Ác quỷ trên thiên đàng

Tập 2

 

Docsach24.com 

Khi nào cũng vậy, trước chiến tranh, lòng người dao động. Khi chiến tranh gần tàn, mọi cái đều bị bóp méo, phóng đại, dồn dập. Bọn người có của lăng xăng như ong kiến, lo phân phối lại tài sản cơ nghiệp, nhà cửa, du thuyền, công phiếu cổ phần hầm mỏ, vàng bạc châu báu, nghệ phẩm. Hồi ấy tôi có một anh bạn thân thường bay đi bay lại từ lục địa này sang lục địa kia làm môi giới cho các khách hàng hoảng hốt này đua nhau tìm cách thoát thân. Những chuyện hắn kể tôi nghe thật động trời. Tuy nhiên rất quen thuộc. Quen thuộc đến phát tởm. (Có ai có thể tưởng tượng triệu phú mà đông như lính không?) Cũng động trời không kém là những câu chuyện của một anh bạn khác kể, một kỹ sư hóa học, thường gặp tôi ăn cơm, những khi đi xa về như Trung Hoa, Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng, Ba Tư, A Phú Hản, bất cứ nơi đâu có chuyện quỷ khốc thần sầu. Và khi nào cũng từng ấy chuyện - thủ đoạn, cướp bóc, hối lộ, lừa đảo, âm mưu, thôi thì đủ các trò quỷ quyệt gian manh. Chiến tranh còn một hai năm gì đó mới dứt, mà các triệu chứng đã lồ lộ không sao lầm được - không phải chỉ cho Thế chiến thứ Hai mà cho mọi chiến tranh, mọi cuộc cách mạng tiếp diễn sau đó.

Ngay cả bọn “lang bạt kỳ hồ” cũng bị xua ra khỏi ổ. Kể cũng lạ, không biết hàng bao nhiêu thanh niên trí thức đã bị hoang mang, thất cơ lỡ vận, xô ngược đẩy xuôi như những con cờ phục vụ cho những quan thầy vô danh. Không ngày nào không có những kẻ bất ngờ nhất đến tìm tôi. Đầu óc tên nào cũng chỉ có một câu hỏi: khi nào? Cho đến khi đó xoay xở được cách nào thì cứ xoay đi cái đã! Và chúng tôi xoay, chúng tôi cố bám cho đến chuyến tàu chót.

Trong cái bầu không khí phởn phơ bừa bãi đó, Moricand không dự phần. Hắn không phải là thứ người mời đến chè chén xong rồi phá làng phá xóm, hay say sưa túy lúy, hay bị cảnh sát bố ráp. Thật vậy, không khi nào tôi lại nghĩ chuyện mời hắn vào những buổi ấy. Mỗi lần mời hắn ăn, tôi chọn lọc cẩn thận vài ba anh bạn cùng ăn. Thường thì lần nào cũng vẫn những bộ mặt ấy. Những bạn tướng số cả.

Có lần hắn đột ngột đến tôi, với Moricand ra ngoài nghi thức như thế là chuyện hiếm. Hắn có vẻ hân hoan và bảo tôi rằng cả buổi chiều hắn la cà ngoài bờ sông. Rồi hắn rút trong túi ra một gói nhỏ đưa tôi. Giọng cảm động hắn nói: “Tặng anh!” Nhìn cách hắn nói tôi hiểu là hắn tặng tôi một món quà hẳn tôi phải thích lắm.

Cuốn sách ấy, vì đúng là cuốn sách, là cuốn Seraphita của Balzac.

Nếu không nhờ cuốn Seraphita tôi không chắc sự giao du của tôi với Moricand lại đã chấm dứt như đã chấm dứt. Rồi đây người ta sẽ thấy tôi đã trả món quà quý báu này với cái giá ra sao.

Đến đây có điều tôi muốn nhấn mạnh là, đồng thời với cái xôn xao của thời ấy, cái dồn dập, cái xáo trộn mà không ai không bị, nhất là các nhà văn, riêng trường hợp tôi, dù sao, tôi cũng nhận thấy mạch văn của mình chạy nhanh hơn. Những kẻ ngẫu nhiên tôi gặp, những chuyện xảy ra hàng ngày mà người khác không buồn đếm xỉa, đối với tôi lại có một tầm quan trọng rất đặc biệt. Cả một sự liên hệ không những kích thích hào hứng mà thường khi còn huyền ảo. Cứ đi một vòng ra ngoại ô Ba Lê - Montrouge, Gentilly, Kremlin - Bicêtre, Ivry - cũng đủ làm tôi ngây ngất cả ngày. Tôi thích được ngây ngất, trật đường, lạc hướng ngay từ sáng sớm. (Những cuộc đi dạo mà tôi nói đây là những “cuộc đi dạo cho khỏe người”, trước khi ăn sáng. Tâm trí thảnh thơi trống rỗng, tôi dưỡng sức cho khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần để ngồi đánh máy được lâu). Từ con đường Tombe-Issoire, tôi đâm ra các đại lộ, rồi ra ngoại ô, mặc tình cho chân mình đưa bước. Lộn lại, khi nào tôi cũng hướng về Công trường Rungi có liên quan gì đó với vài đoạn trong cuốn phim Tuổi Vàng (L’Âge d’Or), và nhất là với Luis Bunuel. Với những tên nghe kỳ quặc, với bầu không khí chẳng phải của ai, với đủ loại nhãi ranh và quỷ quái kêu la ơi ới từ một thế giới nào khác, nơi đây đối với tôi là một khu vừa hấp dẫn vừa quái đản. Thường tôi hay ngồi trên một chiếc ghế dài ngoài lộ, nhắm nghiền mắt lại trong một lúc để thả mình chìm xuống, rồi bừng mở mắt nhìn cảnh vật với cái nhìn không đâu của kẻ mộng du. Nào dê từ ngoại ô, cầu tàu, bao nước, phao, khung sắt, cầu phao và cào cào lượn qua tròng mắt long lanh của tôi cùng những gà vịt không đầu, những gạc hươu quấn băng, những máy khâu rỉ, những tượng rỉ nước cùng nhiều hình thù kỳ dị khác. Đây không phải là một khu người ở, một khu ngoại ô, mà là một véc-tơ, một véc-tơ hoàn toàn tạo riêng cho nghệ thuật tôi, tạo riêng để buộc tôi vào cái nút cảm xúc. Đi ngược đường Fontaine đến Mulard, tôi cố nén cái đê mê của hồn mình, cố ghi lấy giữ lấy trong đầu mình (cho đến sau bữa ăn sáng) ba cái hình ảnh hoàn toàn rời rạc mà nếu đúc kết chúng lại được với nhau, tôi mới có thể chèn thêm được gì vào một đoạn gay go (của cuốn sách tôi) mà hôm trước tôi không thể nào chèn nổi. Con đường Brillat-Savarin, như con rắn luồn qua công trường Rungis, làm thăng bằng các công trình của Eliphas Lévi, con đường Butte aux Cailles (đi tới nữa) nhắc nhở lại các Chặng đường của Thánh giá, con đường Félicien Rops (ở một góc khác) kéo chuông vang lên làm chim câu vỗ cánh bay vù. Nếu gặp lại lúc đang ngà ngà say, như tôi thường say, tất cả những liên tưởng, những dị hình và xen lẫn này lại càng thêm sống động, thêm màu sắc diễm ảo. Vào những ngày như thế, có nhận được ngay trong mớ thư từ đầu bản hai hay bản ba tờ Kinh Dịch, tập hình Scriabin, tập sách nhỏ kể lại cuộc đời James Ensor, hay tập tiểu luận về Pico della Mirandola, cũng chả có gì thú vị. Cạnh bàn tôi, còn thừa lại các buổi chè chén vừa qua, những chai rượu không khi nào cũng được xếp dọn gọn gàng: Nuits Saint-Georges, Gevrey-Chamberlain, Clos-Veugot, Vosne Romanée, Merusault, Traminer, Château Haut - Brion, Chambolle-Musigni, Montrachet, Beaune, Beaujolais, Anjou, và thứ “rượu thích hơn hết” của Balzac là Vouvray. Toàn các bạn quen, dù nốc không còn một giọt. Có chai còn thoang thoảng hương vị.

Ăn sáng, tại nhà. Cà phê sữa đậm nóng, vài ba chiếc croissant còn nóng ngon lành với ít bơ ngọt và chút mứt. Và điểm thêm chút Segovia. Đế vương thì cũng chỉ thế là cùng.

