đức Mẹ Đồng Trinh thình lình nhảy vọt từ thánh tượng, lao ra ngoài và bắt đầu vung giáo đâm bên nọ xỉa bên kia, khắp mọi phía... giết sạch, không còn một mống. Ông nội tôi nhớ là đã thấy hài cốt chúng la liệt khắp cánh rừng. Từ đó, chúng tôi gọi Người là Đức Bà Báo Oán. Trước kia người ta gọi là Đức Mẹ Từ Bi.

- Tại sao Người không thi thố phép lạ trước khi chúng đốt tu viện, thưa cha Zaharia? Zorba hỏi.

- Đó là ý của Đấng Tối Cao! Tu sĩ đáp và làm dấu ba lần.

- Đấng Tối Cao mới hay hớm làm sao! Zorba vừa lẩm bẩm vừa trở lại trèo lên yên. Ta đi tiếp thôi! Chẳng mấy chốc, hiện ra một cao nguyên trên đó in rõ nét tu viện Đức Mẹ Đồng Trinh giữa lớp lớp đá và thông. Thanh tĩnh, tươi tắn, tách biệt hẳn với thế giới trần tục. Nằm lọt thỏm trong hõm xanh um của đèo cao này, kết hợp một cách hài hòa sâu sắc vẻ cao cả của ngọn núi với vẻ dịu dàng của đồng bằng, tu viện này hiện ra trước mắt tôi như một nơi ẩn dật tuyệt vời cho con người suy tưởng.

"Ở đây,, tôi nghĩ thầm, "một tâm hồn dịu dàng, mực thước có thể vun trồng nên một phấn hứng tôn giáo vừa tầm con người. Chẳng phải một đỉnh cao cheo leo, siêu phàm, cũng không phải một đồng bằng lười nhác, gợi dục, chỉ vẻn vẹn là cái gì cần thiết cho tâm hồn trở nên cao cả mà vẫn không mất đi tình thương yêu trìu mến của con người. Một nơi như thế này sẽ không tạo nên anh hùng, cũng chẳng sản sinh ra loài súc sinh. Nó sẽ tạo nên con người."

Một ngôi đền cổ Hy Lạp duyên dáng hoặc một nhà thờ Hồi giáo tươi vui đặt ở nơi này ắt là hợp. Thượng đế nên mang nhân dạng bình dị, mà xuống đây, đi chân không qua bãi cỏ xuân và trầm tĩnh chuyện trò với con người.

"Thật huyền diệu! Thật cô tịch! Thật là cực lạc?" tôi thì thầm.

Chúng tôi xuống la, đi qua cửa giữa, lên nhà khách ở đó, người ta mời chúng tôi một khay rượu raki, mứt và cà phê theo tục lệ cổ truyền. Cha tiếp tân ra gặp chúng tôi và một lúc sau các tu sĩ xúm quanh chúng tôi, bắt đầu nói chuyện. Những cặp thắt tinh quái, những đôi môi háo hức, những bộ râu, ria và mùi nồng nặc của biết bao con dê đực.

- Các ông có mang báo đến không? Một tu sĩ bồn chồn hỏi.

- Báo ư? Tôi ngạc nhiên nói. Ở đây, các cha cần báo làm gì?

- Ông bạn ạ, có báo chúng tôi mới biết được những gì đang xảy ra ở thế giới dưới kia! Hai ba giọng bất bình cất lên.

Tì vào thành bao lơn, họ quang quác như một lũ quạ Họ sôi nổi nói chuyện về nước Anh, nước Nga, về Venizelos ( [51] ), và đức vua. Thế giới đã trục xuất họ, nhưng họ vẫn gắn bó với thế giới. Mắt họ còn đầy hình ảnh những thành phố lớn, những cửa hiệu, phụ nữ, báo chí... Một tu sĩ to béo, lông lá đứng dậy, khịt khịt mũi.

- Tôi có cái này muốn đưa ông xem, ông ta nói với tôi. Ông có thể cho tôi biết ý kiến của ông về cái đó. Để tôi đi lấy!

Ông ta đi, hai bàn tay lông lá chắp lên bụng, đôi giày vải lệt sệt trên sàn và khuất dạng sau khi qua cửa. Tất cả các tu sĩ cười tai quái.

