Bạn kết nối với mọi người và mọi vật trong vũ trụ này
“Tôi như vậy vì chúng ta như vậy.”
— Quan điểm triết học của Nam Phi Tiền đề:
Thí nghiệm này sẽ giúp bạn chứng minh rằng, bạn có mối liên hệ với mọi người và mọi vật thông qua một Trường trí não và “năng lượng vô hình”. Nói theo cách lượng tử, mạng lưới các kết nối này được gọi là bất định xứ (nonlocality).
Và cho dù nó là một trong những khái niệm đặc trưng của ngành lượng tử, bất định xứ, cùng với người em họ rối lượng tử (entanglement) đã khiến cho bao nhiêu người phải vò đầu bứt tóc trong suốt hơn 300 năm qua, kể cả Isaac Newton. Nói ngắn gọn lại thì bất định xứ là khi hai hạt chuyển động một cách đồng bộ mà không có một vật trung gian nào cả. Nhưng điều này nghe có vẻ phi lý phải không?
Nếu bạn muốn dịch chuyển một chiếc giày nằm giữa sàn nhà, bạn phải chạm vào chiếc giày đó hay cầm chiếc cán chổi rồi đẩy vào chiếc giày hoặc yêu cầu đứa bé 5 tuổi nhà bạn – thủ phạm vứt chiếc giày ở đó – nhặt nó lên, thông qua việc truyền rung động của âm thanh xuyên qua không khí vào tai nó. Một vật chỉ có thể tác động đến vật khác ở trong vùng lân cận với nó khi có một chuỗi các sự kiện.
Chúng ta tin rằng, chúng ta chỉ có thể thay đổi những thứ mà chúng ta chạm vào được. Nhưng thực tế không phải như vậy. Giờ đây chúng ta đã có nhiều ví dụ chính xác để chứng minh rằng, một vật không cần phải ở gần vật khác vẫn có thể gây ảnh hưởng đến vật đó. Nhưng tiếc thay đa số chúng ta lại vẫn khăng khăng tin vào thế giới quan “chuỗi các sự kiện”, cho dù các nhà vật lý học đã chứng minh đi chứng minh lại rằng, khi một nguyên tử có quan hệ gần gũi với một nguyên tử khác nó sẽ bị ảnh hưởng (hay bị vướng vào) với nguyên tử đó cho dù chúng ở khoảng cách xa nhau thế nào đi nữa. Thậm chí cả Einstein cũng không thể hoàn toàn tin vào khái niệm phản trực giác này. Một thực tế còn khó tin hơn nữa là, khi các nguyên tử có tương tác với nhau, chúng sẽ bị rối vào nhau mãi mãi.
Người ta thậm chí còn chứng minh được rằng, tính bất định xứ và rối lượng tử còn xảy ra với những vật lớn hơn – ví dụ như con người chẳng hạn. Vào năm 1978, Tiến sĩ Jacobo Grinberg-Zylberbaum của Đại học Độc lập Mexico đã gắn hai vật thí nghiệm vào máy đo điện não đồ ở trong hai căn phòng riêng biệt (sau này bác sĩ tâm thần học Peter Fenwick của London cũng đã thực hiện lại thí nghiệm này). Những sóng não xuất hiện do một loạt những ánh sáng nhấp nháy chiếu vào mắt vật thí nghiệm thứ nhất cũng xuất hiện y hệt trên kết quả của điện não đồ của vật thứ hai, mặc dù vật thứ hai đó không ở gần thứ ánh sáng tương tự.
Mặc dù bất định xứ nghe khá xa lạ với chúng ta, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng nó để giúp ích cho mình. Cũng giống như chiếc máy tính được nối mạng Internet với một trường thông tin vô tận, bạn, vì là con người, nên có kết nối với mọi người khác trên thế giới.
Thỉnh thoảng khi tôi muốn giao tiếp với một ai đó ở cách xa mình, tôi thì thầm lời nhắn của mình trước gốc cây sồi cổ thụ ngoài sân nhà tôi. Khỏi cần phải nói, những cái cây, cũng giống như những chú chó trong bộ phim 101 chú chó đốm, có kết nối với nhau và cây cọ nhà tôi có thể dễ dàng gửi đi thông điệp đến một cây cọ khác trong sân nhà người bạn của tôi ở California thông qua khái niệm bất định xứ.
