Người yêu mình hay người mình yêu?
Chọn người yêu mình, hay chạy theo người mình yêu?
Người ta vẫn hay khuyên hãy chọn lấy người yêu mình, để có một cuộc đời an yên về sau không lo nghĩ. Nhưng có lẽ thỉnh thoảng ta cũng nên mường tượng trước cảnh mình sẽ thức dậy bên cạnh một người mà mình không có gì để đam mê. Ta không thích mùi tóc, không nhớ nhung những gì từ cơ thể họ. Ta không hứng thú làm cho họ một tách cà phê, không muốn chuyện trò quá nhiều vì không có nhiều đề tài chung để nói. Ta quên việc tự chăm sóc mình, vì không có một người đủ để ta muốn đẹp, muốn giỏi hơn mỗi ngày vì họ.
Thế nên đừng hỏi vì sao người ta cứ chạy theo người làm mình đau khổ, và vô tâm với những tình yêu ràng buộc không mong muốn.
Ngay trong nỗi đau vì một người khiến mình say mê, cũng đã hạnh phúc gấp mấy lần việc ở cạnh một người mình không có cảm giác...
Tiền bối
Một hôm đẹp trời, tôi lướt “Facebook” và tìnn cờ thấy một dòng “status” bực mình của một người anh “lão làng” trong ngành giải trí. Anh than thở: “Bọn trẻ bây giờ... láo quá!” Khi đọc được dòng chữ ấy, tôi cảm thấy rất buồn. Cái buồn đầu tiên là dành cho người anh của mình chắc đã phải chịu một cơn tức không dễ gì quên, cái buồn sau sâu sắc hơn thì dành cho người trẻ nào đó đã cư xử có lẽ là chưa phải phép.
Tôi chợt nhớ những ngày mình còn ấp ủ ước mơ ca sĩ. Tôi làm nhiều việc phía sau cánh gà trong gần bảy năm, gặp hầu hết những ngôi sao ca nhạc Việt Nam đương thời, và chứng kiến nhiều màn trình diễn công phu của họ. Tôi cho rằng bằng việc quan sát như vậy, có lẽ đã đủ để trở nên vững vàng để tôi bước lên sân khấu. Ngày đầu tiên “ra mắt”, tôi đã tự mình quyết định mọi thứ, từ việc xuất hiện ra sao, trả lời phỏng vấn của MC thế nào, bỏ ngoài tai những lời nói của đàn anh, đàn chị trong công ti.
Hôm đó tôi vẫn hát bình thường. Nhưng tôi đứng sai vị trí đẹp nhất trên sân khấu mà lẽ ra tôi nên hỏi một người anh chuyên về việc đó.
Hôm đó tôi vẫn hát bình thường. Nhưng tôi giao lưu dài dòng lấn sang giờ diễn của ca sĩ tiếp theo khiến khán giả chẳng buồn nghe, họ la ó.
Hôm đó tôi vẫn hát bình thường. Nhưng tôi lóng ngóng tay chân trong khi lẽ ra tôi có thể tham khảo từ anh đạo diễn sân khấu những động tác phù hợp.
Tôi có toàn bộ những “tiền bối” hơn chục năm trong nghề xung quanh, vậy mà tôi bước ra sân khấu vụng về và thất bại. Đêm đó tôi về mất ngủ, tôi lập tức nhắn tin xin lỗi những người anh của mình, hứa rằng mình sẽ không bao giờ ngu dốt như vậy lần nào nữa. Tôi thầm cảm ơn bài học chua cay đó đã thức tỉnh đứa trẻ con lâu năm trong mình, để sau này lớn lên mình sẽ không phải học lại nó lần nào nữa.
Có một điều cần phải công nhận, đó chính là những người trẻ bây giờ ngày càng giỏi. Người trẻ sau này có lợi thế về các phương tiện thông tin, công cụ hỗ trợ cũng tân tiến vượt bậc, cho nên họ có sự phát triển tài năng cũng nhanh gấp mấy lần thời trước. Chưa hết, những “bệ phóng” trên truyền hình như các chương trình thi thố ca nhạc hay các chương trình thực tế cũng thường xuyên “bơm” vào làng giải trí ngày một nhiều ca sĩ hơn. Có những bạn trẻ ca hát miệt mài bao nhiêu năm không ai biết, nhờ chương trình truyền hình, một đêm bỗng hóa “ngôi sao”.
Và ngộ nhận bắt đầu...
