Minh Anh, con yêu:
Con có nhìn thấy cuốn lịch mới mà mẹ đặt trên bàn của con không? Hôm ấy, sau khi nói cho con về chu kì kinh nguyệt, con chu môi bảo: “Cho dù là kinh nguyệt có quy luật rồi thì ai mà nhớ được ngày nào nó sẽ đến chứ?”. Nói cũng phải, ngày nào con cũng phải đối mặt với bao nhiêu nhiệm vụ học hành, làm bao nhiêu bài tập, bao nhiêu hoạt động, còn đủ “sở thích”, “đam mê” cần phải quan tâm (ví dụ như: thần tượng của con hôm nay ra sao, NBA chơi những trận nào rồi, có phim gì hay ho mới ra rạp…) muốn con phải nhớ rõ e rằng không dễ dàng. Vậy thì đành phải dùng phương pháp “ghi chép” này để ghi nhớ chu kì của con vậy.
Trước tiên, sau khi kinh nguyệt trở nên có quy luật, con có thể biết một chu kì của mình kéo dài trong bao nhiêu ngày. Như vậy, khi một chu kì bắt đầu đều đặn, con có thể tính ra thời gian của kì kinh tiếp theo. Ví dụ: chu kì kinh nguyệt của con là 28 ngày, thời gian có kinh là 5 ngày, lần này con bắt đầu có kinh vào ngày 5 tháng 3, vậy thì kì kinh kế tiếp sẽ rơi vào khoảng từ mùng 2 tháng 4 trở đi, còn từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 9 tháng 3 là thời gian hành kinh của lần này.
Tốt nhất con nên có một bảng ghi chép về chu kì kinh nguyệt. Mẹ chuẩn bị cho con cuốn lịch bàn này, con có thể dùng bút màu hoặc giấy nhớ để đánh dấu lên ngày tháng sẽ có kinh, con có thể dùng bút để ghi lên đó ngày nào “bị” nhiều, ngày nào ít, ngày nào có gì đó khó chịu… Nếu sợ bị người khác đọc được, con có thể tự quy ước một vài kí hiệu đặc biệt của riêng con. Có như vậy con sẽ không quên, không lơ mơ về thời gian của kì kinh tiếp theo nữa.
Ngoài ra, mẹ cần nhấn mạnh một điều, nhất định con phải nhớ kĩ, đó là tính chu kì kinh nguyệt là tính từ ngày có kinh chứ không phải tính từ ngày kinh nguyệt kết thúc. Đây là một sự nhầm lẫn rất dễ mắc phải, con phải cẩn thận đấy nhé!
Mẹ