Minh Anh thân:
Hôm nay, về nhà con có nói là bạn Thanh cũng “bị” rồi, hơn nữa lần này còn đau bụng dữ dội. Mặc dù trong thời gian hành kinh, đa số các bạn nữ đều cảm thấy căng tức bụng, đau bụng hoặc đau lưng ở những mức độ khác nhau, đây là hiện tượng hết sức bình thường; hàng tháng các phản ứng của Thanh đều tương đối nhẹ, có thể là do gần đây công việc học hành bận rộn, lại thêm sự căng thẳng vì chuẩn bị hoạt động kỉ niệm thành lập trường đã khiến cho các con vất vả ít nhiều!
Tại sao trong thời gian kinh nguyệt, cơ thể lại có các phản ứng như thế? Trước khi đến ngày kinh, các cơ quan trong khung chậu sẽ bắt đầu xung huyết, đồng thời tình trạng này kéo dài cho đến khi kinh nguyệt chấm dứt. Lại cộng thêm với việc vách tử cung trong thời gian có kinh sẽ liên tục co thắt để đẩy niêm mạc tử cung đã bong ra và máu kinh ra ngoài, vì vậy trong hai ngày đầu của kì kinh nguyệt sẽ xuất hiện hiện tượng đau bụng, đau lưng. Sau đó, cùng với sự đào thải của máu kinh và niêm mạc ra ngoài cơ thể, hiện tượng xung huyết trong các cơ quan trong khung chậu đã giảm đi, cảm giác đau bụng tự nhiên sẽ dịu bớt.
Thông thường, các dấu hiệu đau bụng và khó chịu trong thời gian có kinh không cần thiết phải điều trị, cũng không ảnh hưởng đến học hành và cuộc sống. Khi bị đau bụng kinh, có thể uống một cốc nước ấm hoặc trà gừng; việc dùng túi chườm vùng bụng dưới, nằm nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng cũng có lợi cho sự đào thải các “chất thải” trong tử cung, xoa dịu cơn đau bụng. Thời tiết lạnh giá, bị ngấm nước mưa hoặc dùng nước lạnh để rửa chân và tắm cùng với cơ thể mệt mỏi quá độ có thể khiến cho hiện tượng đau bụng càng thêm nghiêm trọng, cố gắng tránh những nhân tố này có thể giúp xoa dịu sự khó chịu trong thời gian có kinh.
Nhưng cũng có một số bạn nữ có hiện tượng đau bụng dưới dữ dội, kèm theo là hiện tượng đau đầu, toát mồ hôi… đến mức không thể sinh hoạt và học tập như bình thường, đây là hiện tượng thống kinh.
Có khoảng trên 10% các bạn nữ sẽ xuất hiện hiện tượng đau bụng dưới, đau lưng dữ dội thậm chí là đau quặn thắt vào mấy ngày trước, mấy tiếng hoặc trong thời gian có kinh, nhiều lúc còn kèm theo hiện tượng buồn nôn, nôn ọe, chóng mặt, mặt xanh tái, chân tay lạnh, toàn thân ra mồ hôi, thậm chí bị ngất. Đó chính là hiện tượng thống kinh. Thống kinh có thể chia thành hai loại là nguyên phát và thứ phát. Đau bụng kinh thứ phát là hiện tượng thống kinh do cơ quan sinh dục bị nhiễm bệnh gây ra, cách giải quyết duy nhất là điều trị dứt các bệnh này. Ở đây, chúng ta sẽ không nói đến nữa. Còn đau bụng kinh nguyên phát còn gọi là đau bụng kinh mang tính chức năng, là do chức năng của cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện gây ra, thường xảy ra sau kì kinh nguyệt đầu tiên không lâu. Chứng đau bụng kinh của các bạn nữ phần nhiều thuộc dạng này, sau tuổi dậy thì, chứng đau bụng kinh sẽ giảm đi hoặc biến mất.