Thành công luôn có mặt trái của nó, nhất là nó làm tô đậm thêm cái tôi vốn dĩ đã đậm sẵn từ trước của một người nghệ sĩ trẻ. Cái tôi lớn tướng nên người trẻ không còn nhìn thấy gì khác ngoài mình, không còn quan tâm được đến cảm xúc của ai khác ngoài mình, thêm phần áp lực vì khi nổi tiếng thì công việc nhiều lên khiến họ ngày càng thay đổi.
Tôi không phải là một người già hay giàu kinh nghiệm sống gì cho cam, nhưng tôi cũng lớn lên từng ngày và cũng có cách tích góp “vốn liếng” trải đời của riêng mình nên tôi rất hiểu cảm giác đó. Tôi cũng từng gặp nhiều người trẻ, họ không có thói quen nói xin chào, họ bước đi trong tư thế ngẩng cao đầu dù đôi khi đó là nơi không cần phải trịch thượng đến thế! Tôi không dám phán xét, nhất là khi tôi vẫn chưa làm được gì cho đất nước, cho gia đình nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta không tôn trọng một “tiền bối” đúng mực, chúng ta sẽ mất nhiều thứ lắm!
Trong bộ phim “Đấu trường sinh tử 2” chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, khi phải tham gia vào cuộc chiến sinh tử, nhân vật chính của chúng ta buộc phải lựa chọn những người tham gia đội cho mình để cùng chiến đấu. Phía quân địch, họ lựa chọn những người trẻ mạnh khỏe, dẻo dai. Còn phía nhân vật chính, cô gái chỉ chọn vào đội của mình những người già. Thế mà chính những người già đó, họ lại giải quyết câu hỏi lớn của cuộc chiến, khám phá bí mật chủ chốt cho sự giải thoát và thậm chí một người trong đó còn chấp nhận hi sinh mạng sống để những người trẻ đi nhanh hơn.
Gặp một “tiền bối”, giống như gặp một kho vàng. Chỉ có điều, bạn phải có chiếc chìa khóa phù hợp. Chiếc chìa khóa đó có thể là sự lễ phép, có thể là sự cởi mở. Và điều trái tim tôi luôn mách bảo khi gặp một người đi trước quyền năng, đó chính là họ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bạn nếu được hỏi. Bởi họ luôn bắt gặp đâu đó hình ảnh của mình ngày xưa bên trong bạn.
Tôi đã từng cho rằng mình có thể làm được mọi thứ! (ngông cuồng đến vậy đấy!) Và thực tế luôn chứng minh cho tôi điều ngược lại. Đột nhiên tôi nhận ra mình chưa bao giờ tồn tại biệt lập, mà luôn phải gắn bó với một hay một vài người. Khi đã nhận ra điều đó, tôi chợt thấy mọi thứ sẽ nhẹ nhàng biết bao nếu chúng ta có thể được học từ những người đi trước. Ai đó từng nói, cuộc đời này không đủ dài để tự bạn học hết mọi bài học. Có những bài học dẫn đến tổn thương vĩnh viễn, có những bài học phải trả bằng tiền, bằng máu... Và không phải ai cũng có đủ một dung lượng trái tim lớn để chứa đựng những niềm đau ấy. Để an toàn cho chính mình, tôi khuyên bạn nên “tiết kiệm vấp ngã”. Tại sao “vấp ngã” mà cũng phải “tiết kiệm”? Khái niệm thú vị này có nghĩa là bạn sẽ không phải tự mình vấp ngã quá nhiều lần để học những bài học, mà hãy lựa chọn học chúng qua những người đã vấp ngã trước đó. Chính những “tiền bối” này sẽ cho bạn biết con đường chính xác để vượt qua gian nan, đến gần với thành công mà không phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt.
Một “tiền bối” khi trải qua một khoảng thời gian quá dài trong nghề, thứ mà họ tích góp không chỉ có những kinh nghiệm tốt đẹp. Cho nên, việc chúng ta gồng mình lên để chứng tỏ mình đang “có thời”, hay có những hành động không lễ phép nhằm mục đích phô trương tài năng thì đối với họ cũng chỉ là trò con nít. “Tiền bối” khi cần vẫn có thể ra tay dạy cho chúng ta những bài học chua chát.