Trong thí nghiệm này, bạn sẽ sử dụng tính bất định xứ để gửi thông điệp tới một ai đó ở xa bạn, ai đó mà bạn không nhìn thấy hay nói chuyện được với họ.
Cảm giác đồng bộ hóa đó
“Tất cả chỉ là về tình yêu và cách chúng ta gắn bó với nhau như thế nào.”
— Mark Wahlberg, diễn viên người Mỹ
Hồi con gái tôi học cấp II, với mọi câu hỏi nó cũng chỉ có một câu trả lời: “222”. Nếu ai đó hỏi nó mấy giờ rồi, nó sẽ trả lời 2:22, cho dù lúc đó là 5:43. Nếu ai hỏi nó một hộp sữa ở căng tin trường giá bao nhiêu, nó cũng nói 2,22 đô-la. Bạn bè của nó rất khoái trá với việc đó và bắt đầu gọi điện cho nó chính xác vào lúc 2:22 mỗi buổi chiều. Thậm chí chúng còn tạo một trang Fanpage Facebook với tên gọi “Điều kỳ diệu và ngạc nhiên của 222”. Vào mùa hè năm đó chúng tôi có hai chuyến đi. Trong cả hai chuyến (không hề có sự chuẩn bị hay sắp đặt trước), chúng tôi đều ở phòng số 222 của khách sạn; một cái ở Seattle sau khi chúng tôi đã lỡ chuyến bay chuyển tiếp đến Juneau; một cái khác ở khách sạn Langham ở London, ở ngay gần trụ sở của đài BBC.
Carl Jung, nhà tâm lý học người Thụy Sỹ đã gọi những sự kiện kiểu này là Tính đồng bộ (synchronicity): “Sự xảy ra đồng thời của hai sự kiện có ý nghĩa nhưng không liên quan đến nhau.” Một số người gọi những sự trùng hợp kiểu này là sự dị thường buồn cười được sản xuất bởi một chiếc máy phát ra các sự kiện ngẫu nhiên. Điều đó là không thể tránh khỏi khi những sự kiện ở Cột A cuối cùng sẽ khớp với những sự kiện nào đó ở cột B.
Trong thí nghiệm này, bạn sẽ giả định rằng các sự kiện đồng bộ không phải là kết quả của luật trung bình hay chỉ là sản phẩm của ảo giác, mà là những kết quả của tính bất định xứ và rối lượng tử.
Trên thực tế, trong cuốn sách Prometheus Rising (tạm dịch: Sự nổi dậy của Prômêtê) tác giả Robert Anton Wilson đã nói rằng “suy ngẫm về những chủ đề như thế này thường tạo ra tính đồng bộ kiểu Carl Jung.” Sau khi đọc chương này bạn hãy xem bạn đã gặp bao nhiêu sự trùng hợp đáng ngạc nhiên nhé. Nếu bạn có câu chuyện hay ho về vấn đề này thì hãy chia sẻ với tôi qua trang web www.pamgrout.com.
Như Wilson đã chỉ ra, kết cấu của vũ trụ không tuân theo những quy luật của con người. Ông giải thích quy tắc bất định xứ được nhà lý thuyết John S. Bell đưa ra vào thập kỷ 60 – quy tắc nổi tiếng của Bell là tiền đề cho hàng loạt các thí nghiệm thực tế – chứng minh một cách thuyết phục về bản chất bất định xứ lượng tử của thế giới như sau:
“Quy tắc của Bell mang tính kỹ thuật khá cao, nhưng giải thích đơn giản thì nó có nội dung như sau: Không có một hệ thống đơn nhất nào cả, mọi hạt trong vũ trụ đều có giao tiếp tức thời (nhanh hơn ánh sáng) với các hạt khác. Hệ thống đó cho dù có những phần ở cách rất xa nhau, vẫn vận hành như một hệ thống trọn vẹn.”
