Ác Quỷ Nam Kinh

Chương 52

Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937

Đám cháy không kéo dài, quầng lửa trôi dạt trên bầu trời như những con rồng lửa trong cơn giận dữ. Tuyết rơi trở lại gần như ngay lập tức, thánh thiện và bao dung, lất phất xung quanh trong khi tôi đứng yếu ớt và thảng thốt bên cạnh đống hoang tàn từng là ngôi nhà của Lưu Nhuận Đức, khăn che miệng, nước mắt giàn giụa. Ngọn lửa đã thiêu rụi tất cả trên đường đi của nó, chỉ để lại một đống tro tàn nghi ngút khói và những cột nhà xám đen. Khi cơn hỏa hoạn kết thúc, ở giữa ngôi nhà chỉ còn một ngọn lửa leo lét, âm u.

Cả khu hẻm lặng ngắt như tờ. Tôi là kẻ duy nhất bén mảng tới đây. Có lẽ tôi và Thu Kim là hai kẻ duy nhất còn ở lại Nam Kinh cũng nên.

Mùi dầu hỏa vẫn còn phảng phất, tên diêm vương hẳn đã tưới dầu xung quanh nhà trước khi phóng hỏa, nhưng một thứ mùi khác nữa, cái mùi vẫn lan tỏa khắp con hẻm, cái mùi vốn trêu ngươi tôi suốt mấy ngày qua, cái mùi mà giờ đây tôi đã nhận ra và tim tôi chùng xuống. Tôi đưa tay quệt nước mắt rồi đi vòng sang bên hông của ngôi nhà. Gia đình ông Lưu chắc vẫn còn ở đây. Nếu họ trốn thoát được thì chúng tôi đã biết, họ hẳn sẽ đi thẳng tới nhà chúng tôi. Có lẽ họ đã bị kẹt lại bên trong như toan tính của tên diêm vương.

Một màn khói đang lững lờ trôi, bao bọc lấy ngôi nhà và chỉ khi nó tan biến một vài giây sau đó, tôi mới nhìn thấy họ. Hai vật thể đứng sát nhau như hai thân cây đen đúa sau trận cháy rừng, bị thiêu tới mức không còn hình hài, chỉ còn lờ mờ hình dạng của hai cái đầu. Họ đứng chen chân trong cái hành lang nhỏ dẫn ra cửa hậu như đang cố bỏ trốn. Một lớn, một nhỏ. Tôi không cần phải xem kỹ cũng biết rằng đó là ông Lưu và con trai. Tôi nhận ra những cái khuy trên chiếc áo khoác Trung Sơn đã cháy đen của ông. Nhưng vợ ông Lưu không có ở đây, chắc bà đã bị tên diêm vương chủ ý lôi đi khỏi nhà.

Tôi lấy khăn che mũi rồi bước lại gần hơn. Cái mùi vẫn làm tôi thèm thuồng trước đây giờ trở nên gay gắt và khó chịu. Dưới thi thể của hai người, mỡ đọng lại thành vũng và bắt đầu đông lại trắng xóa trên bề mặt giống y như thứ mỡ đôi khi tôi vẫn nhìn thấy trong nồi của Thu Kim. Tôi áp chặt chiếc khăn lên mũi và biết rằng từ lúc này trở đi, tôi sẽ luôn sợ hãi, tôi biết rằng tôi sẽ luôn sợ hãi đối với những gì tôi phải ăn. Tôi sẽ không bao giờ còn thấy thoải mái khi nuốt một thứ gì đó nữa.

Giờ đây, chỉ một tiếng sau, tôi đã ngồi đây, run rẩy trên giường, một tay cầm bút, một tay giữ chặt nắm tóc của Lưu Nhuận Đức đã dính vào tay tôi khi tôi chạm vào thi thể đang bắt đầu lạnh dần của ông. Tuy nhiên, nó vẫn còn nóng tới mức khiến lòng bàn tay tôi bỏng rát sau lớp găng. Kỳ lạ thay, những sợi tóc của ông dường như vẫn không hề hấn gì, nguyên vẹn một cách kỳ quái.