Phì phà ống điếu một chút, xỉa răng, ngón tay ngứa ngáy, rảo mắt quanh một lượt (như để xem cái nào cái nấy đâu vào đó chưa!), khóa cửa lại, đặt đít trước bàn máy. Thế là làm. Đầu tôi nóng bừng.

Nhưng tôi phải mở cái ngăn kéo nào của cái đầu óc “tủ Tàu” của tôi trước đây? Mỗi ngăn chứa một bí quyết, một toa, một công thức. Có cái hàng 6.000 năm trước Thiên chúa. Có cái còn xưa hơn nữa.

Trước hết tôi phải phủi bụi đi cái đã. Nhất là bụi Ba Lê, quá mịn, quá ngấm, gần như vô hình. Tôi phải lặn xuống các nguồn rễ Williamsburg, Canarsie, Greenpoint, Hoboken, Kênh Gowanus, Erie Basin, đến các bạn ấu thời nay đã trở về với cát bụi, đến những tiên cảnh như Glendale, Glen Island, Sayville, Patchogue, đến các công viên, các vũng biển giờ đây biến thành ổ rác. Tôi phải nghĩ bằng tiếng Pháp viết bằng tiếng Anh, ngồi không nhúc nhích và nói ba hoa, đóng vai kẻ khôn và vẫn là kẻ dại hay đần. Tôi phải làm thăng bằng những gì không thăng bằng mà không ngã khỏi đây. Tôi phải làm xây xẩm mặt mày cây đàn thất huyền mang tên là Brooklyn Bridge nhung không làm mất cái mùi vị, hương thơm của Công trường Rungis. Cái lúc này phải là lúc đầy ặp cơn nước triều của sự Trở về Vĩ đại...

Ta hãy nhìn lại quá khứ. Năm ấy là năm 1939. Tháng ấy là tháng Sáu. Tôi không đợi quân Đức đến nơi rồi mới chạy tán loạn. Tôi đi nghỉ mát. Vài giờ nữa là tôi đi Hy Lạp.

Tất cả những gì tôi còn bỏ lại ở cái văn phòng tại Biệt thự Seurat là lá số của tôi viết bằng phấn trên tấm vách đối diện cửa ra vào. Để cho người đến thay tôi suy nghiệm. Chắc chắn là một sĩ quan chiến tuyến. Có lẽ một học giả.

À mà còn cái gì nữa, trên một vách khác, cao gần trần, có hai câu thơ:

Giờ đây trái đất phải chìm.

Giờ đây một phép màu phải đến.

Một ngày nào đó, nếu tôi tậu được một ngôi nhà có căn phòng rộng và tường để không, tôi có ý thiết lập một bản đồ hay đồ thị rất lớn thuật lại đời các bạn bè của tôi còn rõ hơn là viết sách, và một bản nữa thuật lại sự tích các văn phẩm trong đời tôi. Mỗi bức trên một bức tường đối diện nhau thấm nhuần nhau, tẩy xóa nhau. Không ai hi vọng sống được lâu để viết hết những chuyện, những kinh nghiệm khôn lường này thành chữ. Chỉ có một cách ghi lại thành biểu tượng, thành đồ hình, như các tinh tú viết lại cái bí mật lấm chấm của chúng trên bầu trời vậy.

Tại sao tôi nói thế? Bởi vì trong thời gian này - có quá nhiều để làm, quá nhiều để xem, để nếm, để hàng bao thứ khác - quá khứ và tương lai đồng qui một cách rõ ràng chính xác đến nỗi không những bạn bè sách vở mà cả các sinh vật, sự vật, mộng mơ, sử biến, đền đài, phố xá, tên các nơi chốn, các cuộc đi dạo, gặp gỡ, chuyện trò, mơ tưởng, chợt nghĩ, tất cả đều nổi bật, đều gãy thành góc cạnh, thành vực, thành sóng, thành bóng, bộc lộ cho tôi cái yếu tính và ý nghĩa của chúng trong một toàn thể hòa hợp và dễ hiểu.

Nói về bạn bè, tôi chỉ cần nghĩ một lúc là đã gợi ra cả một đại đội hay một đại đoàn. Chả cần phải khó nhọc, họ tự xếp thành hàng sâu rộng, ảnh hưởng, lâu mau, gần xa, trọng lượng và mật độ tinh thần, và này khác. Khi họ đứng vào vị trí tôi thấy như mình bay bổng trên không với cái tốc độ và nhịp điệu của một thiên thần đãng trí, tuy nhiên giao tiếp lần lượt với từng người một tại đúng cái điểm hoàng đới phải giao tiếp và đúng cái lúc, xấu hay tốt, mà định mệnh đã an bài. Họ lố nhố hiện ra. Người thì liệm màn sương, người thì chằm chằm như lính gác, người thì cứng nhắc như bóng băng sơn, người thì úa héo như hoa mùa thu, người thì chạy về cõi tử, người thì lăn trên bánh xe cao su như những kẻ say, người thì hì hục len lỏi qua những mê lộ vô cùng tận, người thì đi giày trượt trên đầu bạn bè như thể bọc trong ánh tuyết, người thì cử tạ nặng ngàn cân, người thì dính chặt vào sách vở mà họ đang đào, người thì cố bay lên tuy chân bị xiềng xích, nhưng tất cả đều sống động, đều có tên, đều được xếp loại, phân hạng theo nhu cầu, nông sâu, sáng suốt, mùi vị, thân khí, hương thơm và nhịp mạch. Có người bị treo như những hành tinh đỏ rực, có người như các tinh tú xa tít lạnh lùng. Có người mọc mầm nhanh như chớp, như sao mới, đoạn tan thành bụi, có người âm thầm đi, luôn luôn trong tầm gọi, như các vì sao tốt. Có người đứng riêng ra, không phải kiêu kì nhưng như thể chờ được gọi đến - như các nhà văn (Novalis, chẳng hạn) mà chỉ cái tên cũng đã đầy hứa hẹn khiến người ta khoan dọc họ và chờ cho đến cái lúc lí tưởng kia nó không bao giờ đến cả.

Còn Moricand, hắn không đóng một vai trò nào trong cái hỗn độn lấp lánh này sao? Tôi không dám chắc. Hắn chỉ là một phần của bối cảnh, một hiện tượng phù hợp với thời đại. Hiện giờ tôi còn mường tượng hắn lúc đó ngồi yên không nhúc nhích. Len lén trong bóng tối chập chờn, lạnh lùng, xám xịt, điềm nhiên, mắt long lanh với tiếng “Ái dà!” lanh lảnh thốt ra cửa miệng. Như thể tự nhủ: “Ái dà! Biết rồi”. Từng nghe nói trưứoc kia rồi. Đã quên từ lâu rồi. Ái dà! Còn phải nói! Con mê lộ, con linh dương sừng vàng, mục tiêu khó đạt, nhà phiêu lưu mạo hiểm, phiên chợ kiểu Beughel, bụng bị thương của con Bò cạp, vọng dụng bánh thánh, pháp quan, thoát điên, loạn thần cộng sinh, con sạch sành cô độc giữa bãi đá cuội hoang vu. Giữ cho vững, bánh xe đang quay nhè nhẹ. Rồi đến lúc mà... Hắn vùi đầu trên các bản tính. Đọc theo một bàn tính Geiger. Rút cây bút máy bằng vàng ra, viết lên giấy màu sữa tím: Vân ban thạch, Proclus, Plotinus, Thánh Valentin, Julian tên bội giáo, Hermes Trismegistus, Apollonius ở Tayana, Clause Saint-Martin. Trong túi áo hắn có một ve nhỏ đựng nhựa mộc dược, dầu hương với chút xá xị rừng. Mùi thánh đức! Ngón út tay trái đeo chiếc nhẫn ngọc thạch khắc dấu hiệu âm dương. Hắn từ từ móc ra chiếc đồng hồ thau nặng đầu có nút lên dây và đặt xuống sàn. Lúc đó 9 giờ rưỡi, giờ vũ trụ, sừng trăng muốn đảo, đường hoàng đạo lấm chấm mầm sao chổi. Có cả Thổ tinh với ánh sáng đục mờ chỉ điềm dữ. “Ái chà!” hắn thốt lên, như thể đóng đinh lời đoán của mình “Tôi không quyết đoán gì cả. Tôi quan sát. Tôi phân tích. Tôi tính toán. Tôi rút tỉa. Minh triết đang qui tụ, nhưng kiến thức thì chắc chắn lắm rồi. Nhà mổ xẻ có dao, phu đào huyệt có cuốc xẻng, nhà phân giải có sách mộng, thằng ngu có cái đầu lừa. Còn tôi, tôi đau bụng. Bầu không khí khó thở quá, đá nặng quá không tiêu hóa nổi. Kali Yuga. Chỉ còn 9.765.854 năm nữa là chúng ta thoát khỏi hầm rắn. Cậu hãy can đảm lên!”