Thí nghiệm này sẽ chứng minh cho bạn thấy rằng tính đồng bộ thể hiện tính chất liên kết của vạn vật, về một hiện tượng mà nhiều người thường nhún vai nói: “Chà, quả là một sự trùng hợp kỳ lạ!”
Mọi thứ trông không giống tình yêu đều là khói và gương
“Chúng ta có thể thái và cắt chúng theo cách chúng ta muốn, nhưng chúng ta không thể biện hộ cho việc quay lưng khỏi bằng chứng này.”
— Larry Dossey, bác sĩ, nhà vật lý và tác giả người Mỹ
Vào năm 1972, tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS), một nhà khí tượng học tên là Edward Lorenz đã giới thiệu một thuật ngữ hoàn toàn mới trong từ điển, đó là Hiệu ứng cánh bướm. Ông phát hiện ra rằng dù một hoạt động nhỏ như một cánh bướm vỗ ở Brazil cũng có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas. Nói cách khác, những việc nhỏ hầu như không cảm thấy được cũng có thể để lại những hậu quả lớn và nghiêm trọng.
Điều thú vị ở thí nghiệm này là bạn có thể dùng nó để thu hút tình yêu thương đến với bạn, dùng nó để làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Khi bạn có những suy nghĩ tốt đẹp về ai đó, nó có thể tác động đến năng lượng của người ấy. Ngược lại, khi bạn phán xét ai đó, thậm chí chỉ nghĩ trong đầu thôi cũng có thể ảnh hưởng đến năng lượng của họ và làm giảm đi chất lượng tương tác của bạn. Bạn cũng có thể làm thay đổi thế giới của bạn bằng cách truyền đi tình yêu thương, may mắn, hòa bình và các cảm xúc ở sóng cao tần khác đến với những người khác.
Như trong cuốn Một khóa học về những điều kỳ diệu đã nói: “Bạn được ban phúc bởi những suy nghĩ tích cực của những người anh em ở khắp mọi nơi.”
Có một câu chuyện về một người phản đối đứng bên ngoài Trường quân sự Mỹ, im lặng phản đối các chính sách của giới cầm quyền và các hành vi của họ. Có người hỏi anh ta: “Sao anh lại nghĩ rằng việc cầm cây nến bé nhỏ đó có thể tác động được đến chính phủ? Họ đã làm điều đó từ hàng thập kỷ nay rồi.” Anh ta trả lời: “Tôi không lo về việc thay đổi họ. Tôi chỉ không muốn đất nước này làm thay đổi tôi.”
Suy nghĩ của bạn về những người khác có thể thay đổi bạn.
Có thể không, trong thế giới “chúng-ta-chống-lại-họ” này, chúng ta chỉ là một, như nguyên tắc năng lượng này đã chỉ ra?
Nói thẳng ra là có. Tất cả chúng ta đều sống trong cùng một thế giới. Và mỗi lần chúng ta phán xét hay suy nghĩ thiếu khoan dung về người khác, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã đóng đinh bản thân mình lên cây thập ác. Chúng ta đã tự làm mình tổn thương.
Sự khác biệt của chúng ta, cho dù chúng ta cố làm cho nó có vẻ to tát, thật ra chỉ là bề ngoài và chẳng có ý nghĩa gì hết. Đã đến lúc chúng ta phải gạt đi những điều đó. Khi bạn gặp ai đó, nên nhớ rằng đó là một cái duyên. Khi bạn nhìn vào ai đó bạn sẽ nhìn thấy chính bản thân mình. Khi bạn cư xử với ai đó, bạn đang cư xử với chính bạn. Và khi bạn nghĩ về người đó là bạn đang nghĩ về chính bản thân mình.
Bạn có thể tạo mối quan hệ hữu hảo với một người nào đó chỉ đơn giản bằng cách gửi cho họ những suy nghĩ tốt đẹp.
Ví dụ dẫn chứng
“Tất cả những gì chúng ta cần, cho dù chúng ta là những con ong mật, cây thông, người gác rừng, loài người hay là những vì sao, là yêu và được yêu, được chấp nhận, được coi trọng và tôn vinh, thật đơn giản khi chúng ta hãy là chính bản thân mình. Điều đó có khó khăn quá không?”
