“Tôi phải tìm thấy nó ở đây, ngay tại đây, thoát khỏi những định kiến ràng buộc và được sinh ra ngay từ những điểm chết trong một cuộc đời bình thường…”
— Bob Savino, nhà thơ, nhà hiền triết ở thành phố Kansas
1. Nguyên tắc Anh chàng chờ đợi. Đây là nguyên tắc cơ bản, nền tảng của tất cả các nguyên tắc còn lại. Nội dung cơ bản của nó là “có một lực năng lượng vô hình hay trường những tiềm năng vô tận”. Thí nghiệm này có thể được mô tả như một nguyên lý cơ bản. Bạn sẽ mất 48 giờ để làm cho sức mạnh đó xuất hiện. Bạn sẽ yêu cầu nó xuất hiện với những dấu hiệu rõ ràng, không thể nhầm lẫn được và không coi đó là một sự trùng khớp.
2. Nguyên tắc Volkswagen Jetta. Bạn có nhớ chiếc xe mà mình mua vài năm trước đây không? Khi quyết định đây là chiếc xe trong mơ của mình, bạn thấy nó thật đặc biệt. Bạn hình dung mình là người duy nhất trong thành phố tự hào sở hữu chiếc xe. Nhưng sau khi tìm hiểu tất cả các thông tin và đánh giá về nó, quyết định mức giá mình sẽ mua và cuối cùng, khi hoàn tất mọi thủ tục mua bán, bạn nhận thấy rằng cứ tám chiếc xe thì có một chiếc là Volkswagen Jetta hay đại loại như thế. Đó chính là điều thường xảy ra khi bạn bắt đầu suy nghĩ về một vấn đề nào đó – bạn gắn nó với cuộc sống của mình. Mọi suy nghĩ của chúng ta, mọi phán xét chúng ta đưa ra đều có tác động đến Trường các tiềm năng. Sự thật là, thực tiễn không là gì khác ngoài các làn sóng khả năng mà chúng ta “quan sát” được theo cách nó thể hiện. Nguyên tắc này chỉ ra rằng “bạn có tác động đến Trường và thu được từ đó những gì bạn tin tưởng và mong đợi”. Để chứng minh được điều này, chúng ta sẽ đề ra mục đích rõ ràng kiểu như “đây là điều tôi muốn có được từ Trường tiềm năng trong 48 giờ tới”.
3. Nguyên tắc Alby Einstein. Mặc dù “bạn cũng là một Trường năng lượng” – là một trong những nguyên tắc tinh thần cơ bản – nhưng lại xuất phát từ phòng thí nghiệm vật lý. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng chính các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng, con người không phải là vật chất mà là những sóng năng lượng chuyển động liên tục.
Đây là thí nghiệm duy nhất cần có thiết bị – một loại thiết bị đặc biệt được thiết kế riêng. Tôi đùa thôi, đó chỉ là chiếc mắc áo bằng kim loại, một đồ vật hầu như ai cũng có trong tủ áo (trừ khi bạn là người vô cùng bừa bộn) và cái ống hút, thứ bạn có thể dễ dàng lấy được ở một cửa hàng đồ ăn nhanh nào đó.
4. Nguyên tắc Abracadabra. Nhắc đến từ abracadabra mọi người thường liên tưởng đến màn ảo thuật lôi chú thỏ ra từ một chiếc mũ. Thật ra nó là một thuật ngữ trong tiếng Cận Đông cổ đại, được sử dụng trong tiếng Anh với nghĩa là: “Tôi sẽ sáng tạo ra sau khi tôi tuyên bố.” Đây là một khái niệm đầy quyền lực. Đó là lý do vì sao Edison thường đưa ra tuyên bố về một phát minh của mình trước khi thực sự sáng tạo ra. Đó cũng là lý do vì sao Jim Carey tự viết cho mình một tờ séc 10 triệu đô-la trước khi anh ta tham gia đóng bộ phim đầu tiên.
Nội dung cơ bản của nó là “Khi bạn tập trung vào điều gì thì nó sẽ mở ra với bạn” và bạn sẽ thấy trong thí nghiệm không có suy nghĩ nào là vẩn vơ, vô ích cả, chỉ có điều chúng ta đã quá dễ dãi để những suy nghĩ lan man tồn tại mà thôi.
