Minh Anh thân yêu:
Lần này, trong lá thư câu hỏi có viết: “Cháu đọc được ở trong tiểu thuyết rằng, nếu màng trinh của một cô gái không còn nguyên vẹn, điều đó cho thấy cô ấy không phải là gái trinh nữa mà là một “gái hư”. Là như vậy thật sao?”. Hôm nay, chúng ta sẽ giải đáp câu hỏi thứ năm: Màng trinh là gì? Nó có tác dụng gì?
Màng trinh thực chất là một lớp màng mỏng, khoảng 1–2mm, nằm gần cửa âm đạo của nữ giới, ở giữa tấm màng này có một lỗ hổng nhỏ rộng khoảng 1–1,5cm. Hai mặt trong và ngoài của màng trinh đều là lớp màng dính ẩm ướt, có chứa các mô liên kết, mạch máu nhỏ và các đầu dây thần kinh. Độ dày, đàn hồi cùng với lỗ hổng to nhỏ, hình dáng của màng trinh có sự khác biệt ở từng người, màng trinh có thể có dạng hình tròn, hình bầu dục, răng cưa, cũng có một số hình dạng khác; có loại màng trinh có hai lỗ hổng nằm song song ở trên dưới hoặc trái phải, cũng có loại màng trinh mà trên đó phân bố rất nhiều lỗ hổng nhỏ…
Màng trinh có vai trò quan trọng trong vấn đề sinh lí ở nữ giới.
Thiếu nữ sau khi trưởng thành, kinh nguyệt hàng tháng sẽ được thải ra ngoài thông qua lỗ hổng trên màng trinh. Nếu như trên màng trinh không có lỗ hổng thì máu kinh không thể thải ra ngoài, y học gọi đây là hiện tượng màng trinh bị bịt kín. Nếu không kịp thời phát hiện, máu kinh sẽ tích tụ trong âm đạo rồi chảy ngược lên cổ tử cung và ống dẫn trứng, đi qua miệng ống dẫn trứng để chảy xuống khoang bụng, làm vỡ ống dẫn trứng, gây dính ruột, viêm nhiễm ổ bụng… Con gái ngoài 15 tuổi nếu như vẫn không thấy có kinh nguyệt nhưng hàng tháng cứ đến ngày cố định lại thấy có hiện tượng đau bụng thì nên đến bệnh viện kiểm tra xem có phải có vấn đề ở màng trinh hay không.
Vậy, không có màng trinh có được không? Như chúng ta đều biết, âm đạo của phụ nữ rất ngắn, hơn nữa khi vi khuẩn hoặc những chất bẩn ở bên ngoài đi vào âm đạo sẽ gây viêm nhiễm. Trước tuổi dậy thì, do hormone estrogen còn rất ít, niêm mạc âm đạo tương đối mỏng, độ axit cũng tương đối thấp, khả năng chống lại vi khuẩn vì thế tương đối kém. Lúc này, màng trinh có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn vào âm đạo. Sau tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển của buồng trứng, hormone estrogen trong cơ thể tăng lên, sức đề kháng của âm đạo cũng mạnh hơn, màng trinh cũng mất dần tác dụng.
Trước đây, người ta cho rằng, chỉ có những cô gái đã quan hệ tình dục thì màng trinh mới bị rách, bởi có sự xâm nhập của dương vật; vì vậy người ta thường gắn liền màng trinh với khái niệm trinh tiết, cho rằng nếu một cô gái có màng trinh không nguyên vẹn có nghĩa không còn trong trắng, không phải là "gái ngoan". Thực ra, đây là một quan điểm phiến diện, thiếu căn cứ khoa học. Chúng ta đã từng nói ở phần trên, màng trinh của mỗi cô gái là khác nhau. Ở một số cô gái, lỗ hổng trên màng trinh to, tính đàn hồi tốt, các mạch máu nhỏ trong nội mạc tương đối ít, nên cho dù có sinh hoạt tình dục rồi màng trinh cũng không bị rách, thậm chí có người mặc dù đã sinh con nhưng màng trinh vẫn còn nguyên vẹn. Những người phụ nữ này, cho dù màng trinh vẫn còn nguyên vẹn nhưng thực ra đã không phải là gái "trinh" nữa rồi. Cũng có một số cô gái do khi còn nhỏ không biết đã nhét đồ chơi vào trong âm đạo, hoặc bị vật nhọn đâm vào âm đạo, do không biết cách vệ sinh, hoặc phải đặt thuốc âm đạo để chữa bệnh… mà mất đi màng trinh, thì về thực chất họ vẫn là gái trinh. Trong xã hội hiện nay, con gái từ nhỏ đã tham gia các hoạt động thể dục thể thao, nếu màng trinh quá mỏng, thiếu tính đàn hồi, nó có thể bị rách trong khi tham gia các hoạt động mạnh như: đi xe đạp, cưỡi ngựa, thể dục thẩm mỹ…
Vì vậy, dựa vào màng trinh để nhận định về trinh tiết, nhận định một cô gái còn trong trắng hay không là một cách làm cực kì không khoa học. Nhưng con gái cũng cần phải biết cách bảo vệ bản thân, bảo vệ sự trong trắng của mình, không nên vì một phút bồng bột nhất thời mà có những hành động không nên. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhớ kĩ, đừng vì tin những lí lẽ vớ vẩn như màng trinh bị rách là không còn trinh… mà e sợ các kiểm tra âm đạo hoặc các phương pháp điều trị ở âm đạo cần thiết có thể gây rách màng trinh, từ đó né tránh đến bệnh viện điều trị khi bị bệnh, gây hậu quả nặng nề.
Mẹ