— Derrick Jensen, tác giả và là nhà hoạt động vì môi trường người Mỹ
Ginger, một người bạn của tôi có mối quan hệ không êm đẹp với mẹ mình trong nhiều năm, cuối cùng, cô ấy quyết định mỗi tối trước khi đi ngủ cô sẽ cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mẹ mình. Mẹ của cô ấy, tất nhiên không biết những điều cô làm. Cho đến giờ Ginger cũng chưa bao giờ nói với mẹ mình rằng trong suốt 6 tháng, mỗi tối cô đều dành vài phút tưởng tượng cảnh mẹ cô có được tất cả những gì bà mong muốn và điều đó làm cô cảm thấy hạnh phúc.
“Thực sự thì tớ không biết làm thế nào mà điều đó xảy ra, nhưng mối quan hệ của mẹ con tớ đã dần thay đổi. Bây giờ thì hai mẹ con tớ như những người bạn thân thiết vậy,” Ginger nói.
Thêm ví dụ dẫn chứng
“Hãy khám phá ra những vùng đất mới của chính bạn.
Hãy là một Columbus tìm kiếm những lục địa mới trong chính bản thân mình, mở ra những kênh đào mới, không phải để giao thương mà dành cho việc tư duy.”
— Henry David Thoreau, nhà văn, nhà triết học người Mỹ
Martha Beck là một tác giả có nhiều cuốn sách bán chạy, đã từng giống như đa số chúng ta, đủ thân thiện, đủ tin cậy, nhưng không sẵn sàng cởi mở. Mặc dù bà là một nhà khoa học, một nhà xã hội học trường Harvard, nhưng bà cũng là người cần phải thấy thực tế thì mới đi được đến kết luận. Và kết luận của bà, cũng giống như đa số chúng ta xuất hiện trên Trái đất này, là mọi người nhìn chung đều tốt, nhưng bạn không cần thiết phải quá gắn bó. Đặc biệt là khi bạn đang ở Harvard và cố gắng học lấy bằng cấp, học vị cao hơn thì tốt nhất là nên giữ khoảng cách nhất định với mọi người. Và bà đã mô tả điều đó trong cuốn sách rất hay Expecting Adam (tạm dịch: Đợi chờ Adam): “Chúng ta đi đi lại lại như Nữ hoàng Elizabeth, chúa phù hộ cho bà, khư khư bám giữ những điều vô ích, tránh những dấu hiệu mà mình cho là không phù hợp dù là nhỏ nhất, không bao giờ thể hiện cảm giác thật của mình hay chạm vào người nào khác, trừ khi đang đeo găng tay.”
Nhưng cuộc đời lại không bằng phẳng với Martha Beck. Cậu con trai mà bà sinh ra mắc hội chứng Down (cậu bé tên là Adam). Chính cậu là người đã dạy bà rằng, mọi thứ mà bà tưởng mình hiểu về thế giới chỉ là trò bịp bợm, tệ nhất chính là việc không tin tưởng vào người khác. Khi bà mang bầu Adam, chồng bà cũng là một sinh viên cao học ở Harvard, thường xuyên phải đi công tác ở châu Á, để lại bà vừa phải hoàn thành việc học ở trường vừa chăm sóc đứa con đầu 2 tuổi và vô cùng mỏi mệt khi đang mang thai đứa con thứ hai. Lo sợ bị sa thải, nguy cơ sảy thai và việc ốm nghén của thai kỳ đã vắt kiệt hết sức lực của bà.
Như bà chia sẻ: “Tôi cảm thấy như một bao tải chất đầy đá nặng đang chất lên vai mình.”
