Ác Quỷ Nam Kinh

Chương 33

Nam Kinh, ngày 19 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười bảy tháng Mười một âm lịch)

Mấy trăm năm trước khi chiếc la bàn lớn bằng đồng dùng để đo phương vị được chuyển từ thành phố Lâm Phần tỉnh Sơn Tây tới núi Tử Kim thì nó đột nhiên bị hỏng một cách hết sức khó hiểu. Người ta sửa chữa bằng mọi cách nhưng chiếc la bàn vẫn không hoạt động. Mấy phút trước đây, khi hé mắt qua tấm chắn bên cửa sổ nhìn về núi Tử Kim tôi chợt nghĩ có khi là vì ngay khi được đặt lên sườn núi băng giá, dưới những vì sao trên bầu trời lạnh lẽo thì chiếc đồng hồ cũng đã đọc được những gì mà Thu Kim nhìn thấy. Tương lai của Nam Kinh. Và ngay sau khi nhìn thấy cái tương lai đó, nó đã quyết định bỏ rơi thành phố này.

Đủ rồi. Tôi phải ngừng suy nghĩ theo kiểu này, nào là các linh hồn, các thầy bói, các nhà tiên tri. Tôi biết tất cả những chuyện này đều hết sức điên rồ, nhưng dù đang đứng yên ổn trong chính thư phòng của mình nhưng tôi vẫn không khỏi rùng mình khi nghĩ tới việc bằng cách nào đó mà Thu Kim có thể nhìn thấy tất cả những chuyện này trong các giấc mơ của cô ấy. Đài phát thanh đưa tin rằng, đêm qua nhiều tòa nhà gần trại tị nạn đã bị thiêu cháy, vào lúc tôi và ông Lưu đang trốn trên mái nhà. Trung tâm y tế của thành phố Nam Kinh cũng nằm trong số đó. Không hiểu bệnh nhân sẽ phải dời đi đâu? Chúng tôi định sinh con ở đó, giờ thì không biết phải làm thế nào nữa.

Bất chấp những gì xảy ra sáng nay, tôi và ông Lưu vẫn không thể nói được một câu là: “Có lẽ chúng ta đã sai rồi.” Khi rời khỏi ngôi nhà hoang chiều hôm đó, sau khi lính Nhật bỏ đi và đường phố trở lại yên tĩnh, cả hai không ai nói với nhau câu nào. Chúng tôi chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh đến thế, trong đầu chỉ có độc một ý nghĩ: dân thường. Dân thường. Dân thường. Chúng đang giết hại dân thường. Tất cả những gì tôi đã tưởng tượng ra, tất cả những gì tôi tự thề với mình, đã bắt Thu Kim phải tin hóa ra đều sai cả. Quân Nhật không phải là những người văn minh. Chúng tàn sát dân thường. Đúng là không có người phụ nữ nào trong đám đông đó, nhưng ngay cả điều này cũng không khiến nỗi phiền muộn của tôi thuyên giảm được bao nhiêu. Không có người phụ nữ nào. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại từ này trên đường về nhà. Không có người phụ nữ nào.

Khi tôi xô cửa bước vào nhà, thở hồng hộc, cả người đẫm mồ hôi, mắt tê dại, Thu Kim giật nảy người, đánh đổ cả cốc nước trên bàn. Cô ấy đã khóc suốt đêm hôm qua. Má cô ấy vẫn còn hoen nước mắt. “Em cứ nghĩ là mình đã chết rồi,” cô ấy nói rồi bước về phía tôi. Cô ấy sờ lên mặt tôi. Rồi cô ấy nhìn thấy vẻ mặt tôi và dừng lại. “Trùng Minh, có chuyện gì vậy?”

“Không có gì,” tôi khép cửa rồi đứng dựa lưng vào đó một lúc để lấy lại hơi.

“Em thì có. Em tưởng mình đã chết rồi.”

Tôi lắc đầu. Trông cô ấy tái nhợt và vô cùng yếu ớt. Bụng cô ấy rất to nhưng thân hình vẫn mảnh mai. Bản năng mới dễ làm chúng ta thương tổn làm sao, tôi nghĩ và nhìn xuống bụng của cô ấy, nơi con trai của chúng tôi đang lớn lên từng ngày. Chẳng bao lâu nữa con chúng tôi sẽ ra đời, nỗi lo lắng, sợ hãi, sự nguy hiểm sẽ nhân đôi và cả nỗi đau nữa, cũng sẽ được nhân đôi. Tôi sẽ phải bảo vệ thêm một sinh mạng nữa.

“Trùng Minh, chuyện gì đã xảy ra vậy?”

Tôi nhìn cô ấy và liếm môi.

“Chuyện gì thế Trùng Minh, lạy trời, xin mình hãy nói cho em biết chuyện gì đã xảy ra.”

“Không có thức ăn. Tôi không thể tìm thấy thức ăn.”

“Mình chạy như ma đuổi về đây chỉ để nói với em rằng mình không tìm thấy thức ăn?”

“Xin lỗi mình, tôi muốn xin lỗi mình.”

“Không đúng,” cô ấy nói và đứng sát lại gần tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi. “Không đúng, có chuyện gì đó quan trọng hơn thế. Mình đã nhìn thấy nó. Mình đã nhìn thấy những gì mà em đã linh cảm từ trước, có đúng không?”

Tôi ngồi phịch xuống ghế thở hắt ra. Tôi cảm thấy mình là người đàn ông mệt mỏi nhất trên đời này. “Mình hãy ăn mấy quả trứng chào đời đó đi,” tôi nói. “Làm ơn, hãy ăn nó vì tôi, và vì mặt trăng bé bỏng của chúng ta.”