Tôi lấy tay ôm đầu, cả người run lẩy bẩy. “Chuyện gì vậy?” Thu Kim hỏi khẽ nhưng tôi không thể trả lời vì tôi liên tục nghĩ tới cái mùi của ông Lưu và cậu con trai bị thiêu cháy. Trong đầu tôi cứ hiện lên khuôn mặt nhăn nhở không rõ nét của một tên sĩ quan người Nhật trong ánh lửa bập bùng của trại lính. Gương mặt hắn bóng nhẫy do uống nhiều thuốc amphetamine của quân đội và ăn một thứ thịt không tên nào đó. Tôi nghĩ đến chỗ thịt bị khoét ra từ người bé gái nằm chết bên cạnh khu nhà máy. Không hiểu việc lóc thịt người chỉ là một hành động thu thập chiến tích hay còn để phục vụ một mục đích nào khác? Nhưng quân đội Thiên hoàng vốn được ăn uống đầy đủ, nhiều dinh dưỡng, ai cũng cơ bắp và săn chắc. Không có lý do gì để đi nhặt nhạnh và kiếm ăn giống như những con kền kền trên sa mạc Gobi. Và tôi chợt liên tưởng tới một thứ khác, liên tưởng đến những chai thuốc ở nhà máy dệt...

Đủ rồi. Nghĩ ngợi thế đủ rồi. Tôi đang ngồi ở đây, cuốn nhật ký đặt trên đầu gối, Thu Kim nhìn tôi không nói một lời, nhưng đôi mắt rõ ràng đang trách móc tôi. Đã đến lúc rồi. Đã đến lúc nói với cô ấy chuyện gì sắp xảy ra.

“Thu Kim.” Tôi kết thúc trang nhật ký, bỏ bút xuống, để lọ mực sang bên cạnh rồi bò sang bên kia giường nơi cô ấy đang ngồi. Mặt cô ấy trắng bệch, ngây dại, bập bùng dưới ánh nến. Cô ấy không hỏi gì về già Lưu nhưng tôi đoán là cô ấy đã biết khi nhìn vào mặt tôi và ngửi thấy cái mùi trên quần áo của tôi. Tôi quỳ trước mặt cô ấy, chỉ cách vài phân, hai tay để trên đầu gối. “Thu Kim?” Tôi ngập ngừng đưa tay lên chạm vào tóc cô ấy, chúng dày và cứng như vỏ cây.

Cô ấy không rụt người. Đôi mắt cô ấy bình tĩnh chạm vào mắt tôi. “Mình định nói gì với em hả Trùng Minh?”

Tôi muốn nói rằng tôi yêu mình. Tôi muốn nói với mình như cách những người đàn ông châu Âu nói với vợ của họ. Tôi muốn nói rằng tôi xin lỗi. Tôi muốn chạm vào cánh cửa thời gian và quay chúng trở lại.

“Xin mình đừng nhìn em như thế.” Cô ấy cố gạt tay tôi ra. “Mình muốn nói gì?”

“Tôi...”

“Gì ạ?”

Tôi thở dài rồi buông tay, cụp mắt xuống. “Thu Kim...” Giọng tôi nghẹn lại. “Thu Kim, mình đã đúng. Lẽ ra chúng ta phải đi khỏi Nam Kinh từ lâu rồi. Tôi xin lỗi mình.”

“Em biết.”

“Và...” Tôi do dự, “tôi cho là giờ đây chúng ta nên làm điều đúng đắn nhất. Chúng ta nên tìm mọi cách để trốn khỏi đây.”

Cô ấy vẫn bình thản nhìn tôi và lần này tôi không còn có thể giấu cô ấy được điều gì. Tôi đứng đó, thành thật, tuyệt vọng và đầy hối lỗi, để mặc cho mọi nỗi sợ hãi của tôi trở nên trần trụi dưới mắt của cô ấy. Cuối cùng cô ấy khẽ mím môi lại, vươn tay lấy ngọn nến và thổi tắt nó. “Tốt rồi,” cô ấy nói rồi đặt tay lên tay tôi. “Cảm ơn mình, Trùng Minh, cảm ơn mình.” Cô ấy vén rèm rồi rời khỏi giường. “Em sẽ đi nấu mì và chuẩn bị cơm cháy. Giờ chúng ta phải ăn, sau đó em sẽ đi xếp đồ.”

Tim tôi nặng trĩu. Cô ấy đã tha thứ cho tôi. Nhưng tôi cảm thấy sợ hãi, sợ tới đứng tim rằng đây có thể sẽ là lần cuối cùng tôi đặt bút viết vào cuốn nhật ký này. Sợ rằng chính tôi là kẻ sẽ giết chết cô ấy. Chúng tôi còn có hy vọng gì không? Có thể Trời Phật sẽ phù hộ cho chúng tôi. Có thể Trời Phật sẽ phù hộ cho chúng tôi.