Và chính cái lúc này - có quá nhiều cái để làm, quá nhiều cái để xem, quá nhiều cái để uống, quá nhiều cái để tiêu hóa - là lúc mà, như các sứ giả từ các thế giới xa xăm tuy nhiên quen thuộc một cách lạ lùng, các sách bắt đầu xuất hiện. nào Nhật ký của Nijinsky, Người chồng vĩnh cửu (The Eterual Husband), Tinh thần của Thiền (The Spirit of Silence), Giọng nói của im lặng (The voice of the Silence), Tập hợp tuyệt đối (The Absolute Collective), Sách các vong nhân của Tây Tạng (The Tibetan Book of the Dead), Nhà tu uyên bác (l’Eubage), Đời sống của Milarepa (The Life of Milarepa), Chiến vũ (War Dance), Các suy tư của một Nhà thần bí Trung Hoa (Musings of a Chinese Mystic)...

Rõ ràng chưa?

Và đây là đêm cuối cùng đi chơi với anh bạn quí Moricand của tôi. Một bữa ăn sơ sài tại một quán ăn đường Fontaine, xế nhà cha đẻ của môn phái Siêu thực. Vừa bẻ bánh chúng tôi nói chuyện về ông at. Một lần nữa nói đến Nadja. Và sự “Vọng dụng Bánh thánh”.

Moricand ấy à, anh ta buồn. Tôi cũng buồn, nhưng vậy thôi. Tôi mãi nghĩ đâu đâu. Tưởng tượng mình đang ở Rocamadour, nơi mai tôi sẽ đến.

Sáng ra, Moricand hẳn lại một lần nữa đứng trước lá số của mình nhìn quả lắc đu đưa chắc chắn là nó đã xê sang trái! - tìm xem Rugulus, Rirel, Antarès, hay Betelgeuse có thể giúp mình được tí nào không, tí ti thôi. Chỉ còn 9.765.854 năm nữa là tình hình thay đổi hẳn...

Ra khỏi trạm mê-trô ở Vavin thì trơi mưa lun phun. Tôi nhất định phải ngồi một mình nhấm nháp một chén.

Chẳng phải tuổi Mùi thích tĩnh mịch là gì? Ái dà! Tĩnh mịch giữa phồn hoa náo nhiệt. Không phải tĩnh mịch thiên đàng, mà là tĩnh mịch trần gian. Những nơi hoang vu.

Mưa bay bay trở thành mưa dầm, xám, buồn, êm ả buồn. Mưa ăn mày. Tôi nghĩ vẩn vơ. Bỗng nhiên tôi thấy trước mắt những đóa hoa cúc to tướng mà mẹ tôi ưa trồng ở mảnh sân xơ xác sau nhà tại con đường đau khổ thuở ấu thơ. Giờ đây chúng lủng lẳng trước mắt tôi, như một chùm hoa giả, ngay trước khóm tử đinh hương mà ông Fuchs, người hái hundski, cho chúng tôi vào một mùa hè.

Phải, tuổi Mùi là một con thú ưa tĩnh mịch. Chậm chạp, cần cù, kiên nhẫn, sống trên nhiều mặt một lúc. Nghĩ thành vòng tròn. Hay nhìn vào cái chết. Leo, leo mãi. Có lẽ để tìm một bông hoa tuyết bất tử. Hay chính nó là hoa bất tử? Không biết mẹ. Chỉ biết “các bà mẹ”. Ít cười và thường thì cười méo xệch. Sưu tầm bạn dễ như sưu tầm tem, nhưng ghét giao thiệp. Nói thẳng thừng thay vì là nói mềm mỏng. Siêu hình, trừu tượng, điện từ. Lặn xuống tận đáy. Thấy sao, sao chổi, sao nhỏ nơi mà thiên hạ chỉ thấy nốt ruồi, mụn cóc, trứng cá. Tự mình ăn mình khi đã chán đóng vai cá mập ăn người. Một kẻ cuồng loạn. Một kẻ cuồng hành. Nhưng lòng chung thủy - và thù dai. Ái dà!

Từ ngày chiến tranh bùng nổ cho đến 1947 không được một tin nào của Moricand. Tôi cho là hắn chết rồi. Rồi, ít lâu sau khi chúng tôi dọn đến ngôi nhà mới ở Parlington Ridge, chúng tôi nhận được một bì thư có mang địa chỉ người gửi là một quận chúa Ý. Trong có kèm một bức thư của Moricand, viết đã sáu tháng, yêu cầu quận chúa nếu tìm được địa chỉ của tôi thì xin chuyển dùm hộ. Hắn cho địa chỉ là một ngôi làng gần Vevey, Thụy Sĩ, nơi hắn nói hắn vẫn ở từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi trả lời ngay, bảo hắn tôi rất mừng được biết hắn còn sống và hỏi hắn tôi có thể giúp được gì không. Phúc thư của hắn như một viên đại bác, hắn kể rõ tình cảnh của hắn mà, đúng như tôi dự đoán, đã chẳng hơn gì trước. Hắn ở tại một nhà trọ nghèo nàn, một căn phòng không lửa sưởi, vẫn đói khát, và không có tiền mua nổi điếu thuốc. Tức thời tôi gửi cho hắn thức ăn cùng vật dụng này khác mà hắn chắc đang thiếu. Với thêm ít tiền. Tôi cũng gửi cho hắn ít bưu chỉ quốc tế để hắn khỏi tốn tiền mua tem.

Chả mấy lúc thư từ bắt đầu đi lại. Thêm mỗi bức thư, tình trạng hắn lại thêm khốn đốn. Những món tiền nhỏ chúng tôi gửi hắn không thấm thía gì ở Thụy Sĩ. Bà chủ nhà không ngớt đòi tống khứ hắn, hắn thì càng ngày càng yếu, phòng trọ lạnh không chịu thấu, ăn uống thiếu thốn, lại không sao tìm ra việc, và - ở Thụy Sĩ lại cấm tiệt ăn mày!

Gửi thêm tiền cho hắn thì quả tình không được. Vì chúng tôi đào đâu ra. Làm sao bây giờ? Tôi tính đi tính lại. Hầu như vô phương.

Đã thế, thư hắn lại đến tới tấp, vẫn giấy tốt, vẫn gửi máy bay, vẫn xin xỏ, kêu van, giọng càng ngày càng bi đát. Tôi phải tính gấp bằng không rồi đời hắn. Hắn nói rõ thế, thật là đau đớn.

Sau cùng tôi nghĩ ra một cách mà tôi cho là rất hay. Thần tình, không hơn không kém. Là mời hắn sang ở với chúng tôi, có gì sống nấy, coi nhà chúng tôi như nhà hắn cho đến lúc chết. Tôi tự hỏi giản dị có thế mà tại sao trước kia mình không nghĩ ra.

Tôi dự tính một mình cho đến vài hôm sau tôi mới nói cho vợ biết. Tôi cũng biết mình phải lựa lời nói sao cho khéo để nàng thấy rõ không thể làm sao hơn. Chẳng phải nàng hẹp lượng, nhưng hắn lại không phải cái thứ người làm cho đời sống thêm phần thú vị. Chẳng khác gì mời Thần Sầu đến cho mình kiệu trên vai vậy.

Khi tôi đã thu hết can đảm để đưa ra đề nghị, lời đầu tiên nàng hỏi tôi: “Thế chứ anh tính để hắn ta ngủ đâu?” Chúng tôi chỉ có độc một phòng khách làm luôn phòng ngủ, với một phòng nhỏ bé kế bên cho bé Val.

Tôi bảo “Để hắn ngủ văn phòng của anh”. Phòng riêng biệt, cũng chẳng rộng gì hơn phòng bé Val. Bên trên là cái ga-ra một phần sửa thành nơi làm việc. Tôi có ý định dành nơi đó cho mình.

Rồi đến vấn đề trọng đại: “Anh đào đâu ra tiền lộ phí?”

Tôi đáp: “Điều đó anh sẽ tính. Cốt yếu là em có bằng lòng hay không?”

Hàng bao nhiêu ngày, hai vợ chồng bàn đi tính lại. Nàng thì dự cảm thế này, tiên đoán thế kia. Nàng thuyết phục tôi hãy bỏ cái ý định ấy đi. Nàng cằn nhằn. “Tôi biết mà, rồi anh sẽ hối không kịp”.