- Cha Demetrios lại đi kiếm cái tượng nàng nữ tu sĩ bằng đất sét, cha tiếp tân nói. Ma quỷ đã chôn nó xuống đất dành riêng cho cha Demetrios và một hôm, cha cuốc vườn tìm thấy. Cha mang về trai phòng, và từ đấy, đâm mất ngủ, thậm chí gần như mất trí nữa.

Zorba đứng lên. Lão thấy ngột thở.

- Chúng tôi đến gặp cha tu viện trưởng để ký một số giấy tờ, lão nói.

- Đức cha tu viện trưởng không có ở đây, cha tiếp tân nói: Sáng nay, cha xuống làng. Các ông chịu khó chờ.

Cha Demetrios trở lại. hai tay chắp vào nhau giơ ra như đang bưng bình rượu lễ.

- Đây này! ông ta nói, thận trọng hé tay.

Tôi đến bên ông. Từ những ngón tay béo múp của tu sĩ, một pho tượng Tanagra nhỏ xíu mình trần e lệ ngước lên mỉm cười với tôi. Nàng ôm đầu bằng bàn tay độc nhất còn lại.

- Cái cách nàng giữ đầu như vậy, Demetrios nói, có nghĩa là bên trong có một viên đá quý, có thể là một viên kim cương hay ngọc trai cũng nên. Ông nghĩ thế nào?

- Tôi nghĩ cô ả bị đau đầu, một tu sĩ bình luận chua cay. Nhưng Demetrios to con, môi thưỡi như môi dê, nhìn tôi, nôn nóng chờ.

- Tôi nghĩ phải đập ra mà xem, ông ta nói. Ban đêm, tôi không ngủ được vì nó... Nếu bên trong có một viên kim cương . . .

Tôi nhìn hình cô gái duyên dáng với đôi vú nhỏ rắn chắc bị lưu đày ở đây trong mùi trầm hương và giữa những vị thần bị đóng đinh câu rút nên nguyền rủa xác thịt, tiếng cười và những nụ hôn. Ôi! Giá tôi có thể cứu được nàng!

Zorba cầm lấy pho tượng đất nung, sờ nắn cái thân thể đàn bà mỏng manh và ngón tay lão dừng lại, run rảy trên đôi vú nhọn rắn chắc.

- Nhưng tu sĩ phúc hậu của tôi, cha không thấy đây chính là quỷ ư? Lão nói. Đó đích thị là quỷ, không sai. Cha đừng băn khoăn, tôi biết nó khá rõ, đồ trời đánh. Thử nhìn đôi vú nó đây, cha Demetrios - mát rượi, tròn và chắc. Ngực ma quỷ hệt như thế mà, điều đó tôi biết nhẵn ra rồi.

Một tu sĩ trẻ hiện ra ở khung cửa. Nắng lấp lánh trên mái tóc vàng óng và khuôn mặt tròn, măng tơ của gã.

Tay tu sĩ ác khẩu mới nói lúc nãy nháy cha tiếp tân. Cả hai tủm tỉm cười tinh quái.

- Cha Demetrios, họ nói, Gavrili, chú tiểu của cha kìa.

Ông thầy tu lập tức chụp lấy tay cô nàng tí hon bằng đất sét của mình và lăn như cái thùng tônô về phía cửa ra vào Chàng tân tu đẹp trai lặng lẽ đi trước ông, chân bước nhún nhảy. Hai thầy trò biến mất trong dãy hành lang dài hư nát.

Tôi ra hiệu cho Zorba và chúng tôi ra sân. Bên ngoài nóng ấm dễ chịu. Giữa sân, một cây cam nở hoa làm không khí thơm ngát. Ngay cạnh, nước róc rách chảy từ cái vòi rất cổ bằng cẩm thạch hình đầu cừu. Tôi ghé đầu dưới vòi cho nước xối mát rượi.

- Nhân danh Chúa, những người này thuộc loại gì? Zorba hỏi với đôi chút ghê tởm. Họ không phải là đàn ông cũng chẳng phải đàn bà, họ là những con la. Gớm! Đem mà treo cổ họ lên!

Lão cũng vục đầu vào làn nước mát và bỗng bật cười.

