Con trai của bố:
Trong bức thư này bố muốn nói đến “bốn chữ vàng” đó là “gánh vác trách nhiệm”.
Có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm gánh vác trách nhiệm mà mình cần phải gánh vác, đó chính là yêu cầu cơ bản nhất mà mỗi một con người cần phải làm được. Dũng cảm gánh vác trách nhiệm đối với con trai mà nói là một phẩm chất cực kỳ quan trọng, bởi vì cho dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, cho dù xã hội có tiến bộ, thay đổi như thế nào thì con trai luôn luôn là trụ cột trong gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, tinh thần trách nhiệm còn là một tiêu chuẩn quan trọng để xem xét một người nào đó đã trưởng thành hay chưa, vì thế muốn được người khác thừa nhận và tín nhiệm mình, đó chính là điều kiện không thể thiếu đấy.
Bố còn nhớ đã từng được đọc một câu chuyện:
“Một công ty lớn có đợt tuyển dụng. Tổng giám đốc phỏng vấn một cậu thanh niên trẻ, ông cảm thấy cậu thanh niên kia không giỏi như ông mong muốn. Vì thế ông rất khách khí với cậu trai kia. Khi cậu thanh niên đứng dậy, ngón tay không may bị cái đinh lồi lên trên ghế rạch cho một đường. Sau khi xử lý vết thương cậu thanh niên đã hỏi mượn và dùng cái chặn giấy trên bàn đóng cái đinh đó xuống, rồi mới chào và ra về. Chứng kiến chuyện đó, vị tổng giám đốc nói: “tôi biết, nghiệp vụ có thể cậu ấy không phải người giỏi nhất, nhưng tinh thần trách nhiệm của cậu ấy khiến tôi thật sự ngưỡng mộ, tôi rất tin tưởng khi giao công ty này cho những người như thế”.
Có thể thấy, tinh thần trách nhiệm là một phẩm chất vô cùng quan trọng. Tinh thần trách nhiệm của một người phải được thể hiện mọi lúc mọi nơi, từ chuyện to đến chuyện nhỏ, thậm chí nó được bộc lộ ra trong cả những khi không để ý, nó là hành động tự giác ăn sâu vào máu, khắc vào trong xương. Tinh thần trách nhiệm cũng là một tiêu chuẩn để con người ta đối nhân xử thế - người có tinh thần trách nhiệm mãi mãi là người chân thành, cẩn thận và nhiệt huyết với công việc cũng như đối xử với mọi người.
Tinh thần trách nhiệm cũng là một động lực để tiến lên, nếu muốn gánh vác trách nhiệm thì cần phải có một năng lực, khả năng tương ứng, có như vậy mới có thể kiểm soát được sự phát triển và kết quả của sự việc, mới thật sự gánh vác nổi trách nhiệm đó.
Vì thế, ngay từ nhỏ chúng ta đã yêu cầu con phải tự làm những công việc của mình, nếu như đó là việc mà con tự mình đưa ra quyết định thì cho dù có kết quả như thế nào con cũng phải tự mình đối diện với nó. Chúng ta cũng đã nói với con, việc học hành là chuyện của con, không phải là chuyện của bố mẹ, con cần phải tự mình độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề. Chúng ta còn yêu cầu con phải gánh vác một phần công việc gia đình, thậm chí còn giúp ba mẹ làm một số việc… Tất cả những cái đó đều là vì muốn con học được cách tự có trách nhiệm đối với những hành vi của mình, mà chỉ khi con có trách nhiệm với những hành vi của mình thì mới có thể có được tinh thần trách nhiệm với gia đình, với tập thể, với xã hội.
Con dần dần trưởng thành, con sẽ có những năng lực lớn hơn, có nhiều cơ hội để học hỏi hơn, và sẽ phải gánh vác những trách nhiệm ngày một nhiều hơn, nặng nề hơn. Phải làm thế nào bố nghĩ chắc con đã hiểu.
Bố của con.