Điều nàng không hiểu nổi là tại sao tôi lại cứ phải đưa vai gánh lấy cái trọng trách đối với một kẻ xưa nay chưa từng là bạn tri âm tri kỷ. Nàng nói: “Nếu phải Perlès thì lại khác; anh ta còn có một ý nghĩa gì với anh. Hay Eugene, anh bạn Nga. Còn Moricand! Anh nợ gì hắn cơ chứ?”

Câu nói này đánh trúng tim đen tôi. Tôi nợ gì Moricand? Chẳng gì cả. Và nợ đủ. Không phải hắn là người đã đặt cuốn Seraphita vào tay tôi sao?

Tôi cố giải thích điểm này. Nửa chừng tôi lại thôi. Tôi thấy cố đưa ra một điểm như thế quả thật phi lý. Chẳng qua một cuốn sách! Họa có điên mới đưa ra một luận điệu như thế.

Dĩ nhiên tôi còn đưa ra nhiều lý lẽ khác. Nhưng tôi nằng nặc lấy Seraphita ra biện luận cho mình. Tại sao? Tôi cố lý luận đến cùng. Rốt cuộc tôi tự hổ ngươi. Tại sao tôi lại phải biện bạch cho mình? Tại sao phải tự bào chữa? Người ta đang đói dở. Đang đau ốm. Đang cùng quẫn. Chỉ còn chờ chết. Như thế không đủ sao? Đành rằng trong những năm biết hắn, hắn cơ hàn, khốn khổ, khốn nạn. Chiến tranh chả thay đổi được gì; chiến tranh chỉ làm tình cảnh hắn thêm tuyệt vọng. Nhưng tại sao lại thắc mắc rằng hắn là bạn thân hay chỉ là bạn? Dù hắn là người xa lạ đi nữa, hắn đã kêu gọi đến lòng thương xót của mình cũng đủ. Không ai đành tâm ngồi nhìn một kẻ chết đuối chìm dần.

Tôi kêu lên: “Tôi phải làm!”. Hiện tôi chưa biết tôi phải làm cách nào, nhưng tôi nhất định làm. Ngay ngày hôm nay, tôi viết thư cho hắn. Đoạn tôi còn nói kháy nàng một câu: “Chắc gì hắn đã thích”.

Nàng nói. “Anh khỏi lo. Một cọng rơm nó cũng bám”.

Thế là tôi viết rõ sự thể cho hắn biết. Tôi còn vẽ sơ đồ hình nhà cửa, cho biết kích thước phòng hắn, rằng phòng không lò sưởi, rằng chúng tôi ở xa thành thị. Tôi nói: “Không chừng ở đây anh sẽ buồn lắm, ngoài chúng tôi ra không còn ai để trò chuyện, không thư viện, không quán cà phê, và nhà xi-nê gần nhất cũng hàng sáu bảy chục cây số. Nhưng ít ra anh không còn lo ăn lo ở”. Kết luận, tôi còn nói sang đây anh là chủ anh, muốn làm gì tùy thích, thật vậy, muốn nằm khàn suốt ngày cũng chẳng sao.

Hắn trả lời liền, bảo tôi rằng hắn mừng quá sức, gọi tôi là ông thánh, là cứu tinh, vân vân và vân vân.

Mấy tháng kế đó, tôi lo đào tiền, vay ai được là vay, có ít tiền dắt lưng cũng bỏ ra, mượn trước tiền bản quyền, sau hết lo giấy tờ cho hắn từ Thụy Sĩ bay qua Anh lên tàu Queen Mary hoặc Elizabeth, gặp chiếc nào đi chiếc đó, sang Nữu Ước, rồi từ Nữu Ước bay đến San Francisco, đến đây có tôi chờ sẵn.

Trong mấy tháng vay mượn ngược xuôi và nhặt nhạnh từng đồng tôi vẫn phải lo cho hắn sống đầy đủ hơn. Lo cho hắn béo tốt ra không lẽ ôm lấy một kẻ chết dở. Còn một điều tôi không giải quyết được thỏa mãn, là trả số tiền trọ còn thiếu. Trong hoàn cảnh này, tôi không thể làm gì hơn là viết một bức thư nhờ hắn đưa cho bà chủ nhà xem, trong đó tôi hứa sẽ thanh toán mọi khoản sớm ngày nào hay ngày nấy. Tôi xin lấy danh dự hứa với bà ta.

Ngay trước hôm đi, hắn gởi cho tôi một lá thư chót, cho tôi biết rằng về việc bà chủ nhà, mọi sự cũng đã yên. Hắn viết để cho bà an tâm, hắn đã phải miễn cưỡng tặng bà một bài thơ. Dĩ nhiên hắn dùng chữ văn hoa hơn thế. Nhưng hắn nói rõ ràng, dù làm thế là tởm, hắn cũng đã làm tròn phận sự.

Hắn đến phi cảng San Fransico đúng vài ngày trước lễ Giáng sinh. Chả là xe tôi hỏng, tôi mới nhờ anh bạn Lilik (Schaartz) đi đón hắn và đưa hắn về ở tạm nhà anh tại Berkeley cho đến khi tôi có thể về lại đón.

Vừa bước ra khỏi phi cơ hắn nghe gọi tên hắn “Ông Moricand! Ông Moricand! Xin chú ý!” Hắn dừng bước tai nghe miệng há hốc. Một giọng trầm ấm êm ái đang nói với hắn trên không bằng một thứ tiếng Pháp đúng giọng, bảo hắn đi lại bàn. Hỏi thăm có người đang chờ hắn.

Hắn ngẩn tò te. Thật là một xứ kỳ ảo! Thật là chu đáo! Trong lúc ấy hắn cảm thấy mình như một đế vương.

Chính Lilik đợi hắn ở bàn hỏi thăm. Lilik là người đã nhờ cô gái nói. Lilik là người đón hắn đi, cho hắn đánh một bữa ngon lành, ngồi với hắn cho đến tảng sáng, thù tạc hắn bằng thứ Scotch ngon nhất mà anh mua được. Và đặc biệt hơn nữa tặng hắn một tấm hình Big Sur trông chẳng khác nào một thiên đàng mà quả thế. Hắn, Conrad Moricand, khi rượu đã ngấm, quả là người sung sướng.

Ngẫm ra như thế còn hay hơn là chính tôi đi đón.

Vài ngày sau, thấy mình không thể đi San Francisco được, tôi mới điện thoại cho Lilik nhờ lái xe đưa Moricand về dưới tôi.

Ngày hôm sau, vào khoảng chín giờ đêm, họ đến nơi.

Trước khi hắn đến, tôi đã trải qua nhiều xáo trộn trong lòng nên khi mở cửa nhìn hắn bước mấy bậc thang vườn, tôi hầu như đờ đẫn. (Vả lại tuổi Mùi ít khi mà bộc lộ cảm tình của mình ra ngay).

Còn Moricand, hắn cảm động ra mặt. Khi rời tay nhau, tôi thấy hai giọt nước mắt to tướng lăn trên má hắn. Hắn đã “về nhà”. Bình yên vô sự.

Căn phòng nhỏ tôi dọn dẹp cho hắn làm nơi ngủ, nơi làm việc chỉ nhỏ bằng nửa căn phòng trên lầu thượng Khách sạn Modial. Vừa đủ đặt một chiếc giường nhỏ, một bàn viết, một giỏ bỏ giấy. Với hai ngọn đèn dầu thắp lên, trông vẻ mờ ảo. Một Van Gogh hẳn phải thích thú.

Tôi không thể không nhận thấy hắn đã sắp đặt đâu vào đấy một cách mau lẹ ngăn nắp, cái ngăn nắp cố hữu của hắn. Tôi để hắn một mình một lúc cho hắn mở hành lý và tụng Ave Maria. Khi tôi trở lại chúc hắn ngủ ngon, tôi thấy cái bàn viết đã được sắp đặt như thuở nào - tập giấy để chênh chếch trên cái thước ba cạnh, tấm bàn thẩm rộng trải thẳng, bên cạnh là bình mực, ống bút với đủ thứ bút chì, chiếc nào cũng vót nhọn sẵn sàng. Trên kệ có gắn tấm gương, thấy để lược, bàn chải quần áo, và hai tấm hình nhỏ đóng khung. Hắn cũng đã găm lên vài tấm cờ, như một sinh viên. Tất cả đều như xưa chỉ thiếu có tấm lá số của hắn.