- Hừ! Đem mà treo cổ họ lên! Lão lại nói. Cả bọn đều có trong người một con quỷ nào đó. Cha này thèm đàn bà, cha kia thèm cá thu muối, cha nọ muốn tiền, lại có cha đòi báo... một lũ ngu xuẩn. Tại sao họ không xuống quách hạ giới, hưởng cho đẫy tễ mọi thứ đó và tẩy rửa đầu óc đi?

Lão châm một điếu thuốc lá và ngồi xuống chiếc ghế dài dưới cây cam đang trổ hoa.

- Khi tôi thèm khát một cái gì, lão nói, sếp có biết tôi làm thế nào không? Tôi nhồi nhét cho thật chán ngấy, thế là rũ bỏ được, không thiết nghĩ đến cái đó nữa. Hoặc giả có nghĩ đến thì chỉ muốn lộn mửa. Hồi còn bé - điều này sẽ chứng minh cho sếp thấy - tôi thích anh đào đến mê cuồng. Tôi không có tiền nên mỗi lần mua chẳng được mấy, ăn hết vẫn thòm thèm. Ngày đêm, tôi chỉ nghĩ đến anh đào, thèm nhỏ đãi. Thật là một cực hình. Nhưng một hôm, tôi phát rồ phát dại hay tôi xấu hổ, tôi cũng chẳng biết đúng ra là thế nào. Dù sao mặc lòng, tôi cũng cảm thấy rành là những trái anh đào có toàn quyền muốn làm gì tôi thì làm và như thế quả là nhố nhăng. Cho nên tôi đã làm gì? Một đêm, tôi trở dậy lục túi cha tôi, thấy một đồng mejidie bạc và tôi xoáy liền. Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, đến nhà một người chủ vườn và mua hẳn một rổ anh đào. Tôi chui xuống một cái hố và bắt đầu ăn. Tôi nhồi nhét, nhồi nhét đến khi bụng trương phềnh lên và bắt đầu đau. Tôi buồn nôn, phải, sếp ạ, tôi nôn mật xanh mật vàng. Từ hôm ấy trở đi, tôi không bao giờ thèm anh đào nữa, thậm chí nhìn cũng không chịu nổi. Tôi đã thoát. Tôi có thể nói với bất cứ trái anh đào nào: tao không cần chúng mày nữa. Và sau này, với rượu và thuốc lá tôi cũng làm thế. Tôi vẫn còn uống rượu và hút thuốc, nhưng bất cứ lúc nào tôi muốn, hấp! Một cái, tôi có thể bỏ liền. Tôi không bị đam mê thống trị. Đối với đất nước xứ sở cũng vậy. Tôi nghĩ quá nhiều về đất nước xứ sở, cho nên tôi đem tọng vào cho ngấy đến cổ, nôn oẹ ra và từ đó, nó không quấy rầy tôi nữa.

- Còn đàn bà thì sao? Tôi hỏi.

- Rồi cũng đến lượt họ thôi, đồ trời đánh! Sẽ đến lượt họ ! Khi nào tôi khoảng bảy mươi tuổi !

Lão nghĩ một lát và thấy là thời hạn đó quá gần. - Tám mươi, lão chữa lại. Tôi thấy là điều đó làm sếp buồn cười, nhưng sếp không nên cười sếp ạ. Con người ta tự giải thoát bằng cách ấy đó! Hãy nghe tôi đây: không có con đường nào khác ngoài cách nhồi nhét đến độ muốn nổ tung ra. Chứ đừng có biến thành nhà tu khổ hạnh. Làm sao sếp có thể hy vọng thắng được quỷ nếu bản thân sếp không biến thành một con quỷ rưỡi, hả sếp?

Demetrios vào trong sân, thở hồng hộc, theo sau là gã tu sĩ trẻ tóc vàng.

- Ai cũng phải nghĩ rằng gã là một thiên thần nổi giận, Zorba lẩm bẩm, cảm thấy ngưỡng mộ vẻ rụt rè và duyên dáng thanh xuân của gã.

