Ác Quỷ Nam Kinh

Ghi chú của tác giả

Năm 1937, bốn năm trước khi nước Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Thái Bình Dương sau sự kiện Trân Châu Cảng bị tấn công thì quân đội Nhật đã tiến sâu vào lục địa Trung Quốc, đánh chiếm thủ đô Nam Kinh. Những gì xảy ra tiếp theo đã vượt quá cả những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của người dân Trung Quốc khi quân xâm lược điên cuồng tiến hành các vụ tra tấn, cưỡng hiếp và giết người phanh thây trong suốt một tháng trời.

Điều gì đã khiến một đội quân vốn có kỷ luật sắt đá hành động như vậy vẫn là đề tài của những cuộc tranh luận không dứt (để hiểu thêm về tâm lý của lính Nhật trong thời kỳ này, xin mời tham khảo tác phẩm kinh điển của Ruth Benedict với tựa đề The Chrysanthemum and the Sword). Nhưng có lẽ vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là con số thương vong thật sự trong cuộc chiến này. Một số người Trung Quốc cho rằng có tới bốn trăm nghìn người đã chết trong mùa đông năm đó trong khi một số người Nhật thì khẳng định chỉ có vài nạn nhân mà thôi. Lịch sử, như chúng ta vẫn thường được nhắc nhở, luôn được viết bởi kẻ thắng trận, nhưng nó sẽ được viết lại bởi nhiều đảng phái khác, những người xét lại, các nhà chính trị, những viện sĩ hám danh và thậm chí ở một mức độ nào đó là những người Mỹ muốn tìm cách xoa dịu Nhật Bản khi nhận ra vị trí địa lý chiến lược của nước này trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử có thể thay đổi như một con tắc kè hoa, phản ánh những câu trả lời mà người ta muốn và khi mà các bên liên quan luôn đưa ra những kết luận khác nhau thì có rất ít hy vọng đạt được một sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế về con số thương vong thực sự trong cuộc chiến này.

Tại một nấm mồ tập thể tại đài tưởng niệm Giang Đông Môn, du khách tới Nam Ninh (tên gọi hiện nay của Nam Kinh) có thể tận mắt nhìn thấy hài cốt của những người dân bị giết trong cuộc xâm lược năm 1937 chất thành đống. Khi nhìn đống xương đó và cố gắng hình dung ra quy mô và mức độ thực sự của cuộc thảm sát, tôi chợt nhận ra rằng, dù con số tử vong thực sự là bao nhiêu, ít hay nhiều, bốn trăm nghìn hay chỉ mười mạng người, thì mỗi người trong số những công dân không tên tuổi và đã bị quên lãng ấy xứng đáng được chúng ta nhìn nhận như những chứng nhân của một tấm thảm kịch lớn trên sinh mạng nhỏ bé của con người.

Chúng ta chỉ có những bằng chứng rời rạc về cuộc thảm sát; những lời kể của các nạn nhân, các bức ảnh, một đoạn phim 16 li ngắn và mờ do Đức cha John Magee ghi lại. Đoạn phim của Sử Trùng Minh là hư cấu nhưng rất có thể còn có nhiều đoạn phim tương tự chưa được công bố do sợ bị trả thù bởi những người Nhật không thừa nhận cuộc thảm sát đã xảy ra; chắc chắn có một phiên bản đoạn phim của Magee được một người dân thường mang về Nhật với ý định phát hành rộng rãi đã nhanh chóng biến mất một cách bí mật. Với những bằng chứng rời rạc và mang tính giai thoại này, thật không dễ để xây dựng một câu chuyện hư cấu về cuộc thảm sát, khuấy động lên một cuộc tranh cãi giữa những người duy cảm và những người theo chủ nghĩa tiêu cực. Để viết được câu chuyện này tôi đã phải dựa rất nhiều vào các công trình nghiên cứu của hai tác giả: Iris Chang, tác giả cuốn The Rape of Nanking (Vụ cưỡng hiếp Nam Kinh), cuốn sách được coi là tiếng chuông đầu tiên nhằm đánh thức dư luận rộng rãi về vụ thảm sát ở Nam Kinh; tác giả thứ hai và có lẽ quan trọng hơn là Katsuichi Honda.

Honda, một nhà báo người Nhật hoạt động không mệt mỏi từ năm 1971 để đưa sự thật về cuộc thảm sát Nam Kinh ra ánh sáng. Bất chấp thực tế về một làn sóng thay đổi trong cái nhìn của người Nhật hiện nay đối với quá khứ, cuộc xâm lược Nam Kinh mới chỉ được đưa vào sách giáo khoa một cách thận trọng và những người chứng kiến sự kiện này hẳn không thể nào quên được gương mặt sững sờ và đầm đìa nước mắt của các bậc phụ huynh khi được các con mình kể cho nghe sự thật. Tuy nhiên, Honda Katsuichi vẫn phải sống mai danh ẩn tích do sợ các cuộc tấn công trả thù của những người theo cánh hữu. Trong cuốn sách tập hợp lời khai của các nhân chứng trong vụ thảm sát có tên là Vụ thảm sát Nam Kinh của Honda xuất bản năm 1999 có rất nhiều lời chứng về những núi thi thể xung quanh khu vực núi Tử Kim, về những cột người sống do cố trèo lên nhau để thở và nhất là lời khai của một người tận mắt nhìn thấy cảnh một đứa trẻ chưa tới ngày sinh bị một sĩ quan Nhật cắt ra khỏi bụng mẹ.

Bên cạnh các cuốn sách của Honda, tôi còn tham khảo công trình nghiên cứu của các vị sau: John Blake và Annie Blunt của tổ chức Bright Future Mental Health, Jim Breen ở đại học Monash (cơ sở dữ liệu tuyệt vời về chữ kanji của ông có thể tìm thấy ở địa chỉ csse.monash.edu.au); Nick Burton; John Dower (tác giả cuốn Embracing Defeat); George Forty (tác giả cuốn Japanese Army Handbook); Hiro Hitomi; Hiroaki Kobaya Kobayashi; Alistair Morrisons; Chigusa Ogino; Anna Valdinger; và tất cả những người làm việc tại Hội đồng Anh ở Tokyo. Bất kỳ sai sót nào còn lại đều do lỗi của cá nhân tôi.

Xin cảm ơn thành phố Tokyo đã cho phép tôi thay đổi một chút bản đồ địa lý có một không hai của mình, cảm ơn Selina Walker và Broo Doherty vì niềm tin và nghị lực của họ. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Linda và Laura Downing; Jane Gregory: Patrick Janson-Smith; Margaret O.W.O. Murphy; Lisanne Radice; Gilly Vaulkhard. Xin gửi một nụ cười tươi tới Mairi, người vĩ đại. Và hơn tất cả, xin gửi lời cảm ơn tới Keith và Lotte Quinn, những người bạn trung thành của tôi.



[1] Nhân vật phù thủy rất quen thuộc trong văn học dân gian Nga.

[2] Một con quái vật đột biến gen trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Roland Emmerich.

[3] Tác giả muốn ám chỉ những cơn gió thổi từ Niigata, khu vực có nhiều lò phản ứng hạt nhân, nằm ở phía Tây Bắc Tokyo.