Ác quỷ trên thiên đàng

Tập 6

“Anh cũng có thể đã vứt luôn cả mạng anh!”

Hắn đáp: “Thế đã không phải là Moricand!”

Mắt hắn rực lên.

Tôi sực không còn thương hại gì hắn nữa. Không còn bận tâm đến bất cứ những gì đến cho hắn nữa.

Hai chiếc va-li kia làm nặng lòng tôi hàng mấy ngày. Chúng đè nặng lên tâm trí tôi như lên tâm trí Moricand khi hắn bò như con rệp trên khắp cái chăn điên loạn mệnh danh là châu Âu. Tôi cũng từng nằm mơ thấy chúng. Đôi khi tôi mơ thấy Moricand, trông nhue Emil Jannings, anh chàng Jannings trong cuốn Tiếng Cười cuối (The Last Laugh), anh chàng Jannings gác cửa Đại khách sạn từng bị đuổi việc, từng mất chân đứng, sau khi bị hạ xuống làm chân lau nhà tắm, nhà cầu đêm đêm lại lén lút mang giấu bộ đồng phục ra ngoài. Trong giấc mơ, tôi thấy mình luôn luôn theo dõi anh chàng Conrad, luôn luôn ở tầm gọi của hắn mà vẫn không bao giờ gọi hắn mà hắn nghe thấy mình, nào tiếng đại bác đì đùng, nào tiếng đại liên lạch tạch, nào tiếng la thét của những kẻ bị thương, những tiếng rền rĩ của những kẻ hấp hối. Đâu đâu cũng chỉ thấy hoang vu. Đây một hố bom đầy chân tay; đây một chiến sĩ mình còn ấm, quần áo mở phanh, hạ bộ mất hẳn; đây một đầu lâu trắng xóa nhung nhúc những bọ đỏ rực, một đúa bé bị xâu lên cột hàng rào, một xe chở súng bê bết máu và chất mửa, cây cối đứng chổng ngược, lủng lẳng chân tay người, một cánh tay còn dính bàn tay, một bàn tay nát chôn trong găng. Hoặc những con thú dồn dập chạy, mắt long lanh điên, cẳng trông lờ mờ, da cháy đỏ rực, ruột gan lòng thòng ra ngoài làm vướng cẳng chúng, và sau chúng, hàng ngàn hàng triệu con khác, con nào con nấy cháy sém, da tróc, tan tác, rách nát, tơi bời, hộc máu, mửa ọe, chạy như điên, chạy trước đám vong linh, chạy về âm ty, rơi hết huy chương, thông hành, dây nhợ, hàm thiếc, yên cương, lông lá, mỏ miếc, hồng hiếc. Và Conrad Moriturus luôn luôn chạy đầu, như bay như biến, chân xỏ bốt da láng, tóc chải láng mượt, móng tay chải chuốt, sơ-mi hồ, râu mép thoa sáp, quần thẳng nếp. Phi như anh chàng lực sĩ đu bay, hai chiếc va-li xòe ra như cánh, hơi thở lạnh lùng đông lại sau hắn như sương giá. Ra biên giới! Ra biên giới!

Và đó là châu Âu! Một cái châu Âu tôi chưa từng thấy, một cái châu Âu tôi chưa từng nếm. Ôi, Iamblichus, Porphyry, Erasmus, Duns Scotus, chúng ta ở đâu? Chúng ta đang uống linh dược gì? Chúng ta đang bám vào minh triết gì? Ôi những bậc triết minh, hãy định nghĩa mẫu tự! Hãy đo cái ngứa! Nếu có thể, hãy đánh lành mạnh cho đến chết! Các ngôi sao kia đang soi xuống chúng ta hay đang cháy thủng thành lỗ trên một thớ thịt bệnh hoạn?

Và giờ đây tướng Doppelganger ở đâu, tướng Eisenhower ở đâu, tướng Pussyfoot Cornelius Triphammer ở đâu? Quân địch ở đâu? Chàng ở đâu và Nàng ở đâu? Tôi ước sao nhắn tin được đến Thượng đế! Nhưng tôi không nhớ ra tên. Tôi vô hại quá, vô tội quá. Chỉ là một dân trung lập. Chả có gì để khai, ngoài hai chiếc va-li. Phải, một công dân. Một thứ điên lành, có thế thôi. Tôi không đòi huy chương, không đòi đài kỷ niệm có tên tôi. Chỉ cần hai chiếc va-li qua lọt. Tôi sẽ theo sau. Tôi sẽ đến đó, dù cho tôi chỉ là một cái hòm. Moriturus, đó là tên tôi. Dân Thụy Sĩ, vâng. Một lính Lê-dương. Một thương phế binh. Muốn gọi tôi là gì cũng được. Là Iamblichus, nếu như ông thích. Hay chỉ là “Cái Ngứa”!