Mối quan hệ “tiền bối - hậu bối” sẽ luôn tốt đẹp, nếu một trong hai bên thực sự biết nghĩ cho đối phương. Sự lễ phép, tôn trọng người đi trước là điều cực kì có lợi cho một người trẻ. Điều đó bảo vệ bạn an toàn trên con đường thực hiện ước mơ, giữ mọi thứ cảm xúc nằm ở trạng thái cân bằng. Rồi một ngày nào đó những “hậu bối” này sẽ trở thành “tiền bối”, ngày hôm nay họ đã hiểu và tôn trọng đồng nghiệp, thì họ cũng sẽ nhìn đàn em sau mình với con mắt thiện cảm, chân tình hơn.
Đừng bao giờ xem thường những người lớn hơn, họ đã từng trẻ, còn chúng ta thì chưa từng già...
Bóng trăng
Một con khỉ dạo chơi trong rừng, chợt nó nhìn thấy ánh trăng đang vàng rực dưới hồ nước. Nó cảm thấy vô cùng yêu thích và muốn giữ lấy ánh trăng này. Nó lao xuống hồ, vớt lấy vớt để. Nhưng không được, ánh trăng cứ tan ra rồi lại tụ về tròn đầy dưới nước, và mãi mãi nó cũng không vớt được trăng...
Tôi chợt nhớ câu chuyện này, nhớ con khỉ vô vọng trong đó nhưng không cảm thấy buồn, chỉ là chút cô đơn. Tôi mở cửa, gió lùa qua tóc, cảm giác mát mẻ đến lạ kì, thứ bình yên mà suốt những tháng ngày qua chưa bao giờ tôi có được. Câu chuyện khỉ vớt trăng làm tôi chợt thấy tình yêu có nhiều lúc như bóng trăng. Mình biết rõ là nó sáng rực ở đâu đó quanh đây, nhưng để chạm được đến thì đôi chân phải bước cả một quãng đường dài đến hụt hơi.
Tôi nhớ nụ cười.
Mấy lần gặp tôi em đều cười như vậy. Một “bóng trăng” của riêng tôi, đã giấu, đã cất bấy lâu nay... Ai chẳng có một “bóng trăng” cho mình, thậm chí ngay cả khi họ đang ở trong một mối quan hệ khác. Điều tôi nói có lẽ sẽ làm tổn thương nhiều người, nhưng hãy thừa nhận đi! Có những hình ảnh còn đọng lại mãi ở đáy lòng...
Tôi còn nhớ hồi học cấp ba, lớp của người tôi thích nằm phía bên kia hành lang. Chiều tan học nào tôi cũng chạy ra khỏi lớp thật nhanh, vừa đi vừa hát nghêu ngao “Người ấy đâu rồi? Người ấy đâu rồi?” Đến khi đụng mặt, mới thôi hát ca mà yên tâm ra về. Suốt thời đi học chẳng ai biết, tôi không hé môi nửa lời về “bóng trăng” của tôi. Nghĩ lại tôi thấy thật thú vị! Cảm giác ngắm “trăng” một mình, thích lắm!...
Giờ tôi sẽ viết tiếp đoạn kết của câu chuyện “Khỉ vớt trăng”...
Con khỉ con vớt ánh trăng một hồi mệt lả người, nó ngồi bệt xuống bên cạnh mặt hồ. Mắt nó nhìn trăng, thấy yêu trăng lắm! Và cứ thế nó ngắm trăng đến gần nửa đêm. Chợt thấy bụng đói, nó bèn đi tìm trái cây để ăn, trái cây cần cho nó sống. Trăng thì vẫn ở đấy, thỉnh thoảng yếu lòng, khỉ vẫn tìm về với trăng...
Bạn và tôi phải biết, “bóng trăng” không thể nuôi cho con khỉ sống qua ngày. Thứ nuôi sống nó là trái cây, dù nó có muốn công nhận hay không. Một “bóng trăng”, có thể làm bạn mê đắm, sẵn sàng lao theo khi xuất hiện, nhìn ngắm và trân quý nó như báu vật. Thì nó cũng có thể rời bạn đi, vì nó vốn không là của riêng bạn. Một ngàn lời nói ngọt ngào qua điện thoại, một trăm tin nhắn “Anh ngủ ngoan!” hay “Nice day anh!” cũng không thể sánh bằng một cái nắm tay, một chiếc hôn có thật khi lòng tôi chơi vơi nhất. Nên cơn khỉ dù rất thương trăng, vẫn phải ngậm ngùi để trăng sống cuộc đời tỏa sáng của nó.
Như câu hát thiếu nhi mà lại làm tôi đau lòng khôn xiết:
“Bông hoa này là của chung”...