Tôi cố chỉ hắn cách dùng chiếc đèn Aladin, nhưng có hơi phiền phức nên hắn không thể hiểu ngay. Hắn thắp hai cây nến lên. Đoạn, xin lỗi là phải để hắn quá chật chội, và gọi đùa căn phòng là một nấm mồ nhỏ ấm cúng, tôi chúc hắn ngủ ngon. Hắn theo tôi ra ngoài nhìn sao và hít một hơi dài cái không khí sạch sẽ thơm tho của ban đêm, và bảo tôi là ở trong căn phòng này hắn hoàn toàn thoải mái.

Sáng hôm sau, sang gặp hắn, tôi thấy hắn đã quần áo chỉnh tề đứng đầu cầu thang. Hắn đang ngắm biển. Mặt trời còn thấp và sáng rực trên trời, bầu không khí hết sức trong sáng, nhiệt độ trong sáng, nhiệt độ của một ngày cuối xuân. Hắn hầu như ngây ngất trước cảnh bao la của Thái Bình Dương, trước cái chân trời xa tắp, rõ ràng từng nét, trước màu xanh rực mênh mông. Một con diều xuất hiện từ từ lượn qua trước nhà rồi biến dạng. Cảnh tượng hẳn như làm hắn sững sờ. Rồi đột nhiên hắn nhận thấy trời ấm áp dễ chịu. Hắn nói, “Trời ơi, ấy thế mà mới sắp mồng một tháng Giêng!”

Vừa bước xuống thang, hắn vừa lẩm bẩm, “Thật là một thiên đàng”.

Điểm tâm xong, hắn chỉ tôi cách lấy giờ lên giây chiếc đồng hồ hắn mang sang làm quà cho tôi. Hắn nói, đó là một gia sản, vật sở hữu cuối cùng của hắn. Chiếc đồng hồ đã có hàng mấy đời. Cứ mười lăm phút lại gõ chuông, rất nhẹ nhàng, rất du dương. Hắn cầm lên cầm xuống rất nương tay trong khi tỉ mỉ giải thích bộ máy lôi thôi của nó. Hắn còn cẩn thận lần mò cho ra một tiệm chữa đồng hồ ở San Francisco, một tiệm đáng tin, mà tôi có thể đưa chữa khi đồng hồ có gì hư hỏng.

Tôi cố làm ra vẻ thích thú với món quà kỳ diệu mà hắn tặng tôi, nhưng thật ra, trong thâm tâm tôi, tôi thù ghét cái đồng hồ khỉ gió ấy. Đối với tôi, của cải của at chẳng có gì đáng quý. Thfi giừo đây tôi lại phải ôm lấy một vật đòi phải chăm nom cẩn thận. Tôi tự nhủ “Rõ của nợ”. Nhưng miệng thì đề nghị hắn giữ gìn dùm, lên giây, cho dầu và này khác. Tôi bảo, “Chả anh quen rồi mà”. Tôi tự nhủ chả bao lâu nữa bé Val - nó mới lên hai - thế nào cũng tý toáy vặn lên vặn xuống để nghe đánh chuông chơi.

Có điều lạ là vợ tôi lại không cho hắn là quá lầm lì, quá ủ rũ, quá già nua, quá suy nhược. Trái lại, nàng còn nhận thấy hắn rất duyên dáng và khéo chân khéo tay. Nàng cũng thán phục cái ngăn nắp và lịch sự của hắn. “Anh có thấy tay hắn không? Thật là đẹp! Tay của nhạc sĩ”. Mà đúng thế, hắn có đôi bàn tay đẹp mạnh ngón đầu hơi tòe, ngón tay luôn luôn cắt xén và đánh bóng.

Tôi hỏi, “Anh có mang theo quần áo cũ nào không?” Với bộ đồ xẩm, trông hắn có vẻ thị thành quá.

Thì ra hắn không có quần áo cũ. Hay đúng hơn là hắn vẫn có từng nấy bộ, chẳng cũ cũng chẳng mới. Tôi nhận thấy hắn nhìn tôi từ đầu đến chân có vẻ hơi hiếu kỳ. Tôi không còn bộ nào cả. Tôi toàn mặc quần vải dày, áo bông có lỗ, áo ngoài mua sẵn và giày cao su. Chiếc mũ ỉu xìu - chiếc mũ cuối của tôi - lại có lỗ thông hơi quanh băng. Tôi nói “ở đây không cần quần áo. Nếu muốn, cởi truồng đi cũng không sao”.

Hắn thốt, “Đời sống kỳ quá nhỉ! Thật không thể tưởng tượng!”

Sáng hôm ấy, khi cạo râu, hắn hỏi tôi có phấn thạch cao không. Tôi nói, “có chứ”. Và đưa cho hắn hộp phấn của tôi. Hắn hỏi, “Anh có thứ Yardley không?” Tôi nói. “Không. Mà sao?”

Hắn mỉm cười nửa sượng sùng, nửa biện bạch. “Tôi chỉ quen dùng Yardley thôi. Rảnh đi phố anh mua cho tôi một hộp có được không?”

Bỗng nhiên tôi cảm thấy như đất lở dưới chân tôi. Sang đây nó bình yên vô sự, có nơi ăn chốn ở cho đến ngày xuống lỗ ngay giữa “một thiên đàng thật sự” mà nó lại đòi phải có phấn Yardley! Thế thì quá quắt thật, lẽ ra tôi phải vâng theo bản năng của tôi mà bảo hắn: “Xéo đi cho rảnh! Hãy trở về với cái Hỏa ngục của mày đi!’

Đó mới là chuyện vặt và, giá phải ai khác, tôi hẳn bỏ qua, cho đó là một thị hiếu, một trái chứng, một cố tật, hay bất cứ gì khác ngoài một điềm xấu. Nhưng ngay từ phút đó, tôi biết là vợ tôi nói đúng, biết rằng mình đã lầm to. Lúc đó tôi mới cảm thức được cái con đỉa mà Anaϊs đã cố dứt bỏ. Tôi thấy rõ đứa bé hư, thằng người suốt đời không từng làm một chút việc gì gọi là lương thiện, tên cùng khốn quá tự ái để ra mặt ăn xin nhưng chỉ tính rút tỉa bạn bè cho đến xương tủy. Tôi biết thế, cảm thấy thế, và biết trước kết cục phải ra sao rồi.

Mỗi ngày tôi lại cố đưa hắn đi xem một khía cạnh mới của miền này. Nào là các suối lưu huỳnh mà hắn cho là kỳ diệu - hơn khoáng tuyền ở Âu châu vì thiên nhiên, cổ sơ và trong sạch hơn. Nào các “rừng hoang” gần đó mà rồi nó đi khám phá một mình, say sưa với các cây cù tùng, các giống hoa rừng, và đủ loại dương xỉ. Thích thú hơn nữa trước cái mà hắn gọi là “bỏ mặc’, vì ở Âu châu không đâu có rừng lại mang một bộ mặt bù xù như các rừng Mỹ. Hắn lấy làm lạ là không ai đến lấy các cành khô, các thân cây chết chất ngang chất dọc hai bên đường đi. Củi nhiều thế mà vứt bỏ phí phạm! Gỗ nhiều thế mà bỏ không dùng, không thiết, trong khi ở Âu châu người ta chen chúc nhau trong những căn phòng không củi sưởi. Hắn kêu lên, “Thật là một xứ kỳ dị! Đâu đâu cũng sung túc. Chả trách gì người Mỹ lại hào phóng đến thế!”

Vợ tôi nấu ăn không phải dở. Thật ra, nấu ăn ngon là khác. Bữa ăn khi nào cũng có rượu thừa thãi. Dĩ nhiên là rượu vang Californie, nhưng hắn cho là ngon tuyệt, ngon hơn rượu vang đỏ thường của Pháp. Nhưng bữa ăn phải một cái hắn thấy khó quen nổi - là thiếu súp. Hắn thấy không sao làm quen được với các thói của Mỹ là trưa ăn ít quá. Bữa ăn trưa phải ăn thực sự. Chúng tôi thì buổi ăn tối mới là buổi chính. Nói chung thì phó mát không đến nỗi dở và sà lách thì tuyệt, nhưng hắn vẫn thích dầu lạc hơn là dầu ô liu mà chúng tôi dùng thả cửa. Chúng tôi dùng nhiều tỏi là điều hắn thích. Còn bít-tết thì quả tình hắn chưa được ăn ở đâu ngon bằng đây. Thỉnh thoảng chúng tôi xoay được ít cô-nhắc cho hắn cảm thấy chút hương quê.