Lợi dụng mùa mưa, chúng tôi quyết định cuốc đất trồng rau. Chúng tôi lựa một chỗ xưa nay chưa hề cuốc xới. Tôi cuốc trước, vợ tôi xúc sau. Tôi nghĩ dù có thấy đàn bà làm công việc như thế Moricand cũng chẳng chút áy náy. Thật là một sự thật ngạc nhiên. Hắn xin cùng xúc. Nửa giờ sau, hắn đâm thích. Xúc đất hắn cảm thấy khỏe khoắn. Thật vậy, hắn cảm thấy khỏe khoắn đến nỗi ăn cơm trưa xong, hắn yêu cầu chúng tôi mở nhạc nghe - hắn thèm nghe nhạc muốn chết. Vừa nghe hắn vừa ầm ĩ hát vừa huýt sáo. Hắn hỏi chúng tôi có đĩa nào của Grieg không, nhất là của Peer Gynt. Hắn nói trước kia đã lâu rồi hắn có chơi dương cầm. Nghe rồi chơi. Đoạn hắn nói thêm rằng theo hắn, Grieg là một nhà soạn nhạc đại tài; hắn thích ông ta hơn hết. Điều này làm tôi chưng hửng.

Vợ tôi để một đĩa valse. Giờ thì hắn phởn thực sự. Bỗng nhiên hắn đứng lên, đi lại chỗ vợ tôi và xin nàng nhảy với hắn một bài. Tôi gần bổ ngửa. Moricand mà cũng nhảy cơ à! Thật khó tin quá. Thật phi lí. Nhưng hắn nhảy, và nhảy với hết cả tâm hồn. Hắn quay và quay mãi cho đến khi xây xẩm mặt mày.

Khi hắn ngồi xuống, mồ hôi nhễ nhại thở không ra hơi, vợ tôi nói: “Anh nhảy đẹp lắm”.

Tôi nói xen: “Anh còn trẻ chán”

“Tôi không nhảy dễ thường từ năm 1920 đến giờ”. Hắn nói mặt đỏ ửng. Hắn vỗ đùi: “Già lão rồi, nhưng còn nhựa sống”.

Tôi hỏi: “Anh có muốn nghe Harry Lauder không?”

Hắn chưng hửng giây lát. Lauder, Lauder...? Đoạn hắn nhớ ra.

Hắn nói: “nghe chứ”. Quả thực lúc đó hắn đang phởn nghe gì mà chẳng được.

Tôi để bản “Roamin in the Gloamin”. Thì lạ quá, hắn lại còn có hát theo nữa kìa. Tôi nghĩ có lẽ ăn cơm no uống rượu hơi nhiều, nhưng không, lần này không phải rượu, cũng chẳng phải cơm; nó phởn thật ít ra cũng lần này.

Có điều ghê tởm là thấy nó phởn còn thương hại hơn là thấy nó buồn.

Giữa lúc vui vẻ như thế thì Jean Wharton bước vào. Nàng ở phía trên chúng tôi, ở một ngôi nhà nàng vừa cất xong. Trước đó nàng có gặp Moricand một vài lần, nhưng chỉ chào hỏi qua loa. Hôm nay, cao hứng thế nào mà hắn lại còn dở tiếng Anh ra trò chuyện với nàng đôi chút. Khi nàng đi rồi, hắn nói nàng là một người đàn bà rất hay, có phần hấp dẫn là khác. Hắn còn nói nàng là một người có hấp lực, nàng tỏa ra sinh lực và vui tươi. Hắn nghĩ có lẽ nên làm quen với nàng, nàng làm hắn cảm thấy phởn phơ.

Hắn cảm thấy phởn phơ, thật vậy, đến mức đi lấy bút ký xuống cho tôi đọc.