5. Nguyên tắc Abby yêu quý. Nguyên tắc này chỉ ra rằng “kết nối của bạn với Trường tạo nên những hướng dẫn chính xác và vô hạn”. Thông qua việc sắp xếp các ý nghĩ của mình, bạn có thể tìm thấy đáp án đáng tin cậy cho những câu hỏi của mình. Bạn không biết đến điều này vì bạn đã tự để cho bản thân có thói quen không tự nhiên về cảm giác độc lập, không gắn bó với Trường.
6. Nguyên tắc siêu anh hùng. Trong thí nghiệm này, dựa theo nguyên tắc “Tư duy và nhận thức của bạn có tác động đến vật chất”, bạn sẽ lặp lại một thí nghiệm mà Tiến sĩ Gary Schwartz của Đại học Arizona thực hiện. Ông đã chỉ ra rằng, việc truyền đạt mục đích đến một cái cây sẽ làm nó mọc nhanh hơn và hấp thu ánh sáng mặt trời nhiều hơn những cây khác.
7. Nguyên tắc Jenny Craig. Dù có đọc thông tin trên nhãn hàng hay không bạn vẫn biết thực phẩm mà bạn ăn cung cấp một số vitamin, khoáng chất và tất nhiên là cả calo nữa. Bạn có thể cho rằng thông tin này không có gì là mới mẻ và rằng nếu nắp hộp sữa chua ghi là cung cấp 187 calo, nghĩa là khi sử dụng, nó sẽ cung cấp cho bạn
187 calo. Tuy nhiên, bạn không biết rằng suy nghĩ của bạn về bản thân và thức ăn của mình luôn nhảy múa trong một vũ điệu liên tục với cơ thể bạn. Nếu bạn cảm thấy ân hận vì đã tiêu thụ quá nhiều calo, thực phẩm của bạn sẽ thu nhận cảm xúc tiêu cực đó và tác động ngược trở lại bạn. Trong thí nghiệm này, bạn sẽ chứng minh nguyên tắc “tư duy và ý thức tạo nên một bộ khung để chống đỡ cho cơ thể vật chất của bạn” thông qua cách bạn truyền đạt cảm xúc vào thức ăn.
8. Nguyên tắc 101 chú chó đốm. Nguyên tắc tinh thần vô cùng quan trọng này chỉ ra rằng “bạn có kết nối với mọi người và mọi vật trong vũ trụ”. Các nhà khoa học gọi nó là bất định xứ (nonlocality). Nếu đã xem bộ phim hoạt hình 101 chú chó đốm, bạn sẽ thấy rõ nguyên tắc này trong đó. Trong bộ phim, khi lũ người xấu xa của Cruella de
Vil tìm cách bắt những chú chó chạy trốn, con chó săn già giống Scotland ở trong nhà kho nơi lũ chó kia đang ẩn nấp đã sủa lên để gọi hỗ trợ từ chú chó Baxet ở quận bên cạnh và chú chó Baxet cũng tiếp tục gửi thông điệp đến chú chó Đức ở cách đó một quãng đường. Chỉ có trong vật lý lượng tử thì việc truyền tin mới liên tục được như vậy. Ngay khi chú chó Scotland biết rằng lũ chó con cần giúp đỡ thì chú chó Đức ở cách đó 32km cũng biết. Bất kỳ điều gì xảy đến với một hạt nguyên tử nhỏ thì cũng ngay lập tức được truyền đến hạt khác. Trong thí nghiệm này, bạn sẽ truyền tín hiệu đến cho người ở nơi khác mà không phải dùng đến thư điện tử, bưu điện hay những tiếng nổ lớn.
9. Nguyên tắc con cá và những ổ bánh mỳ. Nguyên tắc này chỉ ra rằng: “Vũ trụ là vô hạn, phong phú và rất dễ thích nghi.” Nó cũng chứng minh rằng nỗi sợ hãi của bạn là vô nghĩa và nhiều khi bạn chỉ cần hít thở sâu và mọi việc sẽ ổn.