Nhưng cái làm hắn khó chịu nhất là thuốc lá Mỹ. Nhất là thuốc vấn thì thật ghê tởm. Chả lẽ không đào ra được ít thuốc gauloises xanh ở San Francisco hay New York hay sao? Tôi bảo cũng có thể được nhưng đắt lắm. Tôi bảo nó hút thử Between the Acts. (Không nói hắn biết, nhưng tôi nhờ các bạn ở những đô thị lớn gửi gấp cho ít thuốc lá Pháp). Hắn cho loại xì-gà nhỏ hút được. Hút loại này hắn nhớ đến một thứ hắn thích hơn là loại xì-gà cắt đầu. Kỳ tới ra tỉnh tôi đào được ít xì-gà dài cắt đầu của Ý. Hút được lắm! Ngon đấy! Tôi tự nhủ, thôi thế cũng đỡ.

Còn một vấn đề chúng tôi không giải quyết nổi là giấy viết thư. Hắn nhất định cần phải thứ giấy cỡ riêng. Hắn đưa tôi xem một tờ mẫu hắn mang từ Âu chaua sang. Tôi mang ra tỉnh đọ xem có thứ nào tương tự không. Nhưng không, rõ thật khổ. Cỡ giấy kỳ dị, chúng tôi chả ai dùng. Hắn không tài nào tin nổi đâu có chuyện lạ thế. Mỹ làm đủ thứ, làm thật nhiều. Thế mà lại không có nổi một thứ giấy rất thường. Hắn nổi cáu. Giơ cao tấm giấy mẫu, lấy ngón tay búng, hắn nói to: “Ở Âu châu không nơi nào lại không có thứ giấy này, đúng cỡ này. Thế mà ở Mỹ, bảo rằng có đủ, mà lại không sao tìm ra cái này. Thật là chó chết”.

Xin thú thật, nghe cái chuyện chó chết này tôi thấy thối không ngửi nổi. Không biết hắn viết cái thá gì mà phải đòi cho được cái thứ giấy đúng cỡ ấy cơ chứ? Tôi đã phải lo cho hắn nào phấn Yardley hắn thích, thuốc lá gauloises xanh hắn thích, thứ nước hoa hắn thích, thứ đá mài bột hơi thơm thoảng (thay thuốc đánh răng) mà hắn thích, giờ đây hắn lại còn hành tôi về chuyện giấy giếc.

Tôi khẽ nói, “Anh hãy ra ngoài này một chút được không? Anh hãy nhìn xem... nhìn biển cả mênh mông kia! Nhìn lên trời xem! Tôi chỉ những đóa hoa đang nở. Một con chim sâu như vừa từ một nụ hồng bay bổng lên trước mặt chúng tôi. Cánh nó đập nghe vù vù nhỏ nhẹ. Tôi thốt, “Hãy nhìn xem!” Tôi ngưng một lát. Đoạn với một giọng rất bình tĩnh, tôi nói: “Khi người ta đã có tất cả những cái này, thì khi viết dù có viết trên giấy chùi đít cũng không được hay sao?”

Lời nói đã đánh trúng.

Hắn mở đầu, “Này cậu, tôi mong rằng cậu đừng nghĩ tôi là hay hạch sách...”

Tôi đáp, “Quả tình tôi nghĩ thế”.

“Cậu hãy tha lỗi cho tôi. Tôi rất ân hận. Không ai lại biết ơn hơn tôi về tất cả những gì cậu đã giúp tôi”.

“Này anh Moricand, tôi không cần anh biết ơn. Tôi chỉ xin anh hãy có chút common sense (biết điều). (Tôi muốn nói là (horse sense) nhưng lúc đó không tìm ra được chữ Pháp tương đương). Dù cho ngay cả không có giấy đi nữa, tôi cũng mong anh vẫn vui vẻ như thường. Giờ đây anh là một con người tự do, anh nhận thấy thế chứ? Mẹ kiếp, sao lại không, anh còn giàu hơn tôi! Thì hãy nhìn, đừng làm thối tất cả những cái này” - Tôi vung tay lên trời, ra biển, lên lũ chim đang bay, lên các ngọn đồi xanh - “ta đừng làm thối tất cả những cái này với những chuyện giấy giếc, thuốc thiếc, phấn phiếc, những chuyện vớ vẩn. Điều mà ta phải nói đến là - Thượng đế”.

Hắn tiu nghỉu. Tôi cũng muốn xin lỗi hắn đôi chút, nhưng không. Tôi rảo bước về phía rừng. Trong bóng mát của rừng sâu, tôi ngồi bên bờ làm cái mà người Pháp gọi là tự vấn lương tâm. Tôi cố nghịch đảo lại tình trạng, tự đặt mình vào địa vị hắn, tự mình nhìn qua mắt hắn. Tôi xin thú thật rằng tôi không làm được. Dù sao tôi không tài nào đặt tôi vào địa vị hắn được.

Tôi sẽ tự nhủ, “Nếu phải mình là Moricand, hẳn mình đã tự tử lâu rồi”.

Về một phương diện, hắn là một ông khách ở trọ lí tưởng - hầu như suốt ngày hắn chỉ thui thủi một mình. Ngoài mấy bữa ăn, còn thì suốt ngày hắn ở trong phòng, đọc sách, viết lách, có lẽ cũng suy tư nữa. Tôi làm việc trên cái văn phòng ga-ra ngay trên đầu hắn. Thoạt đầu tiếng gõ máy lọc tọc làm hắn khó chịu. Chẳng khác nào tiếng lạch-tạch-tạch của súng đại liên bên tai hắn. Nhưng dần dà hắn quen tai và còn là một kích thích. Hắn nói thế. Vào bữa ăn trưa và tối, hắn nghỉ ngơi. Vì ở một mình cả ngày, hắn thừa những dịp đó để trò chuyện với chúng tôi. Hắn là thứ người khi đã móc vào câu chuyện rồi thì gỡ không ra. Cơm trưa xong tôi thường đột ngột bỏ đi, để mặc hắn ba hoa chích chòe với nhà tôi. Thời giờ là cái duy nhất tôi cho là quý. Nếu phải phí thời giờ, thì thà đánh giấc ngủ trưa còn hơn ngồi nghe anh bạn Moricand.

Bữa tối lại là chuyện khác. Khó mà tìm ra một lý lẽ gì để cắt ngang câu chuyện. Sau bữa ăn, đọc sách đôi chút là một cái thú vì suốt ngày không có lúc nào rỗi, nhưng tôi đâu có được đọc. Tối đến ngồi vào ăn là ngồi cho đến khi nào hắn hết chuyện nói thì thôi. Dĩ nhiên, chúng tôi toàn nói tiếng Pháp. Moricand có ý học ít tiếng Anh, nhưng được vài bữa hắn xin hàng. Tiếng Anh không “thông cảm” với hắn. Theo hắn còn khó học hơn tiếng Đức. Cũng may là vợ tôi nói được đôi chút tiếng Pháp và cũng hiểu khá, nhưng không đủ để theo dõi một người thao thao bất tuyệt như Moricand. Chính tôi cũng lắm khi không theo nổi. Thỉnh thoảng tôi phải ngắt lời, bảo hắn nói lại những gì vừa nói bằng cách giản dị hơn, đoạn thông ngôn lại cho vợ tôi nghe. Thỉnh thoảng tôi cũng quên khuấy nói với hắn một tràng tiếng Anh và rồi ngưng bặt trước cái nhìn trố mắt của hắn. Dịch lại cho hắn nghe chẳng khác gì lạnh mà đòi đổ mồ hôi. Thường thì những khi tôi phải thông ngôn lại cho vợ bằng tiếng Anh, hắn hay làm ra vẻ mình cũng hiểu. Khi hắn thủ thỉ với tôi điều gì bằng tiếng Pháp thì nhà tôi cũng hay làm ra vẻ mình cũng hiểu. Do đó lắm khi cả ba nói chuyện khác nhau, gật gà gật gù, đồng ý, nói Phải khi nghĩ Không, và cứ thế cho đến khi chẳng còn ai hiểu nổi ai và đồng thời giơ tay kêu trời. Rồi lại bắt đầu lại, từng câu một, từng ý một, như thể hì hục gắn một sợi chỉ.

Tuy nhiên, mặc dầu có điều thiếu sót, chúng tôi cũng hiểu nhau rất rõ. Thường thì những khi hắn độc thoại hàng dây hàng tràng, thêu bướm thêu hoa thì quả thật chúng tôi chẳng còn hiểu hắn nói gì cả. Ngay lúc đó, dù bị lạc lõng trong một chuyện tràng giang đại hải hay một luận điệu rối rắm như màng nhện giăng, nghe hắn nói vẫn thú vị. Đôi khi tôi không buồn chú ý, buông thả cho mình lạc lõng, để thưởng thức cái nhạc điệu trầm bổng của những lời hắn nói. Lúc đó, hắn là cả một ban hòa tấu đơn độc.