Thật bất ngờ là lần này cô ấy lại nghe lời tôi. Như thể cô ấy cảm nhận được nỗi tuyệt vọng của tôi. Cô ấy không ăn trứng nhưng cô ấy có một số hành động chứng tỏ cô ấy có nghĩ tới ý kiến của tôi. Thay vì lao vào một cơn cuồng tín như mọi khi, cô ấy ăn những hạt đỗ mà cô ấy để dành nhồi gối cho em bé. Cô ấy lấy gối từ trên gác xuống, rạch nó ra rồi trút các hạt đỗ vào chảo và nấu chín. Cô ấy đưa cho tôi một ít nhưng tôi từ chối. Tôi nhìn cô ấy ăn, mặt không có biểu hiện gì.

Bụng tôi đau không chịu nổi, giống như có một vết thương đang há mõm to bằng quả bầu nằm ngay dưới xương sườn. Đây chắc là triệu chứng của bệnh đói dù tôi mới phải nhịn đói có ba ngày. Nhưng rồi chắc chắn đây mới chính là điều tệ hại nhất, khi chúng tôi chuẩn bị đi ngủ thì cái mùi thức ăn ở đâu lại bay đến. Cái mùi thịt nướng thơm ngon, quyến rũ khủng khiếp, khiến tôi gần như phát điên. Tôi chỉ chực đứng phắt dậy và phi ra ngoài đường một lần nữa bất chấp những mối hiểm nguy đang chờ đợi tôi ở ngoài đó. Chỉ khi tôi nhớ lại gương mặt những tên sĩ quan Nhật đó, nhớ lại những chiếc xe tăng lao ầm ầm trên đường phố và âm thanh của những khẩu súng trường khi lên đạn thì tôi mới đành ngã vật xuống giường và hiểu rằng mình phải tìm một cách khác.

Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937

Chúng tôi ngủ chập chờn, chân vẫn đi nguyên giày. Gần sáng chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng la hét kinh hoàng. Dễ dàng nhận thấy đó là giọng của một người phụ nữ và dường như chỉ cách đây vài dãy phố. Tôi nhìn sang Thu Kim, cô ấy đang nằm im, gối đầu lên chiếc gối mây, mắt dán vào trần nhà. Trong suốt năm phút liền, tiếng la hét mỗi lúc một thảm thiết rồi nhỏ dần thành những tiếng nức nở trước khi tắt hẳn. Sau đó, chúng tôi nghe thấy tiếng một chiếc môtô gầm rú lao qua hẻm khiến các tấm cửa chớp rung lên và suýt làm đổ tách trà đặt ở đầu giường.

Cả tôi và Thu Kim đều nằm im không nhúc nhích khi nhìn thấy một vệt ánh sáng màu đỏ lướt trên trần nhà. Trước đó có thông báo nói rằng quân Nhật đã đốt cháy các ngôi nhà ở gần hồ Huyền Vũ nhưng chắc chắn đó không phải là những ngọn lửa tôi đang nhìn thấy di chuyển trên trần nhà mình. Một lúc lâu sau, Thu Kim ngồi dậy và đi xuống bếp. Tôi đi theo cô ấy và nhìn cô ấy không nói không rằng lấy tro bôi đầy lên mặt cho đến khi chính tôi cũng không nhận ra cô ấy nữa. Cô ấy còn bôi lên cả cánh tay, lên tóc và cả vào tai. Rồi cô ấy sang một phòng khác và trở lại với một chiếc kéo trên tay. Cô ấy ngồi vào góc phòng, mặt không chút biểu cảm, túm lấy một lọn tóc và bắt đầu cắt.

Mặc dù tiếng la hét đã tắt ngấm từ lâu và thành phố đã trở nên yên tĩnh, trong lòng tôi vẫn tràn ngập một nỗi bất an. Tôi ngồi bên chiếc bàn làm việc, cửa sổ mở hé, không biết phải làm gì. Bây giờ, chúng tôi vẫn có thể cố gắng bỏ trốn nhưng tôi biết là quá muộn, cả thành phố đã bị phong tỏa. Bên ngoài, trời bắt đầu sáng, những tia nắng mặt trời đang cố len lỏi qua làn chướng khí màu vàng u uất bao trùm lên cả thành phố trong những ngày qua. Không hiểu đám sương mù này từ đâu tới? Không phải từ ống khói của các nhà máy ở Hạ Quan lẫn với sương trên sông Dương Tử vì các nhà máy này đều đã bị đóng cửa. Thu Kim thể nào cũng nói rằng đó là một thứ khác: một tấm màn chất chứa toàn bộ động thái của cuộc chiến tranh này. Cô ấy sẽ nói rằng đó là những oan hồn vất vưởng không nơi chôn cất, là những tội ác ngút trời, tất cả đã hòa quyện lại trong cái làn không khí nóng bức bao trùm lấy thành phố bị nguyền rủa này. Và rằng ngay cả những đám mây trên bầu trời rồi cũng sẽ nhuốm đầy độc tố, rằng đây đúng là một đòn chí tử đánh vào thiên nhiên khi có quá nhiều oan hồn tụ về một nơi như thế.

Và tôi là ai mà lại dám cãi lại cô ấy. Những gì xảy ra chỉ chứng minh một điều, bất chấp những gì tôi đã nghi ngờ từ bao lâu nay, tôi không phải là một người dũng cảm, cũng không hề khôn ngoan.