Dù sao, ngày hôm ấy là một ngày đáng ghi nhớ cho Moricand. Tuy nhiên, ngày vui nhất là ngày Jaime de Angulo từ đỉnh núi xuống thăm chúng tôi. Anh đến cốt gặp Moricand. Dĩ nhiên tôi có nói với Moricand về Jaime, nhưng không hề nghĩ chuyện cho hai người gặp nhau. Đúng ra, tôi không cho rằng hai người lại ăn ý nhau, vì cả hai hầu như ít có điểm gì giống nhau. Vả lại, tôi không dám bảo đảm hành động của Jaime một khi đã có vài ly ấm bụng. Những khi đến chơi rồi ra về họa hoằn lắm mới có khi không gây chuyện này chuyện khác, mới không chửi thề, chửi tục, chửi mọi người.

Cơm trưa vừa xong được ít lâu thì Jaime cưỡi ngựa đến, buộc ngựa vào gốc cây, đấm vào sườn ngựa và đi xuống bậc. Hôm ấy trời nắng chói, có phần hơi nực với một ngày tháng Hai. Như thường lệ, Jaime quấn vải màu quanh trán - chắc hẳn chiếc khăn lau bẩn của anh. Mặt nâu sạm, người gầy đét, cẳng hơi khuỳnh, anh còn điển trai, còn lắm vẻ Y Pha Nho - và vẫn lầm lì khó hiểu. Với một chiếc lông cắm băng đầu, chút ít màu bôi mặt, với một bộ y phục khác, trông anh có thể bảo là một tên Hippewa hay Shawnee gì đó. Anh đúng là người ngoài vòng pháp luật.

Khi hai người chào nhau tôi không khỏi nhận thấy sự tương phản giữa họ, hai con người (đẻ sau trước nhau có vài ngày) thuở thiếu thời đều sống tại một khu tĩnh mịch, sang trọng ở Ba-lê. Hai “Lord rauntleroy nhỏ” cùng từng thấy bề trái của cuộc đời, hiện giờ cùng đếm từng ngày, và sẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa. Một người thì chỉnh tề, ngăn nắp, sạch bóng, khó tính, cẩn thận, còn một người thì ngược hẳn. Một người thì đi bộ, một người thì đi ngựa. Một người là một nhà thẩm mĩ, còn một người lại là một con vịt trời.

Tôi đã lầm khi cho rằng họ không có gì giống nhau. Họ giống nhau nhiều lắm. Ngoài một nền văn hóa như nhau, một ngôn ngữ như nhau, một bối cảnh như nhau, một cái thú yêu sách, yêu thư viện, yêu tìm tòi như nhau, một tài ăn nói như nhau, một cái nghiện như nhau - một người nghiện ma túy, còn một người nghiện rượu - họ còn chung một sợi dây mật thiết hơn nhiều: đó là sự ám ảnh của cái xấu. Tôi ít gặp ai như Jaime mà tôi có thể nói là có một cái gì quỷ quái ở anh. Còn Moricand, thì từ thuở nào hắn vẫn là một kẻ quỉ mị. Điểm khác biệt duy nhất giữa thái độ của họ đối với Quỉ là Moricand thì sợ quỷ, còn Jaime thì lại giao du với quỷ. Ít ra thì đó cũng là điều mà tôi hằng nghĩ xưa nay. Cả hai đều vô thần ra mặt và hoàn toàn bán Chúa. Moricand thiên về thế giới đa thần thượng cổ, Jaime thiên về đa thần cổ sơ. Cả hai đều là những người mà ta có thể gọi là có văn hóa, những người có học rộng, những người hào hoa phong nhã. Tuy đóng vai trò man rợ hay ngu xuẩn, Jaime vẫn là con người có khiếu thẩm mĩ tế nhị; dù cho anh có khạc nhổ cách mấy lên những cái gì “thanh lịch” đi nữa, thực sự anh vẫn là anh chàng Little Lord Fauntleroy từ thuở nào. Chỉ vì cùng quẫn Moricand mới phải từ bỏ nếp sống thượng lưu; chứ trong thâm tâm hắn vẫn là chàng công tử bột, vẫn hợm mình, vẫn đua đòi.

Khi mang chai cốc ra - xin nói chai còn có một nửa - tôi đã lo có chuyện. Nhìn hai anh chàng đi hai nẻo đường khác nhau như thế, ai dám bảo rằng họ ngồi với nhau được lâu.

Hôm ấy, tôi hoàn toàn lầm, không những họ ăn ý nhau, họ còn không buồn sờ đến rượu. Họ say sưa một cái gì mạnh hơn rượu - đó là quá khứ.

