80 Lời Mẹ Gửi Con Gái

Bức Thư Thứ 8: Tại Sao Lại Bị Vỡ Giọng?

Minh Anh thân yêu:

Mẹ phải phê bình con rồi. Hôm nay về đến nhà, nói đến bài kiểm tra nhạc, con vừa đi vừa nói: “Buồn cười quá, buồn cười quá!”, vừa cười ha ha, sau đó nói như đang kể chuyện cười: “Bạn Bằng ngồi cùng bàn với con vốn hát rất hay, nhưng không biết vì sao bây giờ giọng hát lại ồm ồm như vịt đực, khó nghe chết đi được! Vốn dĩ mọi người đều cố kìm nén, nhưng bạn ấy đứng bên cạnh hát mãi, hát mãi, con thực sự không nhịn được nữa, con vừa bật cười, cả lớp cũng ồ lên cười, còn có người lén bắt chước giọng hát của bạn ấy… Kết quả là Bằng khóc nấc lên, còn trách con đầu têu cả lớp trêu chọc bạn ấy, cả ngày chẳng chịu nói chuyện với con…”. Mặc dù mẹ biết con và các bạn không hề có ác ý, nhưng đó là hành vi thiếu tôn trọng bạn bè, sẽ khiến bạn ấy tổn thương lòng tự trọng, mất đi sự tự tin. Sở dĩ giọng nói của Bằng bị thay đổi có thể là do bạn ấy đã bước vào thời kì "vỡ giọng".

Nếu con chú ý quan sát, có thể con sẽ phát hiện một số bạn nữ trong lớp cũng bắt đầu thay đổi giọng, giọng nói trở nên thanh và cao hơn; và cũng có những bạn nam, giọng nói ồm ồm như vịt đực giống như bạn Bằng. Đây lại là một biểu hiện khác của tuổi dậy thì – vỡ giọng.

Thời kì vỡ giọng thông thường bắt đầu từ 13 tuổi trở đi, kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm, thậm chí là dài hơn. Bước vào tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển của cơ thể, cho dù là con trai hay con gái, đều sẽ có những biến đổi to lớn ở hệ hô hấp như cổ họng nhanh chóng to ra, dây thanh dài ra, đồng thời thay đổi về độ dày mỏng và rộng hẹp… Sự thay đổi này khiến cho dây thanh đới của con gái từ 6–8mm tăng lên 15–18mm, còn con trai thì dài hơn một chút, do đó gây ra sự thay đổi về giọng nói và các con bước vào giai đoạn vỡ giọng. Thực ra, giọng nói của con gái không thay đổi rõ rệt lắm, nhưng trở nên thanh hơn so với hồi còn nhỏ; còn giọng nói của con trai thay đổi khá rõ rệt, trở nên trầm và ồm hơn. Trong quá trình thay đổi này, con trai phải trải qua giai đoạn “vỡ giọng”, giọng nói trở nên ồm ồm như vịt đực, ngay chính bản thân các bạn ấy cũng sẽ cảm thấy khó nghe, thậm chí e ngại phải nói chuyện với mọi người. Vì vậy, nếu đổi lại là con, khi con hát mà bị các bạn cười nhạo, bắt chước, chắc chắn con cũng sẽ cảm thấy buồn và tổn thương đúng không nào?

Con và Bằng là bạn tốt của nhau, mẹ nghĩ chắc con cũng hiểu cần phải làm gì rồi. Để thể hiện "thành ý" của mình, con có thể nói những lời mẹ viết dưới đây cho bạn Bằng nghe. Sau khi trải qua quá trình vỡ giọng, cho dù là con trai hay con gái, giọng nói hình thành sẽ theo con suốt cả cuộc đời, đây cũng là một phương diện quan trọng thể hiện phong thái của mỗi con người. Vì vậy, trong quá trình vỡ giọng, các con cần chú ý bảo vệ cổ họng của mình. Trước tiên phải uống nhiều nước (đây là vấn đề mà các con thường xuyên lơ là khi ở trường), đừng để cổ họng khô rát. Tiếp theo, hàng ngày cần ăn nhiều rau củ quả, ít ăn cay, dầu mỡ hay các thực phẩm có tính kích thích, càng không nên hiếu kì mà dính đến thuốc lá, bia rượu (nhất là các bạn nam), tránh gây ra những kích ứng không tốt lên cổ họng. Thứ ba, trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tiết thể dục, âm nhạc hoặc khi mọi người cùng vui đùa, không nên hò hét quá to, khiến cho dây thanh đới phải làm việc hết công suất, gây xung huyết, thậm chí là nứt vỡ. Cuối cùng, phải kiên trì tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cố gắng ngăn ngừa các bệnh về hô hấp, bởi vì chúng thường gây tổn hại đến cổ họng và dây thanh đới.

Con cần biết, giọng nói thanh, cao của con gái và chất giọng trầm đục của con trai chính là một “vũ khí” rất quan trọng giúp tạo nên sức hút riêng của mỗi người. Vì vậy, con cần chú ý đến những phương diện này, bảo vệ cổ họng cho tốt, giúp cho bản thân vượt qua quá trình vỡ giọng một cách thuận lợi.

Mẹ