Khi hứng đã lên rồi thì mặc hắn, nói gì thì nói, chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện lễ bái, chuyện kim tự tháp, hay các bí mật bí miếc gì cũng thế thôi. Chẳng qua cũng chỉ là một phương tiện cho hắn trổ tài thao thao bất tuyệt. Nói đến những gì tế nhị khúc mắc của tình yêu thì hắn lúc nào cũng mạch lạc và chí lý. Hắn như đàn bà, rất tinh tế vặt, khi nào cũng nói được đúng âm, đúng điệu, đúng màu, đúng mùi, đúng vị. Hắn mềm mỏng đưa đẩy, ngọt ngào như một nhà phù thủy. Giọng hắn ngân vang như tiếng cồng lanh lảnh trong cái im lặng âm ti của sa mạc bát ngát. Chẳng hạn, khi nói đến Odilon Redon, ngôn ngữ hắn tỏa đầy hương sắc, đầy âm hưởng du dương huyền ảo, mập mờ mây khói luyện kim đan với bóng hình ẩn hiện, đầy khắc khoải tâm tư lâng lâng thanh thoát không sao nắm được thành lời, mà lời chỉ có thể gợi ra khi chúng đã được in thành cảm xúc, hắn sử dụng giọng mình như thể người ta dạo đại phong cầm. cái giọng như đưa người ta đến một vùng môi giới, đến cái giao điểm, chẳng hạn của các dòng thần linh và thế tục, nơi mà hình thức với tinh thần như thẩm thấu lẫn nhau và chỉ có âm nhạc mới diễn đạt nổi. Phụ họa cái âm nhạc là những điệu bộ nghèo nàn thông tục, phần lớn là những thay đổi nét mặt - ghê rợn, chính xác đến mức thô lỗ, ma quái những khi dùng miệng và môi, não nề, đau khổ, ai bi những khi tập trung vào đôi mắt. Và làm ta rùng mình khi hắn lại lắc lư cả cái đầu. Còn lại gì ở hắn, nói đúng ra là thân mình hắn, thường thì bất dịch, ngoại trừ mấy ngón tay thỉnh thoảng gõ nhẹ lên bàn. Ngay cả trí tuệ hắn hình như cũng tập trung vào cái hộp âm, vào cái đại phong cầm nằm không phải ở thanh quản cũng chẳng phải ở ngực mà ở giữa, ở nơi mà hắn mệnh danh một cách văn hoa là đại thiên thế giới.

Thoáng những lúc buông hồn lâng lâng giữa những bụi cói bụi sậy của chính lòng mình, nhìn chằm chằm vào mặt hắn mà óc để đâu đâu, tôi mới thấy rằng mình đang nghiên cứu hắn như qua một tấm gương phản chiếu, bóng dáng hắn thay đổi, chập chờn như đám mây khi tụ khi tan như bóng câu qua khe cửa: khi là nhà hiền giả ưu tư, khi là bà đồng cốt, khi là người trên thông thiên văn dưới quán địa lý, khi là nhà luyện đan, khi là nhà chiêm tinh, khi là thuật sĩ. Đôi khi trông hắn như người Ai Cập, đôi khi như người Mông Cổ, đôi khi như người Iroquois hay Mohican, đôi khi như người Chaldée, đôi khi như người Trusque. Lắm lúc những bóng dáng thật rõ rệt của thời xưa thoáng qua óc tôi, những bóng dáng mà hắn hầu như là hóa thân nhất thời hoặc tương hợp với hắn. Chẳng hạn Montezuma, Herod, Nebuchadnezzar, Ptolem, Balthasar, Justinian, Solon. Toàn những danh nhân, trên địa hạt này hay địa hạt khác. Tuy nhiên kết hợp lại, đều nhất thiết dùng để hợp sinh một vài yếu tố của bản chất hắn mà thường thì không sao qui tụ được cùng ở một con người. Hắn là một hợp kim, mà lại là một thứ hợp kim rất kỳ lạ. Chẳng phải hoàn đồng, chẳng phải đồng thau, chẳng phải bạch kim. Có phần là một thứ hợp kim không tên không tuổi dùng làm giao chất giữa ta với cái thể xác khi nó làm mồi cho một chứng bệnh dị tặc nào đó.

Có một hình ảnh in sâu vào con người hắn, mà hắn đã tạo thành khi còn thơ ấu, mà hắn không bao giờ rũ bỏ nổi: hình ảnh của “Thiểu não”. Hôm hắn đưa tôi xem tấm hình hắn chụp hồi hắn mười lăm hay mười sáu, tôi vô cùng xúc động. Trông chẳng khác gì thằng bạn tôi, thằng Cus Schmelzer, mà tôi hay trêu chọc làm tình làm tội đủ thứ cũng chỉ vì cái vẻ mặt buồn thiu buồn chảy, lúc nào cũng buồn chảy buồn thiu của nó. Ngay vào cái tuổi ấy - không chừng sớm hơn biết đâu ấy? - trong tâm linh Moricand đã in sâu tất cả những hình thái mệnh danh làm mơ hồ, sầu muộn và âm u. Ở da thịt hắn người ta đã cảm thấy cái xác ướp khô. Ở trên vai trái hắn, người ta đã thấy đậu con ác điểu báo điềm gở. Người ta đã thấy ánh sáng trăng pha loãng dòng máu hắn, làm mẫn nhuệ võng mạc của mắt hắn, nhuộm da hắn thành màu tái xanh của kẻ tù đồ, của kẻ ghiền ma túy, của dân sống trên các hành tinh biệt thẳm. Biết hắn rồi, người ta không thể không mường tượng những cái sừng tinh tế mà hắn rất tự hào rằng nhờ đó bắp thịt hắn thêm phần linh cảm. Tôi xin nói thêm - tại sao không? - rằng khi nhìn sâu vào đôi mắt buồn rượi, đôi mắt vượn âm u của hắn, tôi thấy đầu lâu trong đầu lâu, thấy nấm mộ trống rỗng, thăm thẳm, cắm trên thập tự, dưới cái ánh sáng khô khan, lạnh lẽo, giết người của một vũ trụ còn nằm bên kia các ranh giới tưởng tượng ngay của cả một nhà khoa học có mộng tưởng táo bạo nhất.

Về nghệ thuật hồi sinh, hắn là một tổ sư. Hắn sống động khi đề cập đến bất cứ cái gì có mùi chết chóc. Mọi cái đến với hắn đến từ nấm mồ chôn chúng. Hắn chỉ cần vẩy chiếc đũa là làm chúng hầu như sống lại. Nhưng cũng như mọi phù phép, dù thi vị nhất, rốt cuộc chúng chỉ còn là đất bụi với tro tàn. Đối với Moricand quá khứ ít khi là một quá khứ sống động; quá khứ một nhà xác mà muốn làm cho đẹp hơn thì cũng chỉ như một bảo tàng viện là cùng. Ngay khi hắn nói đến người sống cũng chẳng khác gì người ta kiểm kê các bảo tàng vật. Nói đến cái còn hay cái mất, hắn cũng chẳng hứng thú gì hơn. Thời gian là đồng cốt của hắn. Một đồng cốt không chết, vì không liên quan gì đến sống.