Đau bụng kinh nguyên phát có liên quan đến các nhân tố tâm lí, thể chất khỏe hay yếu, sự co thắt của tử cung và việc vệ sinh trong thời gian hành kinh. Những bạn nữ thường ngày hay bị căng thẳng, tương đối nhạy cảm với sự đau đớn, tâm trạng không được ổn định dễ gặp phải bệnh đau bụng kinh. Mà sự lo lắng, sợ hãi đối với đau bụng kinh lại hình thành phản xạ có điều kiện không tốt trong đại não, càng làm tăng thêm mức độ nhạy cảm đối với những cơn đau; những bạn nữ có thể chất yếu, không hay tập luyện thể dục thể thao do sức chịu đựng của cơ thể kém, dễ xuất hiện chứng đau bụng kinh. Cũng có một số bạn nữ do tử cung chưa phát triển hoàn thiện, ví dụ tỉ lệ các cơ và mô xơ mất cân bằng khiến cho sự co thắt của tử cung khi bị hành kinh trở nên không nhịp nhàng, gây ra đau bụng kinh; hoặc do cổ tử cung quá nhỏ hẹp, tử cung quá nghiêng khiến cho máu kinh khó lưu thông, kích thích tử cung co thắt dữ dội gây đau bụng. Ngoài ra, trong kì kinh nguyệt tham gia các hoạt động mạnh, không chú ý giữ ấm hoặc bị ngấm mưa gây cảm lạnh, ăn quá nhiều thực phẩm lạnh… cũng có thể khiến tử cung co thắt dữ dội.
Khi bị đau bụng kinh, trước tiên không nên quá căng thẳng, cần loại bỏ tâm lí căng thẳng và sợ hãi đối với chứng đau bụng kinh, duy trì trạng thái vui vẻ, ổn định là cách tốt nhất để khắc phục đau bụng kinh do yếu tố tâm lí gây ra. Còn có thể dùng túi chườm hoặc đắp khăn mặt ấm lên bụng, mát xa vùng bụng dưới, chú ý nghỉ ngơi đầy đủ (bạn Thanh dạo này có thể vì quá vất vả, mệt mỏi nên mới bị đau bụng kinh, vì vậy việc nghỉ ngơi với bạn ấy là vô cùng quan trọng), những phương pháp này có thể xoa dịu cơn đau một cách hiệu quả. Chúng ta đã nói chứng táo bón cũng dễ kéo theo hiện tượng đau bụng kinh. Ăn nhiều các thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa và hạn chế chứng táo bón như rau xanh, hoa quả và mật ong cũng có thể loại bỏ chứng đau bụng kinh do táo bón gây ra. Bên cạnh đó, chú ý tránh những thực phẩm lạnh và có tính kích thích, chú ý giữ ấm cơ thể cũng là một phương pháp hiệu quả chống đau bụng kinh. Nếu trong thời gian ngắn mà chứng đau bụng kinh không tự dịu đi hoặc bị đau bụng kinh trong thời gian dài thì nên đến bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ có thể cho các con sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chống co thắt hoặc một số loại thuốc có tác dụng điều trị chứng đau bụng kinh.
Tuy nhiên, chứng đau bụng kinh là triệu chứng thường gặp ở các bạn gái trong độ tuổi dậy thì. Cùng với sự phát triển đầy đủ của tử cung và hoạt động nội tiết ngày càng ổn định, đặc biệt là những người đã kết hôn, sinh con xong, chứng đau bụng kinh sẽ tự nhiên có chuyển biến tốt. Vì vậy, các bạn nữ có bị đau bụng kinh cũng không cần thiết phải quá sức lo lắng (như trường hợp của bạn Thanh), nếu không sẽ càng khiến cơ thể cảm thấy khó chịu. Khi bạn cảm thấy khó chịu, con có thể lấy giúp bạn ấy một cốc nước ấm hoặc nhờ cô giáo giúp, ngoài ra, phải nhắc bạn ấy chú ý nghỉ ngơi và giữ ấm cơ thể. Trong mấy ngày này, con cần chăm sóc cho bạn nhiều hơn một chút, vì các con là bạn thân của nhau mà.
Mẹ