Vì thế bà ấy cứ an an ổn ổn qua gần vạn năm, sinh ra lão Đại đến lão Thập, Long hậu vẫn không hề phát hiện, thật ra người vẫn được Long vương yêu thương nhất lại là một gốc tảo biển. Mãi đến một ngàn năm trước, người chồng mà bà ấy yêu thương vì muốn giữ lại con của bọn họ mà cầm đao đặt trên cổ bà... Phải nói Long vương cũng rất có năng lực, sống trong bụi hoa hơn vạn năm, lại có thể lừa Long hậu xoay vòng vòng. Cũng phải, ông ta yêu thương cũng chỉ có gốc tảo biển kia, ngẫu nhiên đi một chuyến, nếu không phải sau đó vì Yêu Nghiệt gặp chuyện không may, trong tình thế cấp bách ông ta đã bại lộ ý tưởng của mình thì ai có thể nghĩ tới vợ chồng Đông Hải Long vương ân ân ái ái là thế, thật ra tất cả tình cảm chỉ là giả chứ? Không, nói vậy cũng không đúng lắm. Có lẽ tình cảm của Long vương với Long hậu là giả, nhưng tình cảm của Long hậu dành cho Long vương lại là thật... Sau lần đó, Long hậu liền hiểu rõ sự thật. Chồng bà chỉ yêu huyết thống của bà chứ không hề yêu bà. Bà bệnh nặng một lần, là bởi vì chuyện con trai dóc xương trả cha, cũng bởi vì bị lừa gạt gần vạn năm. Sau đó tình cảm của Long hậu cũng phai nhạt, không còn để ý đến cái gì nữa. Chỉ là bà vẫn muốn biết, ông không thương bà, vậy người trong lòng ông là ai? Vì thế bà ấy liền nhặt lại dáng vẻ của Long hậu, cũng nhặt lại quy củ đã vứt bỏ nhiều năm, hạ lệnh cưỡng chế hậu cung phi tần của Long vương phải đến thỉnh an bà mỗi ngày. Không chỉ có thế, còn phải chép kinh thư, siêu độ vong hồn của con trai bà ở Tây Hải. Mà bà thì ngồi trên cao thản nhiên tự đắc xem xét, chỉ chuyển phật châu, quan sát biểu tình của từng phi tần một. Hàng ngày chép kinh văn, cũng sẽ có lúc Long vương ở đó và lộ ra vẻ mặt đau xót. Long hậu cứ quan sát đến quan sát đi, rốt cuộc phát hiện Long vương lộ cảm xúc với một gốc tảo biển. Bà ấy nghĩ đi nghĩ lại, liền nghĩ ra, gốc tảo biển kia là Sa Tử Yên, lúc sinh ra dáng vẻ tao nhã đủ mọi màu sắc, hóa thành hình người rồi cũng là vẻ đẹp hiếm có. Động tác của bà ta nhẹ nhàng mềm mỏng, kỹ thuật nhảy cũng rất cầu nhân. Mấu chốt nhất chính là bà ta là người già trong cung của Long vương, hình như từ lúc Long vương còn nhỏ đến lúc trưởng thành, bà ta đều ở bên cạnh Long vương. Vốn dĩ Long hậu chẳng thèm so đo với những phi tần này, cũng không cần thiết phải đi tranh sự yêu thương của Long vương với bọn họ. Bởi vì bà ấy cũng không biết mình trúng phải tà gì, thế mà lại tự tin cảm thấy trong lòng của Long vương chỉ có bà, bà đâu cần phải tranh cái sự yêu thương bên ngoài với mấy người phụ nữ này? Nhưng mà bà sai rồi, sai hoàn toàn! Ngoài mặt Long vương tỏ ra một lòng một dạ với bà, nhưng lại lặng lẽ để lại hết tất cả tình cảm cho một người phụ nữ khác. Ông ta chỉ vì giữ con lại mà có thể đặt dao lên cổ bà, bây giờ gốc tảo biển kia chỉ chép kinh văn thay con ông ta vài ngày mà ông ta lại thương tiếc đến mức chỉ muốn ném hết mặt mũi của bà trước mặt mọi người. Đương nhiên, ông ta không hề làm vậy trước mặt mọi người, mà chỉ đau lòng nhìn chằm chằm gốc tảo biển đang chép kinh văn kia một lát, sau đó ông ta đứng dậy bỏ đi. Lúc ấy bà ngồi trên cao đã nở nụ cười, thật muốn xem Long vương có thể chịu đựng tới lúc nào. Không ngờ mới chỉ ba ngày mà ông ta đã không chịu được rồi, buổi chiều lại rất đường hoàng nói với bà, ông ta biết con đi mất bà rất đau lòng, nhưng chuyện chép kinh văn siêu độ vong hồn con trai ở Tây Hải, sao có thể để phi tần hậu cung làm được chứ? Dưới tay ông ta có mười vạn lính tôm tướng cua, ông ta sẽ điều cho bà năm vạn, để bà thích chép bao nhiêu cũng được. Tất nhiên là không đồng ý, ông ta có cách nói của ông ta, bà cũng có cách diễn đạt của bà. Vì thế bà nói với Long vương, trên tay lính tôm tướng của đều dính máu, kinh văn họ chép ra, Phật Tổ sẽ không đồng ý. Chỉ có nhóm phi tần ở hậu cung của ông ta, tay mới sạch sẽ hơn một chút. Long vương lập tức nóng nảy, “Nàng mới là mẹ ruột của Cửu Ca! Nàng không chép, tại sao lại bắt người khác chép?”