Họ đi về phía cầu thang đá dẫn lên những trai phòng trên gác. Demetrios quay lại nhìn tu sĩ trẻ, nói mấy câu. Gã này lắc đầu như từ chối. Nhưng ngay sau đó, gã gật đầu phục tùng, quàng tay ôm ngang thân ông thầy tu già và họ cùng nhau lên các bậc thang.

- Sếp hiểu chứ? Zorba hỏi. Sếp thấy chứ? Sodom và Gomorrah( [52] )

Hai tu sĩ khác ngó ra, nháy mắt với nhau và cười rộ.

- Một lũ hằn học! Zorba làu bàu. Chó sói cũng không cắn xé nhau, thế mà thử nhìn bọn thầy tu này xem! Sếp đã bao giờ thấy đàn bà chơi độc nhau như thế này chưa?

- Họ là đàn ông cả, tôi cười nói.

- Thì đây cũng chả có gì khác lắm, sếp ạ, xin nói với sếp vậy! Tất cả bọn họ là giống la lừa hết. Sếp có thể gọi họ là Gavrilis hay Gavrila, Demetrios hay Demetria, tùy theo cảm xúc. Nào sếp, ta chuồn thôi. Ký giấy tờ thật mau rồi đi cho sớm chợ. Nếu còn ở lại đây, chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ hoàn toàn ghê tởm cả đàn ông lẫn đàn bà. Lão hạ thấp giọng.

- Với lại tôi có một âm mưu...

- Lại một ý điên rồ nữa, tôi còn lạ gì. Bác không nghĩ là một đời bác làm ngần ấy trò ngu xuẩn là đủ rồi sao, hở đồ dê già? Nào, nói tôi nghe thử âm mưu của bác như thế nào.

Zorba nhún vai.

- Làm sao tôi có thể cắt nghĩa cho sếp nghe một điều như vậy? Nói lỗi phép sếp, sếp là một thằng cha tử tế, hết lòng vì mọi người, bất kể họ như thế nào. Mùa đông, giá sếp thấy một con bọ chét ở bên trên chăn lông của mình, chắc sếp sẽ cho nó vào trong chăn để nó khỏi cảm lạnh. Làm sao sếp có thể hiểu nổi một thằng bợm già như tôi đây? Nếu tôi thấy một con bọ chét, tôi giẫm đánh bép một cái tức thì. Nếu tôi vớ được một con cừu, xoạt! Tôi cắt tiết liền, xiên thịt nướng chả mời bạn bè đến đánh chén! Hẳn sếp sẽ bảo: con cừu đâu phải của bác! Phải, tôi công nhận thế. Nhưng thưa sếp, ta hãy ăn cho xong đã, sau đó, ta sẽ bình thản nói chuyện và bàn luận xem cái gì là của anh, cái gì là của tôi, bấy giờ tha hồ sếp muốn nói bao nhiêu thì nói, trong khi tôi xỉa răng bằng một que diêm.

Lão cười khanh khách, vang cả sân. Zaharia kinh hãi hiện ra. Y đặt một ngón tay lên môi và rón rén đến bên chúng tôi.

- Suỵt! Y nói. Không được cười thế! Hãy nhìn cái cửa nhỏ trên kia. . . đức giám mục đang làm việc ở đấy. Chỗ ấy là thư viện. Con người thánh thiện đó đang viết. Ngài viết suốt ngày, cho nên đừng làm ồn!

- Ha, cha đúng là người tôi đang cần gặp! Zorba vừa nói vừa nắm lấy cánh tay ông thầy tu. Nào, đưa tôi đến trai phòng của cha, tôi muốn nói chuyện với cha một chút.

Rồi lão quay sang tôi:

- Trong khi bọn tôi ở trên đó, sếp hãy đi một vòng thăm thú nhà thờ và ngắm tất cả các thánh tượng cổ, lão nói. Tôi sẽ đợi cha tu viện trưởng, chắc ông ấy cũng sắp về. Nhưng sếp đừng có tự động làm bất cứ cái gì, kẻo rồi hỏng bét hết đấy. Cứ để đấy cho tôi, tôi đã có ý đồ. Lão cúi xuống nói nhỏ vào tai tôi.

- Chúng ta sẽ lấy được cánh rừng ấy với nửa giá . . . Đừng có nói gì đấy.

Và lão khoác tay người tu sĩ, hối hả bước đi.