Nhắc đến Đại lộ Henri-Martin - chỉ trong vài phút họ khám phá ra rằng họ sinh trưởng tại cùng một khu! - mở đầu câu chuyện. Kể lại thời thơ ấu, Jaime bắt đầu tức thời nhái lại điệu bộ của cha mẹ anh, bắt chước các bạn học, trình diễn lại các trò tinh nghịch của mình, chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Y Pha Nho và ngược lại, khi thì đóng vai bà chị, khi thì đóng vai một thiếu nữ e lệ, khi thì đóng vai một nhà quyền quý Y Pha Nho đang cơn thịnh nộ, khi thì đóng vai một bà mẹ liến thoắng lại hay chiều con.

Moricand khoái tỉ. Tôi chưa bao giờ tin rằng hắn lại có thể cười to và dài đến thế. Hắn không còn là con cá heo buồn chảy buồn thiu nữa, cũng chẳng còn là con cú già minh triết nữa, mà là một con người bình thường, tự nhiên đang lúc thích thú.

Không muốn xen vào cái thú hoài niệm ấy, tôi ngả mình xuống chiếc giường giữa phòng vờ ngủ. Nhưng tai vẫn vểnh to.

Trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi hình như Jaime đã lược thuật được hết cuộc đời sóng gió của anh. Và thật là một cuộc đời! Từ Passy sang Wildwest bước cái một. Từ là con một nhà quyền quý Y Pha Nho, sinh trưởng trong nhung lụa, trở thành một cao bồi, một bác sĩ y khoa, một nhà nhân chủng học, một nhà ngôn ngữ học lỗi lạc và sau hết là một nhà chăn nuôi trên đỉnh núi Santa Lucia ở đây, ở Big Sur. Một con sói đơn độc, ly dị với tất cả những gì thân yêu, không ngớt gây thù gây oán với anh bạn láng giềng Boronda, cũng người Y Pha Nho, vùi đầu vào sách, vào các từ điển (Hoa, Phạn, Do Thái, Ả Rập, Ba Tư, đó là mới kể vài thứ) trồng ít cây ăn quả, ít rau, săn hươu đầu mùa cuối mùa, luyện ngựa, uống rượu say, cãi nhau với mọi người, ngay cả các bạn bè thâm giao, cầm roi đuổi khách, nghiên cứu đến tận khuya, trở lại cuốn sách về ngôn ngữ của anh, mà anh hi vọng nó là cuốn sách độc nhất về ngôn ngữ! - làm xong thì vừa anh chết... Đồng thời hai lần lấy vợ, ba con, một con trai yêu quí bị chết bẹp dưới anh trong một tai nạn xe hơi bí mật, một đau thương suốt đời ám ảnh anh.

Nằm giường nghe chuyện anh thấy cũng là lạ. Lạ ở chỗ nghe con người mệnh danh là phù thủy trò chyện với nhà minh triết, nghe nhà nhân chủng học trò chuyện với nhà chiêm tinh, học giả với học giả, nhà ngôn ngữ học với con mọt sách, kỵ sĩ với kẻ bộ hành, người lang bạt với người ẩn dật, người man rợ với chàng công tử bột, người yêu ngôn ngữ với người yêu chữ, nhà bác học với nhà huyền bí, kẻ vong mạng với chú Lê-dương cựu, người Y Pha Nho bồng bột với người Thụy Sĩ nặng nề, người bản xứ thô lỗ với khách phong nhã chỉnh tề, kẻ vô kỷ cương với người Âu văn minh, kẻ phiến loạn với người công dân tôn trọng luật pháp, người ở ngoài trời bao la với người ở căn gác chật hẹp, người say sưa rượu chè với người ghiền ma túy...

Cứ mỗi khắc, chiếc đồng hồ lại lên tiếng ngân nga.