Mỗi lần bà chuẩn bị tuyệt vọng, một thiên thần (tôi không dùng lối nói ẩn dụ ở đây đâu nhé) hoặc một người quen biết nào đó mà bà không thân thiết lắm lại xuất hiện với những lời động viên, mua giúp túi hàng tạp phẩm hay giúp đỡ việc gì đó. Bạn nên nhớ rằng phải ở trạng thái tuyệt vọng lắm bà mới để cho những chuyện kiểu như thế này xảy đến. Từ lâu bà đã tránh bất kỳ khái niệm nào về Chúa, quá trình nghiên cứu khoa học cũng đã dạy bà theo đuổi quan niệm “logic kiểu Bacon về việc từ chối tin vào bất kỳ điều gì cho đến khi nó được chứng minh là đúng.”
Tuy nhiên, vào một buổi sáng khi ngôi nhà của bà ở Boston đang bốc cháy thì có người phụ nữ không quen biết đã xuất hiện đúng vào lúc bà sắp ngất xỉu và một sức mạnh vô hình đột nhiên xuất hiện chỉ dẫn cho bà và con gái vượt qua làn khói mù mịt để chạy ra ngoài trước khi ngôi nhà bị cháy rụi hoàn toàn. Và một điều vô cùng kỳ lạ xảy ra, bà còn được nói chuyện với chồng bà (khi đó ông đang ở Hong Kong). Không phải là nói chuyện qua điện thoại đâu nhé!
Bà nhận ra rằng: “Đối lập với mọi khó khăn, bất hạnh trên thế gian này là tình yêu thương vẫn luôn ngập tràn. Lúc nào bạn cũng có thể tìm ra nếu bạn đủ thông minh và biết tìm ở đâu.” Kể cả khi bạn không được sáng suốt lắm, tình yêu thương vẫn xuất hiện, đặc biệt là khi bạn thật sự cần đến nó.
Beck nói: “Tôi đã vứt bỏ mọi nỗi buồn, sự sợ hãi, nhận thức sai lầm, suy nghĩ mơ hồ và những lời ngụy biện ngăn trở tư duy nhận thức của tôi với những điều mà tận sâu thẳm trong tim mình tôi biết là đúng…”
Phương pháp
“Những điều tưởng như là nghịch lý của thuyết lượng tử sẽ trở thành những điều hợp lý và hiển nhiên ở thế hệ cháu chắt của chúng ta.”
— Stephen Hawking, nhà vật lý lý thuyết người Anh
Trong thí nghiệm này bạn sẽ gửi một tin nhắn đến cho một người quen của mình nhờ lý thuyết bất định xứ. Theo Laura Day tác giả của cuốn Practical Intuition (tạm dịch: Trực giác thực tế), việc này cũng dễ dàng như gửi một email vậy.
Cái hay của thí nghiệm này là bạn thậm chí không phải rời chỗ ngồi của mình. Đa số những tương tác của chúng ta với những người khác xảy ra trong địa hạt phi vật chất. Bạn tưởng những suy nghĩ của bạn chỉ có mình bạn biết? Thực tế không phải như vậy. Vì tất cả chúng ta đều kết nối với nhau, có thể bạn đang ở trong một hệ thống liên lạc nội bộ nào đó cùng với những người khác. Mọi người đều nhận được tin nhắn theo một cách riêng rất tinh vi.
Tất cả chúng ta đều kết nối với ngân hàng dữ liệu khổng lồ này và chúng ta thường xuyên trao đổi năng lượng với những người khác trong vòng tròn ảnh hưởng của chúng ta, thậm chí là với mọi người trên hành tinh này.
Quên biện pháp trị liệu đi. Chúng ta có thể tiết kiệm tiền bằng cách thay đổi những mẩu đối thoại trong tâm trí của chính chúng ta.
Nhưng hãy cẩn thận với những gì mà bạn cầu xin. Sondra Ray, người đồng sáng lập trung tâm Loving Relationship Training (tạm dịch: Tập huấn các mối quan hệ yêu thương) từng là giáo viên của tôi, đã kể một câu chuyện hài hước về việc giao tiếp thông qua ngân hàng dữ liệu năng lượng vô hình.