Người ta bảo các tuổi Mùi rất tương đắc, có lẽ vì có nhiều cái giống nhau. Tôi thì cho rằng các tuổi phàm tục này có nhiều điểm tương khắc, khó hiểu nhau hơn là các tuổi khác. Sự thông cảm giữa các tuổi Mùi chỉ là tương hợp bề ngoài, có thể nói chỉ là hoãn chiến, hơn là gì khác. Chỉ thoải mái ở những nơi thật sâu hay thật cao, ít khi ở đâu lâu, họ giống đá giống quỉ hơn là giống nhau. Điều mà họ hiểu rõ có lẽ là các điểm khác biệt giữa họ chỉ là ở độ cao, trước hết tùy theo địa vị. Khi đã trải qua toàn độ hệ rồi thì họ dễ dàng đồng hóa là anh hay là tôi. Đây là cái dây buộc họ và giải thích tại sao họ dễ tha thứ nhưng không bao giờ quên. Họ chẳng bao giờ quên gì cả. Trí nhớ họ thật quái đản. Không những họ nhớ những khổ nghiệp bản thân của con người họ, mà còn nhớ cả những khổ nghiệp của mình trước khi thành người và sau khi không còn là người nữa. Họ có thể trườn lại vào chất bùn nguyên sinh dễ dàng như lươn lẩn trong bùn. Họ cũng mang theo những kỷ niệm về những thế giới cao siêu, những trạng thái linh diệu, như thể họ đã từng sống những thời kỳ giải thoát rất lâu khỏi những vòng cương tỏa của thế tục, như thể họ rất quen thuộc với chính ngôn ngữ của thiên thần. Thật vậy, có thể nói rằng trong mọi con người phàm tục, họ không thích hợp với cuộc đời trần thế này hơn cả. Đối với họ, trần ai không những là một nhà tù, một hỏa ngục, một nơi đền tội, mà còn là một cái kén mà rồi đây họ sẽ thoát khỏi với đôi cánh bất diệt. Do đó họ mang tính chất đồng bóng, có khả năng và sở vọng thực hành chấp nhận, rất sẵn sàng qui hóa. Họ nhập thế như những người chủ tâm đi thăm một hành tinh khác, một thế giới khác. Họ có thái độ của kẻ nhìn quanh mình một lần chót, của kẻ lúc nào cũng chào từ biệt tất cả những gì phàm tục. Họ hút mật cái tinh túy của trần gian để chuẩn bị cho một thể xác mới, một hình thức mới, để rồi vĩnh biệt hẳn cõi trần. Họ chết không biết bao nhiêu lần, trong khi người ta chỉ chết có một lần. Do đó, họ được miễn sống hay miễn chết. Vị trí của họ thực sự là lòng bí mật. Ở đó họ thấy rõ hết. Ở đó họ sống riêng biệt kéo mộng quay mơ, và mới “thực thoải mái”.

Vừa ở với chúng tôi được hơn một tuần, hắn đã gọi tôi vào phòng xin “vấn ý” về việc dùng cô-đê-in. Mào đầu hắn kể lể con cà con kê nào là đau khổ, nào là thiếu thốn trăm bề từ năm nảo năm nào, xong hắn mới nói qua về cơn ác mộng của hắn trong thời gian mới đây của hắn ở Thụy Sĩ. Tuy hắn là dân Thụy Sĩ, nhưng Thụy Sĩ không phải là xứ hắn, thủy thổ không hạp, miếng ăn cũng không. Sau bao nhiêu tủi nhục hắn phải chịu đựng trong thời chiến (Thế chiến thứ hai), lại đến những tủi nhục còn tệ hại hơn nữa mà dân Thụy Sĩ vô tình cảm bắt hắn phải chịu. Tất cả những cơ cực này đã khiến hắn bảy năm nay phải mang bệnh ngứa. Hắn ngưng lời để vén ống quần lên. Tôi rợn người. Hai cẳng hắn lở loét từ trên xuống dưới. Chả cần phải nói thêm gì hơn.

Hắn nói giờ nếu có được chút cô-đê-in thì đỡ đau, và ít ra cũng còn ngủ ngáy được đôi chút, mặc dầu không khỏi hẳn. Hắn hỏi liệu mai chẳng hạn tôi ra tỉnh có xoay cho hắn được không? Tôi nói, được.

Tôi chưa hề dùng cô-đê-in hay bất cứ thứ thuốc nào để ngủ hay thức cả. Tôi đâu có biết rằng muốn mua cô-đê-in phải có toa bác sĩ. Chính nhà thuốc bảo tôi thế. Không muốn Moricand thất vọng, tôi đi tìm hai anh bạn bác sĩ nhờ họ cho toa. Họ từ chối.

Khi tôi nói cho Moricand biết thế, hắn đổ quạu. Hắn làm như thể các bác sĩ Mỹ âm mưu đày ải hắn không bằng. Hắn kêu lên: “Thật là vô lý! Ngay ở Thụy Sĩ người ta còn cho bán tự do. Dễ thường hỏi mua cô-đê-in hay thuốc phiện thì được hẳn”.

Mấy ngày sau, hắn không sao ngủ được. Rồi lại vấn ý. Lần này hắn bảo tôi là hắn đã có cách. Mà lại rất giản dị. Hắn sẽ viết cho nhà thuốc ở Thụy Sĩ gởi cô-đê-in sang thành từng gói nhỏ một. Tôi bảo hắn nhập cảng như thế là trái phép, dù nhỏ cách mấy. Tôi còn nói thêm rằng nếu hắn làm thế tôi cũng sẽ bị vạ lây.

Hắn đưa tay lên trời, thốt: “Xứ gì mới kỳ dị chứ! Xứ gì mới kỳ dị chứ!”

Tôi đề nghị: “Tại sao anh không thử ngâm chân xem?” Hắn hứa hắn sẽ thử. Với cái giọng như thể tôi bắt hắn phải uống một liều dầu xổ vậy.

Tôi toan bước đi thì hắn đưa tôi xem một bức thư hắn vừa nhận được của bà chủ nhà. Bức thư nhắc nhở tiền hắn còn nợ và tôi đã không giữ đúng lời hứa. Tôi quên lững bà ta với cái món nợ chó chết ấy.

Vợ chồng tôi không có tiền gửi băng, nhưng tôi còn vài tờ trong túi. Tôi móc ra, bày lên bàn, bảo hắn: “Có lẽ chút ít này tạm cho bà ta yên bụng một thời gian”.

Chừng một tuần sau hắn lại gọi tôi vào phòng. Tay hắn cầm một bì thư mà hắn vừa mở. Hắn muốn tôi đọc xem. Thư của một nhà thuốc Thụy Sĩ nói sẵn sàng giúp. Tôi nhìn lên thấy tay hắn cầm một vài viên nhỏ tí.

Hắn nói, “Anh thấy không, muốn xoay thì phải được chứ”.

Tôi tức quá nhưng làm thinh. Tôi phải công nhận rằng, nếu tôi ở vào địa vị hắn, chắc tôi cũng làm thế. Hắn đã cùng kế, quả thực vậy. Vả lại, ngâm chân chẳng ăn thua gì. Đã thế, theo lời hắn nói, còn nặng thêm. Dù sao, hắn cũng chán ngấy ngâm với nghiếc: theo hắn, ngâm là thuốc độc.

Có cái hắn cần rồi, hắn đi rừng chơi đều đều. Tôi nghĩ, thế càng hay, hắn cần thể dục đôi chút. Nhưng hắn đi quá sức; đi nhiều làm máu bốc, về mặt khác, đi như thế có lợi cho hắn. Rừng rú đưa lại một cái gì mà tinh thần Thụy Sĩ của hắn đòi hỏi. Mỗi lần đi về, hắn mệt lử nhưng hớn hở. Hắn nói: “Tối nay chả cần uống thuốc cũng ngủ ngon”.

Hắn tự dối mình. Đã ngứa lại ngứa thêm. Ngay khi ngủ say, hắn cũng gãi sồn sột. Đã thế, ngứa lại lan rộng. Giờ thì cả hai cánh tay cũng ngứa. Chả mấy lúc lan khắp người, trừ hạ bộ.

Dĩ nhiên cũng có lúc bớt. Nếu có khách, nhất là khách nói được tiếng Pháp, thì tinh thần hẳn sảng khoái hẳn. Hoặc khi nhận được thư của một anh bạn thân còn nằm tù vì hoạt động thời Chiếm đóng. Đôi khi một bữa ăn thực sự ngon miệng cũng đủ làm hắn thay đổi tính khí một vài hôm. Ngứa thì hẳn là không hết, nhưng gãi cũng đỡ một khoảng nào.

Thời gian qua, hắn cảm nhận thấy rằng tôi là cái thứ người mà thiên hạ thích tặng quà. Mỗi kỳ thư thường có những gói quà đủ thứ. Điều làm Moricand lạ là quà thường là những thứ chúng tôi đang cần. Hết rượu thì y như có anh bạn gửi cho một mớ rất ngon; hết củi thì bỗng dưng có ông láng giềng xe củi đến đủ đun hàng mấy tháng. Dĩ nhiên sách báo thì đều đều đổ đến. Thỉnh thoảng còn nhận được hàng tập tem thư. Chỉ có tiền là không thấy tuôn vào. Mà chỉ vào nhỏ giọt, có khi cạn khô.

Moricand nhìn quà đổ đến với đôi mắt diều hâu. Còn như khách khứa đến thăm đều đều, ngay cả những kẻ chán như cơm nếp nát, những kẻ chỉ tổ làm mất thì giờ, hắn cũng cho dù sao cũng làm nhẹ gánh nặng của chúng tôi. Hắn nói: “Hẳn nhiên đi rồi. Cái đó có trong lá số anh. Dù những khi Tử vi không chiếu, anh cũng chẳng sao. Vả lại, số anh rủi mấy rốt cuộc vẫn lợi cho anh. Anh không bao giờ thiệt!”