Sau cùng tôi nghe họ nói điềm đạm hăng say, như thể bàn một vấn đề quan trọng vậy. Ra họ nói về ngôn ngữ. Giờ thì Moricand nói rất ít. Hắn chăm chú nghe. Với tất cả cái kiến thức của hắn, tôi chắc hắn không bao giờ lại ngờ rằng trên cái lục địa Bắc Mỹ này đã từng có lúc nói đủ các thứ tiếng, các thứ ngôn ngữ, chẳng phải chỉ thổ ngữ, mà những ngôn ngữ lớn bé, tối nghĩa thô sơ, có thứ hết sức lôi thôi, kỳ quặc, về hình thức và cơ cấu chẳng hạn. Làm sao hắn biết được - và cũng mấy người Mỹ biết được - rằng có những bộ lạc ở sát nách nhau mà ngôn ngữ khác nhau một trời một vực như Bantu với Phạn ngữ, như Phần ngữ với tiếng Phénicie, như tiếng Basque với tiếng Đức. Dù là người tứ xứ, hắn có bao giờ ngờ rằng tại một góc trời xa xăm cùng thẳm của trái đất mang danh là Big Sur lại có một tên là Jaime de Angulo, một kẻ bội giao, một kẻ bị đày đọa, lại ngày đêm lo tỷ giảo, xếp loại, phân tích, mổ xẻ các cội rễ, các biến thể, các tiếp đầu, tiếp vĩ, các ngữ nguyên, các tương đồng, các tương hợp cùng các quái tượng của các ngôn ngữ và các thổ ngữ mượn của năm châu, của mọi thời đại, mọi chủng tộc và mọi cảnh trạng của con người. Chưa bao giờ hắn lại nghĩ rằng tất cả lại có thể phối hợp ở một con người, như thằng cha Angulo này, tên man rợ, nhà học giả, con người của thế giới, kẻ ẩn sĩ, lý tưởng gia và con đích thực của Lucifer. Trách gì sau đó hắn đã phải nói: “Đó là một kẻ phi thường. Hắn ta mới là một con người”.

Phải, Jaime de Angulo, anh ta quả thật là một con người được yêu quí, bị thù, bị ghét, khả ái, duyên dáng, lắm điều, khốn kiếp, một con người sùng quỷ, chó đẻ, với một trái tim kiêu hãnh và một linh hồn bất chấp, đầy âu yếm, đầy thương yêu đối với toàn thể nhân loại, tuy nhiên tàn ác, xấu thói, bần tiện và cộc cằn. Một con người tất phải chết khổ chết sở - chết cắt tay cắt chân, chết thiến, chết tủi nhục đến tận xương tận tủy. Ấy thế mà cho đến cùng vẫn giữu được lý trí, vẫn tỉnh táo vẫn coi đời như rác, vẫn bất chấp Thượng đế, bất chấp thiên hạ - và bất chấp cái bản ngã vô ngã vĩ đại của anh.

Phải chăng họ đã trở thành đôi bạn tri âm? Tôi ngờ lắm. Cũng may là Moricand không bao giờ dám quyết định đi bộ lên đỉnh núi để bắt tay ký kết tình tri kỷ. Bất chấp tất cả những cái giống nhau, họ vẫn khác nhau một trời một vực. Ngay cả quỷ cũng không thể kết họ trong tình bằng hữu hay huynh đệ được.

Ôn lại trong óc cái buổi gặp gỡ chiều hôm ấy, tôi thấy họ như hai kẻ mắc chứng tự kỷ trung tâm trong một vài giờ lạc bước trong cái mê hồn trận của những thế giới đã từng bao phủ cá tính họ, sở thích họ, và triết lý sống của họ.

Trong vòng tục lụy nhân sinh thường có những sự giao hợp cũng thoảng qua, cũng bí mật như những giao hợp giữa các tinh tú, những giao hợp hầu như bất chấp luật thiên nhiên. Đối với tôi là người quan sát biến cố, cuộc gặp gỡ cũng tựa như phối hợp lửa với nước vậy.

Giờ đây cả hai đều đã quá cố, hẳn cũng tha thứ cho ta khi ta tự hỏi liệu họ sẽ có bao giờ gặp nhau lại, và gặp ở trong thế giới nào đây. Họ còn nhiều cái phải cởi mở, nhiều cái cần khám phá, nhiều cái để sống trọn! Họ là những linh hồn cô độc, nhiều tự hào, nhiều kiến thức, nhiều trần lụy! Cả hai đều không có lấy gì là đức tin. Đi bên lề thế tục và oán trách thế tục; bám lấy cuộc đời và nguyền rủa cuộc đời; xa lánh xã hội mà không bao giờ dám đối diện với Thượng đế; đóng vai trò tiên tri và phù thủy nhưng lại không bao giờ thâu nhập được cái minh triết của đời sống hay cái minh triết của tình yêu. Trong cái thế giới nào, tôi tự hỏi, họ sẽ lại gặp nhau? Và liệu họ có thừa nhận nhau không?

HẾT