Cô ấy đến gặp Leonard Orr, một giáo viên khác để hỏi vì sao xe của cô liên tục bị hỏng. Nhưng anh ấy khuyên cô nên hình thành một ý định khác dưới dạng một lời khẳng định. Cô chế giễu điều đó và nói: “Anh định bảo tôi rằng tôi chẳng cần làm gì cả, chỉ cần có ý định thì một người đàn ông sẽ gọi điện cho tôi á?”
“Tất nhiên,” anh ta nói. “Cô cứ thử xem.”
Cô ấy bắt đầu gửi ý định này vào Trường tiềm năng: Từ giờ tôi sẽ nhận được vô số cuộc gọi từ những người đàn ông. Trong vòng 4 ngày, tất cả những người yêu cũ của cô lần lượt gọi điện cho cô, một số người cô đã không gặp hàng tháng trời và có những người là cả năm trời.
“Nghe có vẻ kỳ lạ,” cô nói, “tôi thậm chí còn nhận được những cuộc gọi vào ban đêm từ những số lạ, những người đàn ông mà tôi không quen biết.” Khỏi phải nói thì bạn cũng biết là sau đó cô phải thay đổi sang việc hình thành những ý định khác có hiệu quả hơn.
Bạn hãy làm theo các bước như sau:
1. Lựa chọn đối tượng. Thực tế bạn có thể gửi tin nhắn cho bất kỳ ai, nhưng tôi gợi ý bạn nên gửi cho ai đó mà bạn đã gặp. Bruce Rosenblum, giáo viên vật lý của Trường Đại học California – Santa Cruz, cho rằng một khi bạn đã gặp ai đó và bắt tay họ, bạn và người đó sẽ bị vướng vào nhau mãi mãi.
2. Lựa chọn loại hành vi hay phản hồi nào mà bạn mong muốn, càng rõ ràng càng tốt. Và hãy nhớ rõ ràng về lịch trình của bạn. Trong thí nghiệm gần đây nhất của tôi, tôi đã gửi tin nhắn cho Jim, người yêu tôi với nội dung: “Mang về nhà cho em một ít bánh mì.”
3. Đặt đối tượng đó trước con mắt tư duy của bạn.
4. “Hiện diện” với đối tượng của bạn bằng cách thể hiện và trải nghiệm kết nối của bạn. Những từ ngữ thông thường không phải là cách hiệu quả để truyền đạt một tin nhắn. Hãy dùng tất cả các giác quan và tin tưởng vào lời nhắn của bạn.
Để làm cho nó hiệu quả hơn và thêm một chút hài hước, hãy gửi cho đối tượng của bạn những suy nghĩ tốt. Dành cho họ những lời cầu phúc tuyệt vời nhất. Nghĩ về việc họ thắng xổ số, được hẹn hò với Channing Tatum, dành được một chuyến du lịch vòng quanh thế giới…
Báo cáo thí nghiệm
Nguyên tắc: 101 chú chó đốm.
Lý thuyết: Bạn có kết nối với mọi người và vạn vật trong vũ trụ này.
Câu hỏi: Tôi có thể gửi tin nhắn cho một ai đó mà không cần phải ở gần người đó không?
Giả thiết: Nếu trong 2 ngày tới, tôi gửi một tin nhắn bằng ngoại cảm tới một người nào đó, tôi sẽ thấy bằng chứng rằng người đó có nhận được tin nhắn.
Thời gian thực hiện: 48 tiếng.
Cách tiếp cận: Okay, Anh bạn Trường tiềm năng, tôi đã thấy phảng phất đâu đó nội dung bộ phim The Twilight Zone (Miền ảo ảnh), nhưng tôi sẵn sàng bỏ qua việc phán xét lần này để xem đây có phải là một trong những khía cạnh kỳ lạ của vật lý lượng tử hay không? Anh thấy thế nào?
Hôm nay ngày: _______ Thời gian __________
Ghi chép:………………………………………………………………………………………………………………
“Lòng dũng cảm duy nhất được đòi hỏi từ phía chúng ta lại ở tít tận dưới đáy: đó là lòng dũng cảm để đối phó với những điều kỳ lạ nhất, khác thường nhất và không thể giải thích được nhất mà chúng ta có thể gặp phải.”
— Rainer Maria Rilke, nhà thơ người Áo